You are here

Từ vụ án giết người đổ bê tông: “Nói tự tử vì tập PLC là bôi nhọ và bịa đặt”


Anh Linh Phan, (áo xanh) người hàng ngày vẫn làm việc thiện nguyện trên tinh thần một học viên PLC

 

Từ vụ án giết người đổ bê tông tại Bình Dương vào 16-5-2019, cái tên Pháp Luân Công (PLC) được nhắc đến như một ám chỉ là nguyên nhân của vụ án. Suốt nhiều ngày liền, bị ảnh hưởng của nhận định mơ hồ và ác ý này, nhiều người đã xì xầm, lo ngại về sự tồn tại của PLC. Không ít người theo môn khí công này đã cảm thấy tổn thương vì thông tin như vậy, nhất là khi nhiều tờ báo ăn theo sự kiện này cũng nói xa, nói gần về chuyện này như một cách để thu hút độc giả.

Mới đây, trên bài “Vụ “thi thể trong bê tông”: Nhiều thông tin bị để ẩn?” đăng trênbáotrithucvn.net (25-5-2019) lại tiết lộ việc gắn cái tên PLC vào vụ án này, là một âm mưu.

Từ sự kiện này, anh Linh Phan, một thành viên của PLC tại Việt Nam, đồng thời là người vận động truyền thông cho PLC nhận định về ý kiến “đặt tên” cho vụ án xác đổ bê tông tại Bình Dương là liên quan đến môn khí công này từ báo chí Nhà nước.

 

Linh Phan:

 

  • Chào anh Tuấn Khanh, rất vui vì buổi phỏng vấn ngày hôm nay! Trước hết tôi xin chia sẻ rằng việc tôi xuất hiện trên truyền thông để nói rõ sự thật về những bôi nhọ đối với môn tập Pháp Luân Công xuất phát từ nguyện vọng của cá nhân tôi, tôi tập luyện Pháp Luân Công đã gần 8 năm và do đó tôi cảm thấy mình không thể im lặng khi nhìn thấy thanh danh của một bộ môn tập luyện tôi biết rất tốt cho mọi người bị hủy hoại vì những động cơ xấu của một nhóm lợi ích nào đó.
     
  • Liên quan đến vụ hung án đã xảy ra tại Bình Dương, tôi theo dõi thì thấy bản tin về vụ án này được đăng đầu tiên trên báo Công an nhân dân vào ngày 18-5,có nhắc đến Pháp Luân Công trong bài viết này. Nhưng sau đó, đã gỡ tên Pháp Luân Công ra khỏibài viết. Sau đó trang baovephapluat.vn của VKSND Tối cao có đưa tin này, nói rằng phóng viên đặt câu hỏi (rất lạ trong cách đặt vấn đề) là cái chết này có liên quan đến giáo phái nào không thì đại diện Ban chuyên án từ chối trả lời. Nhưng sau đó nữa lại xuất hiện thông tin trên các trang báo rằng nhóm nghi can “tu luyện Pháp Luân Công”. Tuy nhiên, lại không có bằng chứng xác thực nào chứng minh được điều đó. Đồng thời, các nghi can cũng không giao du với những người dân xung quanh, còn những người dân học Pháp Luân Công sinh sống gần ngôi nhà mà các nghi can đã thuê cũng cho biết rằng họ đã làm việc với bên Công an huyện Bàu Bàng, Bình Dương, xác nhận rằng họ không hề biết những nghi phạm cho đến khi người dân phát hiện các thi thể. Ngoài ra, việc nhịn ăn, sống tách biệt với cộng đồng, rời bỏ nhà cửa, thoát ly khỏi gia đình không phải là điều được hướng dẫn trong sách của Pháp Luân Công.

 

Vì sao, ngay sau đó có những lời phản bác từ các người tập PLC tại VN, cũng như từ trang truyền thông New Tang Dynasty Television về việc này, anh có thể cho biết lý do từ phía người tập PLC tại VN?

 

Linh Phan:

 

  • Đơn giản đây rõ ràng là những thông tin vu khống và bôi nhọ về Pháp Luân Công. Cách đây mấy ngày, trên trang vn.minghui.org, tức Cổng thông tin của các học viên Pháp luân Đại pháp có ra một thông tri, nhấn mạnh rằng Pháp Luân Công cấm việc sát sinh và tự sát. Cụ thể trong bài viết có trích dẫn lời của người sáng lập Pháp Luân Công là Sư phụ Lý Hồng Chí, nói rằng người luyện công không được sát sinh và tự sát là có tội. Vậy thì một người tập luyện Pháp Luân Công chân chính không có chuyện tự sát. Tôi muốn khẳng định thông tin này, để từ nay không có bất kỳ sự xuyên tạc nào.

    Chính vì vậy, nói rằng tự tử vì tập luyện Pháp Luân Công là sai sự thật.

    Nói về vấn đề tự sát, thìđó là vấn đề cá nhân, chứ không thể là áp đặt vào môn tập, đức tin hay tín ngưỡng, tôn giáo.

 

Nhưng lâu nay, những thông tin và cách nói về PLC ở VN đang ngày càng có cái nhìn tiêu cực trong truyền thông nhà nước. Theo anh, đây có phải là một dấu hiệu kỳ thị tôn giáo không? Anh giải thích sao về những lần các nhóm luyện tập PLC bị sách nhiễu, bị tấn công bởi người được nhà nước sai phái đến?

 

Linh Phan:

 

  • Thú thật ở vị trí là một công dân tôi không thể nói rõ hay chính xác quan điểm của nhà nước.

    Bản thân tôi tập luyện Pháp Luân Công ở quận 9, vào tháng 11 năm ngoái đã có một nhóm côn đồ xuất hiện và không cho chúng tôi tập. Sau đó, tôi và một học viên khác là anh Nguyễn Minh Tuấn đã lên công an quận 9 để trình báo. Sau đó thì sự việc cũng giảm nhiệt dần và không thấy nhóm côn đồ đó xuất hiện nữa.
     

Những điểm tập Pháp Luân Công ở chỗ khác cũng gặp tình trạng tương tự, rồi trình báo, rồi cũng gửi đơn thưa, phản ánh, khiếu nại, tố cáo,v.v… rồi cũngkhông thấy côn đồ nữa.
 

Vì vậy, khó mà kết luận được đây có phải là ý chí mang tính hệ thống hay mệnh lệnh cấp Nhà nước. Vì ngay sau khi bị các nhóm côn đồ hành hung và quấy rối - mà tôi tin là có sự tác động từ Đảng cộng sản Trung Quốc – thì chúng tôi trình báo với mọi cấp chính quyền. Sau đó thì không thấy bọn côn đồ đó xuất hiện nữa. Chính vì vậy, ngay tại công viên Tao Đàn ở Saigon, mọi học viên Pháp Luân Công vẫn sinh hoạt ở đây vào các buổi sáng và buổi chiều tối bình thường mặc dù trước đây đã từng bị quấy rối rất căng.
 

Nhưng tôi tin vẫn có một số người trong chính quyền hiện nay bị Đảng cộng sản Trung Quốc thao túng, tức là “nhóm người có lợi ích” tôi nói lúc nãy, đã cố gắng gây ảnh hưởng bằng cách nào đó để làm khó các học viên Pháp Luân Công, tuy nhiên khi sự việc đó diễn ra, bị tố cáo, bị phơi bày thì mọi việc cũng giảm dần và kết thúc. Chuyện Trung Quốc cài người, cài mật vụ vào Việt Nam để phá hoại cũng không có gì xa lạ bởi đương thời khi còn tại chức, ông Trương Giang Long khi đó là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đã từng nói đến việc này trong một lớp đào tạo cán bộ nguồn.

 

Mới đây, báo Thanh Niên – được coi là một tờ báo lớn ở VN - cũng có bài, bồi thêm các thông tin như vậy, có tên “Những biến tướng của PLC”, mô tả về môn khí công này như một loại mê mị tinh thần…

 

Linh Phan:

 

  • Theo tôi thấy nội dung bài viết Thanh Niên đăng lúc 14:06 chiều ngày 22/05/2019 hoàn toàn là sai sự thật.
     

Tác giả đưa tin từ nhiều nguồn tin lẫn lộn trong nước, ngoài nước và cả từ báo đài Trung Quốc. Có nhiều điều là sai sự thật và có thông tin tôi không biết đến. Chẳng hạn, tôi thấy tác giả đưa tin về một vụ việc hình sự “mẹ giết con” rất tàn khốc mà theo Thanh Niên thì nó xảy ra tại Mỹ, nhưng cho đến hiện giờ thì tôi không biết được là những thông tin này nguồn kiểm chứng sự xác thực của nó ở đâu? từ Trung Quốc hay sao? Trang Epoch Times vào tháng 01/2017 đã có bản tin nói rằng truyền thông Trung Quốc xuyên tạc, bịa đặt Trần Minh Minh - người sát hại con gái của mình - là học viên Pháp Luân Công. Theo như phóng viên điều tra, Trần Minh Minh không phải là học viên Pháp Luân Công và đã mạo danh học viên Pháp Luân Công để xin tỵ nạn và Tòa án Liên bang Mỹ đã từ chối, bác bỏ đơn của Trần Minh Minh vì thân phận không đáng tin cậy, nói thẳng ra Trần Minh Minh không phải là học viên Pháp Luân Công. Những vụ việc hình sự tại Mỹ nếu có đủ chứng cứ thì sẽ bị các cơ quan hữu quan có trách nhiệm ở Mỹ xử lý, ví dụ mà tôi biết đến là vào năm 2016 truyền thông rầm rộ đưa tin về việc một Danh hài Việt Nam được mời sang Mỹ biểu diễn cuối cùng lại bị bắt và giam giữ vì tội xâm hại tình dục trẻ em. Cũng nhân tiện nhắc đến một vụ tương tự ở trong nước mà hiện giờ không biết đã xử lý thế nào là vụ của một Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát. Người ta cũng thắc mắc là sao Mỹ thì nhốt ngay mà ở đây lại rất “từ tốn”.  Như vậy cho thấy rằng pháp luật bên Mỹ có lẽ rất nghiêm.
 

Vậy nên, tôi thấy rằng câu chuyện mà Báo Thanh Niên đăng tải mang đầy định hướng của truyền thông Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ, giới chức trách Mỹ đã xử lý vụ án hình sự một cách độc lập và nghiêm minh, không hề liên quan đến Pháp Luân Công cũng như không dựa theo những gì nghi phạm đã từng học hay đã từng tham gia chức vụ, đảng phái chính trị nào. Tuy nhiên, thực tế có một sự thật cần phải nhấn mạnh là hàng năm, cả hai Chính phủ Mỹ và Canada đều đã gửi rất nhiều bằng khen và lời khen ngợi dành cho môn tập luyện Pháp Luân Công vì nguyên lý tu dưỡng đạo đức theo Chân - Thiện - Nhẫn cùng lợi ích sức khoẻ thiết thực, hữu quan mà Pháp Luân Công mang lại cho cộng đồng. Cụ thể Giới chức trách nhiều bang ở Mỹ đã công nhận Ngày 13/5 hàng năm là Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, như thị trưởng của Thành phố Albany, Thủ phủ của bang New York, vừa rồi đã có nghị quyết công nhận ngày 13/5/2019 là Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới tại Albany.

Trở lại với bài báo của báo Thanh Niên, tôi không hiểu vì sao báo Thanh Niên lại có những bài viết đăng tải lại các thông tin mang đầy tính định hướng từ truyền thông Trung Quốc như vậy? Tôi không rõ vì sao báo Thanh Niên lại chọn cách tiếp cận từ truyền thông Trung Quốc?! Trong khi đó, nếu muốn nói về Pháp Luân Công thì ngoài kia không thiếu các nguồn tin khác có độ đáng tin cậy cao khi xét đến tính trung thực của nhà báo, như loạt bài của phóng viên Ian Johnson từ The Wall Street Journal điều tra về chiến dịch đàn áp vô nhân đạo lên Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc đã đoạt giải Pultizer ở hạng mục phóng sự quốc tế, đây cũng là giải thưởng cao nhất của ngành báo chí thế giới. Rồi gần đây nhất trước khi Thanh Niên đăng tin sai sự thật như vậy thì hôm Thứ Hai 20/5 vừa rồi, FOX NEW 11 của Mỹ đã công bố hẳn phóng sự điều tra của họ trên sóng truyền hình về chiến dịch đàn áp tàn khốc lên Pháp Luân Công của ĐCSTQ, họ còn phỏng vấn những học viên Pháp Luân Công là nạn nhân bị truyền thông Trung Quốc vu khống, bôi nhọ như thế nào.

 

Trước đây, ông Nguyễn Đức Chung, với vị trí là chủ tịch thành phố Hà Nội, cũng từng lên tiếng chỉ trích PLC. Nhưng việc nói xa nói gần, gây khó, thậm chí cố ý truyền tải những thông tin bôi nhọ PLC lên các trang tin tức vẫn diễn ra. Điều đó được các học viên PLC đối phó ra sao?

 

Linh Phan:

 

  • Tôi  biết rằng một số báo chí Việt Nam từng đưa tin ông Chung nói A nói B về Pháp Luân Công, còn việc ông ấy có nói như vậy hay không hoặc phát ngôn ở tư cách là quan điểm cá nhân hay quan điểm của Hà Nội thì cần làm rõ, tuy nhiên nếu thật có nói như vậy tôi cho rằng đó là sự thiếu hiểu biết của cá nhân ông Chung. Trên Thế giới, chỉ Đảng cộng sản Trung Quốc mới có hẳn chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công trong và ngoài Trung Quốc Đại Lục. Và mọi người ai cũng biết Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào. Tôi không khẳng định chính quyền Việt Nam có chính sách đàn áp Pháp Luân Công, tôi cũng không thấy có văn bản pháp luật cụ thể nói rằng hạn chế hay đàn áp Pháp Luân Công. Tuy nhiên, thực tế xuất hiện những “văn bản mật” trên mạng xã hội nói về việc hạn chế Pháp Luân Công tại Việt Nam, tôi cũng có ghi nhận những văn bản như vậy nhưng tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam sẽ không có lợi ích gì trong việc đàn áp Pháp Luân Công.

    Thực tế thì chính quyền Trung Quốc đã xuất khẩu chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công ra khỏi Trung Quốc và gần đây họ cũng đối diện với áp lực ngày một nhiều hơn từ xã hội quốc tế do tôi ác tự họ gây ra tại Trung Quốc, không chỉ là sự lên tiếng ngày càng nhiều đến từ các tổ chức nhân quyền và các kênh truyền thông Quốc tế dòng chính, hiện nay ở Quốc hội các nước, như Quốc hội Mỹ, Nghị viện Châu Âu, ngay cả tại Vương Quốc Anh nơi có chính phủ khá là thân thiện với Trung Quốc, vừa rồi họ cũng tổ chức Hội nghị bàn tròn tại Quốc hội tập trung vào tội ác thu hoạch nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn. Tôi nghĩ trong những năm qua Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn để khiêu khích chính quyền Việt Nam đàn áp Pháp Luân Công, chẳng hạn sự kiện năm 2014 đột nhiên xuất hiện trên truyền thông một nhóm mặc áo vàng do một người tên Nguyễn Doãn Kiên dẫn đầu, giả mạo học viên Pháp Luân Công thông báo ngày tháng cụ thể sẽ vác búa đến đập lăng ông Hồ Chí Minh, rất may là nhiều người trong cộng đồng tập Pháp Luân Công đã lên tiếng về sự giả mạo này, và kết quả là không có những phản ứng tiêu cực nào từ phía Chính quyền sau sự kiện đó, nghĩa là tại thời điểm đó, những lãnh đạo nhiệm kỳ đấy họ có thể phân biệt được đúng - sai và họ đã từng không mắc bẫy Trung Quốc tham gia vào cuộc đàn áp đối với những người tập Pháp Luân Công Việt Nam. Tôi tin rằng tại thời điểm mà sức mạnh kinh tế và sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang suy yếu vì cuộc thương chiến và trước áp lực quốc tế ngày càng tăng như hiện nay, Trung Cộng muốn dịch chuyển áp lực và sự lên án của xã hội Quốc tế đối với tội ác diệt chủng người tập Pháp Luân Công sang cho Việt Nam. Điều kiện cần là Việt Nam cũng đàn áp Pháp Luân Công như Trung Cộng và nếu như Việt Nam tham gia vào chiến dịch này tôi nghĩ là sẽ dẫn đến những hệ luỵ không đáng có, chẳng hạn vào tháng 09/2018, 32 nghị viên của Nghị Viện Châu Âu - cũng chính là cơ quan từng lên án tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCS Trung Quốc năm 2012 - đã ký thư ngỏ nêu các quan ngại nghiêm trọng của họ về tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam và kêu gọi chính quyền Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) được đưa ra bỏ phiếu. Kết quả là Hiệp định này đã không được phê chuẩn mà theo nhiều nhận xét là vì lý do nhân quyền cản trở. Tôi không nghĩ là Việt Nam lại muốn làm hồ sơ nhân quyền của mình trở nên tồi tệ hơn bằng cách giúp Trung Cộng đàn áp Pháp Luân Công, trong khi chắc chắn rằng họ không có được lợi ích nào trong việc này.

    Nhưng tôi nghĩ một nhóm cá nhân nào đó có lợi ích liên quan với Trung Cộng đang cố gắng thúc đẩy việc này, điển hình là những gì đang xảy ra tại tờ báo Thanh Niên, họ đang cố gắng gán ghép vụ hung án xảy ra tại Bình Dương cho môn tu luyện Pháp Luân Công, dù nội dung Pháp Luân Công cấm chỉ tự sát và sát sinh. Vậy thì những người có trách nhiệm trong Chính quyền cần cảnh giác đối với những nhóm người này.

    Bên trên anh có hỏi các học viên Pháp Luân Công đối phó ra sao thì tôi không thể đại diện cho họ để nói được vì tôi cũng chỉ là một cá nhân, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, dù ở trong hoàn cảnh nào hành xử theo luật pháp quốc gia là hiệu quả. Trong các cơ quan quản lý nhà nước có người này người kia, người tốt người xấu đủ cả, mình có thể gửi đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo,v.v.. phù hợp theo từng trường hợp cho những người có trách nhiệm.Những người có lương tri họ sẽ giải quyết. Mặc dù không phải trường hợp nào cũng được giải quyết,thực tế là mấy năm trước đây đã từng có những kênh truyền thông đăng bài bôi nhọ Pháp Luân Công như Báo Gia Lai và Đài Truyền hình Công an Nhân dân ANTV, nhưng sau khi bị người dân gửi đơn thưa một thời gian, cả hai cơ quan truyền thông nhà nước này đều phải gỡ bài xuống. Còn hiện nay bằng chứng về những bài viết sai sự thật trên các tờ báo như Thanh Niên hiện vẫn còn đó, có thể một số người dân tập Pháp Luân Công họ sẽ phản ánh vụ việc đến với các cơ quan có trách nhiệm.

    Trước những trường hợp có tính cách bôi nhọ, bịa đặt về Pháp Luân Công trước nay, với tư cách là một người tập luyện theo Pháp Luân Công, tôi khẳng định những ai tu dưỡng đạo đức theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công thì không thể làm hại ai, hay làm hại chính bản thân mình. Tại Việt Nam, Pháp Luân Công không có tổ chức, không có hình thức ghi danh nên bất cứ ai cũng có thể tự nhận mình là người tập Pháp Luân Công, tuy nhiên người đó có tập Pháp Luân Công thật hay không thì phải nhìn vào cách hành xử của người đó có đúng với Chân - Thiện - Nhẫn hay không và có tuân thủ các lời dạy của vị Sư phụ sáng lập như “nghiêm khắc tuân thủ pháp luật Quốc gia” hay không!

    Nhân tiên đây, nếu bạn độc giả nào ở Việt Nam muốn tìm hiểu nhiều hơn về Pháp Luân Công thì có thể liên lạc với tôi qua số điện thoại 0902845721 hoặc search các địa điểm tập Pháp Luân Công tại Fan Page “Tập luyện Pháp Luân Công” trên Facebook. Tại các vùng khác ở nước ngoài thì có thể vào mục “Liên lạc” của trang vi.falundafa.org để tham khảo.

(Tuấn Khanh ghi)