You are here

Chuộng đồ lỗi thời…có phải là tâm lý?

Tôi gọi Backstreet Boys là nhóm nhạc lỗi thời, vì các “cậu trai” này bây giờ đã là những quý ông, đã đến lúc phải nghĩ đến đường hướng khác, chứ cứ “teen cộng” mãi như thế, chẳng ai muốn nghe nữa, cũng dễ hiểu. Vậy mà, việc họ xuất hiện vừa rồi tại Việt Nam cũng làm sôi động đủ chuyện, thế là do đâu?
 
1.
Việt Nam sau 1975, có một dạo nhiều ca sĩ và ban nhạc đến biểu diễn như Patricia Kass (năm 1994), Bryan Adam (1994), Lê Minh (1995), Boney M (1995), Sting (1996), Michael Learn To Rock (1997), Air Supply (1997), The Moffatts (1999)… rồi cả John Denver, Jean- Jacques Goldman, Leo Sayer… Đặc điểm chung của việc xuất hiện này là các tên tuổi ấy đã sắp hết thời ở bản xứ.
 
Nhìn vào danh sách tôi vừa kể, nếu tinh ý, chúng ta cũng có thể thấy nhiều nhóm đến Việt Nam biểu diễn xong là về rã đám hoặc giã từ sân khấu luôn. Thậm chí, có ý kiến ác mồm nói rằng xứ này có huôn, tài năng đến biểu diễn là bị tiêu diệt luôn. Nghe thế, có lúc Carlos Santana đã định sang, rồi “sợ quá”, lại thôi.
 
Trong khi các nước lân cận như Thái Lan, Philippines, Singapore… thì hầu như tuần nào cũng có nghệ sĩ danh tiếng đến kiếm tiền, về nước họ vẫn nổi như cồn. Nói như vậy, tôi không có ý cầu cho Backstreet Boys sẽ tan rã và Bob Dylan sẽ hết huyền thoại, vì việc họ sang Việt Nam - ở đây giống như trạm cuối của cuộc đời biểu diễn.
 
2.
Việc ưu chuộng những tên tuổi lỗi thời có thể do mấy lý do. Khi đang nổi tiếng, các tên tuổi này không nghĩ đến Việt Nam; hoặc giả Việt Nam có muốn mời, họ cũng không đến. Cho nên, Việt Nam đành dùng hàng lỗi thời để tự an ủi, cũng dễ hiểu. Mà khi dùng riết hàng lỗi thời, đâm ra nghiện và trở thành tâm lý ứng xử.
 
Trong khi, số tiền mời Backstreet Boys có thể mời được hàng chục nhóm nhạc tiền phong, thể nghiệm đang âm thầm sáng tạo ở nhiều nơi trên thế giới đến biểu diễn, lỡ như sau này họ thành công, nổi tiếng… thì mình còn được tiếng có mắt phát hiện. Nhưng Việt Nam không thích làm bà đỡ như thế, vì ở xứ này vừa thích sự nổi tiếng nhưng vừa ngại sự mới mẻ, tiến bộ.
 
Mà nói chi đến chuyện một nhóm nhạc lỗi thời, ngay cả các trường phái, chủ nghĩa trong các lĩnh vực, Việt Nam cũng chỉ thích dùng đồ lỗi thời cho an toàn, bớt trách nhiệm.
 
Trong suốt thế kỷ 20 và 10 năm đầu của thế kỷ 21, các mâu thuẫn lớn nhỏ trong xã hội Việt Nam đều bắt nguồn từ việc một số người mê cái mới, mê sự tiến bộ… làm cho nhà cầm quyền và đa phần xã hội bài xích họ. Từ tư tưởng toàn cầu hóa của Nguyễn Trường Tộ, tinh thần bất bạo động của Phan Châu Trinh, tinh thần phản biện của Phan Khôi… cho đến việc các blogger kêu đòi tự do, dân chủ, nhân quyền… cũng biểu hiện cho sự cầu tiến, muốn cộng đồng tốt đẹp hơn. Nhưng đâu có dễ thành hiện thực, cái gì lỗi thời, bảo thủ hơn… thì còn có cơ may tại xứ này.
 
Còn nhớ, khi phong trào quốc tế vô sản và chủ nghĩa công sản nổ ra trên thế giới, Việt Nam lúc ấy, qua một nhóm người, đã phá lệ để theo cái mới ngay lập tức. Công bằng mà nói, lúc ấy là cầu sự tiến bộ. Thế nhưng, khi phần lớn các nước (sau một thời gian ngắn sử dụng và thể nghiệm), thấy nó không phù hợp, một kiểu tiến bộ trá hình, một kiểu lỗi thời được trang điểm lại… họ đã bỏ đi, thì Việt Nam vẫn cố giữ. Sự cố giữ này chắc phải xuất phát từ thói quen, từ âm lý chuộng đồ lỗi thời, nếu không phải, thì do đâu?
 
Cho nên, trở lại chuyện Backstreet Boys hay Bob Dylan (thời quá vãng) sang Việt Nam biểu diễn với giá vé lên đến chục triệu đồng, nhưng vẫn được ưa chuộng, âu cũng là điều dễ hiểu. Và qua một biểu hiện cụ thể như vậy, đương nhiên cũng cho thấy một tổng thể lỗi thời đang ì oạch lê bước trên một con đường không giống ai và không thể kết nối.
 
——————- *Đây là trang Blog cá nhân của Viết với Nhau . Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

Bài bình luận

Chính xác !