Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua quy định không phân biệt bằng cấp loại hình đào tạo Tại chức hay Chuyên tu… với đào tạo chính quy dài hạn đã làm cả xã hội dấy lên những thắc mắc và phản ứng.
Chuyện cũ kể lại
Thời tôi còn đi làm nhà nước ở công ty xây dựng của ngành Bưu điện. Thời đó, Bưu điện là một ngành “độc quyền toàn diện và sâu sắc”. Tất cả mọi thứ đều theo “kế hoạch phân bổ” từ con người, sản xuất, giá cả, đầu tư…
Còn nhớ thời đó, để mắc một chiếc điện thoại cố định, giá của nó là cả vài cây vàng. Mỗi phút điện thoại viễn liên sang Mỹ có giá là 3,84 đola. Điều hẳn nhiên của độc quyền là tiền đổ về cứ như chuyện đùa khi mà đơn giá ngành tự lập nên và thực hiện, kế hoạch ngành tự vạch ra và giao xuống. Và xã hội khi đó coi chuyện độc quyền là tất yếu mà không hề có băn khoăn.
Chính vì chế độ bao cấp, nên con người được chọn vào cơ quan không hẳn là vì trình độ, tài năng mà quan trọng nhất là “con ai, bố nó làm gì, mẹ nó là ai…”.
Bởi Công ty làm việc ra sao, hiệu quả như thế nào thì tất cả đều theo kế hoạch, vốn nhà nước cấp, việc nhà nước giao, giá nhà nước quy định… cứ thế là làm.
Thế nên việc có người tài, người giỏi vào cơ quan chưa hẳn đã là cần thiết. Bởi tài, giỏi chỉ rách việc do ít khi chịu cúi đầu và vâng lời mù quáng, ít khi câm lặng trước những điều không thể câm lặng.
Cả cơ quan, trừ Giám đốc và Phó Giám đốc là bạn với nhau học từ nước ngoài, còn lại hệ thống từ Bí thư đảng ủy, các trưởng phòng, phó phòng… hầu hết là tốt nghiệp chuyên tu và tại chức, hoặc học theo hệ “vừa học vừa làm”.
Con, cháu ban giám đốc thì được ưu tiên đưa vào cấp tập khi có người. Bắt đầu từ làm công nhân, lái xe, tạp vụ… rồi cho đi học tại chức, rồi bổ nhiệm lên đội trưởng, rồi về văn phòng làm phó phòng, trưởng phòng. Ngoài ra là các “đối tác” là con cái các Giám đốc, trưởng ban, trưởng phòng nơi này nơi khác từ các bưu điện tỉnh, thành gửi đến lấy chỗ làm việc. Cơ quan như một trại tị nạn từ muôn phương nhằng nhịt với các mối quan hệ của giám đốc công ty. Cái người cầm đến xin việc không phải là hồ sơ mà là thư tay, cuộc điện thoại hoặc người giới thiệu.
Phần còn lại, những người học chính quy, tốt nghiệp dù là loại ưu hay bình thường, đều là nhân viên, cao nhất cũng chỉ đến chức đội trưởng.
Khỏi phải nói về việc kinh doanh và sản xuất sẽ có những điều gì khó khăn, rắc rối khi hệ thống “chuyên tu và tại chức” này đi vào làm việc.
Xuất thân từ công nhân, lao động tạp dịch nên sau khi được đưa đi “đào tạo tại chức” về bổ nhiệm, thì đa số tỏ ra rất oách và ra oai với cấp dưới, nhiều khi rất kệch cỡm và nhố nhăng, nhất là những khi họ thể hiện trình độ nhằm để lấp đi cái mặc cảm “chuyên tu, tại chức” dù không ai nói ra.
Điều oái oăm, là các cán bộ thường ra oai với cấp dưới bằng những ngôn từ của lớp công nhân lao động nặng nhọc đã nhiễm vào máu. Những từ như “ngu, dốt” được đem tặng cho nhân viên không hạn chế, nhất là những khi có khách khứa đến liên hệ công tác.
Thế nhưng, oái oăm hơn, là hầu hết các cán bộ dưới quyền đều im thin thít mỗi khi được tặng những “danh hiệu” không mấy tốt đẹp, thậm chí nhục mạ. Bởi được nhận vào cơ quan nhà nước bao cấp và sản xuất theo kế hoạch có mức lương khá cao đã là may mắn và nhiều khi là ân sủng.
Một lần, Trưởng và Phó phòng của tôi tiếp khách sai một nhân viên là Kỹ sư Xây dựng, học giỏi từ hệ chính quy, một công việc gì đó, và chỉ vài phút sau là tôi đã nghe thấy ông ta quát ầm lên rằng: “Mày ngu, dốt…” Cả khách và cả phòng ngơ ngác trước sự ra oai của Phó Phòng.
Tôi bực mình đứng dậy trả lời hộ anh bạn:
- Tôi thường thấy từ ngu thường chỉ để chỉ súc vật chứ con người bình thường ít khi dùng từ ngu. Huống chi nó là kỹ sư hẳn hoi sao bảo nó ngu là sao? Mặt khác, trong thực tế người ta thường bảo: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. mà ở cái cơ quan này, từ Trưởng, Phó phòng và cán bộ trở lên toàn loại chuyên tu, tại chức.
Này nhé, như anh là Tại chức, Trưởng phòng là “vừa học vừa làm”, Trưởng, phó phòng Hành Chính, Tài vụ, Kế Hoạch, Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chánh văn phòng đều là tại chức, còn Phó Giám đốc kiêm Trưởng Phòng xuất nhập khẩu thậm chí chẳng học gì sau khi đi xuất khẩu lao động nước ngoài về. Còn chúng tôi ở đây toàn kỹ sư chính quy, đào tạo dài hạn và học tập kết quả xuất sắc, sao anh bảo nó ngu?
Cả phòng cười như vỡ chợ và chỉ mấy phút sau, cả văn phòng chuyền tai nhau câu chuyện “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”.
Ông ta im bặt, và từ đó về sau, cứ mỗi lần dù nóng đến đâu, từ ngu, dốt anh ta dùng đến.
Kể lại câu chuyện này,để thấy rằng hệ đào tạo chuyên tu, tại chức được sử dụng trong thực tế ra sao dưới chế độ và nền kinh tế “định hướng XHCN”.
Vì sao cần chuyên tu và tại chức?
Có thể nói, trên thế giới có nhiều loại hình đào tạo khác nhau, nhằm đảm bảo cho người có nhu cầu và khả năng học tập được cơ hội để học hành. Đó là điều hết sức chính đáng. Bởi không phải ai cũng có những điều kiện như nhau về nhiều mặt như hoàn cảnh, công việc, tuổi tác, địa lý, kinh tế… tác động.
Do vậy đào tạo Chuyên tu, Tại chức hay “vừa học vừa làm” cũng là điều cần thiết, miễn là mỗi cá nhân sau quá trình học tập đó tích lũy cho mình được một vốn kiến thức nhất định để phục vụ xã hội.
Thế nhưng, ở Việt Nam thời cộng sản, điều đó có một ý nghĩa rất khác, thậm chí trái ngược với thông thường.
Hệ thống đào tạo tại chức, chuyên tu vốn đã từng bị cả xã hội kêu ca, phàn nàn về chất lượng đào tạo. Bởi từ cách tổ chức, chương trình tuyển sinh, đào tạo lỏng lẻo và kém chất lượng.
Thậm chí nhiều người đã từng kêu gọi bãi bỏ những phương pháp đào tạo được mệnh danh là “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” này.
Với chế độ chính trị hiện nay, nguồn cán bộ phần lớn được xác định từ “con ông cháu cha” được coi là “hồng phúc của dân tộc” – Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM.
Thế nhưng, khốn nỗi là con ông cháu cha thường sớm trở lại với cội nguồn xuất phát của nó, nói theo ngôn ngữ dân gian là “sớm lại giống” nền đầu óc không được thông minh, mẫn tuệ mà chủ yếu là thừa hưởng những mưu đồ, những tư duy của bần nông, của “giai cấp tiên phong” là chính. Bởi cha ông nó xuất phát từ những thành phần Công nông liên minh, chỉ có “mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản” mà lên đến chức nọ chức kia trong hệ thống chính trị Cộng sản. Rồi con cái họ lại tiếp tục phè phỡn trên đống của cải cướp được, thì đầu óc đâu có thể học hành.
Thế nên, việc con cái cán bộ học hành chăm chỉ, có đầu óc thông minh, sáng suốt là vô cùng khó khăn và việc trang bị cho mình tấm bằng chính quy có chất lượng là điều không dễ dàng.
Xã hội Việt Nam đi từ chỗ coi “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, coi sinh viên thuộc thành phần Tiểu tư sản, theo Mao định nghĩa “Trí thức như cục phân”, rồi đi ngược lại khi sính bằng cấp đủ mọi cách và coi như một lá bùa để hộ mệnh. Dù đó là bằng cấp có được từ bất cứ cách nào, nguồn nào mà không hề coi trọng thực chất hàm lượng tri thức trong đó, thì việc trang bị cho mình, cho con cháu mình một tấm bằng với loại hình đào tạo tượng trưng là điều hết sức cần thiết.
Do vậy, việc đào tạo Tại chức, Chuyên tu, thậm chí cả đào tạo dài hạn đã bị thay đổi về khái niệm, nội dung và nở rộ như nấm sau mưa.
Rồi hàng loạt các trung tâm tại chức, chuyên tu cũng như các trường đại học mọc lên khắp nơi, khắp chốn, từ cấp Trung ương, phát triển đến cấp Tỉnh, Thành phố và với tinh thần này, thì chắc sẽ có Trường Đại học cấp… xã.
Cũng vì vậy, khắp nơi người ta mới phát hiện ra hiện tượng không học cấp 2, cấp 3, nhưng có thể học xong đại học và thậm chí Thạc sĩ, Tiến sĩ… Đến khi bị phát hiện mới về học lại cấp 2 để bổ sung, hoàn thiện bằng cấp.
Điều oái oăm ở đây, là nhiều trường Đại học mà đầu vào chỉ có 3, 4 điểm. Thế rồi cũng đào tạo dài hạn hẳn hoi trong một hệ thống gọi là Trường Đại học, nhưng giáo viên đi thuê, chương trình chắp vá, học hành chệch choạc… để rồi cuối cùng đổ ra xã hội một đám người “dở thầy, dở thợ”.
Rất nhiều trong số đó, sau khi ra trường đã phải xé bằng để đi học lại làm công nhân.
Thế nhưng, cũng trong đám đó, con ông cháu cha lại chễm chệ ngồi lên ghế lãnh đạo, lại là “tinh hoa dân tộc, miễn là sau khi có được một tấm bằng.
Thậm chí, cái bằng tại chức của Trần Đại Quang cũng đã góp phần đưa ông ta leo lên đến chức Bộ Trưởng rồi Chủ tịch nước.
Trong khi đó, các cử nhân thủ khoa, học từ nước ngoài về hẳn hoi lại trở về nhà chăn lợn, đi xuất khẩu lao động làm nô lệ ở nước ngoài.
Những nghịch lý ấy vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam, trong ngành giáo dục – một ngành giáo dục mà Hồ Chí Minh đã tự hào từ 1945 rằng: Nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.
Thế nên, hệ thống đào tạo Tại chức, chuyên tu hay đại học tượng trưng vẫn cứ cần và luôn cần cho chế độ cộng sản.
Ngày 20/12/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây