Sáng cuối tuần, thức giấc sau một tuần dài mệt nhọc, vất vả, lo từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, cái chơi, cái chức cho đến chuyện cái bệnh, cái chết, cái hồi sinh… để nghĩ, ngẫm, thở, cười, khóc, trầm ngâm, gật đầu, dụi bước… Có lẽ, âu đó cũng là một trong những lý do ngày cuối tuần được sinh ra.
Nhưng cái cuối tuần thời đại bây giờ lại khác, dù không có tờ báo giấy đặt mua được đặt trước cửa nhà, dù cố giấu cái điện thoại không selfie một bữa hoặc đôi khi là ‘kệ nó, vứt qua một bên’ để lang thang cà phê, dạo bộ vỉa hè… thì tai bạn cũng sẽ nghe thấy, mắt bạn cũng có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra chung quanh, những hình ảnh, những tiếng xì xầm về những chuyện kinh thiên động địa chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam.
Và cuối tuần qua, ba câu chuyện choáng không ít tâm tư của người Việt Nam: Chuyện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiến hành chạy thử, gần 300 học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang vượt ra khỏi trung tâm và việc hai viên chức bệnh viện tâm thần trung ương 1 bị bắt giam… một lần nữa buộc nhiều người đặt câu hỏi ai thật, ai giả trong những câu chuyện này?
Ở vấn đề thứ nhất, dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông với quãng đường 13km, do chủ thầu Trung Quốc thực hiện, ban đầu dự kiến triển khai từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành với số vốn mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD phục vụ xây lắp, mua đoàn tàu, thiết bị, đào tạo, vận hành và tư vấn giám sát. Vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD phục vụ giải phóng mặt bằng, thuế, phí, lãi suất, quản lý dự án, bảo hiểm… Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Được đưa vào chạy thử vào hôm 11 tháng 8 vừa qua, nhiều người bực bội bởi giải thích của Ban Quản lý dự án Đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam khi hễ có chuyện gì, họ đều bảo là ‘Tổng thầu đã tự ý ‘, ở đây tổng thầu là Trung Quốc. Từ chuyện biển chỉ dẫn có tiếng Trung to hơn tiếng Việt, đến chuyện tấm vé lên tàu vận hành thử có in chữ Trung Quốc, rồi việc ‘đã tự ý cho những người không có chức năng, nhiệm vụ lên tàu’.
Với chi phí dội lên được giải thích là do thời giá và lạm phát của Trung Quốc (bởi dự án này do nhà thầu và nhân công Trung Quốc thi công), chuyện tổng thầu, chuyện lạm phát Trung Quốc, chuyện in nhầm chữ… có thể là giả, nhưng có một chuyện thật là dư luận đang xôn xao về khoản lời lỗ hằng ngày mà tuyến đường sắt này mang lại, với ước tính mức lỗ khoảng 1,8 tỷ đồng (khoản tính từ các facebooker sau khi tính tổng tiền vé thu vào hằng ngày và tiền chi phí phải trả, nặng nhất là khoản nợ 250 triệu đô với Trung Quốc do đội vốn và chi phí nhân công cho gần 700 người vận hành 13km đường sắt). Một chuyến đường sắt với cái ngáp dài của cả người dân và du khách khi đến thăm Hà Nội trong những năm qua khi cả đoạn đường ngổn ngang xe cộ trong thời gian thi công, một tuyến đường sắt với cái nhìn bi quan của nhiều người vì những tai tiếng mà nó mang lại, một tuyến đường sắt được kích hoạt có thể là để giữ chức của ai đó trong thời gian còn đương chức. Bởi có người kháo nhau rằng tại sao đã lỗ lại cứ phải vận hành, có chăng là anh buộc phải vận hành, không vận hành thì cái đống bê tông khổng lồ và mấy chục khối sắt để lâu ngày sẽ rỉ sét sẽ tố cáo và truy cứu trách nhiệm (?). Mặc dù trong một chừng mực nào đó, một vài con cừu cũng chỉ cần cái ăn cái uống, sẵn sàng chịu chăn dắt khi (chỉ cần) tin rằng cuối đường có cỏ xanh. Gần 100 triệu dân với đủ thành phần, nơi cư ngụ, độ tuổi… khi đảng bảo rằng đất nước đang vận hành đoàn tàu phát triển, đưa Việt Nam bắt kịp văn minh nhân loại thì ắt hẳn sẽ có biểu dương…!
Nhưng thật thật giả giả… cứ nhìn vào cách vận hành của Vinashin, Vinalines sẽ đoán trước kết quả.
Sự kiện thứ hai, gần 300 học viên trung tâm cai nghiện Tiền Giang đánh nhân viên quản trại để thoát ra đường, đây cũng không phải lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Họ đã từng là những người ‘thử cho biết nàng tiên nâu’, họ đã từng là những người có thể cướp vặt, có thể dằn vặt, có thể tự nguyện, có thể bị ép buộc để vào trung tâm cai nghiện. Sự cai nghiện có được thật hay không, sự thay đổi về nhân cách của họ theo chiều hướng tốt sau khi ra khỏi trung tâm có thật hay không, sự đón nhận của xã hội ngày họ trở lại có thật hay không?… Không chắc! Nhưng có những điều chắc chắn rằng, một trong số họ bị bắt quỳ thẳng 3 giờ đồng hồ vì xếp mền không thẳng, bị đá thẳng cẳng khi quỳ không nghiêm, họ tràn ra đường và hô hào tán loạn, cởi áo vứt đường đang làm cách mạng, tràn bờ tự do… kèm theo đó là những biện pháp đối phó tạm thời của các bậc cha mẹ như không cho con ra đường, dặn dò kỹ lúc đi học hè và đương nhiên là cả việc đến trường trước giờ đón con… Và vũ khí tự vệ phải luôn luôn sẵn sàng.
Từ người cai nghiện cho đến cán bộ cai nghiện, cái lõi vấn đề đã đi từ nhân cảm sang bệnh hoạn. Nếu người nghiện thuốc nghiện sự tự do vùng vẫy của kẻ nghiện thì người cai nghiện nghiện ‘thương cho roi cho vọt’ để ‘giáo huấn’ người nghiện, nghiện kiểu bắt giờ nào, việc gì thì người nghiện phải làm giờ đó, nghiện kiểu rút chút bớt cơm canh để các anh hết sức hết nghiện, nghiện cái kiểu hành xử tập thể để rồi lỡ có chuyện gì xảy ra, nếu đứng trên phương diện người dân, không mấy ai dám khẳng định lỗi thuộc về cán bộ hay học viên.
Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, sự băng hoại nhân cách ngày càng lộ rõ, chỉ cần anh có tiền, bà có chức, cô có sắc, ông có danh... Bỏ ra từ khoảng 85 triệu sẽ được hô biến từ bình thường trở thành người điên. Ơ hay, với gia đình bình thường, nhà có người điên, họ sẽ xem đó là sự bất phược, không may mắn trong gia đạo, giờ không điên muốn hóa thành điên chắc thích ăn cơm miễn phí trong các trại. Có lẽ cơm trong trại tâm thần ngon hơn cơm trong trại giam bởi những người ‘mua điên’ đều đang đứng trước vòng lao lý.
Vụ việc xảy ra hôm tháng 6 nhưng đến cuối tuần qua, hai cán bộ gồm một bác sĩ và một chuyên trách điều dưỡng của viện tâm thần trung ương I mới bị bắt tạm giam, một lần nữa lên tiếng cảnh báo về hội chứng tâm thần.
Thay vì sử dụng chức vụ và trí óc để làm cho xã hội tốt hơn thì người ta dùng nó để biến xã hội gọn trong túi mình, tõm trong miệng mình và rồi khi cần thiết người ta dùng cái miệng đó để biến mình thành kẻ điên, dùng tiền vơ vén đó để mua được tấm giấy chứng nhận điên. Và cái điên hơn là những người trị bệnh điên lại thấy viện điên còn thiếu suất, hội chứng tâm thần của họ xuất hiện để mang thêm về viện vài người điên... Thật hết hiểu nổi cái cơ sự của những cái điên này, phải chăng đây là thời đại của chứng điên lên ngôi?!
Đầu tuần ngẫm nghĩ chuyện cuối tuần, âu cũng vô vàng trách móc và bất lực bởi cái dửng dưng trong xã hội này, thật thật giả giả đôi khi là cái cớ để người ta cảm giác bớt bất lực hơn chăng?
Bài bình luận gần đây