.....
Chị Thanh Tâm: Thưa nhà báo Nguyễn Vũ Bình, có phải Phong trào Dân chủ ở Việt Nam đã có từ lâu, có thể cho biết sơ lược về lịch sử Phong trào Dân chủ ở Việt Nam, các giai đoạn, các thời kỳ cũng như đặc trưng của từng thời kỳ hay không, xin mời Anh?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Chúng ta biết, Phong trào Dân chủ Việt Nam không chỉ có mấy năm gần đây mà nó là cả một quá trình kéo dài. Tất nhiên, chúng ta không thể nói nó dài quá được, nhưng ít nhất, chúng ta nói từ năm 75 tới giờ. Mỗi một giai đoạn có một đặc thù, đặc trưng riêng, tôi tạm thời chia Phong trào dân chủ ra làm bốn giai đoạn và có những đặc trưng khác nhau. Giai đoạn thứ nhất của Phong trào Dân chủ là từ năm 75-88, tại sao lấy mốc năm 88. Vì năm đó có bài viết “Nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của tiến sĩ Hà Sĩ Phu, bài viết đó như một quả bom ở trong thời điểm đó. Một trí thức ở miền bắc đã có nhận thức như thế. Giai đoạn từ 75-88 nó là cái gì? Giai đoạn này gọi là giai đoạn Phục Quốc, theo quan điểm của tôi, tức là những người ở thời Việt Nam Cộng Hòa, nhất là những người trong quân đội, liên quan đến quân đội có vũ trang đứng lên, với ý thức, ý định là giải phóng quê hương, lập lại nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đã mất. Giai đoạn này đặc trưng phương pháp là bạo động, vũ trang, thành phần chủ yếu là những người trong quân đội thời Việt Nam Cộng Hòa và những người Việt hải ngoại, mục tiêu là khôi phục lại quốc gia đã mất. Chúng ta biết là, cuối cùng kết quả cũng không đi đến đâu, nhưng nó là một sự động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh sau này. Giai đoạn thứ hai, là từ năm 88 đến năm 2000, tại sao lại là năm 2000, vì năm 2000 có lá đơn xin thành lập đảng của Nguyễn Vũ Bình, tức là tôi. Lá đơn xin thành lập đảng tức là đặt vấn đề tổ chức, đó là bước ngoặt, hơn nữa, tôi là người trẻ tuổi, và một số người trẻ tuổi tham gia. Từ năm 88 đến năm 2000, tôi gọi là giai đoạn thức tỉnh, những người trí thức miền Bắc, hầu hết là miền Bắc, có cả ở miền Nam đã có sự thức tỉnh trong nhận thức, đã lên tiếng như các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, ông Hà Sĩ Phu, Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Phạm Quế Dương.. vv. Đó là một lớp người, bắt đầu lên tiếng, có những bài viết trao tay nhau, rồi liên hệ với nhau… Giai đoạn này số người tham gia không nhiều, và phát triển rất chậm. Cùng lúc đó, một hướng khác, trong miền Nam và hải ngoại đã chuyển dần từ phương thức đấu tranh vũ trang, bạo động sang bất bạo động, người ta cũng kết nối với phong trào ở ngoài Bắc. Tức là hai quá trình nó diễn ra song song như vậy. Giai đoạn thức tỉnh của trí thức miền Bắc từ năm 88 đến năm 2000 âm thầm nhưng khốc liệt, với bức màn sắt bao phủ và sự sắt máu của công an, chế độ giai đoạn này, bắt bớ tù đày rất đơn giản, dễ dàng. Giai đoạn thứ ba là từ năm 2000-2007, gọi là giai đoạn đấu tranh chính trị, tại sao gọi là giai đoạn đấu tranh chính trị? Gọi là đấu tranh chính trị vì nó có mấy đặc trưng thế này: thứ nhất, những người tham gia là những người hoàn toàn có ý thức về việc đấu tranh thay đổi chế độ, những người đã hiểu sự cần thiết phải đấu tranh để thay đổi chế độ. Thứ hai, người ta đặt vấn đề tổ chức, chúng ta có hội Chống tham nhũng mà chuẩn bị thành lập vào tháng 9/2001, có ông Hoàng Minh Chính, tôi, ông Phạm Quế Dương, ông Trần Khuê. Năm 2006 có rất nhiều tổ chức ra đời, đảng Dân Chủ được phục hoạt, thành lập đảng Thăng Tiến, thành lập Nghiệp đoàn lao động, trung tâm Nhân Quyền… khối 8406…vv. Những người tham gia có ý thức chính trị và tập trung vào đấu tranh chính trị, lập ra các tổ chức, hội nhóm để đấu tranh, đối trọng, đối lập trực diện với nhà cầm quyền. Số người tham gia những năm đầu của giai đoạn này chưa nhiều, nhưng đến năm 2005, 2006 thì số người tham gia đã tăng lên rất nhiều, thành phần tham gia cũng tương đối phong phú. Giai đoạn thứ tư, bắt đầu từ cuối năm 2007, với cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên tới hiện nay. Tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn tổng hợp. Tại sao gọi là tổng hợp, bởi vì giai đoạn này các phương thức, hình thái đấu tranh đều có hết. Giai đoạn trước chỉ có đấu tranh chính trị, nhưng giai đoạn này ngoài đấu tranh chính trị, tức là vẫn có các hội nhóm đấu tranh chính trị, nhưng có thêm các hình thái mới, kết hợp với nhân dân, đi vào nhân dân; lập ra các tổ chức xã hội dân sự…
Chị Thanh Tâm: Trong khoảng nửa năm 2017 trở lại đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp và bắt bớ rất nhiều người đấu tranh, thì Phong trào Dân chủ lắng xuống, thậm chí có người nói bị thoái trào, anh Bình có đồng ý với nhận định này hay không? Xin mời anh Bình?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Chúng ta muốn hiểu được, nó có thoái trào hay không, chúng ta cần hiểu được, phong trào dân chủ có những nội dung gì? Những nội dung gì đang làm được, và những nội dung gì bị hạn chế đi, không làm được hoặc dừng lại. Muốn đánh giá được, chúng ta cần so sánh như vậy, chứ không thể nói cảm tính được, như: bắt nhiều thế, mười mấy hai mươi ông trong vòng có mấy tháng, thế là thôi tan rồi… không thể nói đơn giản vậy được, vì phong trào dân chủ rất rộng lớn. Lắng xuống là có, nhưng thoái trào tôi nghĩ là không. Bởi vì Phong trào dân chủ có 6 phương diện như thế, trong 6 phương diện đó, trong năm 2017 này, có những phương diện bị ảnh hưởng nặng nề, ví dụ hoạt động phản kháng, biểu tình là bây giờ khó khăn rồi, rồi người đấu tranh bị bắt, các tổ chức xã hội dân sự giảm hoạt động… đấy là những cái thực tế diễn ra như vậy, mà cũng không ai chối được. Nhưng những chuyện như vậy, so với 6 nội dung kia, nó cũng không phải chiếm ưu thế, nó chỉ là một, hai nội dung, phương diện đấu tranh bị ảnh hưởng, hạn chế đi, chúng ta còn 4 nội dung vẫn đang hoạt động rất tốt. Từ 2007 đến bây giờ, và nhất là mấy năm gần đây, chúng ta biết phong trào dân chủ phát triển rất là mạnh. Trên không gian mạng xã hội, chúng ta làm chủ tình hình, chúng ta là người dẫn dắt, phong trào dân chủ là người dẫn dắt, định hướng người dân, mạng xã hội facebook. Nếu chúng ta hiểu một cách đơn giản thì không đúng ý này, mà vấn đề dẫn dắt phải hiểu là trong việc phản biện xã hội, phản biện lại các chính sách sai lầm, phản biện hoạt động sai trái của các cơ quan công quyền, của các cá nhân sai trái trong bộ máy nhà nước thì những cá nhân lên tiếng đó là những thành viên của phong trào dân chủ là những người tiên phong, và rất hiệu quả trong việc đó. Tại sao chúng ta làm được những việc đó hiệu quả? bởi vì chúng ta nói lên sự thật; tại sao người dân lại nghe chúng ta? lại theo chúng ta? bởi vì chúng ta nói lên sự thật. Những cơ quan công quyền, cán bộ kia người ta không nói lên sự thật, không nói lên sự thật là thua rồi. Phong trào dân chủ dẫn dắt được là do người ta nói lên sự thật. Thêm một ý nữa, tình yêu thương hay sự chia sẻ phong trào dân chủ cũng làm rất tốt những việc này. Chúng ta đi cứu trợ bão lụt, làm thiện nguyện sau này bị đánh phá nhưng đến bây giờ vẫn còn những người làm việc này. Đối với người dân, sự thật và sự chia sẻ với họ chính là cái người ta theo. Cho nên tôi nói phong trào dân chủ rất là mạnh ở mặt trận truyền thông mạng xã hội. Tôi nói là mạng xã hội chứ bây giờ báo chí thì ai xem, thì chúng ta chiếm lĩnh gần như hoàn toàn cái trận địa truyền thông. Chính vì vậy mà người ta mới có ý định dẹp Facebook với Google, Youtube… nhưng tôi nghĩ là rất khó, bởi vì ngoài phong trào dân chủ ra, còn rất nhiều người dân, rồi các công ty mạng viễn thông… cái lợi ích của nó trong đó, nếu mà dẹp đi thì là cả một sự đảo lộn lớn của đất nước này. Và cũng có thể, chế độ này ở giai đoạn cuối rồi, nên nó làm ra những việc chẳng giống ai để cho nó kết thúc. Tôi không nói là nó sẽ xảy ra hay không xảy ra, nó xảy ra cũng có cái tốt của nó, tôi nghĩ nó sẽ đảo lộn, và đảo lộn trong thời điểm này, chế độ đang cạn kiệt nguồn lực, nó sẽ là sự kết thúc. Trở lại với câu hỏi của chị, trong năm 2017 như thế, bắt như vậy, thì có phải phong trào dân chủ thoái trào không? tạm lắng thì có, nhưng thoái trào thì không. Phong trào dân chủ có 6 phương diện, cái mà người ta đánh vào, cái mà bây giờ đang thiệt hại, nó chỉ ở trong một, hai cái phương diện nào đó thôi, mà cũng không phải toàn bộ phương diện đó, mà chỉ một vài khía cạnh của một hai phương diện. Cho nên chúng ta không thể nói phong trào dân chủ thoái trào được, nó vẫn đang phát triển, và ở những khía cạnh này khía canh khác nó tạm lắng thôi.
Chị Thanh Tâm: Vâng, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nói vậy thì Thanh Tâm cũng có phần yên tâm, chúng ta biết vừa qua có Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, không biết nhà báo Nguyễn Vũ Bình có nghĩ sự kiện APEC có mang lại sự thay đổi nào đó cho Phong trào Dân chủ Việt Nam hay không?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Vâng, cái thay đổi, nếu mà chi tiết, những vấn đề nhỏ, thì nó luôn luôn thay đổi. Nhưng nếu nói là thay đổi có tính chất bước ngoặt thì tôi nghĩ là không. Chúng ta cần hiểu bối cảnh của APEC, những mong muốn của nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như của phong trào dân chủ. Mong muốn của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, chúng ta biết rồi, đối với họ vấn đề kinh tế là vấn đề cấp bách, nguy cơ số một, nó không còn cái gì hơn cả, để cứu vãn nền kinh tế. Nhưng nó có một đặc điểm là, người ta không đi vào thực chất để giải quyết vấn đề, người ta chỉ đi vào những cái bên ngoài, những cái để cầm hơi thôi. Chứ nếu mà giải quyết thực chất vấn đề, của nền kinh tế, cũng không khó, thật ra các chuyên gia của nhà nước cầm quyền cộng sản người ta chỉ ra hết. Đó là việc tư nhân hóa, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường, buông những doanh nghiệp nhà nước ra… rồi cho minh bạch, các công ty kiểm toán quốc tế vào. Cách làm để thay đổi nền kinh tế không phải không có, có rất nhiều, mà rất nhiều người làm được, nhưng người ta không làm. Lý do không làm là, kinh tế mà làm như vậy thì nó sẽ kéo đến chính trị, xã hội và người ta lo sợ sẽ mất độc quyền lãnh đạo của người ta. Nhưng người ta lại bấu víu vào những Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương, TPP… người ta hi vọng xuất khẩu được, hoặc lấy hàng của tàu tuồn sang kiếm được chênh lệch phần trăm… người ta đi vào những cái gọi là bấu víu, không cơ bản. Với tâm thế như vậy, vào hội nghị APEC, thì cái TPP ông tổng thống Mỹ đã bỏ đi rồi, còn 11 nước thì Ca-na-da lại không đồng ý điều khoản về lao động, nên chưa ký kết ngay. Cuối cùng qua thương lượng thì các nước đạt thỏa thuận kiểu như ký nháy, rồi để tiếp tục bàn thảo tiếp. Mục tiêu về vấn đề biển Đông, có nhiều người đưa thông tin, phân tích cho rằng, tổng thống Mỹ đã đặt vấn đề biển Đông trong nội hàm quan tâm trong chiến lược của Mỹ kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo một khía cạnh nào đó cũng mang lại kết quả, vì nhà cầm quyền Việt Nam chuyên đi leo dây, đạt được kết quả với Mỹ như vậy, lúc sau họ lại ký với Trung Quốc hàng chục văn bản, vv… như vậy, về thực chất, nhà cầm quyền không tận dụng được APEC để thoát khỏi khủng hoảng. Đối với phong trào dân chủ, trước khi diễn ra APEC, chúng ta đã đưa được rất nhiều những thông tin về việc nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp, điều này đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế rất quan tâm. Họ đã đưa các chương trình nghị sự, cũng như những can thiệp nhất định. Đến khi vào đến Việt Nam tham gia hội nghị, họ sẽ được chứng kiến việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam, việc canh giữ các nhà hoạt động, câu lưu người bất đồng chính kiến… APEC cũng là cơ hội để phong trào dân chủ thể hiện cho thế giới thấy phần nào bộ mặt của nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như là cơ hội để phong trào dân chủ đánh giá mọi mặt hoạt động, các mối quan hệ, tương quan của nhà cầm quyền, của chế độ. Tôi nghĩ rằng những thay đổi nhỏ thì luôn luôn có, nhưng thay đổi có tính chất bước ngoặt thì sự kiện APEC này chưa làm được…
(còn nữa)
Hà Nội, ngày 22/11/2017
N.V.B
Bài bình luận gần đây