Trong cuộc sống, có những điều mà chỉ khi xảy ra, người ta mới hốt hoảng nhớ lại rằng nó sẽ phải đến như một quy luật. Thế nhưng, ngày thường ít ai nghĩ tới.
Cái chết của một vị linh mục già, sống trên cõi đời đã 95 năm, thì cũng như bao cái chết khác, nghĩa là nó sẽ phải đến và đã đến, dù rằng với đời sống người dân Việt hôm nay, thì đến được tuổi đó đã là rất may mắn và hiếm hoi.
Vậy nhưng, cái chết của cha già Pet. Đậu Đình Triều đã đem đến một cơn sốc lớn không chỉ cho những người thân thuộc hàng ngày bên cạnh, mà cả người luôn nhớ đến ngài nhưng không có dịp gặp gỡ nhiều như bản thân tôi.
Bởi đơn giản là dù đã 94 tuổi nhưng cảm giác về ngài vẫn là sự vững chãi và minh mẫn, đạo đức vững vàng đến ngạc nhiên. Bên ngài, người ta luôn cảm giác được sự bình an. Ở tuổi 95, nhưng giọng ngài vẫn đều đều sang sảng trong các Thánh lễ và đặc biệt, sự đạo đức thánh thiện của ngài làm nhiều người kính phục.
Một linh mục như một, người cha, một ân nhân
Tôi không biết ngài sớm như với các linh mục "cổ kính" khác trong Giáo phận là những vị linh mục thân thiết của bố tôi khi tôi còn nhỏ. Tôi vẫn nhớ nhiều cái tên các cha trong số đó như cha Tần, cha Bài, cha Hướng, Cha Trọng, cha Định, cha Ninh miền hạt Văn Hạnh hồi đó, hay cha Huyền, cha Lượng, Đức cha Nguyễn Năng, Đức cha Thuyên, Đức cha Hạp... ở Tòa Giám mục. Hoặc các cha Dụ, cha Lợi, cha Tâm ở các giáo Hạt khác mà bố tôi hay có những giao lưu. Đây là lớp linh mục mà giờ chỉ còn vài người còn lại, hầu hết đã về với Chúa sau khi hoàn thành sứ mệnh ở cõi đời.
Đó là lớp linh mục đã thành đá, thành tượng đồng trong lòng giáo dân khắp Giáo phận Vinh qua những thời kỳ khốc liệt nhất dưới bàn tay Cộng sản. Đó cũng là lớp linh mục nền tảng cho sự sống còn và phát triển của Giáo phận ngày hôm nay.
Tôi gặp linh mục Pet. Đậu Đình Triều từ khi ngài về coi sóc Giáo xứ và Giáo Hạt Văn Hạnh. Mối quan hệ giữa gia đình tôi và ngài có từ trước đó, khi mỗi lần bố tôi đi qua thường ghé ngài ở Kỳ Anh, vì vậy khi về Văn Hạnh, ngài biết khá rõ về gia đình tôi.
Ngài về coi sóc giáo xứ tôi đến 10 năm. Những ân tình mà ngài dành cho giáo xứ, để lại nhiều kỷ niệm buồn vui của một thời. Riêng với gia đình tôi không chỉ từ những việc lớn nhỏ như việc tang, việc cưới, việc con cái đều có sự tham dự và hướng dẫn, chăm lo của ngài.
Trước ngài, giáo xứ và Giáo hạt chúng tôi được một linh mục coi sóc khá nổi tiếng, đó là linh mục Pet. Nguyễn Văn Đức. Người mà tôi đã viết trong bài: "Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Đức, người đã làm thay đổi nhận thức của đàn chiên".
Vị linh mục này đã làm cho cả Giáo xứ, Giáo Hạt thay đổi rất nhiều trong nhận thức, đặc biệt là nhận thức về Quyền của người dân và buộc nhà cầm quyền thay đổi cách hành xử với người Công giáo. Khắp trong Hạt, ngoài Xứ ngài vốn nổi tiếng với sự sắc bén, nhanh nhạy và kiên cường. Cái bóng ngài tỏa trên một vùng rộng lớn. Nhiều kẻ trong hệ thống công quyền phải khâm phục và kính sợ ngài, giáo dân nô nức, tự hào về ngài.
Đó cũng là một khó khăn cho cha Pet. Đậu Đình Triều khi về kế vị một linh mục Quản Hạt như vậy.
Và quả là ngài đã vượt qua những rào cản tâm lý đó, bằng chính sự dung dị, đạo đức của chính mình.
Đó cũng là giai đoạn khó khăn của Giáo xứ đang chuẩn bị để xây dựng ngôi thánh đường mới và cơ sở vật chất của Giáo xứ. Cũng như mọi công việc khác, việc xây dựng một ngôi Thánh đường từ tay không của người dân giáo xứ là một vấn đề hết sức nặng nề và khó khăn. Và đương nhiên, ở đó cũng xuất hiện những âm mưu, những sự lũng đoạn dẫn đến những gian nan vất vả của người chủ chăn.
Với bản tính hiền hòa, nhẫn nhục và khiêm hạ do được rèn luyện đời sống tu đức từ khi còn nhỏ, ngài luôn lấy sự hòa hiếu làm trọng và kiềm chế bản thân đến mức tối đa.
Là một linh mục đã trọng tuổi khi về nhậm chức ở một giáo xứ, giáo hạt khá đông giáo dân, nhiều công việc lớn nhỏ đều đến tay ngài, biết bao công việc không tên, ngài đã kiên trì, nhẫn nại giải quyết đúng tinh thần của một người cha yêu thương.
Tôi đã nghe một lần ngài kể về việc trong vai trò quản Hạt, giải quyết vài thắc mắc của giáo dân một giáo xứ với một vị linh mục trẻ. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ngài vẫn minh mẫn kiên trì làm rõ từng vụ việc, từng vấn đề đề phân biệt phải, trái công minh. Điều đặc biệt tôi thấy, ở đó không có sự bao che dung túng khi thấy sai dù đó là linh mục. Kết quả là ngài đã đem lại sự bình an cho giáo xứ. Điều này, chẳng bao giờ có thể mơ ở thế chế phe cánh và hội nhóm của những người Cộng sản.
Mười năm làm công việc quản xứ, quản Hạt ngài như chiếc bóng vững chắc để đàn chiên nương tựa mà yên tâm, để các linh mục trẻ có nơi làm điểm tựa để rèn luyện và tu trì. Ở đó, mỗi khi đến gần ngài, chính cuộc sống đạo đức đã cảm hóa người khác mà không cần đao to búa lớn.
Chính công việc, sự công tâm và nhiệt thành của ngài, đã chứng minh ngài là ai mà không cần một lời hoa mỹ.
Thế rồi ngài được nghỉ hưu, thật may mắn là ở một giáo họ ngay trong xứ. Đó cũng là một hồng ân mà người Công giáo xứ họ ở đây phải ghi nhận: Ngài ở đó để trụ vững và nâng tầm một giáo họ lâu đời nhưng không nơi thờ tự cho xứng đáng, tổ chức con người và giáo họ chuệch choạc... Đến nay, Giáo họ Hạnh Tiến đã vững vàng đi lên như một chàng trai trở mình lấy lại sức sống và có thể nâng tầm thành một xứ mới. Điều đó không thể không ghi nhớ công ơn của ngài - một người cha, người ông vô vàn yêu quý đã cống hiến cho Giáo họ này 23 năm qua đến hơi thở cuối cùng.
Mỗi giáo dân trong giáo họ, giáo xứ có hoàn cảnh ra sao, ngài rất rõ để tâm và cầu nguyện. Những đứa con của Giáo xứ đi xa ngài vẫn nhớ vẫn nhắc tên mỗi khi có dịp dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước và bao công việc bộn bề.
Là một linh mục thánh thiện, đạo đức, nên không chỉ giáo dân ở gần mà cả nhiều giáo dân đi xa, mỗi khi có việc gì khó khăn đều gọi điện hoặc nhờ người đến nhờ ngài dâng lời cầu nguyện. Họ tin rằng lời cầu nguyện của ngài luôn được Chúa Mẹ nhậm lời.
Năm ngoái, khi cô em gái của tôi bị tai nạn, cả giáo họ đã sốt sắng lo lắng, cầu nguyện, thăm hỏi. Nhưng trên hết vẫn là tấm lòng thương của ngài bao trùm. Ngài kể lại rằng: Hôm qua, nửa đêm nghe tin bà Loan bị tai nạn, tôi bàng hoàng và đến tượng Thánh Giuse để kêu cứu với Ngài rằng: "Xin Ngài bầu cử để Chúa nhậm lời kêu xin của chúng con, bởi nếu để bà Loan là một người đạo đức hy sinh vậy mà chết đau đớn thế, thì điều đó vô cùng nguy hại cho đức tin nhiều người vốn đã không vững vàng. Và nếu bà Loan chết đi, ông chồng phải nghỉ Ban Hành giáo, thì giáo họ chúng con thiếu người đủ bản lĩnh và khả năng lo cho việc chung".
Và ngài khẳng định: "Cứ vững lòng tin, bà Loan sẽ sống với chúng ta". Liên tục các cuộc cầu nguyện được tổ chức tại nhà thờ, từ khắp nơi.
Thế rồi em tôi đã "từ cõi chết sống lại" như một điều thần kỳ làm nức lòng gia đình, giáo dân và trước hết là linh mục Pet. Đậu Đình Triều.
Sự đạo đức bị lợi dụng
Có lẽ, trong Kinh Thánh, câu nói “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người” ( 1 Cr 1 : 25) Ít khi được trích dẫn và chú ý nhưng là đường lối của những hành động của các linh mục. Các bậc tu hành lấy sự tử tế, tự đơn sơ của mình mà đối xử với thế gian. Cũng chính vì thế, nhiều khi chính thế gian, nhất là thể chế cộng sản lợi dụng triệt để.
Một lần, buổi tối tôi đi xe máy trên đường Hàng Bột lên Quốc Tử Giám, Hà Nội. Nhìn sang thấy một chiếc xe đi cạnh, trong đó linh mục Pet. Đậu Đình Triều ngồi ở ghế sau, tôi vội ghé vào hỏi. Nhìn thấy tôi, ngài bảo lái xe dừng lại và cho biết, ngài đi họp Ủy Ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG ) ở Hà Nội.
Có lẽ cần nói về cái UBĐKCG rõ hơn một chút.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, chế độ cộng sản triệt để hung hăng một cách rồ dại trong các "cuộc cách mạng". Điển hình là cuộc Cải Cách ruộng đất, Công tư hợp doanh, cải tạo tư sản... đã phá hủy nền móng xã hội là hậu quả của cuộc "Cách mạng quan hệ sản xuất". Rồi "Cuộc Cách mạng Khoa học kỹ thuật" đến nay sau hơn nửa thế kỷ tiến hành, thành tựu là nền công nghiệp Việt Nam chưa làm nổi một con ốc, cái vít đạt tiêu chuẩn.
Còn một cuộc cách mạng không kém phần khốc liệt và kinh hoàng, đó là cuộc "Cách mạng về Tư tưởng và văn hóa". Thực chất, đó là cuộc triệt tiêu các tôn giáo dù có hàng ngàn năm lịch sử để nhằm chỉ duy nhất truyền bá một thứ tôn giáo Mác - Lenin mà đặc trưng là bạo lực và dối trá.
Trong cuộc cách mạng đó, các tôn giáo bị tiêu diệt đến tận căn gốc, đặc biệt là Công giáo. Các trường đào tạo tu sĩ, linh mục, các dòng tu, chủng viện bị đóng cửa, nhà thờ, thánh thất, đền chùa bị chiếm dụng làm những nơi ô uế và chia chác.
Nhà nước Cộng sản chủ trương một công giáo kiểu Trung Cộng, đó là một thứ giáo hội của riêng đảng Cộng sản lãnh đạo, tuyệt giao với Giáo hội hoàn vũ, bắt đầu bằng việc thành lập Ủy Ban Liên lạc công giáo và ngày nay là UB Đoàn kết Công giáo.
Để rõ hơn chủ trương này, chúng ta hãy đọc một đoạn trong bài viết: Ủy ban Đoàn kết Công giáo, bao giờ đến hồi kết" của Giáo sư Hà Thành, bài viết có đoạn như sau: "Từ năm 1951 đến năm 1955, chính Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài báo ký nhiều bút danh khác nhau để khen ngợi tổ chức “Hòa bình Chúa Kito” (một tổ chức Công giáo do Nhà nước lập) của Ba Lan và Công giáo “Tam tự” của Trung Quốc. Điển hình như các bài “Công giáo và chủ nghĩa xã hội” (báo Nhân dân ngày 27-9-1955, ký C.B); “Tự do tín ngưỡng” (Báo Nhân dân ngày 27-12-1951, ký tên M.H); “Công giáo Trung Quốc’ (Báo Nhân dân ngày 11-11-1955, ký tên C.B); “Những lời thắm thiết” (Báo Nhân dân ngày 27-1-1955, ký tên C.B)… Trong bài “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”, Hồ Chí Minh viết: “Từ tháng 7 năm ngoái, giáo dân Trung Quốc bắt đầu cuộc vận động “tự trị, tự dưỡng, tự truyền”, nghĩa là giáo dân tự cai quản lẫn nhau, không cần cha cố người ngoại quốc; các cha cố Trung Quốc tự làm ăn không nhờ vả ai; giáo dân tự tuyên truyền đạo Chúa” . Bài báo kết luận: “Ỏ nước ta, đồng bào công giáo đều yêu nước và hăng hái tham gia kháng chiến. Gương sáng của giáo dân Trung Quốc càng làm cho đồng bào công giáo Việt Nam thêm tin tưởng và quyết tâm” (Đen trắng rõ ràng, Nxb Sự thật 1952, tr34).
Khi đã là chủ trương từ Hồ Chí Minh, để hà hơi tiếp sức, áp đặt cái Ủy ban này hoàn thành mưu đồ đã định, nhà cầm quyền đã bằng mọi cách ép các tu sĩ, giáo dân và nhiều linh mục tại nhiều Giáo phận tham gia Ủy ban này. Đặc biệt là ở GP Vinh, những ai không tham gia họp hành do Ủy ban và mặt trận tổ chức, thì miễn duy trì việc tu hành và phụng vụ.
Điển hình cho việc này ở GP Vinh là vụ linh mục Vũ Văn Giáo ở Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chỉ vì không đi họp Mặt trận để tham gia Ủy ban liên lạc Công giáo mà ngài đã bị bao vây, bắt bớ rùng rợn, người dân Đông Yên đã kiên cường bảo vệ ngài gần 8 tháng trời. Sự việc này đã tạo thành một câu chuyện huyền thoại về sự trung kiên và bất khuất của giáo dân Đông Yên những năm 60 của thế kỷ trước.
Nhà nước cứ nuôi cái Ủy ban của nợ này như một con nghiện chẳng có tích sự gì vì giáo dân tẩy chay nó bởi họ biết rõ quan thầy của Ủy ban là thánh Mác - Lenin.
Thế nhưng, "bỏ thì thương, vương thì tội". Rồi hàng năm cũng vài lần họp hành cho có.
Trong thời buổi như vậy, lại với bản tính khiêm nhu và mưu cầu phục vụ, linh mục Đậu Đình Triều cũng như một số linh mục đã buộc phải tham gia cái Ủy ban này.
Tối hôm đó, tôi đến chở ngài về nhà tôi chơi, ngài cho tôi biết: Ngài thật xấu hổ trong cuộc họp ngày hôm đó. Linh mục đứng đầu cái UBĐKCG này đã khóc trước Đại hội khi không được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban, chỉ vì "Tôi đi theo đảng từ mấy chục năm nay mà đến nay đảng đã không tin tôi nữa".
Kể từ đó, ngài không tham gia cái Ủy ban này. Tôi hỏi vì sao, ngài nói rằng: "Mình thôi, thấy cái đó chẳng được tích sự gì cho đời. Mà mình nghĩ lại thì họ khéo chọn, mấy ông đứng đầu cái Ủy ban này cả trong Nam và ngoài Bắc đều có vấn đề...".
Hẳn nhiên, đó là những giai khốn khó của giáo hội dưới bức màn sắt vô luật vô pháp của cộng sản. Ngày nay, thời thế đã khác, những người tham gia vào đó, chỉ còn lại là sự hoang tưởng về quyền lực, hoặc quyền lợi, hoặc "có vấn đề" như linh mục Pet. Đậu Đình Triều đã nói.
Tôi còn nhớ ngay cả khi đang tham gia cái UBĐK đó, ngài nhờ tôi thiết kế cho một dãy phòng học bên cạnh nhà xứ. Ngôi nhà được thiết kế xong và đem thi công. Nhưng mới làm xong được phần móng thì chính quyền cộng sản đưa văn thư đến... đình chỉ.
Có lẽ cũng ngại với ngài khi đó đang là thành viên Mặt trận và UBĐKCG kia, họ hứa hẹn với ngài là sẽ đền bù 80 triệu đồng kinh phí làm móng nhà. Khi về quê, nghe lời ngài nói, tôi có nói với ngài rằng: "Đó chỉ là lời hứa, mà lời hứa của người Cộng sản thì xưa nay chưa có thực hiện bao giờ". Ngài chỉ cười rằng: "Thì họ cứ hứa vậy cho qua chuyện thôi".
Và cho đến nay, khi ngài đã không còn trên cõi đời này, thì người cộng sản vẫn nợ ngài lời hứa đó không thực hiện.
Tuy đã về hưu, nhưng các sự kiện liên quan đến Giáo hội, đất nước, ngài vẫn luôn quan tâm cập nhật tình hình.
Những giai đoạn căng thẳng của Giáo hội như Tòa Khâm sứ, Giáo xứ Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu. Mỹ Yên hay Con Cuông, Mỹ Lộc... dù đã nghỉ hưu nhưng ngài vẫn luôn dõi theo và hiệp thông mạnh mẽ.
Tôi đi xa, mỗi lần về quê ghé thăm ngài, đều được ngài dành cho sự ân cần, chu đáo, đầy tình thương mến và trọng thị. Mỗi khi gặp ngài, ngài cứ gọi tôi bằng "ông", đề nghị ngài thay đổi cách gì cũng không được, đó là đặc tính khiêm hạ có từ trong máu huyết của ngài.
Mỗi lần ghé thăm, ngài vẫn luôn nói với tôi rằng: "Tôi vẫn luôn theo dõi ông suốt và nhiều khi hồi hộp lo lắng cầu nguyện cho ông. Tôi hiểu ông, ông cố gắng lắm nhưng gian nan đấy ông ạ, người cộng sản không từ bất cứ thứ gì đối với con người, nhất là người công giáo". Rồi ngài quan tâm hỏi han tình hình nơi nọ, nơi kia, không chỉ tình hình trong nước mà cả trên thế giới.
Tôi chỉ biết lặng người xúc động trước tình thương của người cha già đang ở quê vẫn dõi theo bước tôi đi. Nhiều gian nan, thử thách đến với tôi trong đời và đã vượt qua như một câu chuyện kỳ lạ, hẳn nhờ lời cầu nguyện của ngài.
Tiễn biệt một người Cha
Tấm lòng của giáo dân đối với ngài như của con cháu đối với người cha, người ông của mình. Điều đó có thể nhìn thấy được bằng mắt, sờ được bằng tay bởi các hành động của họ. Mấy tháng nay, cả giáo họ, giáo xứ nô nức đua nhau lao động ngày đêm để sắp tới tổ chức ngày đại lễ mừng 60 năm Hồng Ân linh mục của ngài (1957 -2017).
Thánh lễ này dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng này, nghĩa là chỉ hơn chục ngày nữa thôi.
Khi mà toàn thế giáo họ và Giáo xứ đã hoàn thành từ sân vườn, nhà cửa cũng như mọi thứ từ giấy mời, quan khách, con cháu. Mọi sự đã xong, chỉ chờ ngày mở lễ thì ngài ra đi.
Thế rồi, tiệc cưới đã dọn xong mà chàng rể lại ra đi.
Ngài ra đi mang theo tất cả những gian nan, thiệt thòi hy sinh của ngài và để lại sự đau đớn tiếc thương vô bờ bến của những người không chỉ là giáo dân của ngài coi sóc.
Và hôm nay, tôi ngồi viết những dòng này, như một lời tiễn biệt ngài, có thể nói về ngài với con cháu muôn vàn lời khác nhau:
Một chứng nhân của thời đại qua các thời kỳ ngặt nghèo, đau đớn của dân tộc, đất nước và bi thương của Giáo hội.
Một tấm gương về sự đạo đức, trung thành và thánh thiện, một con người đã hy sinh trọn vẹn cuộc đời mình cho tha nhân.
Một mẫu gương cho những người Công giáo và không công giáo noi theo về nghĩa tình nơi dương thế.
Một minh chứng cho thế gian hiểu rằng: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người” ( 1 Cr 1 : 25).
Hà Nội, Ngày 17/8/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây