Bắt đầu của hệ lụy kích động bài xích tôn giáo
Khi nhà cầm quyền Nghệ An thuộc huyện Quỳnh Lưu xua những người dân xuống đường đi biểu tình chống linh mục Anton Đặng Hữu Nam, người ta giật mình ở nhiều điểm.
Trong bài viết Nghệ An đấu tố Linh mục: Cuộc khổ nạn mới tại Quỳnh Lưu, chúng tôi đã nêu lên những sự ngu dại và bất nhân của nhà cầm quyền Nghệ An khi xua dân xuống đường để kích động một cuộc xung đột tôn giáo trong nhân dân và những hệ lụy của nó.
Quả là không sai, ngay khi chúng tôi viết những dòng này, những thông tin về những xung đột bởi một số phần tử bất hảo được đảng nuông chiều và chống lưng bắt đầu cuộc kỳ thị và tấn công người công giáo tại Quỳnh Lưu đã lan tràn trên mạng Internet.
Theo tin chúng tôi nhận được, thì tại xã Sơn Hải, nơi nhà cầm quyền tổ chức cuộc đấu tố hôm trước, nay đã xuất hiện một đội quân do một ả giang hồ cầm đầu. Ả vốn là dân xã Quỳnh Thọ, lang bạt kỳ hồ sang thuê cửa hàng cắt tóc tại xã Sơn Hải này. Ả dùng Facebook làm nơi tập hợp, kích động, tung ra những luận điệu sai trái, hằn thù và vu cáo người Công giáo nói riêng và các chức sắc công giáo nói chung rồi tìm cách tấn công họ. Và khi được kích động, các bạn bè của ả đã lập một nhóm hô hào tìm cách để đánh nhau.
Người dân ở đây cho biết, với cơn cuồng đảng, cuồng bác, ả giang hồ 42 tuổi không chồng này đã tập trung một số đông các ả quá lứa nhỡ thì đi khắp chợ, tìm cửa hàng nào của người công giáo là đập phá, ngăn cản không cho kinh doanh buôn bán. Các ả ngang nhiên khủng bố, đánh đập những người công giáo buôn bán và rêu rao tin đồn là hàng hoá của người công giáo có độc làm cho rất nhiều người dân hoang mang.
Người ta nói rằng, nhà cầm quyền Quỳnh Lưu đã chọn ả giang hồ này là "chọn đúng mặt để gửi vàng" bởi ả là có những người anh trai là giang hồ có số má, do vậy bà con nông thôn phải ngại ả.
Thế nhưng, công an, chính quyền và nhiều ban, ngành, cựu chiến binh, phụ nữ và cả các cô giáo hôm trước thể hiện lòng "yêu nước" "vì hòa bình"... đã không hề động tay chân mặc ả ngang ngược lộng hành.
Thế là đã rõ, mục đích sâu xa của nhà cầm quyền Nghệ An thực hiện tại Quỳnh Lưu những hành động mấy ngày qua nhằm mục đích gì?
Nồi da xáo thịt
Xã Sơn Hải nằm cách thị trấn Cầu Giát khoảng 7 km, vốn là vùng cửa sông, có hai cửa sông là Lạch Thơi và Lạch Quèn với con sông Cẩm Trường chảy ra biển.
Khoảng 11.000 dân nơi đây, cả giáo lẫn lương sống chủ yếu bằng nghề biển. Người dân nơi đây vốn sống với biển ít êm đềm mà nhiều sóng dữ nên có sự đoàn kết lẫn nhau, chưa hề xảy ra sự xích mích về tôn giáo.
Ở đó, họ cùng là những bạn chài hôm sớm trên biển với những chuyến ra khơi cần một tập thể vững mạnh. Họ cùng hân hoan với những đoàn thuyền về đầy khoang cá tươi. Họ cũng cùng là nạn nhân của nạn cướp biển, khi những người dân đi biển nơi đây bị bọn Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc. Đã có thời ngư dân ở đây đã bị Trung Quốc bắt tất cả 11 người và nhốt đến 4 tháng. Hẳn là những người dân Sơn Hải còn nhớ rõ.
Những khi vui, tất cả chung niềm vui, khi buồn hoặc khi sống chết, họ bên nhau cùng chia ngọt sẻ bùi và cùng lo lắng cho số phận của nhau trước thiên nhiên và giặc Tàu trên biển.
Những ngày gần đây, người dân nơi đây vẫn chung nhau nỗi lo vì những người đi làm ăn xa lại bị bắt giữ không có tin tức bên Tàu.
Họ đã dựa vào nhau mà sống tự bao đời nay.
Nền kinh tế ở đây phụ thuộc rất lớn vào biển, cả xã có khoảng gần 1.000 thuyền đi biển. Còn lại một ít thì buôn bán lặt vặt phục vụ nghề biển của ngư dân.
Thế rồi bỗng nhiên tất cả điêu đứng, xơ xác bởi thảm họa Formosa giáng xuống đầu họ. Thảm họa thì không kể ai, lương hay giáo, lớn hay bé... tất cả đều chung một sự đói rách tiêu điều.
Biển nhiễm độc không chịu chỉ nằm yên ở Hà Tĩnh hay chảy vào phía trong mấy tỉnh, mà chẳng ai buộc được dòng nước không đưa độc tố đi muôn phương. Nghệ An, tỉnh giáp ranh Hà Tĩnh chịu thiệt hại không kém nặng nề.
Không chỉ nghề biển đã coi như tiêu tán mà những ngành nghề khác ăn theo như du lịch, dịch vụ... đã điêu đứng không phương cứu chữa.
Khi biển chết, cả làng, cả xã như có đám tang, mọi dịch vụ dầu mỡ, ăn uống, hàng tiêu dùng... đều trở thành xa xỉ với người dân.
Thế rồi thảm họa lớn hơn lại chính là sự vô ơn của chính nhà cầm quyền Nghệ An khi họ đã chắt chiu những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt để nuôi cả bộ máy, giờ cả hệ thống trở mặt phủi tay khi những người dân Nghệ An không hề nhận được một đồng cắc nào tiền đền bù thảm họa. Trong khi những người dân các nơi đua nhau đi nhận những đồng tiền đền bù, cán bộ các nơi tìm cách găm tiền, trục lợi... thì ngư dân Nghệ An chỉ nhìn từ xa mà nuốt nước bọt.
Tuyệt nhiên, không một cán bộ, cơ quan nào của Nghệ An lên tiếng bênh vực những người dân ở đây.
Thế rồi, các linh mục đã lên tiếng thay cho họ, đã đồng hành cùng những ngư dân bị thiệt thòi, là nạn nhân, tìm mọi cách đòi công lý cho họ, buộc kẻ thủ ác Formosa phải chịu trách nhiệm và đòi nhà cầm quyền phải có trách nhiệm trước công dân.
Những hành động của các linh mục đã chấp nhận dấn thân, đồng hành cùng nỗi đau của ngư dân vì cuộc sống của họ hiện tại và tương lai lâu dài đã được khắp nơi ghi nhận và cảm phục. Lẽ ra, chính những người dân nơi đây không kể lương, giáo phải hàm ơn các linh mục ấy.
Thế nhưng, cuộc đời vốn nhiều sự bất công và câu nói của cha ông đã có thời cơ để ứng nghiệm rằng "Làm ơn, mắc oán".
Những điều khó hiểu
Thoạt nhìn những người dân Sơn Hải biểu tình chống linh mục Anton Đặng Hữu Nam, người ta có cảm giác rằng đây là những kẻ đã lấy oán trả ân đối với một người chấp nhận hy sinh cho chính cộng đồng mình.
Chúng tôi khá ngạc nhiên khi nghe tin những người dân xứ biển Sơn Hải đi biểu tình. Lẽ nào họ không biết ai đang là ân nhân của họ và ai đang là thủ phạm giết chết chính họ và giống nòi, con cháu họ?
Nhìn kỹ những tấm hình được báo Nghệ An đưa lên và những hình ảnh Đài truyền hình Nghệ An phát sóng, chúng tôi thấy những gương mặt người dân Sơn Hải khá hiền lành xưa nay.
Đây, người mặc bộ quần áo bộ đội với đầy huân chương đó là ông Lê Duynh ở Xóm 13, một người khá hiền lành và chừng mực vốn từng là giáo viên ở xã Quỳnh Long. Ông có 3 con và con cái đã lớn và có công ăn việc làm. Ông được giao làm Hội người cao tuổi và Cựu chiến binh.
Bên cạnh ông, người cầm cờ là Hồ Văn Ninh thuộc xóm 12, anh ta cũng đã từng được học xong lớp 10 ngày trước và tham gia cán bộ HTX Nông nghiệp.
Người ta cũng nhìn thấy bà Nga, một bà hàng xáo (buôn bán gạo) ở chợ Ngò, cả đời vất vả đầu tắt, mặt tối với chợ búa không mấy am hiểu về xã hội. Chồng bà ta cũng là ngư dân.
Điều khá đau đớn và hài hước, khi nhìn người phụ nữ mặc chiếc áo tím sẫm màu cầm chiếc biểu ngữ giơ lên, lại là một bà mà cả gia đình làm nghề biển và hẳn nhiên là nạn nhân của thảm họa biển Miền Trung.
Những điều đó gây cho chúng tôi sự ngạc nhiên, là điều gì đã đẩy họ xuống đường để phản bội lại ân nhân của mình?
Thế rồi, khi tìm hiểu kỹ thì chúng tôi mới biết rằng, họ cũng chính là các nạn nhân của nhà cầm quyền.
Những trò đốn mạt
Tìm hiểu những điều đã xảy ra, chúng tôi được biết những hành động mà nhà cầm quyền đã làm để đẩy người dân xuống đường hôm đó.
Trước hết, để trả lời vì sao nhà cầm quyền Nghệ An chọn Sơn Hải? Bởi đây vốn là quê của Hồ Ngọc Dũng, người vốn từng là Trưởng phòng Giáo dục, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Huyện Quỳnh Lưu nhưng đã nổi tiếng khi ký một công văn thể hiện trình độ dốt nát của quan chức. Người mà chúng tôi đã có bài viết: "Nghệ an: Thêm một công văn lạ tự thú trình độ công quyền".
Để đẩy được người dân xuống đường, họ đã không ngại ngần dùng những trò bẩn thỉu và hèn hạ ít ai có thể tưởng tượng được.
Kịch bản của quá trình đó đã được thực hiện như sau:
Trước hết, toàn bộ cán bộ xã thuộc Quỳnh Lưu được tập trung về Huyện. Ở đó, họ được cho xem những hình ảnh ghép và video chế vào hình ảnh các linh mục. Nội dung các hình ảnh và video đó là ghép các linh mục vào cảnh ăn chơi, chửi đảng, chửi đất nước, đốt cờ, ăn chơi trụy lạc... bằng nhiều hình ảnh ghép bẩn thỉu xuyên tạc, vu cáo các linh mục làm những việc đó vì tiền của Việt Tân... Tất cả nhằm kích động những cán bộ xã này.
Chính những cán bộ xã, nhận những "tài liệu" đó, đưa về phổ biến cho các Hội phụ nữ, Cựu chiến binh mà hầu hết không hề biết về công nghệ thông tin cũng như những trò ma quái của nhà cầm quyền.
Và cuối cùng là kích động đẩy họ ra đường phản đối với dăm chục ngàn đồng tiền uống nước.
Khi biết kịch bản của nhà cầm quyền Quỳnh Lưu, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng vì sao trong đám biểu tình ấy, hầu như chỉ có các bà bán hàng ngoài chợ, các bà nội trợ của ngư dân, các cựu chiến binh... mà không có thanh niên, sinh viên tham gia.
Bởi các sinh viên, thanh niên nếu được tham dự thì trò cắt ghép hình ảnh video sẽ bị bể mánh vì sẽ bị vạch trần.
Quả thật, ma quỷ lắm chiêu trò thi thố.
Hiểu ra những điều này, chúng tôi không khỏi rùng mình ngao ngán cho một "Chính quyền của dân".
Đây là một sự đốn mạt bẩn thỉu không thể tưởng tượng được rằng nó xuất phát từ một nhà cầm quyền vốn luôn gào lên là "quang minh chính đại" được lãnh đạo bởi một đảng "Quang vinh".
Nhưng, kết quả của những trò chơi của ma quỷ, chỉ là hậu quả của sự đen tối và đích đến là địa ngục mà thôi.
Để rồi, tất cả những người dân, sẽ trở thành nạn nhân của trò chơi vô luân và vô pháp bởi nhà cầm quyền độc tài coi tính mạng, đời sống và tương lai dân chúng như một trò đùa.
Và thảm họa Formosa thì vẫn còn nguyên ở đó.
Hà Nội, Ngày 11/5/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây