You are here

Phỏng vấn Vũ Thư Hiên (phần 2)

Nguyễn Thị Từ Huy (NTTH):

- Xin ông nói về chủ trương cải cách ruộng đất, theo hiểu biết của ông?

Vũ Thư Hiên:

Khi chủ trương cải cách ruộng đất được đặt ra, ông Hồ có nói với cha tôi: “Chuyện này tôi nghĩ mình chẳng cần phải làm ngay bây giờ, để kháng chiến xong mình làm cũng không muộn. ”Ông Hồ không muốn tiến hành cải cách ruộng đất ngay lập tức, đó là sự thật. Điều cha tôi kể lại cho tôi nghe cũng không phải bịa đặt. Nhưng rồi sau, như ta biết, chính ông Hồ, với tư cách chủ tịch nước, đã ký sắc lệnh cải cách ruộng đất, năm 1953. Theo lời những cán bộ cách mạng lão thành, mà tôi thấy là có lý, thì Trường Chinh mới là người muốn tiến hành cải cách ruộng đất ngay lập tức. Chủ trương này phù hợp với lời dạy của Mao Trạch Đông (cách mạng vô sản phải tiến hành song song hai nhiệm vụ phản phong và phản đế, lấy đấu tranh giai cấp làm động lực). Người ta đã vội vã tiến hành cải cách ruộng đất dưới chiêu bài ấy, không nhằm mục tiêu cải cách ruộng đất thực sự đâu. Nó mang mục đích chính trị. Có thể lý giải sự việc như thế nào? Để cải cách ruộng đất phải có những cuộc điều tra kỹ càng về tình hình ruộng đất, nước nào cũng vậy. Nhưng đã không có một cuộc điều tra nào như thế, trừ sự sử dụng vài con số thống kê do người Pháp làm trong thời thuộc Pháp. Ý đồ được ẩn giấu là: gạt ra ngoài lớp người đã tham gia từ đầu việc cướp chính quyền năm 1945 – những người không coi trọng tôn ti trật tự trên dưới, mà coi mọi người tham gia cách mạng đều bình đẳng. Mà, theo Trường Chinh, tôn ti trật tự là cái rất cần cho cách mạng, để thực hiện những mục tiêu của cách mạng.

NTTH:

- Vậy có thể hiểu: người chủ trương cải cách ruộng đất ngay lập tức là Trường Chinh?

Vũ Thư Hiên:

Cuộc cải cách ruộng đất có mặt nổi và mặt chìm của nó. Từ năm 1949, khi biên giới Trung-Việt đã thông và nhiều đoàn cố vấn quân sự của Trung Quốc sang Việt Nam thì tình hình đổi khác hoàn toàn. Mọi sự được rập theo khuôn mẫu Trung Quốc (Mao), từ việc nhỏ đến việc lớn. Các bạn khó hình dung cảnh này: khi một viên tướng Tàu cần dùng ngựa thì một người lính Tàu lập tức chạy đến để viên tướng nọ dẫm lên lưng mình mà lên yên. Chưa hết, tướng Tàu đi đâu cũng có một toán lính phục dịch: lính bảo vệ, lính vác đệm, chăn, màn, gối cho tướng ngủ, lính cấp dưỡng lo cơm nước, lính giám mã chăm lo ngựa. Thế nhưng ban lãnh đạo đảng cho thế là phải, thế mới là tôn ti trật tự cách mạng. Ảnh hưởng Tàu vào miền Bắc Việt Nam lúc đó mạnh lắm. Ở bên Tàu có chỉnh đốn tam phong (văn phong, tác phong, đảng phong) thì ở ta có chỉnh huấn, chỉnh quân. Mọi tài liệu huấn luyện để dạy dỗ chúng tôi đều là sách dịch từ các tác phẩm của các lãnh tụ Tàu: Mao Trạch Đông , Lưu Thiếu kỳ, Ngãi Tử Kỳ…Một cán bộ vận áo đại cán (áo kiểu Tôn Trung Sơn), ngực đeo huy hiệu Mao Trạch Đông, túi áo gài bút máy Kim Tinh là một cán bộ được ngưỡng mộ vì được huấn luyện ở bên Tàu về. Những phát ngôn của anh ta trong những hội nghị, những cuộc học tập được coi như chân lý không thể phản bác. Thậm chí chuyện mức ăn trong quân đội cũng phân biệt đẳng cấp: đại táo, tiểu táo, trung táo. Đặc táo là mức ăn cao nhất, với nghĩa đặc biệt, là cái trên hết các thứ “táo”. Nó không có giới hạn. Mọi thứ đều được sao chép nguyên xi của Tàu. Như vậy ảnh hưởng Tàu trong việc tiến hành cải cách ruộng đất là sự đương nhiên. Nó phù hợp với ý muốn của Trường Chinh - người lãnh đạo đảng.

Tôi nói chuyện chuyện ảnh hưởng Tàu để dẫn tới một lý giải chưa chắc đã được sự đồng tình, vì nó khác với những gì từng được viết ra về cải cách ruộng đất. lý giải ấy thế này: mấy năm đầu kháng chiến bộ đội là do dân nuôi, chẳng có đảng nào nuôi hết, kho bạc nhà nước cũng chẳng có đồng nào. Dân nuôi bộ đội, cán bộ là sự thật. Nhưng không phải là dân nói chung, lại càng không phải là bần cố nông nghèo khó, mà là những người có của (thị dân, địa chủ). Vào thời gian ấy họ được tâng bốc là những nhà hằng tâm hằng sản, trong thực tế chính họ mới là những người có khả năng đóng góp cho kháng chiến. Bấy giờ những người chỉ có vài ba mẫu ruộng (mẫu Bắc bộ bằng 3600 mét vuông, không phải hectar bằng 10.000 mét vuông), cũng đã bị gọi là địa chủ rồi. Trong sự đồng tâm hiệp lực cho mục đích cao cả là đánh Pháp giành độc lập mọi người đều thấy mình bình đẳng, với nhau, và cả với những người cầm quyền. Quan niệm bình đẳng là quan niệm tự sinh, tự nó có, trong dân chúng cũng như trong quân đội. Võ Nguyên Giáp mà đến đơn vị chúng tôi thì cũng ngồi ăn với chúng tôi, không phân biệt quan lính. Quan niệm bình đẳng ấy, khốn thay, lại là cái làm cho Trường Chinh và những người như ông ta không ưa. Trường Chinh thèm được dân sùng phục mình như những người ở vị trí tương đương ở bên Tàu. Muốn dẹp quan niệm bình đẳng thì phải thanh toán những kẻ mang tư tưởng ấy – những người tham gia từ những ngày đầu cách mạng. Từ đó mới sinh ra sự triệt hạ những người đang nắm quyền ở nông thôn, thường là những người đã tích cực đóng góp cho cuộc kháng chiến, gọi họ là cường hào, ác bá. Song song với cải cách ruộng đất là cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức do Lê Văn Lương phụ trách. Người ta chụp lên đầu những người đang cầm quyền ở nông thôn đủ mọi nhãn hiệu: tay sai đế quốc, làm việc cho Phòng Nhì của Pháp, là đảng viên các đảng phản động chống phá cách mạng - Quốc Dân Đảng, Đại Việt vv… Rốt cuộc, bằng cách tước đoạt tài sản của những người bị dán nhãn hiệu cường hào, ác bá với mọi loại phản động bị đấu tố, bị xử bắn, xử tử rồi đem chia cho bần cố nông là những người chưa hề tham gia cách mạng, chưa hề có công với cách mạng, họ sẽ mang ơn các lãnh tụ, mang ơn đảng. Và cái quan trọng hơn cả là sau khi xoá bỏ chính quyền cũ ở nông thôn, chính quyền mới được dựng nên  sẽ tuyệt đối trung thành với tôn ti trật tự mới. Hiểu được cái mục đích che giấu ấy ta sẽ thấy cải cách ruộng đất không hề sai lầm – nó đã làm được cái việc nó cần làm. Biết trước việc làm sẽ như thế nào sao có thể gọi là sai lầm? Chỉ vì nó lỡ trớn, vượt quá cái người ta mưu toan, chỉ vì bị phản ứng mạnh ngay trong đảng và ngoài xã hội mà phải thừa nhận rằng có sai và phải sửa sai mà thôi.

NTTH:

- Thế còn những nhân sĩ đã tham gia chính phủ lâm thời, có chức vụ cao trong chính phủ mấy năm đầu trong thời kỳ cải cách ruộng đất, họ ra sao?

Vũ Thư Hiên:

Các nhân sĩ trí thức tham gia chính phủ kháng chiến không bị đụng đến trong cải cách ruộng đất. Nhưng nói chung các vị ấy cũng bị ảnh hưởng của cách đối xử theo lối Trung Quốc. Mốc 1949 là cái mốc đánh dấu sự chuyển biến từ sự tồn tại của một nhà nước mưu cầu độc lập sang một nhà nước lệ thuộc. Di chứng của nó, như nay ta thấy, kéo dài mãi về sau. Nói về thái độ trong quan hệ của ông Hồ Chí Minh với các nhân sĩ trí thức tôi muốn nói lời công bằng, như tôi thấy - đối với các vi ấy ông Hồ có sự trọng thị thật sự. Ông rất giữ lễ xưa trong khi gặp gỡ các cụ cao tuổi như cụ Bùi Kỷ, Bùi Bằng Đoàn, tôi được chứng kiến. Thêm một thí dụ: khi đến thăm gia đình ông Trần Duy Hưng, bao giờ ông Hồ cũng xin phép được vào chào cụ thân sinh ông Hưng trước đã. Cách cư xử như thế có thể là do truyền thống trọng sĩ phu ngày trước chưa mất đi trong lòng ông. Với ban lãnh đạo đảng cộng sản thì không được như vậy. Ngay từ đầu, họ coi các nhân sĩ nọ như một thứ hàng hóa bắt mắt, chỉ để bày. Ở trong khu an toàn các nhân sĩ vẫn còn được giữ những chức vụ trên danh hiệu như năm 1945-1946, tuy công việc về thực chất từ đây đã do các đảng viên nắm, với chức vụ khiêm tốn chỉ là phụ tá, là phó trong các cơ quan. Nhưng tới giữa năm 1950 (tôi nhắc lại, khi lối sống Trung Quốc được tích cực sao chép) đã hoàn toàn thống trị, thì tất cả các nhân sĩ đang ở khu An toàn huyện Sơn Dương đều bị đưa lên cư trú bắt buộc tại huyện Chiêm Hoá (huyện phía Bắc tỉnh Tuyên Quang) ngồi chơi xơi nước.

NTTH:

- Ai là người đưa ra quyết định đó?

Vũ Thư Hiên:

- Cũng là Trường Chinh, nhiều người nói thế, tôi thấy có lý.

NTTH:

- Ông Hồ không có can thiệp gì vào việc đó sao? 

Vũ Thư Hiên:                                                    

- Tôi không thấy sự can thiệp nào của ông ấy. Là Chủ tịch đảng, trên danh nghĩa, nhưng ông Hồ vẫn phải tuân theo mọi quyết định của Bộ Chính trị, đứng đầu là Trường Chinh. Bác lại Bộ Chính trị à? Trong việc đưa các nhân sĩ đi tập trung ở Chiêm Hóa chắc chắn không phải sáng kiến của ông ấy.  Theo nhiều người nhận xét, Hồ Chí Minh là người nhu nhược. Tôi nghĩ khác - ông ấy chẳng mấy quan tâm tới số phận những người ông ấy từng mời mọc hợp tác trong chính phủ lâm thời.

NTTH:

- Hồ Chí Minh ở trong khu kháng chiến có chứng kiến và có biết trực tiếp những chuyện xảy ra lúc đó tại các địa phương trong việc xử lý cải cách ruộng đất không?

Vũ Thư Hiên:

- Theo tôi nghĩ, chứng kiến và biết trực tiếp thì không, nhưng ông Hồ có nhận được những báo cáo chứ, sao không, có điều chúng là những báo cáo không trung thực.

NTTH:

- Còn cái vụ ông Hồ bịt râu đi xem hành quyết bà Năm, như đồn đại, ông nghĩ sao?

Vũ Thư Hiên:

-Tôi không tin đồn này. Thứ nhất là từ Núi Hồng, chỗ Hồ Chí Minh ở, cho đến làng Đồng Bẩm, nơi đấu bà Nguyễn Thị Năm, khoảng 75 đến 80 cây số đường chim bay. Để ông Hồ di chuyển chừng đó cây số, theo lệ thường, phải có ít nhất một trung đội bảo vệ và một tiểu đội tiền trạm. Đội tiền trạm phải đi trước xem xét chỗ ông ấy sẽ nghỉ, trung đội bảo vệ với ông ấy đi sau phải bố trí ở quanh ông. Ông Hồ cưỡi con ngựa được đặt tên cao ủy Pháp Bolaert chỉ đi từng bước, không bao giờ phi nước kiệu hay nước đại, phải từ hai ngày rưỡi tới ba ngày mới tới được Đồng Bẩm. Cái version ông ấy bịt râu xem đấu khó tin lắm. Đám bảo vệ bao quanh ông lúc nào cũng lom lom nhìn vào mặt từng người đứng gần ông trong đám đông, chẳng giấu được ai, thể nào người ta cũng nhìn ra, không ngay lập tức, thì sau đó, không người này thì người kia. Tác giả Đèn Cù là người duy nhất ghi lại tin đồn, ngoài ra tôi không được nghe ở nguồn nào khác.

NTTH:

- Còn bài báo tố bà Năm ký tên CB thì sao, thưa ông?

Vũ Thư Hiên:

- Bài đó là của ông Hồ, do chính ông ấy viết. Với việc ký sắc lệnh cải cách ruộng đất, ông ấy là tội đồ dân tộc. Cần sòng phẳng trong việc này. Tội thì phải gọi là tội.

Tôi không tin câu chuyện ông Hoàng Tùng viết trong hồi ký rằng ông Hồ không muốn xử chết bà Năm, nói: “Không nên đánh người đàn bà dù bằng một cành hoa”. Nếu ông Hồ  cương quyết chống lại việc làm ác độc ấy, chắc chắn nó không thể xảy ra. Nhưng ông đã buông xuôi, theo ý Trường Chinh “cần mở màn cải cách ruộng đất bằng một bản án mạnh”. Ở đây có một cái gì đó khó giải thích, một nghịch lý cùng tồn tại trong một con người chăng? Những gì tôi thấy ở ông Hồ trong những dịp gần ông, quan sát ông, tôi không có cảm giác ông một người ác, nói cách khác không mang bản tính ác. Hẹp hòi thì có, chấp nhặt cũng có. Thấy cán bộ dùng xà phòng thơm, ông bĩu môi khinh bỉ, nhưng chỉ thế thôi, không phê phán nặng lời, không kỷ luật. Có lần ông sai thư ký Vũ Kỳ gọi tôi đi dịch cho ông nói chuyện với chuyên gia Liên Xô ở nhà máy điện Vinh, tôi thoái thác, tôi kêu tôi đau đầu, để không đi. Thế rồi khi bắt quả tang tôi không chịu làm việc cho ông để đi chơi với bạn gái, ông cũng chẳng nói gì. Tôi nghĩ, ông ấy, cũng như nhiều người khác ở cương vị lớn mà tôi biết, nhúng tay vào tội ác mà không hề áy náy, nhờ ẩn nấp dưới chiêu bài ý thức tổ chức. Đảng đã quyết, thì ta làm, đảng bao giờ cũng sáng suốt. Người bản tính không ác vẫn an nhiên làm những việc ác là thường tình. Họ bịt miệng lương tâm bằng sự biện minh rằng  họ làm ác chẳng qua để thực hiện thiện. Ở những nước xưng chuyên chính vô sản hiện tượng này xảy ra nhiều lắm lắm, chẳng cần phải dẫn chứng.

NTTH:

- Danh sách những người bị đấu tố và bị giết trong cải cách ruộng đất có được đưa lên cho ông Hồ duyệt không?

Vũ Thư Hiên:

- Làm gì phải đến ông Hồ? Mạng người trong cải cách ruộng đất chẳng là cái gì hết. Tất cả những người bị đấu tố, rồi bị lên án tử, chỉ đưa lên đến Đoàn uỷ là hết. Bí thư Đoàn ủy ký xong thì đem bắn.

NTTH:

- Đoàn uỷ là cái gì, ở đâu?

Vũ Thư Hiên:

- Dưới ủy ban cải cách ruộng đất là các Đoàn ủy cải cách ruộng đất. Nó là một tổ chức thi hành cải cách ruộng đất. Một tỉnh lớn có thể có hai Đoàn uỷ, tỉnh nhỏ một Đoàn uỷ. Dưới Đoàn ủy là các Đội. Các đội đi đến các làng, sống cùng với nông dân, làm các công việc được gọi là thăm nghèo, hỏi khổ, bắt rễ, xâu chuỗi để làm công việc cuối cùng là đấu tố địa chủ (với các thứ cường hào, ác bá, và các thứ đảng phái phản động khác luôn thể), chia quả thực (các thứ thu được), chia ruộng đất. Để hiểu hết từ ngữ chuyên biệt của thời kỳ này cần phải đọc các sách viết về cải cách ruộng đất, chúng hoàn toàn khó hiểu với người không sống trong thời kỳ đó.

NTTH:

- Như vậy phải chăng trong việc bổ nhiệm cán bộ sau năm 1946 ông Hồ không thực sự có quyền ?

(Còn tiếp)

Paris, tháng 4 năm 2017

Vũ Thư Hiên - Nguyễn Thị Từ Huy