Nguyễn Thị Từ Huy (NTTH):
- Thưa ông, từ khi còn rất nhỏ, tôi đã có dịp nghe đến cuốn « Đêm giữa ban ngày » của ông, được nhắc tới trong các câu chuyện của ba tôi và bạn bè ông ấy. Giờ đây, thật may mắn cho tôi có dịp được trò chuyện cùng ông. Hy vọng, trong tư cách nhân chứng, ông sẽ giúp mọi người nhìn thấy một số mặt khuất trong lịch sử của chúng ta, cái lịch sử vốn còn rất nhiều điều chưa được rõ ràng. Câu hỏi đầu tiên của tôi liên quan đến vai trò của Hồ Chí Minh trong cấu trúc quyền lực của chính quyền cộng sản Việt Nam. Nhiều sử gia quốc tế chứng minh rằng khoảng từ những năm 1960 Hồ Chí Minh không còn có thực quyền nữa. Quyền lực chuyển vào tay bộ ba Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh. Ông có thể nói gì về điều này ?
Vũ Thư Hiên:
- Trước hết, để mở đầu câu chuyện, tôi muốn bạn ngoái nhìn bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào năm những năm 1938-1939, khi Mặt trận Bình dân Pháp (liên minh các lực lượng cánh tả gồm Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản, SFIO, Chi hội Pháp của Công nhân Lao động Quốc tế) bị đổ. Chính quyền thuộc địa thừa dịp liền mở một cuộc tổng khủng bố tràn lan – tất cả những người có liên quan với phong trào dân chủ Đông Dương, có xu hướng chống chế độ thuộc địa – các đảng viên cộng sản, quốc dân đảng, kể cả những người thuộc diện tình nghi đều bị bắt. Lúc bấy giờ hai ông Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt phải trốn gấp, người đưa hai ông đi trốn là cha tôi, Vũ Đình Huỳnh. Ông Trường Chinh được cha tôi gửi gắm ở nhà ông Trần Văn Vần ở Phúc Yên. Từ Phúc Yên quay về Hà Nội, cha tôi bị Pháp bắt ở ga Hàng Cỏ, đưa vào Hoả Lò. Người duy nhất biết Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt ở đâu bị đưa đi an trí ở nhà tù Sơn La. Mất liên lạc, Trường Chinh ở Phúc Yên cho đến hết năm 1940. Nói thêm: ông Trần Văn Vần không phải đảng viên cộng sản, nhưng đã bảo vệ ông Trường Chinh rất chu đáo.
Vì không tìm thấy quyền Bí thư Trường Chinh đâu, nên một số Trung ương uỷ viên và xứ uỷ Bắc Kỳ đã triệu tập một cuộc họp Trung Ương bất thường và mở rộng tại Bắc Ninh, người được bầu làm tổng bí thư lâm thời là bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, Đào Duy Kỳ (tôi nghe ông Đào Duy Kỳ kể, không nhớ thời gian). Sự kiện này tôi không thấy được ghi trong chính sử của ĐCS. Đào Duy Kỳ trả lại cho Trường Chinh vị trí này khi Trường Chinh ra khỏi nơi ẩn nấp. Trong mắt lớp người cách mạng thì việc núp quá kín trong một thời gian dài chứng tỏ Trường Chinh hèn và nhát. Trong giai đoạn đó người ta trọng những người cách mạng trung thành, dũng cảm, còn giỏi hay không giỏi, là cái không ai quan tâm.
Năm 1941 Trường Chinh, cùng một số đồng chí đi qua biên giới đón Nguyễn Ái Quốc. Trong bối cảnh ấy, khi gặp Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh đã kêu to lên rằng : “Lãnh tụ tối cao đây rồi!” Tôi lưu ý bạn câu nói này, nó được ghi trong những hồi ký. Nó đáng được chú ý, vì từ trước chưa ai gọi Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ tối cao, cho dù ông nổi tiếng với tư cách một nhà cách mạng ở ngoại quốc. Tôi nhớ, cũng trong các hồi tưởng về cuộc gặp gỡ này, ông Hồ Chí Minh đã ôm Trường Chinh mà khen ngợi: “Đồng chí này là một người học trò ưu tú của Mác”. Sự xác nhận này là rất tốt, và rất cần thiết, cho Trường Chinh khi ấy.
Chuyện quyền lực về sau này có liên quan tới sự kiện tôi vừa nhắc tới. Nó giúp cho việc lý giải dài hơn, đủ hơn, về quyền lực của ông Hồ Chí Minh trong câu hỏi. Các sử gia quốc tế khi nói về quyền lực trong tay ai cũng chỉ căn cứ vào thống kê những lần xuất hiện của những nhân vật cầm quyền trước công chúng và trên mặt báo để phỏng đoán chứ không thể có bằng chứng văn bản học. Cũng xin nói trước rằng tôi cũng thế thôi, tôi chỉ có thể nói về những gì tôi tôi thấy, tôi nhớ được, cộng với những nhận định mà tôi cho là có lý. Ý kiến của tôi nằm bên ngoài sử học, nó không có gì hơn một tham khảo, hoặc một gợi ý để các sử gia tìm thêm những bằng chứng khả tín.
NTTH:
Theo những gì ông biết thì Hồ Chí Minh như thế nào vào những ngày Tháng Tám năm 1945?
Vũ Thư Hiên:
Khi ấy tôi là một đứa trẻ. Nhưng là một đứa trẻ trong một gia đình cách mạng, được gặp nhiều người về sau trở thành những nhân vật lịch sử, được nghe nhiều chuyện người lớn nói với nhau. Theo ông Nguyễn Lương Bằng (sau là phó chủ tịch nước) thì ông Hồ Chí Minh không nắm rõ tình hình trong nước lắm đâu. Tại hội nghị Tân Trào năm 1945, ông Bằng dẫn cha tôi gặp ông Hồ Chí Minh báo cáo với ông Hồ về phong trào cách mạng ở các địa phương, về những nhân vật mà ông Hồ muốn biết. Dưới vỏ bọc người chào hàng cho các hãng buôn, cha tôi thường xuyên vào Nam ra Bắc để liên lạc, chắp nối giữa các chi bộ đảng với nhau và với nhiều người có tư tưởng chống Pháp, kể cả những tổ chức cách mạng không cộng sản. Cha tôi kể: trong cuộc trò chuyện ấy ông Hồ Chí Minh tỏ ra không nhận được những thông tin chính xác, thậm chí ông còn hỏi cha tôi: ông Huỳnh Thúc Kháng hình như đã “đầu Tây” (đầu hàng), phải không? Cha tôi nói ông vừa gặp ông Huỳnh Thúc Kháng mấy tháng trước, và cho ông biết đó là tin thất thiệt - Huỳnh Thúc Kháng là người rất kiên cường. Kết quả cuộc gặp gỡ này là trong một cuộc họp trung ương đảng vào ngày 27 hay 28 tháng 8 năm 1945, ở phố Hàng Ngang, ông Nguyễn Lương Bằng đã đưa ý kiến cha tôi bỏ công tác quân sự (theo quyết nghị ở Tân Trào thì Võ Nguyên Giáp và Vũ Đình Huỳnh phụ trách quân sự), để làm bí thư cho ông Hồ. Ông ấy rất cần một người như thế ở bên cạnh. Nhân tiện cũng nói để bạn biết thêm rằng vào thời điểm trước Cách mạng tháng Tám, lực lượng cộng sản không có bao nhiêu đâu. Theo cha tôi thì chỉ có chừng dăm bảy trăm đảng viên thực sự tích cực, hoạt động có hiệu quả. Thành công của cách mạng tháng 8 là nhờ lòng yêu nước của nhân dân và thời cơ thuận lợi - Nhật đầu hàng và chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tạo ra khoảng trống quyền lực để đảng cộng sản phất cờ khởi nghĩa.
NTTH:
- Như vậy, ông Hồ Chí Minh có vai trò quyết định trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng, chứ không phải Trường Chinh?
Vũ Thư Hiên:
Theo những đảng viên mà tuổi cách mạng nhiều hơn tuổi đảng (những người hoạt động trong phong trào giải phóng dân tộc từ khi đảng chưa ra đời) bên cạnh một Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc được nói đến như một nhà ái quốc vô song, cứu tinh của dân tộc, thì vai trò của Trường Chinh khi ấy rất mờ nhạt. Ấy là chưa kể cái lỗi đi trốn quá lâu bỏ bê việc đảng của ông ta chưa phai nhạt. Chính vì lẽ đó, sau khi lấy được chính quyền, vai trò của ông Hồ Chí Minh là vai trò lớn nhất. Thời gian cuối năm 1945 và suốt năm 1946, Hồ Chí Minh hiển nhiên là ngôi sao sáng chói trên bầu trời chính trị Việt Nam. Ông là người quyết định mọi việc lớn nhỏ - từ việc đối phó với các tướng lĩnh Trung Hoa Dân Quốc, đàm phán với các đại diện Pháp, cho tới việc lo dự trữ muối cho cuộc kháng chiến mà ông biết trước sẽ lâu dài… Tôi hay ra vào Chủ tịch Phủ để mang thức ăn bổ dưỡng mẹ tôi làm cho ông Hồ Chí Minh, chạy việc vặt khi ông sai bảo, tôi thấy ông làm việc không lúc nào ngơi nghỉ.
Từ Việt Bắc về Hà Nội, Hồ Chí Minh gầy yếu, sức khoẻ rất kém, ông còn bị lao phổi nữa. Cha tôi lo lắng cho sức khoẻ của ông, mới nhờ người bạn thân là bác sĩ Trần Duy Hưng đến Bắc bộ phủ lo chữa bệnh cho ông Hồ. Tình thân của ông Hồ với ông Trần Duy Hưng bắt đầu từ đấy. Mặc dầu ông Trần Duy Hưng không phải đảng viên cộng sản, nhưng ông Hồ vẫn bảo cha tôi: anh Huỳnh vận động anh Hưng làm chủ tịch Hà Nội đi. Là người xa cách chính trị, nhưng ông Trần Duy Hưng không từ chối việc nước, ông nhận lời và làm chủ tịch Hà Nội từ ngày ấy cho đến khi về hưu. Mọi chuyện thời bấy giờ rất đơn giản thế đấy. Ông Hồ bổ nhiệm nhiều người khác vào chính phủ cũng không xét nét lý lịch, miễn là người không từ nan việc nước là ông mời. Hồ Chí Minh rất hiểu dân chúng chẳng biết Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp hay Phạm Văn Đồng là ai, nhưng tiếng tăm của những nhân sĩ Bắc Hà thì dân biết. Ông thấy cần phải mời các nhân sĩ tham gia chính phủ là ông mời, không cần hỏi ý kiến ai, thậm chí cũng chẳng đòi hỏi họ phải có lập trường chống Pháp. Có sự tham gia của các vị ấy thì chính phủ cách mạng mới có bộ mặt chính phủ của dân tộc, vậy thôi. Các vị vốn là những người có chuyên môn, không biết việc hành chính, khi nhận lời làm việc với những cương vị lớn thì lúng túng lắm, thôi thì cứ theo cung cách của chính quyền thuộc địa và chính quyền Nam triều cũ mà bắt chước, lồng vào đấy một nội dung cách mạng là xong. Cứ xem những văn bản thời bấy giờ thì có thể hình dung ra cái sự lúng túng ấy nó thế nào. Bây giờ người ta tô vẽ cho nó như là một cái gì chính thống lắm, nhưng thật sự không phải như vậy. Mà tô vẽ thế là dại. Chính cái lúng túng ấy là nét đẹp của chính quyền cách mạng.
Về chuyện bổ nhiệm công tác theo cách đơn giản như thế tôi xin kể một thí dụ: khi Trung ương Đảng bàn về việc phân công cho ai làm việc công an thì mọi người đều ngớ ra – chẳng có ai biết việc ấy làm thế nào, tổ chức nó ra sao. Rốt cuộc, ông Hồ cử ông Lê Giản làm Tổng Giám đốc Nha công an. Ông Hồ cho rằng chỉ có ông Lê Giản sau khi được Mỹ giải phóng từ Madagascar, đã được Mỹ đưa đi huấn luyện ở New Delhi (Ấn Độ), xem ra mới là người còn biết tí chút về ngành này. Thậm chí trong sở Liêm Phóng Hà Nội (tên gọi của Sở CA Hà Nội hồi ấy) còn có một cán bộ là nhà văn chưa từng làm công an bao giờ. Người ta cho rằng ông Phạm Cao Củng đã là tác giả các tiểu thuyết trinh thám: “Lê Phong phóng viên”, “Đảng bàn tay ma”... thì ắt phải biết nghề công an nó thế nào.
NTTH:
- Như vậy, ông Hồ Chí Minh là người toàn quyền quyết định các vấn đề nhân sự trong giai đoạn cuối 1945 và 1946?
Vũ Thư Hiên:
Tôi nghĩ vậy. Và những người làm việc với ông Hồ Chí Minh cũng không nghĩ khác. Vào thời kỳ đó mọi công việc của chính phủ đều diễn ra tại Bắc bộ phủ (phủ Thống sứ thời thuộc Pháp). Trong những hồi ký về hai năm đầu của chính phủ cũng không thấy ai nói khác.
NTTH:
- Xin ông nói về chủ trương cải cách ruộng đất, theo hiểu biết của ông?
(Còn tiếp)
Paris, tháng 4 năm 2017
Vũ Thư Hiên - Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây