You are here

BIỂN TIÊN SA vs. UBND ĐÀ NẴNG

Câu chuyện Sơn Trà hiện đang thế này:

Chính quyền thành phố bảo dừng các dự án lại hết, chờ rà soát để kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể toàn bộ bán đảo.

Nhà đầu tư dự án biệt thự Biển Tiên Sa phản hồi rằng họ được cấp phép chính thức và đang làm đúng luật. Họ muốn tiếp tục dự án vì tới nay đã nộp tới 67 tỷ nghĩa vụ tài chính cho Cục Thuế Đà Nẵng.

Hai câu hỏi trước các động thái này:

(1) Sau khi Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch, giấy phép đã cấp cho các dự án ở khu vực điều chỉnh có bị thu hồi không?

(2) Biển Tiên Sa hiện chỉ đang thiếu giấy phép xây dựng và báo cáo tác động môi trường của họ chưa được phê duyệt (nên công trình sẽ bị tháo dỡ tới đây); thế nhưng nếu hoàn tất hai khâu này, họ có được tiếp tục dự án?

Lo ngại sẽ bị dừng hẳn dự án, Biển Tiên Sa hiện đang 'cầu cứu' Thủ tướng và các cơ quan trung ương. Chưa biết Thủ tướng sẽ phản hồi ra sao, nhưng trong bối cảnh dư luận phản ứng quyết liệt hiện nay, việc phớt lờ công chúng để chiều lòng một nhà đầu tư có vẻ không phải là lựa chọn khôn ngoan với một người đang có tiếng phản ứng tốt với dư luận như ông Phúc.

(Ảnh:Sơn Trà trước và sau khi công ty Biển Tiên Sa triển khai dự án. Theo Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà do Thủ tướng phê duyệt tháng 1/2016 sẽ có 32 dự án như thế này được thực hiện ở Sơn Trà. (Nguồn: FB Nguyen Truong Uy)

Tuy nhiên, nếu Biển Tiên Sa vẫn tin lẽ phải thuộc về họ, một lựa chọn khác văn minh hơn mà họ có thể nghĩ tới là kiện UBND Đà Nẵng, vì đã cấp phép cho họ mà nay lại không cho phép thực hiện dự án.

Dẫu biết tòa án Việt Nam vẫn đang bị chất vấn về tính độc lập, song thử hình dung nếu trong một nền tư pháp tốt hơn, tòa sẽ xử vụ này thế nào?

Bởi vì giấy phép cho dự án Biển Tiên Sa được cấp dựa trên Quy hoạch rừng ở Đà Nẵng theo Quyết định 6758 của UBND Đà Nẵng năm 2008, mà Quyết định này lại được ban hành vượt thẩm quyền [1], nên khả năng cao là tòa sẽ tuyên cả Quyết định này lẫn các giấy phép được cấp dựa trên nó là vô hiệu. Các khu vực được cấp phép dự án ở Sơn Trà phải được khôi phục về trạng thái ban đầu, nghĩa là được bảo vệ với chế độ rừng cấm.

UBND Đà Nẵng phải có trách nhiệm đền bù cho các chủ đầu tư, vì đã đưa ra một Quyết định trái luật và cấp giấy phép dựa trên Quyết định đó, dẫn đến thiệt hại cho họ. Trách nhiệm này chỉ có thể tránh được nếu UBND Đà Nẵng chứng tỏ được nhà đầu tư đã có một hành vi bất chính nào đó (hối lộ/gây áp lực) để được cấp phép ở thời điểm 10 năm trước đây.

Trong trường hợp UBND Đà Nẵng phải đền bù thì câu hỏi là số tiền đền bù lấy từ đâu?

- Đương nhiên là từ ngân sách thành phố, tức là tiền thuế của người dân.

Có vô lý không?

- Đương nhiên là có.

Nhưng đây là sự vô lý mà chúng ta phải chịu, một khi chúng ta vẫn còn thờ ơ với chính trị và chưa làm đủ nhiều để ngăn những kẻ không xứng đáng nắm giữ và lạm dụng quyền lực nhà nước - thứ vốn dĩ thuộc về người dân chúng ta.

---
[1] Để hiểu UBND Đà Nẵng lúc đó đã vượt thẩm quyền khi ban hành Quy hoạch 6758 như thế nào, mời đọc bài: 
LÝ DO SÂU XA SƠN TRÀ BỊ BĂM NÁT https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1661875293827357