You are here

Cú cáo, sao hót được tiếng phượng tiếng công, lục lâm sao nói nên những lời tử tế?

Ảnh của nguyenhuuvinh

Thói thường, truyền thông chân chính cần nhất ở độc giả là lòng tin. Bởi với truyền thông, khi độc giả  không còn lòng tin, nghĩa là tất cả trở về con số 0. Do vậy, việc giữ sự tín nhiệm, sự tin tưởng của độc giả là một sứ mệnh, nghĩa vụ cũng như đó là sự sống còn của truyền thông.

Tuy nhiên, điều vừa nói trên là những nguyên tắc của một nền truyền thông chân chính, nền truyền thông nhằm phục vụ cộng đồng và lợi ích đa số người trong xã hội. Nền truyền thông đó sống bằng chính niềm tin của độc giả, cộng đồng gửi gắm nơi họ. Đó là nền truyền thông ở những xã hội, đất nước dân chủ.

Còn trong chế độ độc tài, nhất là độc tài Cộng sản, thì truyền thông được coi là "một mặt trận của đảng, của cách mạng". Do vậy, tất tần tật phải đều do đảng "tuyệt đối lãnh đạo" và hẳn nhiên là đảng tuyệt đối nắm quyền sinh, sát.

Chính vì vậy mà hệ thống truyền thông này vẫn mục đích tối thượng và cung cúc tận tụy phục vụ với phương châm "còn đảng, còn mình". Còn cộng đồng xã hội chỉ là thứ yếu và chỉ là đối tượng để ru ngủ, thuyết phục.

Và hẳn nhiên, khi đã trở thành một phản xạ có điều kiện, thì kể cả đảng không cho ăn, hệ thống truyền thông này vẫn cứ "tiết nước bọt" đều đều và cung cúc tận tụy phục vụ đảng như thường.

Núp lùm, mạo danh sủa bậy: Ngón nghề cũ

Một trong các ngón nghề bẩn thỉu và nhớp nhúa nhất có thế kể đến của báo chí quốc doanh, là sự bịa đặt và lừa đảo bạn đọc. Điều này không phải chỉ có một vài tờ mà tất tần tật từ trung ương đến địa phương... đủ cả. Có thể đơn cử vài trường hợp điển hình sau đây:

- Đầu năm 2008, cộng đồng giáo dân Hà Nội ngày đêm chấp nhận cái rét đến 6 độ C, mọi ông già, bà lão ngồi ngâm mình giữa giá rét cầu nguyện đêm ngày trước Tòa Khâm sứ 40 Nhà Chung. Những hình ảnh đó đánh động mọi trái tim, lay động mọi khối óc của toàn thế giới và làm hoảng loạn những cái đầu cuồng bạo của Phạm Quang Nghị, Nguyễn Thế Thảo và Nguyễn Đức Nhanh trong bộ máy cầm quyền Hà Nội cũng như chính phủ Nguyễn Tấn Dũng... lâm vào bế tắc trước tinh thần sắt đá quyết tâm của người giáo dân Hà Nội.

Một chiến dịch truyền thông bóp méo, vu cáo, bịa chuyện được sử dụng triệt để.

Ngày 30/1/2008, các báo nhà nước đồng loạt đăng bài viết " Đâu là việc làm thực sự kính Chúa, yêu nước?" của tác giả Phùng Nhân Quốc. Khỏi cần bàn nhiều đến nội dung, chỉ cần biết rằng bài viết đã tự nhận Phùng Nhân Quốc là một giáo dân Hà Nội.

Ngay lập tức, chúng tôi đã đáp ứng "Giáo gian" này bằng bài viết: "Thư ngỏ gửi Giáo gian Phùng Nhân Quốc". Ở đó, chúng tôi đã vạch rõ bản chất, sự bẩn thỉu của trò mượn gió bẻ băng, xúi trẻ con ăn cứt gà và trò ném đá giấu tay bẩn thỉu của truyền thông nhà nước.

Và quả nhiên, nhân vật "Phùng Nhân Quốc - giáo dân tự nhận" kia, chẳng mấy chốc đã bị lộ nguyên hình ngay sau đó chính là Hồng Vinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Một Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, vẫn cứ táng tận lương tâm thò tay bẩn thỉu của mình để viết nên những dòng chữ ấy, bịa nên những điều khốn nạn nhằm phụ họa cho hành vi khốn nạn là cướp đất thánh thất, tôn giáo làm người ta tự hỏi: Liệu hắn có khi nào ân hận với những việc hắn đã làm hay không kể cả khi đối diện với chính bản thân hắn và gia đình, con cái, cháu chắt hắn?

Có lẽ là không. Trái lại, người ta vẫn đọc được đâu đó những câu thơ sau đây của chính Hồng Vinh:

Mẹ dạy con làm điều nhân nghĩa
Đời nhắc con sống trọn tình người
Cha cho con móng nhà vững chãi
Đất nước cho con ngôi nhà bình yên…

(Cho)

Ồ, Ra thế! Chỉ cần để có "cái móng nhà vững chãi" cho con mình, hắn ta đã sẵn sàng bán đi cả lương tâm? Quả là một canh bạc khá nặng tay hoặc là những lời nói xuất phát từ hành vi "miệng nhanh hơn não".

- Giữa năm 2009, nhà cầm quyền Quảng Bình đánh đập tàn bạo một số giáo dân, linh mục thuộc GP Vinh tại Giáo xứ Tam Tòa. Cả thế giới lên án hành động nhà cầm quyền Quảng Bình lấy nhà thờ, nơi biểu tượng của Tình yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người để làm "Chứng tích tội ác", đồng thời kịch liệt hành động vô nhân tính của nhà cầm quyền CSVN. Giữa lúc ấy, hàng loạt báo chí được lệnh xung trận.

Có lẽ những người làm công tác báo chí bấy giờ còn nhớ rõ chỉ tiêu của mỗi tờ báo phải viết bao nhiêu bài về đề tài Tam Tòa như một chỉ tiêu về tỷ lệ địa chủ ngày xưa. Nhiều tờ báo đã thi nhau sáng tác đủ mọi thứ từ tâm thư của giáo dân, đến ý kiến người trong, ngoài cuộc... đủ cả. Thậm chí là cả phỏng vấn rồi cắt xén lời nhiều vị linh mục ngây thơ.

Linh mục Hồ Thái Bạch ngậm đắng, nuốt cay với tờ báo thân mật lâu ngày của ông: Tờ Sài Gòn giải phóng. Khi cần, nó đã lôi ông ra để tế lễ cho đảng.

Hẳn giờ này, khi rời bỏ tờ Vietnamnet đã lâu, TBT Nguyễn Anh Tuấn chắc hẳn vẫn chưa thể quên được tác giả bài viết đăng về vụ việc Tam Tòa trên tờ báo do ông ta phụ trách là "Giáo dân" thuộc "giáo xứ" nào?

- Đầu năm 2013, khi đảng hô hào góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Lời kêu gọi thật thống thiết, chân thành làm mủi lòng nhiều người... tưởng thật. Vở hài kịch lấy ý kiến hoàn hảo vượt mức cho phép đến cả vài chục lần. Chẳng hạn tỉnh Bình Dương, dân số 1,4 triệu người nhưng đảng tuyên bố có đến tận... 44 triệu ý kiến.

Bỗng nhiên Hội đồng GMVN ra bản văn thư Góp ý sửa đổi Hiến Pháp. Bản văn súc tích, ngắn gọn nhưng đanh thép và rành mạch đến mức... không thể cãi đã làm cả hệ thống chính trị choáng váng toàn tập.

Thế là hệ thống truyền thông lại bất chấp lời kêu gọi thống thiết của Đảng vừa mới đưa ra, báo Nhân Dân, cơ quan trung ương Đảng tìm ngay được một "con chiên" để đứng lên "dạy dỗ" Hội đồng Giám mục về Đức tin và Luân lý. Sự hài hước ở chỗ cả hệ thống báo chí đồ sộ ấy đứng sau một kẻ tâm thần.

Ngay lập tức, chúng tôi có bài viết: "Sự cùng quẫn nhìn từ báo Nhân Dân". Bài viết đã vạch rõ cho thấy những cái đểu, cái sai, cai man trá... ở đó.

Thế rồi, tưởng rằng mọi việc sẽ khác đi, bởi là con người, cái gì cũng cần "rút kinh nghiệm".

Thế nhưng không

Mạo danh phán bừa, cú cáo đòi hót tiếng công phượng: Trò hề mới

Trên tờ Nghệ An, tờ báo của Đảng CS Nghệ An liên tục có các bài viết: " Hãy để mùa Chay là mùa thánh thiện!" và "Không thể dùng nơi Thánh để làm việc phàm tục".

Thoạt nghe tiêu đề, người ta thấy lạ bởi bài viết "sặc mùi đạo đức" trên tờ báo cộng sản xưa nay vốn lấy bạo lực chuyên chính làm đầu.

Đọc kỹ bài báo, người ta mới thấy thật tiếc cho sự hy vọng tưởng bở của mình vốn đã bị đánh lừa.

Cả bài báo, rặt mỗi giọng xưng "cha, con" nghe ngọt xớt như cán bộ an ninh tôn giáo và trích dẫn đủ loại điều luật nọ và giáo luật kia... như thật. Thế nhưng, khi đọc kỹ một chút, tôi bỗng phá lên cười khi chợt nhớ đến mây câu thơ dân gian sau:

Miền Trung có lắm thằng khôn
Nó đi cửa trước, nó luồn cửa sau
Nghị quyết, nó thuộc làu làu
Nhưng chỉ trích dẫn những câu nó cần.

Trước hết, xuyên suốt cả bài viết, điều dễ thấy nhất ở bài báo rao giảng đạo đức của kẻ đóng vai "Người anh em cùng đức tin" rồi "Người Công giáo"... người ta đã đọc được ngay lập tức việc "rắn giả lươn" ở đây cũng mới chỉ mức độ bình thường, chưa được tinh vi và công phu cho lắm.

Bởi thường khi đã ngụy trang mà ngay lập tức bị bóc mẽ,thì đó phải coi là sự thất bại. Hãy nhìn những phản ứng dữ dội trên mạng Facebook mấy ngày qua thì rõ mức độ bị lừa được bao nhiêu?

Chỉ cần một chi tiết này để lột lớp da cừu trên bộ mặt con sói:

- Với người Công giáo xứ Nghệ, dù có cho kẹo hoặc thách đố bằng vàng mười thì cũng chẳng lấy đâu ra một giáo dân dám xưng hô "Người anh em cùng đức tin" với linh mục - loại trừ những kẻ mất nết hợm mình hoặc giả danh.

- Cả bài viết thể hiện một bản chất không thể thay đổi của báo chí CS, đó là sự ăn cắp trắng trợn và ngang nhiên. Hình ảnh, videoclip trên bài báo "Không thể dùng nơi Thánh để làm việc phàm tục" hoàn toàn ăn cắp mà không hề ghi nguồn. Đoạn VideoClip bị ăn cắp và cắt xén từ AmenTivi một cách trắng trợn mà không hề xin phép, thậm chí còn xóa logo một cách mờ ám.

- Cả hai bài viết trích dẫn đủ điều luật, Kinh Thánh... khá công phu. Có điều, những ví dụ minh họa trong đó, lại là những quảng cáo cho thần chết. Những cảnh quảng cáo mẻ cá mấy tỷ đồng ở Quảng Trị mà không hề cảnh báo rằng: Đó là cá độc, không thể ăn vào cơ thể... là một màn kịch hết sức dã man mà độc ác, coi thường sinh mạng đồng loại và nhục mạ những lời Kinh Thánh vừa trích dẫn.

-  Bài viết có đoạn: "Điều 1210, Bộ Giáo Luật rành rành thế này: “Trong nơi thánh, chỉ được nhận điều gì giúp vào việc thi hành hay tăng gia việc thờ phượng, đạo đức và tôn giáo; phải cấm những gì trái nghịch với sự thánh thiện của nơi thánh”. Nhằm để phản ứng những điều các linh mục đã chia sẻ, dạy dỗ giáo dân.

Thế nhưng, những kẻ ở tờ báo Nghệ An không hiểu được điều này: Việc loại bỏ điều ác, cái xấu, vì hạnh phúc của tha nhân... chính là đã "giúp vào việc thi hành hay tăng gia việc thờ phượng, đạo đức và tôn giáo" chứ không phải là việc gì cao xa nào khác. Mà ở xã hội Việt Nam, ai chẳng hiểu điều đơn giản nhất: Cộng sản là đại diện cho tất cả những cái xấu, cái ác và đi ngược lại hạnh phúc loài người.

Tạm kết

Để phân tích cụ thể hơn, rõ ràng hơn những điều láu cá, lưu manh và đểu cáng qua hai bài báo đã nêu, e rằng chỉ thêm mất thời gian không cần thiết.

Điều mà người ta thắc mắc trước đây nay được giải đáp qua sự việc này là: Vì sao Nghệ An ghét cay ghét đắng các linh mục?

Câu trả lời hết sức đơn giản: Chỉ vì họ đã đứng về phía những người nghèo, về số đông người dân trong cộng đồng.

Nếu họ chỉ im lặng, lo lừa đảo, hưởng thụ như "tấm gương đạo đức" của sư thầy Thích Trí Nghĩa trụ trì chùa Phổ Môn ở TP. Vinh (Nghệ An) quan hệ với phụ nữ cho đến khi sinh con thì bắt trộm rồi trốn vào Nam. Những trường hợp "tu hành" theo kiểu đó, thì báo Nghệ An ưu ái số 1, tuyệt đối không có nửa câu về họ, cũng chẳng cần giáo luật, giáo lý hoặc giáo mác gì sất. Quả là sự ưu ái tuyệt vời.

Thế nhưng qua đó, đời sống tôn giáo của người giáo dân xứ Nghệ sẽ trở thành một thứ tôn giáo quốc doanh, một thứ lẩu mắm mà chỉ nghe nói đến, người ta đã lợm giọng.

Và bản chất người tín hữu xứ Nghệ vốn công thẳng, yêu ghét rạch ròi đâu dễ dàng xỏ mũi đến vậy

Hà Nội, Ngày 25/3/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Đọc thêm:

- Sự hằn thù ác độc của nhà cầm quyền Nghệ An với chính ân nhân của mình - Phần I

- Sự hằn thù ác độc của nhà cầm quyền Nghệ An với chính ân nhân của mình - Phần II