Những ngày qua, nhiều sự kiện đã dồn dập xảy đến trong đời sống xã hội và thông tin ở Việt Nam. Sự kiện mưa bão và nhất là các đập thủy điện xả nước bất t hình lình gây lũ lụt dồn dập ngập lụt ba tỉnh Miền Trung Việt Nam rồi sự kiện bầu cử Tổng thống lần thứ 45 của Mỹ... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống truyền thông Việt Nam.
Và dường như người ta đã quên mất nỗi đau đớn và tai họa khủng khiếp của người dân Việt Nam với thảm họa môi trường Miền Trung gây ra bởi Formosa.
Chúng tôi xin trở lại vấn đề này với cuộc gặp gỡ linh mục Pet. Trần Đình Lai, người đã dẫn đầu cuộc biểu tình hàng chục ngàn người tới phản đối Formosa vào đầu tháng 10 mới đây:
J.B Nguyễn Hữu Vinh: Người ta cảm nhận những nỗi đau lớn nhất cũng như là những thiệt hại về tinh thần, về thể xác cũng như sự nguy hại và sự lo lắng nhất đối với Formosa. Thảm hoạ ở miền Trung với thủ phạm Formosa.
Vậy thì cuộc biểu tình hôm vừa rồi, mục đích chính của mình là biểu thị vấn đề gì và người dân hiện nay họ mong muốn điều gì nhất?
Linh mục Pet. Trần Đình Lai: Điều họ mong muốn đó là môi trường biển được làm sạch lại. Nhiều người họ nói rằng dù gì thì gì, dù làm như thế nào nhưng mà biển không sạch lại và cá không sống thì chưa đảm bảo được cái gì cả.
J.B Nguyễn Hữu Vinh: Cho đến hiện nay thì Nhà nước đã nhận 500 triệu đô la và lên kế hoạch để trước đó là hỗ trợ và đền bù này khác nhưng mà chính thức thì Nhà nước chưa đứng ra nhận trách nhiệm, gọi là sẽ đứng ra thay mặt Formosa để đền bù. Theo văn bản chính thức là chưa, họ chỉ có văn bản về hỗ trợ, về những thứ nọ thứ kia hoặc là đền bù nhưng với danh nghĩa thì không hiểu đây là Nhà nước họ làm giúp Formosa? Hay là Nhà nước thay mặt Formosa để đền bù cho người dân? Bởi vì thảm hoạ môi trường miền Trung theo như con được biết thì là vô cùng lớn. Ảnh hưởng không chỉ có về hiện nay, về đời sống, về mọi mặt không chỉ là những người trực tiếp với biển, những cái dịch vụ đi theo như là từ vận tải, từ du lịch, tất cả mọi mặt đều sống. Theo cha thì có cần thiết phải phân định một cách rõ ràng về cái trách nhiệm và nghĩa vụ của người đứng ra đền bù?
Linh mục Pet. Trần Đình Lai: Tôi với những người ở đây rất là ngạc nhiên và cũng không thể hiểu được, tại sao Formosa là một công ty nước ngoài, đầu tư thì nó có luật của nó. Tại sao lại gây ra một cái thảm hoạ khủng khiếp như thế mà Nhà nước hoàn toàn đứng về phía nó và thậm chí còn ra mặt rõ ràng là bảo vệ Formosa chứ không hề đứng về phía người dân gì cả.
Cái đấy là cái người dân rất là bức xúc, rất là buồn và rất là đáng tiếc cho một chính phủ. Nó không tương đương, một công ty nó tương đương với một tập đoàn, hoặc là nó đầu tư vào đâu thì có những cái trọng tài thẩm quyền ở đó để giải quyết. Đằng này cả một Chính phủ, một quốc gia 100 triệu mà đi làm đầy tớ cho một anh bỏ vào đó mấy tỉ đô la. Quá là khủng khiếp, quá là ô nhục. Tôi không chấp nhận cái điều đó, nó khó hiểu quá.
J.B Nguyễn Hữu Vinh: Thưa cha là bởi vì nếu như Việt Nam chỉ có một Formosa thì người ta có thiểu hiểu điều đấy được. Một công ty ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể hiểu được điều đó rằng là Nhà nước cũng rỗi rãi, không có việc làm, thì có thể đứng ra để giải quyết. Nhưng khi mà có hàng trăm những doanh nghiệp, mà có những tranh chấp không phải chỉ về môi trường mà về những vấn đề khác nữa thì nó có thể đứng ra để làm những việc đó hay không? Thì đấy là một câu hỏi.
Nhưng cái chính là công việc của người dân hiện nay ở những khu vực này cũng như tất cả mọi người, qua cuộc biểu tình vừa qua thì nó có một cái điều người ta đặt ra câu hỏi: Cuộc biểu tình đó, có phải thông điệp đó chỉ dành riêng cho giáo dân hay là cho tất cả mọi người gửi đến Formosa và gửi đến chính quyền Việt Nam rằng đó là nguyện vọng của người dân trong cái thảm hoạ này?
Linh mục Pet. Trần Đình Lai: Cái đó là cho tất cả miền Trung và cho cả dân tộc và cho tương lai những thế hệ con Việt chứ. Đâu phải là chỉ người Công giáo đâu. Có phải đâu phải chỉ anh mà thôi đâu.
Chúng tôi là những người sáng Chúa Nhật quy tụ để dâng thánh lễ và sau thánh lễ chúng tôi đi, tức là có đồng bộ, có đông người để đi một lúc, để nói lên một tiếng nói cho đồng thuận, chứ không phải là một mình Công giáo mà mục đích là cho người Công giáo đâu. Cho cả dân tộc, cho miền Trung và cho thế hệ tương lai của con dân Việt nữa.
Tôi đề nghị chính phủ có những cái thông báo rõ ràng chi tiết hướng dẫn dân. Bây giờ trong tình trạng hoang mang như thế, dân phải làm như thế nào? Và chính phủ có trách nhiệm và cam kết sẽ phục vụ dân trong tư cách gì và như thế nào?
Cái thứ ba nữa, thực sự ra ai cũng biết rằng những thảm hoạ trên khắp thế giới, kể cả những người văn minh như Mỹ, như Nhật, khi động đất, khi bị khủng bố, người ta kêu gọi cả thế giới ủng hộ.
Tại sao Việt Nam mình cũng là Chính phủ, cả một chuyện xảy ra như thế, Bộ Y tế biết cái thiệt hại, cái tầm mức và cái hệ luỵ như thế nào, tất cả các bộ ngành, các chính phủ đều biết đến nhưng tại sao không kêu gọi quốc tế giúp đỡ.
Tại sao thậm chí ngăn cản không cho các tổ chức dân sự xã hội vào và các tổ chức phi chính phủ vào để cứu dân? Mà đang còn gây khó dễ, đang còn nói rằng do Việt Tân xúi giục, do người này người khác kích động. Tôi nghĩ rằng không phải là chính phủ của dân, mà không phải là do dân hoặc là vì dân mà làm việc, mà làm đầy tớ cho những phe lợi ích, cho lợi ích nhóm, cho những người mà họ nhận được nhiều bổng lộc, nhiều tiền chứ không phải phục vụ dân.
Tôi rất buồn vì điều đó và tôi nghĩ rằng bắt buộc chính phủ phải có thái độ đúng đắn và chỉnh đốn nếu không thì dân lại thiệt thòi và rất là tai hại cho các cái chính trị và cho dân tộc Việt.
J.B Nguyễn Hữu Vinh: Thưa cha, có một điều nữa là sau cuộc biểu tình của những người dân vừa qua về Formosa, điều mà người ta hết sức ngạc nhiên, có rất nhiều người không phải Công giáo cũng như rất nhiều người trên nhiều nơi trên thế giới người ta cảm thấy hết sức xúc động trước một cuộc biểu tình có hàng vạn người tham gia mà hết sức là trật tự, hết sức là trị an cũng như là sạch sẽ về môi trường. Đấy là một cái đặc điểm để mà nêu cao tinh thần kỷ luật cũng như tinh thần vì môi trường, tinh thần hoà hiếu của người Công giáo.
Nhưng cái điều thứ hai nữa là người ta muốn có một cái sau khi báo chí và nhà nước đăng một số tin là một số phần tử Đảng nọ Đảng kia, cái này xúi giục kích động, thì thưa cha cái yếu tố kích động ở trong này có không? Tức là ở các cái phần tử hoặc là những cái thứ này khác có ảnh hưởng các cái yếu tố của nước ngoài hoặc là những cái tổ chức như là họ bảo là Việt Tân hoặc là những thứ đó kích động thì trong cuộc biểu tình có hơn một vạn người vừa qua có yếu tố tác động nào đó hay không?
Linh mục Pet. Trần Đình Lai: Từ khi tôi về đây cho đến giờ, nhất là cái thảm hoạ xảy ra cho đến nay, chỉ có một lần người dân nhận một người 500 ngàn từ hãng taxi Mai Linh. Mà nhận xong rồi họ phải vào trong ký tờ cam kết đi bầu cử, và họ nhận thẻ cử tri. Như vậy là tôi có bằng chứng hoặc là anh này làm tay sai cho một nhóm ít người nào đó, hoặc là nhà cầm quyền sử dụng anh ta như là một chiêu bài là cho tiền để rồi mua phiếu. Và cái đó cả xứ này ai cũng biết cả. Những người cầm tiền họ sẵn sàng làm chứng cho tôi.
Còn tôi với tư cách cha quản xứ, tôi đã từng hỏi trực tiếp những người dân và với tư cách linh mục, tôi tuyên bố rằng chưa có bất cứ một ai đến đây, dù cho một ký gạo và nói rằng phải làm cho tôi như thế này. Chưa ai làm như thế cả. Không có một người nào nhân danh đảng nào, nhân danh tổ chức nào, nhân danh cá nhân anh ta đến nói rằng tôi cho anh một trăm ngàn, anh phải làm cho tôi việc này. Chưa bao giờ có như thế cả.
J.B Nguyễn Hữu Vinh: À thưa cha, cảm ơn cha. Điều đó để khẳng định một điều rằng đó là nguyện vọng và ý chí của người dân, chứ không thể nói rằng bị một ai kích động. Bởi vì người dân bây giờ họ đã ý thức được quyền lợi và ý thức được nghĩa vụ của mình. Vậy thì có một điều là nói chi tiết một chút về thảm hoạ này, thời gian vừa qua thì con có nghe tin rằng là ở khu vực thảm hoạ này bây giờ tiếp tục người ta đánh được loại cá biển, cá ở trên nước mặt lại tiếp tục là theo dòng nó đi vào, vào khu nhiễm độc và nó lại nhiễm độc rồi người ta đánh bắt nó được dễ hơn. Vậy thì những nhà cầm quyền ở đây đã có những biện pháp gì để phân tích loại cá đó có độc hay không hoặc là vùng biển nào sạch rồi là biển nào tắm được, biển nào sử dụng được hoặc là nước chỗ nào dùng được nước chỗ nào chưa, hoặc là loại cá nào ăn được loại nào không.Hoặc là ngăn chặn cái phát tán những thực phẩm đấy, những cái loại cá đó mà người ta đánh bắt từ vùng nhiễm độc đó lên, đã có ai ngăn chặn nó đi để nó khỏi phát tán ra khắp cả nước chưa? Hay là người ta tiếp tục để cho nó bị phát tán ra để nó sinh hại cho nòi giống Việt Nam thì cái đó có động tác nào không?
Linh mục Pet. Trần Đình Lai: Khi mà thảm hoạ mới xảy ra thì tôi đưa ra cái ý kiến trao đổi với ông chủ tịch thị xã là bây giờ phải thu gom, mua và phải có địa chỉ để tiêu huỷ, và phải có các nhà khoa học vào cuộc để thiêu huỷ nó vẫn phải đảm bảo an toàn. Tất cả họ nói ý kiến của linh mục là hay, nhưng không ai làm cả.
Rồi thậm chí không phải chỉ cá đánh được sau này, mà kể cả lúc đó khi người ta vớt được cá chết, người dân thì rất là thiếu thốn... mà khi họ nghĩ ra cách để làm tiền thì họ làm ngay. Họ mua đá, họ ướp lạnh, họ dẫn đi khắp nơi. Tôi nghĩ rằng ít nhất là trong nước Việt Nam vùng nào cũng có cá ướp độc của miền Trung này, đang tồn tại ở trong kho đông lạnh và người ta đã từng ăn rồi mà không biết. Rồi còn bây giờ hiện tại thông báo mới nhất của bộ y tế là trong vòng 13,5 hải lý thì cá tầng đáy và những loài sống ở tầng đáy là loài đang còn nhiễm độc chưa sử dụng được. Gồm tôm, cua, ghẹ, mực và một số loại khác... còn cá ở tầng nổi không còn nhiễm độc nữa. Họ thông báo rằng: Trong 141 mẫu đi xét nghiệm thì có đến 67 mẫu nhiễm độc. Như thế, lẫn lộn giữa cá tầng mặt và tầng đáy. Con nào trên mặt và con nào dưới đáy.
Những người đi biển họ nói rằng cá trong nước thì có khi nó ở trên mặt, có khi nó xuống dưới đáy có khi nó ở giữa chứ làm sao phân biệt được trên tầng mặt và dưới tầng đáy?
Mình ở vùng này, không khí có khi ở vùng này, có khi ở vùng khác chứ nó có ổn định một chỗ đâu. Cá khi nó ở dưới, khi nó nổi lên trên chứ làm sao bắt nó cố định. Cái đó là không khoa học và không thực tế. Đó chỉ là lý thuyết không và bậy bạ.
J.B Nguyễn Hữu Vinh: Thưa cha, như vậy một nguy cơ rất lớn là hiện tượng cá nhiễm độc, độc tố của Formosa, những chất độc kim loại nặng đã phát tán đi nhiều nơi mà không có biện pháp nào ngăn cản. Đó là một mối nguy cơ, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trực tiếp mà còn là suy vong nòi giống. Vậy thì tại ở đây, việc phát hiện nhiễm độc, các độc tố đã có biểu hiện nào chưa?
Linh mục Pet. Trần Đình Lai: Tôi thường căn dặn giáo dân là phải giữ gìn sức khỏe cho mình, nhưng không tránh được. Rất nhiều người ăn cá, ăn tôm sau đó bị nôn rồi đau rồi phải đi chuyền nước. Tất cả các tủ thuốc ở vùng Đông Yên này, của Dòng Mến Thánh Giá tôi phải tài trợ cho họ thuốc miễn phí. Cho đến bây giờ vẫn được truyền nước và phát thuốc miễn phí vì họ không có tiền. Nhiều người đã bị nhức mỏi, đau khớp, khó thở và nhức đầu. Đó là các hiện tượng đã xảy ra rất tràn lan.
Hiện tại có một số người đang đi thả bóng, bắt ghẹ nhưng người ta không dám ăn. Nhưng người ta bán thì có người đến mua.
Những con tàu đánh bắt xa bờ thì mỗi tuần được dăm tấn hoặc mươi ngày được vài tấn nhưng họ không đi. Bởi đi về cá bán rẻ quá không đủ tiền dầu, nên họ buộc neo tàu lại hoặc một số phải bán tàu.
Video cuộc trao đổi:
(Còn nữa)
Hà Tĩnh - Hà Nội, tháng 10,11/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây