You are here

Về các tổ chức XHDS ở Việt Nam (Bài 3: Những chặng đường đã qua)

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong thời gian gần 5 năm qua, tính từ khi xuất hiện tổ chức XHDS đầu tiên của người dân ở Việt Nam, các tổ chức XHDS đã có nhiều đóng góp cho phong trào dân chủ và công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam. Để có được những thành tựu, đóng góp cho phong trào dân chủ, các tổ chức XHDS đã chủ động vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, kiên trì hoạt động trong một môi trường đàn áp hàng ngày, hàng giờ của nhà cầm quyền Việt Nam. Có thể nói rằng, cùng với những cá nhân và tổ chức ở trong và ngoài nước thuộc phong trào dân chủ, các tổ chức XHDS đã tham gia vào việc nâng cao dân trí cho rất nhiều người dân. Bằng các hoạt động đưa thông tin sự thật, công khai hóa hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong hệ thống đảng và nhà nước của chế độ cộng sản Việt Nam; phản biện các quan điểm, lý lẽ và hành động bất minh của nhà cầm quyền Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, các tổ chức XHDS xứng đáng là hạt nhân của phong trào dân chủ Việt Nam trong việc mở rộng và nâng cao dân trí. Để hiểu được tại sao các tổ chức XHDS đã đạt được những thành tựu đó, chúng ta đi vào tìm hiểu toàn diện về vai trò, vị trí, đặc điểm và hoạt động của các tổ chức XHDS trong thời gian qua.

     Trước hết, các tổ chức XHDS ở Việt Nam là một hình thức kết hợp của những người đấu tranh dân chủ, là đơn vị tổ chức của phong trào dân chủ, là chủ thể hoạt động của phong trào dân chủ trong nước. Ở hai bài viết trước (về các tổ chức XHDS), chúng ta đã lý giải, một trong những nguyên nhân của sự ra đời các tổ chức XHDS là việc phong trào dân chủ gặp khó khăn trong việc kết hợp thành những tổ chức chính trị giai đoạn trước đó. Chính vì vậy, việc kết hợp thành các tổ chức XHDS là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, đấu tranh cam go trong nước. Như vậy, bản thân các thành viên của các tổ chức XHDS hầu hết đều là những người đấu tranh dân chủ, cả mới và cũ. Một sự tập hợp của những con người dấn thân tham gia đấu tranh dân chủ chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả gấp nhiều lần so với việc hoạt động đơn lẻ của từng cá nhân. Mặc dù còn ở dạng sơ khai và rất nhiều hạn chế, nhưng các tổ chức XHDS cũng đã nêu ra được các mục tiêu, mục đích, phương pháp làm việc, phân công phân nhiệm và phối hợp giữa các thành viên. Từ những sự phối kết hợp như vậy, hiệu quả công việc đã được nâng lên rất nhiều. Những người hoạt động trong phong trào dân chủ hầu hết đều nằm trong một hoặc một số tổ chức XHDS nào đó, chính vì vậy, có thể nói, các tổ chức XHDS chính là các đơn vị tổ chức của phong trào dân chủ. Đồng thời, những phong trào chung, có sự đóng góp tham gia của tất cả các tổ chức, cũng như các hoạt động của từng cá nhân, tổ chức đều gắn liền với các tổ chức XHDS. Điều này đồng nghĩa với việc, các tổ chức XHDS ở Việt Nam hiện nay chính là chủ thể hoạt động của phong trào dân chủ trong nước.

     Các tổ chức XHDS đã thực hiện tương đối thành công vai trò kết nối phong trào dân chủ với người dân. Việc kết nối phong trào dân chủ với người dân có thể thực hiện trên hai phương diện, mạng xã hội và đời thực. Đối với mạng xã hội, việc tương tác giữa các tổ chức XHDS khi thực hiện các chương trình, kế hoạch đều nhắm tới việc thông tin sự thật, công khai hóa các hoạt động bất minh của nhà cầm quyền, phản biện quan điểm tuyên truyền dối trá, mị dân...những tương tác, kết nối như vậy dần dần thu hút và lôi kéo được rất nhiều người quan tâm tới tình đất nước, tình hình phong trào dân chủ và dân chủ hóa đất nước. Từ những người quan tâm tới tình hình đất nước, đã xuất hiện thêm nhiều người trực tiếp tham gia vào hoạt động, vào phong trào dân chủ. Có thể nói, thành tựu lớn nhất của phong trào dân chủ trong vòng 5-7 năm trở lại đây là đã mở rộng, nâng cao dân trí, thu hút được rất nhiều người quan tâm, ủng hộ và tham gia vào phong trào dân chủ dưới nhiều hình thức. Mặt khác, các hoạt động ngoài đời thực của các tổ chức XHDS cũng nhắm tới người dân, từ những hoạt động đơn giản, nhẹ nhàng, tới các hoạt động đấu tranh quả cảm, ví dụ như phát bóng bay nhân quyền, cứu trợ dân oan, xuống đường bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ cây xanh và môi trường...những hoạt động đó đã kết nối người dân với phong trào dân chủ, thu hút, động viên được nhiều người mới tham gia vào phong trào dân chủ, hoặc quan tâm tới các hoạt động của các tổ chức XHDS và phong trào dân chủ.

     Các tổ chức XHDS còn là địa chỉ, là đầu mối kết nối với các tổ chức đấu tranh, đồng bào hải ngoại, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Mối liên hệ giữa phong trào dân chủ trong nước, thông qua đại diện các tổ chức XHDS diễn ra trên nhiều phương diện và dưới nhiều khía cạnh. Đó là việc bảo vệ các quyền con người cho người dân, cho những người, những thành viên đấu tranh dân chủ, thành viên các tổ chức XHDS; đó là liên kết để tố cáo lên án những vi phạm nhân quyền, những sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam; đó cũng là sự phối hợp trong ngoài cho các hoạt động mở rộng, nâng cao dân trí. Ngoài ra, các tổ chức XHDS cũng là đầu mối để đón nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng bào hải ngoại và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Việc hoạt động của các tổ chức XHDS luôn cần các nguồn tài chính, cũng như một phần cuộc sống của người đấu tranh luôn bị o ép, rất khó khăn và cần sự giúp đỡ. Chính vì vậy, các tổ chức XHDS còn có thêm vai trò đầu mối cho sự giúp đỡ, hiệu quả hơn nhiều khi chỉ có những cá nhân như trước kia. Với một số tổ chức thiện nguyện, như Vì Ngày Mai Tươi Sáng, Mai Infor, nhóm Hồng Thái Hoàng...vai trò này càng nổi bật.

     Cuối cùng, không thể không nhắc tới, vai trò của tổ chức XHDS ở Việt Nam là môi trường để tập dượt, ngoài kinh nghiệm làm việc tập thể, làm việc chung, còn làm cơ sở cho các tổ chức và hoạt động đảng phái, chính trị sau này. Không ít thì nhiều, các tổ chức XHDS chắc chắn sẽ có vai trò trong sân khấu chính trị Việt Nam sau này, đồng thời, như chúng ta đã phân tích, vì chưa thể lập được các tổ chức chính trị mà một số người, và cả phong trào dân chủ đã phải lập các tổ chức XHDS. Chính vì vậy, có thể coi đó là các tổ chức tiền thân của các tổ chức chính trị sau này, mặc dù không phải tất cả các tổ chức XHDS đều có mong muốn và ý định như vậy. Ý thức được việc này, các tổ chức XHDS cũng cần chuyên nghiệp hóa tổ chức cũng như hoạt động của mình, để chuẩn bị sẵn các phương án và kịch bản khi chế độ cộng sản kết thúc trong tương lai gần tới đây./.     

Hà Nội, ngày 25/9/2016

N.V.B