Hôm nay tôi nhận được một email của nhà thơ Hoàng Hưng, nhằm thông báo cho tôi biết Văn đoàn Độc lập bị hiểu lầm do một câu văn trong bài « Thư gửi Phạm Đình Trọng », và đề nghị tôi giải tỏa hiểu lầm.
Tôi đoán câu văn có thể dẫn đến ngộ nhận về sự minh bạch của Văn đoàn độc lập là câu này : « Đặc biệt chi tiết liên quan đến sự minh bạch tài chính của Văn đoàn độc lập, đến cách làm việc công khai và đầy tự trọng của chị Ý Nhi ».
Khi có sự hiểu lầm của người khác, và nếu muốn được hiểu đúng, thì chỉ có một cách duy nhất thôi : giải thích lại một cách rõ ràng điều mình muốn nói. Vì thế, theo yêu cầu của nhà thơ Hoàng Hưng, tôi viết mấy dòng dưới đây.
Thực ra nếu quý độc giả đọc kỹ câu văn trên đây của tôi thì sẽ thấy câu văn đó cho phép hiểu rằng tôi nói đến sự minh bạch của Văn đoàn độc lập về phương diện tài chính, và sự minh bạch đó được chứng minh qua cách làm việc công khai và đầy tự trọng của nhà thơ Ý Nhi, người giữ vai trò thủ quỹ của Văn đoàn độc lập. Câu văn của tôi hoàn toàn rõ ràng, một câu thuộc loại khẳng định, và nó khẳng định sự minh bạch về tài chính của Văn đoàn độc lập, trong tư cách là một tổ chức.
Theo yêu cầu của nhà thơ Hoàng Hưng, để tránh hiểu lầm, tôi khẳng định lại một lần nữa : tôi muốn nhấn mạnh và đề cao cách thức làm việc công khai và minh bạch của toàn bộ tổ chức Văn đoàn độc lập, xét từ phương diện quản lý tài chính của tổ chức.
Nhân trao đổi này với nhà thơ Hoàng Hưng, nhân câu chuyện trong bức thư riêng của nhà văn Phạm Đình Trọng, và trong lá thư của tôi trả lời Phạm Đình Trọng mà tôi đã đăng công khai ; đồng thời cách đây vài tiếng đồng hồ tôi có theo dõi cuộc phỏng vấn Tổng thống Pháp, François Hollande, vào dịp quốc khách Pháp, hôm nay 14/7/2016, do phóng viên của hai đài truyền hình thuộc loại quan trọng nhất ở Pháp (TF1 và France 2) thực hiện, tôi muốn đưa ra đây một vài vấn đề chung, có liên quan đến cả cộng đồng chúng ta, hy vọng gợi lên một vài suy nghĩ ở quý độc giả.
Theo truyền thống, lễ kỷ niệm quốc khánh hàng năm của Pháp bắt đầu bằng một cuộc diễu binh hùng tráng vào buổi sáng, nhằm phô diễn sức mạnh của quân đội Pháp nói riêng và của nước Pháp nói chung. Tổng thống tham dự lễ duyệt binh, sau đó trở về phủ Tổng thống ở điện Elysée, đọc bài diễn văn trước toàn thể dân chúng và trả lời phóng vấn của truyền hình Pháp.
Chúng ta thử hình dung xem nội dung của cuộc phỏng vấn là gì ?
Mục đích của cuộc phỏng vấn là để thử thách bản lĩnh của Tổng thống Pháp, những câu hỏi trực diện, thẳng thắn, đụng tới những vấn đề quan trọng thuộc tầm quốc tế, những vấn đề quốc gia quan trọng mà Tổng thống Pháp cần phải đối diện và giải quyết, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, những hạn chế và những nhược điểm mà Tổng thống đã bộc lộ trong nhiệm kỳ của mình. Tổng thống buộc phải bày tỏ thái độ trước cách thức vận hành của chính phủ và của các lãnh đạo trong chính phủ.
Cuộc đối thoại cũng có thể mang sắc thái khiêu khích, chẳng hạn như một phóng viên đặt câu hỏi để biết Tổng thống Pháp phản ứng như thế nào khi có công dân nói rằng : « Tôi cảm thấy bị François Hollande phản bội » (je me sens trahi par François Hollande). Phóng viên cũng không hề né tránh đặt câu hỏi về việc thợ cắt tóc của Tổng thống có mức lương gần 10 ngàn euros một tháng, thông tin gây sốc cho người dân Pháp, khi mà mức lương trung bình của giáo sư đại học chỉ khoảng 3 ngàn euros / tháng. Quý độc giả dùng tiếng Pháp có thể theo dõi tại link này : https://www.youtube.com/watch?v=FdWrUlVjlS4
Điều mà ta có thể nhận ra qua cuộc phóng vấn nhân ngày quốc khánh này là gì ? Là sự công khai, minh bạch của các hoạt động của chính phủ và của lãnh đạo. Người Pháp dùng từ « transparence » (trong suốt) để chỉ đặc điểm này. Tất cả những gì thuộc về lĩnh vực công, thuộc về quản lý xã hội, tất cả những chi tiêu thuộc về ngân sách, đều phải « trong suốt », nghĩa là đều được công khai. Hệ thống lãnh đạo không được phép lảng tránh các vấn đề này khi người dân đề cập đến. Báo chí được xem là quyền lực thứ tư, chức năng của nó là « chống lại quyền lực ». Việc đánh giá, bình luận về các nhân vật chính trị, về các chính sách và các quyết định của chính phủ là quyền căn bản của công dân, và mọi bình luận đều được phép.
Ngay sau cuộc phỏng vấn Tổng thống, truyền thông liên tục bình luận. Tôi đưa ra đây một ví dụ : Marie-Noëlle Liemann, nghị viên thuộc Đảng Xã hội (đảng của François Hollande), trên truyền hình chỉ trích sự « thụ động » của Tổng thống Pháp, chỉ trích cả mức lương của thợ cắt tóc cho Tổng thống, chỉ trích luôn cả cách thức Tổng thống xử lý vụ việc này, cũng như phản ứng chưa xứng tầm của Tổng thống trước các vấn đề của châu Âu. Đồng thời bà cũng không ngần ngại nói rằng bà không tin là François Hollande sẽ thắng ở vòng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới.
Dĩ nhiên, những chỉ trích này không hề bị coi là nói xấu lãnh đạo, càng không thể bị quy kết là chống phá nhà nước hay chống phá chính quyền hay phá hoại tổ chức. Và dù Marie-Noëlle Liemann cùng trong một đảng với Tổng thống, những chỉ trích này cũng không thể bị coi là gây mất đoàn kết trong đảng. Dĩ nhiên, người Pháp sẽ cười vào mũi những ai muốn sử dụng các luận điệu này. Phân tích, bình luận, đánh giá, chỉ trích hay ca ngợi, đó là quyền của công dân, quyền tự do tư duy, tự do ngôn luận.
Chính phủ và các chính trị gia đương nhiên phải chấp nhận bị chỉ trích. Nếu không muốn bị chỉ trích thì chỉ có một cách duy nhất là làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, thế nào gọi là « làm tốt công việc », khi mà các điều kiện thực tế nhiều khi rất khắc nghiệt, lãnh đạo cũng chỉ là người, không phải là thần thánh, và đòi hỏi của dân chúng luôn khắt khe ? Nói vậy để thấy rằng làm chính trị trong một cơ chế minh bạch và công khai, trong một xã hội tôn trọng quyền tự do ngôn luận, thì không thể tránh khỏi bị chỉ trích, cho dù các đóng góp cũng sẽ được ghi nhận.
Nhưng khoa học chính trị và khoa học xã hội từ lâu đã chứng minh rằng chính nhờ sự chỉ trích của công luận mà một chính phủ có thể hoạt động tốt và có thể trở nên một chính phủ mạnh.
Trở lại với Việt Nam ta có thể thấy gì ?
Cách thức hoạt động của chính phủ Việt Nam đi ngược hoàn toàn với nguyên tắc minh bạch và công khai. Những khu vực cần công khai nhất thì các số liệu bị biến thành tài liệu mật của quốc gia (chẳng hạn như thu chi của đảng cầm quyền hay các hoạt động tài chính của Ban Kinh tế trung ương). Báo chí ở Việt Nam đánh mất quyền lực của nó, và trở thành công cụ cho đảng cầm quyền. Những ý kiến chỉ trích chính phủ từ phía người dân bị quy kết là chống đối, gây mất đoàn kết, thậm chí bị quy tội hình sự là chống phá chính quyền, người nêu ý kiến có thể bị trừng phạt ở nhiều mức khác nhau : bị bắt bỏ tù, bị đuổi việc, bị đánh đập, bị sách nhiễu…
Quản lý theo cách thức này chính là lý do khiến chính phủ Việt Nam trở thành một chính phủ bất lực, một chính phủ suy yếu, khiến cho tệ tham nhũng hoành hành, và tham nhũng trở thành một yếu tố tác động và chi phối các quyết định của quốc gia, khiến cho các quyết định được chính phủ lựa chọn mang lại hậu quả tồi tệ cho đất nước và cho nhân dân (hãy nhìn vụ Formosa đang là thời sự). Chính phủ không thể giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề liên quan đến chủ quyền và môi trường sống của toàn bộ quốc gia.
Nhưng có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất cho một người như tôi là : cũng có tổ chức xã hội dân sự hành xử chẳng khác gì chính quyền Việt Nam. Các phân tích, chỉ trích, bình luận của thành viên (trong mục đích nhằm xây dựng tổ chức vững mạnh hơn) cũng bị quy kết là chống phá tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ… ; đồng thời tổ chức không hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Điều này khiến tôi phải trở lại với trường hợp Văn đoàn Độc lập, để giải thích rõ hơn vì sao tôi đề cao Văn đoàn. Văn đoàn Độc lập hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, dưới một thể chế độc tài, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc công khai tài chính trong tổ chức, công khai tài chính cho các thành viên của tổ chức. Ngoài ra Văn đoàn Độc lập cũng công khai danh sách thành viên trên website của mình, công khai các hoạt động của Văn đoàn.
Có thể nói, dù trong một bối cảnh bất thường, Văn đoàn Độc lập cũng vẫn hoạt động theo nguyên tắc của một tổ chức xã hội dân sự bình thường.
Cần phải thừa nhận rằng : các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đang trong bước đầu hình thành và xây dựng, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có một tổ chức nào đủ tầm để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của các vấn đề đang đặt ra cho xã hội và cho đất nước. Điều gây băn khoăn là : các tổ chức xã hội dân sự có nhu cầu trở nên lớn mạnh hay không ? Các tổ chức xã hội dân sự có muốn khẳng định bản lĩnh của mình hay không ? Các tổ chức xã hội dân sự có thể tạo sức mạnh cho mình bằng cách xây dựng tổ chức của mình theo nguyên tắc minh bạch và trong suốt hay không ?
Trong khi mà Việt Nam đang bước những bước dài về phía vực thẳm tự hủy diệt thì người ta vẫn không thấy các nỗ lực cải cách từ phía chính quyền, và cũng chưa thấy nỗ lực để trở nên lớn mạnh từ phía các tổ chức xã hội dân sự. Vậy, tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào ?
Câu hỏi này mỗi người phải tự đặt ra cho mình, cả những người đang đứng trong bộ máy lãnh đạo nhà nước, cả những người đang hoạt động trong phong trào xã hội dân sự, và tất cả mọi người.
Paris, 14/7/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây