You are here

Bầu cử: một canh bạc bịp quá thô thiển diễn lại

Ảnh của nguyenhuuvinh

Ngày hôm nay, màn diễn "bầu cử" lại rầm rộ triển khai trên khắp cả nước.

Đã mấy chục năm nay, cứ dăm năm lại một lần diễn đi rồi diễn lại. Tốn kém đến cả hàng ngàn tỷ đồng tiền dân. Trong khi báo chí cho biết: Hiện đang có những bà cụ gần 90 tuổi hàng ngày uống nước ao cho đỡ đói. Hiện hàng trăm ngàn hộ dân ở các tỉnh đang phải cứu đói. Đặc biệt là thảm họa môi trường Miền Trung đang đe dọa hàng triệu người dân các tỉnh và nguy cơ ô nhiễm lan ra cả nước.

Vậy, để làm gì với những màn diễn đó? Đơn giản chỉ được một việc: Để cho có vẻ dân chủ. Chấm hết.

Vì sao vậy?

Bầu cử, nguyên nghĩa của nó, là việc người dân bầu lên người mà mình tin tưởng, ủy thác và giao phó cho họ những trách nhiệm thay mình trong các công việc xã hội. Cụ thể việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng... là người dân được tự do chọn lựa những người họ biết, họ tin tưởng và bầu họ vào những vị trí trong Quốc hội, hội đồng...  nhằm thay mình điều hành xã hội, đất nước theo nguyên tắc dân chủ và lấy lợi ích đất nước, tổ quốc và nhân dân làm mục tiêu phục vụ.

Ở chế độ Cộng sản và độc tài, việc bầu cử chỉ là một hình thức nhằm hợp thức hóa cho ra vẻ "dân chủ" dùng để lừa bịp người dân và thế giới.

Chỉ nhìn qua các con số trong số cái gọi là "Quốc hội Việt Nam" chúng ta thấy rõ những điều bịp bợm trong cái "Quốc hội của dân":

- Số đảng viên đảng Cộng sản hiện nay khoảng 4 triệu  trên tổng số 90 triệu dân Việt Nam, tỷ lệ 1/22,5= 4,4%

- Số đại biểu Quốc hội: 500 người, trong đó đảng viên cộng sản chiếm 458, chiếm 91,6%. Đại biểu ngoài đảng chiếm 8,4%.

Như vậy, 4,4% số người kia, chiếm tỷ lệ 91,6% trong cái gọi là "Quốc hội". Vậy thì đâu phải của dân?

- Trong số 8,4% hiếm hoi ngoài đảng này, không phải tự nhiên mà ứng cử để bầu vào đó, mà tất cả đã qua sàng lọc của đảng hết sức cẩn thận bằng ba vòng gọi là "hiệp thương". Ở những vòng đó, bà quét rác có thể đánh giá một giáo sư, tiến sĩ rằng không đủ năng lực làm đại biểu quốc hội... theo các vở kịch đã định sẵn để tước quyền ứng cử nếu đảng không ưa. Trò này đã bị vạch mặt trên mạng Internet quá rõ.

- Trong số 8,4% kia mà đảng vẫn chưa yên tâm. Đảng tiếp tục dùng những chiêu trò khác như "Quán triệt trúng cử", "Quán triệt đắc cử"... nhằm loại bỏ những người đảng không ưa. Điều này không phải chỉ diễn ra gần đây, mà lần bầu cử trước đã diễn ra công khai như vậy. Giờ vẫn diễn lại trò cũ không ngượng.

quan-triet

"Quán triệt trúng cử" bầu Quốc hội 2011

Năm 2011, cũng trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa trước, tại Nghệ An, danh sách ai trúng cử được đưa ra trước với cái gọi là "Quán triệt trúng cử". Trò mèo này bị lộ tẩy. Bốn sinh viên đã kêu gọi tẩy chay bầu cử dân chủ giả hiệu.

Kết quả là nhà nước ưu ái tặng mỗi em 3-4 năm tù.

Và năm nay, nhà nước vẫn sử dụng "quy trình bầu cử" như cũ. Ngay chiều 20/5/2016, trước khi bầu cử 2 ngày, trên mạng đã có  tài liệu của Đà Nẵng và Nghệ An với "Định hướng đắc cử" bằng hình thức chấm tên người trúng cử cho dân gạch theo.

quantriet_dịnhuong

Định hướng đắc cử 2016

quantrietdacu

Thế nhưng, bị bóc trần, họ vẫn không ngượng.

Mà ngượng sao được? Biết ngượng thì chấp nhận đảng thua à?

Thậm chí, hài hước hơn, là ở Bắc Ninh, cô Trịnh Thị Phương, một cô gái hành nghề cắt tóc, gội đầu tự nhiên không cần hiệp thương, chẳng cần tự ứng cử, cũng không cần giới thiệu... và hẳn nhiên là không cần những cuộc "đấu tố", bỗng dưng có danh sách ứng cử viên Hội đồng Nhân dân Tỉnh. Khi được hỏi, cô gái thật thà: "Em chẳng biết làm gì đâu, có ai bảo gội đầu thì em gội thôi".

Người dân ngơ ngác và chính cô gái có danh sách ứng cử viên Hội Đồng nhân dân Tỉnh cũng ngơ ngác bảo nhau: "Chắc mấy ông trong HĐND Tỉnh thỉnh thoảng ngứa đầu mà không muốn đi xa, nên đưa cô này vào Hội đồng nhân dân Tỉnh thôi".

 

Trò hề thô kệch này vẫn cứ diễn ra trước mắt người dân với bài bản cũ, vẫn đào kép cũ và vẫn kịch bản cũ.

Nhưng, họ không hiểu rằng bây giờ thời buổi đã khác.

Nếu cách đây 5 năm, nhà cầm quyền bắt 4 sinh viên công giáo vì tẩy chay bầu cử Quốc hội giả hiệu. Thì ngày nay, trên mạng tràn ngập những cử tri tẩy chay bầu cử.

Nếu trước đây, cái gọi là Quốc hội muốn ngủ gật hay làm gì thì làm dân không biết, thì ngày nay, dân vẫn nhớ câu nói của Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội mới đây rằng: "Quốc hội là của dân, sai thì dân chịu cứ kỷ luật ai".

Và họ rủ nhau tẩy chay, bởi biết đâu mai sau Quốc hội này quyết định bán nước cho Tàu Cộng, thì cũng "dân bầu thì dân chịu chứ biết kiện ai".

Có lẽ, với đất nước này, ngày hội toàn dân, nếu có, chỉ là ngày mà chế độ Cộng sản sụp đổ trên mảnh đất này.

Hà Nội, ngày đảng diễn trò "bầu cử quốc hội" 22/5/2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh