Văn thư ký tên và đóng dấu của Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc do Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo và văn thư của TGM Bà Rịa do cả hai Đức Cha Toma Nguyễn Văn Trâm và Emanuel Nguyễn Hồng Sơn ký mời gọi giáo dân "tích cực tham gia việc bầu cử, xem xét chọn lựa những đại biểu có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực phục vụ lợi ích của nhân dân"... . đã làm xôn xao cộng đồng tín hữu, trở thành đề tài nhiều câu chuyện quanh bàn trà, cuộc rượu của dân chúng.
Văn thư của TGM Xuân Lộc có dài dòng hơn chút trước khi mời gọi "tích cực tham gia việc bầu cử". Còn bức thư của hai Đức cha Bà Rịa thì chẳng cần dài dòng đến thế, chỉ một câu rất "kinh điển" rằng thì là "mọi Ki tô hữu đều là công dân có quyền lợi và trách nhiệm góp phần tích cực của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc" rồi mời gọi "tích cực tham gia việc bầu cử..." và yêu cầu đọc trước các Thánh lễ chiều thứ 7 và sáng Chủ nhật ngày "bầu cử".
Đọc hai văn thư nói trên, nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có lời giải thích. Rằng thì là sao hồi này các Đức cha này quan tâm tới các vấn đề xã hội đến thế? Rằng thì là việc bầu bán này có đúng nghĩa của bầu cử không? Có đúng là để tìm "những đại biểu có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực phục vụ lợi ích của nhân dân" thật không? Nếu có những người có phẩm chất, đạo đức, có trình độ thật, thì có phải để phục vụ lợi ích nhân dân hay không? Và cuối cùng, thì việc các Đức Giám mục ra các văn bản này có tác dụng gì?
Để tìm hiểu những điều đó, có lẽ cần có những tìm hiểu về những điều thuộc bản chất sâu xa hơn.
"Quốc hội Việt Nam" là của ai?
Định nghĩa thông thường và Hiến pháp Việt Nam, thì "Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất". Nó do dân bầu lên, để thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nó nhằm đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người dân, bảo đảm để đất nước phồn thịnh, lãnh thổ Tổ quốc được bảo toàn, đời sống người dân được thăng tiến.
Nhưng, ở Việt Nam, "Quốc hội" chỉ là một cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở đó, đảng viên Cộng sản chiếm tuyệt đối đa số. Con số ngoài đảng chỉ là một con số nhỏ nhoi, được cấu tạo làm màn che và tô vẽ cho cái vỏ "dân chủ, của dân" mà thôi.
Ở đó, các cái gọi là "đại biểu của dân" chỉ được bầu lên khi đảng cộng sản đã chọn lọc kỹ lưỡng, cài cắm cẩn thận cho dân "bầu". Những ông sư, bà vãi, ông linh mục được cấu tạo ra đó, chỉ mục đíchh làm cảnh mà chẳng có một tích sự gì ngoài việc được thoải mái ca ngợi đảng cộng sản.
Ở đó, các đảng viên Cộng sản thay nhau nắm quyền để điều hành, mà các đảng viên thì chỉ được "nói và làm theo nghị quyết của đảng".
Ở đó, những "Nghị quyết", luật lệ đưa ra từ cái cơ quan quyền lực cao nhất này - đều dưới các nghị quyết của Đảng Cộng sản - Một tổ chức siêu quyền lực, chỉ có hơn 3 triệu đảng viên. Thực chất là một nhóm quyền lực và lợi ích trên tổng số 90 triệu người dân Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng, Tổng BT Đảng CS, cựu chủ tịch Quốc hội đã khẳng định điều này.
Do vậy, Quốc hội Việt Nam, được sử dụng để thi hành các nghị quyết, chủ trương của đảng Cộng sản. Dù nhiều khi, các chủ trương, nghị quyết đó đi ngược lại lợi ích đất nước và dân tộc. Khai thác Bauxit Tây nguyên, mở rộng Hà Nội, đập phá và xây nhà Quốc hội mới... đều được Quốc hội thông qua, dù ai cũng thấy những sự vô lý, ngược quy luật, bị phản đối dữ dội - Thực chất chỉ là những bước "hợp pháp hóa" các chủ trương của Đảng CSVN.
Thế nhưng, trước việc lãnh thổ của Tổ quốc bị xâm lược, bọn giặc đang ngày đêm chiếm đóng, Quốc hội đã hết sức rón rén không dám đưa ra một Nghị quyết nào về Biển Đông. Chỉ vì bọn xâm lươc kia, là "bạn vàng" của Đảng. Thậm chí, khi ngư dân Việt Nam bị bắn, bị bắt, bị giết hại trên biển Việt Nam, quân lính Trung Quốc đầy trên các đảo Việt Nam và nhà cầm quyền Trung Quốc đã bồi đắp hàng loạt đảo của Viêt Nam trên biển, thì Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch "Quốc hội" và nay là Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN vẫn ráo hoảnh: "Biển Đông không có gì mới" - nghĩa là giặc vẫn chiếm đóng như cũ và chiếm đóng tiếp, dân vẫn bị chết trên biển của mình... không cần phải quan tâm. Mặt khác, Tập Cận Bình, tên giặc đầu sỏ xâm lược VN, lại được đưa vào "giáo huấn" cho Quốc Hội Việt Nam trong chuyến thăm vừa qua.
Như vậy, có thể khẳng định rằng: Quốc hội VN hiện nay, chỉ là một cánh tay của Đảng CSVN, hoàn toàn không đại diện cho nhân dân Việt Nam.
Những Đức Giám mục có chức năng của ban Tuyên giáo?
Việc các Đức Giám mục chăm lo bổn phận mình, hướng dẫn tín hữu những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội theo tinh thần của Giáo hội là điều cần thiết.
Thế nhưng, người ta không hiểu vì sao, những vấn đề của giáo dân nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đã và đang đối mặt một cách gay gắt, nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến đời sống vật chất, tinh thần của họ cũng như đời sống đức tin... thì không thấy các vị ấy có một tiếng nói kịp thời?
Chưa cần nói đến việc nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm quyền con người một cách có hệ thống, tước đoạt quyền con người cơ bản của người dân một cách trắng trợn và tàn bạo như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng... mà chỉ cần nói đến những việc ngay gần đây và trước mắt thôi thì cũng đã rõ như ban ngày.
Đó là việc Biển miền Trung bị đầu độc, dẫn tới thảm họa môi trường, cả đất nước bị ảnh hưởng nặng nề. Môi sinh bị tiêu diệt, hàm lượng độc tố trong biển đã đe dọa không chỉ đời sống hiện tại của ngư dân mà còn là của cả đất nước, đe dọa sự tồn vong của giống nòi Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam đã lúng túng, bao che, thiếu minh bạch. Qua đó thể hiện việc coi thường sinh mạng người dân cũng như đặt cả đất nước và dân tộc Việt trước một thảm họa diệt vong.
Đức GM Bùi Văn Đọc, chủ tịch HĐGM còn Việt Nam ra một văn bản - mà thực chất là làm thay công việc của An ninh và Tuyên giáo - nhằm kêu gọi người dân không xuống đường biểu lộ ý nguyện của mình trước những bức xúc do nhà cầm quyền tạo ra. Chính cái Thông báo đó đã bị nhà cầm quyền sử dụng để bôi nhọ, vu cáo Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp. Văn bản đó lập tức bị phản ứng, và sau đó đã có một "Thư giải thích" của Hội đồng Giám mục với lý do "ngài vội vã để đi Pháp"?
Riêng với các Giám mục đã ra văn thư kêu gọi "tích cực tham gia bầu cử" thì chưa ai thấy các ngài có hành động, lời nói hoặc việc làm nào tỏ ý cảm thông với nạn nhân, lo lắng trước vận mệnh của đất nước và dân chúng.
Phải chăng, đó là việc các ngài không quan tâm và không mời gọi giáo dân quan tâm vì khi đó họ không phải là "công dân có trách nhiệm với Tổ Quốc"?
Trong khi đó, việc "bầu cử" là chuyện của Đảng CS, vì quyền lợi của Đảng CS, để "bầu" ra một cơ quan của Đảng CS - dù bằng tiền của nhân dân, thì các Đức Giám mục này lại rất nhanh nhẩu và hăng hái?
Cần phải nói rằng: Việc các ĐGM kêu gọi rằng "tích cực tham gia bầu cử Quốc Hội" là "góp phần xây dựng Tổ Quốc" hay "vì lợi ích quốc gia" chỉ là sự đánh tráo khái niệm. Bởi Đảng CS không hề là Tổ Quốc, là Quốc gia hay dân tộc.
Như đã phân tích ở trên, cái gọi là Quốc hội này, hoàn toàn không thuộc về "lợi ích Quốc gia" hay thuộc về Tổ Quốc. Đơn giản nó chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản và chỉ phục vụ lợi ích của nhóm này mà thôi.
Phúc thống phục nhân sâm?
Trước những văn bản của các ĐGM Xuân Lộc và Bà Rịa, có người đã giải thích rằng: Các ĐGM chỉ kêu gọi "với ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ công dân", mời gọi giáo dân "tích cực tham gia bầu cử" để chọn lựa “những đại biểu có phẩm chất đạo đức, có trình độ và năng lực phục vụ lợi ích của nhân dân”. Trong trường hợp không có ai xứng đáng thì thôi. Hoặc anh được tự do chọn lựa trong việc bầu cử, anh bầu hay không là ở anh... Đức GMGP Xuân Lộc còn kêu gọi đọc lại Giáo huấn của Công Đồng Vaticano II về vai trò Giáo hội trong thế giới ngày nay cơ mà.
Theo chúng tôi, những lời giải thích này có vẻ khiên cưỡng. Tuy nhiên cứ cho rằng chấp nhận những lời giải thích đó là đúng với ý của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo đi nữa, thì với điều kiện hiện nay, kết quả của bức thư đó sẽ là gì?
Chúng ta đều biết, trong đời sống người dân Việt Nam hiện nay, người dân một nắng, hai sương lo cho bữa ăn của mình còn chưa xong, thì làm sao họ có thể hiểu được những ý tứ sâu xa (nếu có) của bức thư này? Thậm chí cho đến nay, nhiều tu sĩ còn chưa đọc đến Thánh Công đồng Vaticano II chứ chưa cần nói đến giáo dân để họ hiểu được những điều nói trong đó.
Lịch sử "Quốc hội Việt Nam" mấy chục năm qua, bất cứ cuộc bầu cử" nào, cũng nhan nhản khẩu hiệu "Lựa chọn những người có tài, có đức vào Quốc hội". Thế nhưng, đã có được mấy người thể hiện mình có tài và có đức trước hệ thống chính trị hiện nay? Thậm chí, với chế độ độc tài toàn trị và hệ tư tưởng Cộng sản, kể cả khi một người có tài, có đức lọt vào đó, thì thử hỏi họ sẽ làm được gì? Hay họ chỉ là một chiếc đinh vít có vẻ tốt hơn trong cỗ máy rệu rã đang quay ngược bánh xe lịch sử. Nếu họ khác đi, chắc chắn sẽ bị bật ra ngoài quỹ đạo của cỗ máy đó.
Và với não trạng "Cha là chúa, Đức cha là người thay mặt Đức Chúa" theo kiểu đạo làng đang phổ biến hiện nay, với cách cai trị bằng công an, dọa nạt, súng đạn và nhà tù kết hợp với chủ nghĩa lý lịch của nhà cầm quyền Cộng sản, thì lá thư của Đức cha chẳng khác gì xua mọi giáo dân đi "bầu cử" cho đảng diễn xong màn diễn của mình.
Cái nguy hại lớn nhất, là người dân cứ tưởng như vậy là hợp ý Chúa và là lẽ đương nhiên mà không biết rằng mình đang được dẫn vào một trò tháu cáy bẩn thỉu của nhà cầm quyền là tước đi quyền chính đáng của họ được có một cơ quan thật sự của mình.
Và như vậy, thì việc kêu gọi người dân đi bầu cử theo cách đó, dù với ý tốt đi nữa, cũng chỉ là câu chuyện "Phúc thống phục nhân sâm" mà người xưa đã dùng để dạy con cháu. Kết quả là người dân, đất nước sẽ "tắc tử".
Điểm vài dòng Thánh Công đồng và Giáo huấn Giáo hội
Theo lời mời gọi trong văn thư của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đọc Thánh Công đồng Vaticano II, ta thấy ở đó nói gì?
Hiến chế tín lý về Giáo hội, mục 73, phần II chương IV "Đời sống cộng đoàn chính trị" có viết: "Nhờ ý thức mãnh liệt về phẩm giá con người, ngày nay tại nhiều nước trên thế giới, người ta cố gắng thiết lập một thể chế chính trị pháp lý để bảo vệ hữu hiệu hơn quyền lợi của cá nhân trong đời sống công cộng, chẳng hạn quyền được tự do hội họp, tự do lập hội, tự do phát biểu ý kiến và tự do tuyên xưng tín ngưỡng cách riêng tư hoặc công khai: Vì việc đảm bảo những quyền lợi của con người, là điều kiện thiết yếu để người công dân với tư cách cá nhân hay đoàn thể, có thể tham gia tích cực vào đời sống và vào guồng máy quốc gia...
Trái lại, người ta lên án bất cứ thể chế chính trị nào như hiện có ở một vài nước, nếu nó ngăn cản quyền tự do công dân hoặc tín ngưỡng, nếu nó làm gia tăng con số nạn nhân của tham lam và của tội ác chính trị, nếu nó làm cho việc cai trị đi lệch đường, thay vì mưu cầu công ích lại phục vụ cho một tập đoàn hay chính những người cầm quyền.
... Và "việc định đoạt một thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền vẫn là quyền tự do của mọi công dân".
Còn Học thuyết Xã hội Công giáo có viết như sau:
Điều 395 có đoạn: "Chủ thể của quyền hành chính trị là chính nhân dân, được nhìn nhận một cách tổng quát như những người đang nắm chủ quyền. Dưới hình thức này hay hình thức khác, nhân dân này chuyển việc thi hành chủ quyền đó cho những người được lựa chọn làm đại biểu của mình, nhưng vẫn giữ đặc quyền là bày tỏ chủ quyền của mình mỗi khi đánh giá công việc của những người có trách nhiệm cai trị, đồng thời thay thế những người ấy nếu họ không thi hành vài trò của mình một cách thỏa đáng, Dù đây là quyền đnag được thi hành trong mọi quốc gia dưới mọi chế độ chính trị".
Điều 191 có viết: "Về việc tham gia đời sống xã hội và chính trị, còn một lý do đáng quan tâm nhiều hơn nữa ở các nước sống dưới chế độ chuyên chế và độc tài: Tại đây, quyền căn bản là được tham gia vào đời sống cộng đồng đã bị chối bỏ tân gốc vì bị coi là mối đe dọa cho chính quốc gia. Tại một số nước, quyền này chỉ được công bố cho có, còn trong thực tế không được thi hành một cách cụ thể."
Điều 389 có viết: "...Không nên để xảy ra tình trạng một vài cá nhân hay một vài tập thể xã hội được hưởng lợi thế do các quyền của họ được bảo vệ một cách ưu tiên".
Đọc những đoạn văn trên của Thánh Công đồng Vaticano II và Giáo huấn Xã hội Công giáo, soi chiếu vào những văn thư trên, thì rõ ràng người ta thấy cần xem lại mục đích, cách làm và nội dung của những văn thư đó.
Hà Nội, Ngày 20/5/2016, trước ngày đảng diễn trò "Bầu cử".
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây