Một thời sống với niềm tin chui
Tôi biết đến tên của linh mục Mattheu Vũ Khởi Phụng những năm đang học Đại học. Những năm tháng đó, nhóm sinh viên Công giáo chúng tôi vẻn vẹn chỉ có hơn ba chục đứa ở tất cả các trường Đại học miền Bắc. Phần thì do phương tiện thông tin liên lạc và giao thông lúc đó khó khăn, phần thì hoàn cảnh xã hội không thuận tiện cho những người mang niềm tin tôn giáo, nhất là công giáo, có thể bày tỏ niềm tin của mình. Bởi cuộc "cách mạng về Tư tưởng và văn hóa" hết sức triệt để và tàn khốc, nhất là đối với tầng lớp sinh viên, học sinh.
Một số đứa người công giáo, nhưng khi bước chân vào trường Đại học không dám nhận mình là công giáo nữa. Điều đó cũng không có gì lạ nếu hiểu được tình hình xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, công giáo là một từ kiêng kỵ trong hệ thống ngôn ngữ xã hội cộng sản, người công giáo là thứ công dân hạng hai trong xã hội. Do vậy, nhiều khi để mong được học hành yên ổn, ra trường có cơ hội tiến thân thì nhiều đứa đã giấu biệt niềm tin của mình vào chỗ sâu kín. Mỗi lần, nhóm chúng tôi gặp mặt nhau khi có sự kiện gì, thì chúng tôi cứ phải lén lút như làm một điều tội lỗi ghê gớm. Thế nên sau này mới có chuyện cười ra nước mắt là có một linh mục không có đạo là thế.
Vậy mà rồi nhóm chúng tôi vẫn cứ bị theo dõi sát sao, những buổi sinh nhật bạn, những khi, chầu, khi lễ lạt cùng nhau... tất cả đều được ghi vào sổ đen. Không chỉ có thế, hai trong số những bạn bè của tôi một đứa Đại học Ngoại ngữ và một đứa học Đại học Mở - Địa chất vẫn bị bắt đi tù 3 năm, không án, không tòa.
Kể lại những hoàn cảnh đó, để thấy rằng lúc bấy giờ sinh viên Công giáo tìm được một người để trao đổi, hướng dẫn về đức tin là điều hết sức khó khăn.
Một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên thâm, một con người gần gũi
Trong những năm tháng đó, tôi nghe đến tên một linh mục từ miền Nam ra miền bắc, thỉnh thoảng có gặp gỡ anh em, để nói chuyện về đạo, về đời về cuộc sống... Những buổi nói chuyện đó, đám sinh viên như được tiếp cận với một nguồn tri thức vô tận và nhất là sự điềm đạm, khiêm hạ, dấn thân của một linh mục. Tôi ao ước một lần được gặp gỡ ngài.
Thế rồi như sự tình cờ, khi tôi ra trường công tác tại Hà Nội, tôi có dịp quen biết với ông bà cụ cố Vũ Thế Hùng, nhà ở 36 Trần Hưng Đạo, Hà Nội là song thân của linh mục Mattheu Vũ Khởi Phụng.
Ông bà cố là trường hợp khá đặc biệt. Ông cố là bạn tù của ông bác họ tôi, cùng đi tù mút mùa vì tội tham gia Liên đoàn Công giáo - một tổ chức mà khi thành lập có sự hiện diện của Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, tháng 10/1945 ở Phát Diệm, nhưng khi cộng sản đã "cứng cánh, mạnh vai" thì những người lãnh đạo tổ chức này đã bị bắt đi tù tội không cần án. Và bà cố cứ theo ông hết nhà tù nọ đến nhà tù kia để thăm nuôi. Thỉnh thoảng tôi đến nhà ông bà cố chơi, thăm hỏi và nói chuyện, nhiều lần nhắc nhở nói về linh mục Vũ Khởi Phụng như một niềm tin tưởng, tự hào.
Thế rồi thời gian trôi đi, khi nhà cầm quyền Cộng sản trắng trợn cướp đất Giáo hội Công giáo ở Tòa khâm sứ, Giáo xứ Thái Hà, nơi ngài làm bền trên, chánh xứ, tôi mới có dịp gặp gỡ ngài nhiều hơn.
Cảm giác đầu tiên của những người mới gặp ngài, đó là sự điềm đạm, thông minh và sâu sắc với một trí tuệ và sự hiểu biết uyên thâm. Những vấn đề nêu ra, khi được trao đổi với ngài, được ngài dẫn giải từ khái quát đến chi tiết với những cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm hết sức chặt chẽ và đơn giản. Thần thái của ngài toát lên một sự bao dung và khiêm hạ. Chúng tôi say mê với những bài giảng sâu sắc và trí tuệ của ngài cũng như những tác phong đơn giản và dễ mến.
Nhiều khi, cha con gặp nhau, ngài nói chuyện như bạn bè, tôn trọng người nói chuyện không quan tâm vấn đề tuổi tác hay xuất thân. Những năm tháng đó, nhiều khi ngài làm cho chúng tôi khá ngạc nhiên về trí nhớ và sự hiểu biết của ngài.
Kiên cường nói lên tiếng nói Công lý - Sự thật
Khi nhà cầm quyền CSVN phân chia khu đất hơn 16.000 mét vuông của Giáo xứ Thái Hà với các tài sản nhà cửa trên đó thành những lô biệt thự để chia chác, giáo dân kiên quyết ra bảo vệ tài sản của mình đã bị chiếm giữ trái phép mà giáo dân đang bao năm có đơn từ yêu cầu trả lại. Qua nhiều năm tháng dài, giáo dân đưa những bằng chứng, chứng cứ không thể chối cãi và những căn cứ luật pháp để chứng minh rõ ràng tài sản đất đai của Giáo xứ, nhà Dòng Chúa Cứu thế, thì mọi con đường dẫn đến bạo lực cướp đoạt của nhà cầm quyền đã được mở ra.
Trước hết là chiến dịch bịp bợm của nhà cầm quyền bằng tuyên truyền lừa bịp. Nhà nước tổ chức đóng giả giáo dân để phát biểu trên truyền hình, nhà nước dựng lên tên tuổi của những người đã chết cách đó 6 năm để trả lời báo đảng... Thôi thì đủ trò ma quỷ được tha hồ tung hoành.
Những trận đòn truyền thông đỏ độc ác bắt đầu đổ ụp xuống đầu những vị chủ chăn của Tổng giáo phận Hà Nội và Nhà dòng. Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Linh mục bề trên Dòng Chúa Cứu thế Vũ Khởi Phụng là hai nhân vật "được" xuyên tạc, biêu riếu và chửi rủa bẩn thỉu nhiều nhất. Cả hệ thống báo chí, cơ quan tuyên truyền của đảng đã không ngại những màn kích động những cơn lên đồng tập thể của những người dân ngu muội và độc ác đổ vào người công giáo và các lãnh tụ tinh thần của giáo dân Hà Nội.
Thế rồi, sau khi đã uy hiếp tinh thần người giáo dân, tu sĩ thì đám "quần chúng tự phát... tiền" cùng với đám con nghiện được nhà nước huy động bao vây Tòa Giám mục Hà Nội và Tu viện Thái Hà. Chúng cả đêm gào thét đòi "giết Kiệt, giết Phụng" trong vòng bảo vệ của lực lượng công an được mệnh danh là "thanh kiếm, lá chắn của đảng".
Cả thế giới phẫn nộ, lo lắng cho những vị "lãnh tụ tinh thần" này.
Trước những cơn cuồng nộ đó, tiếp xúc với Linh mục Mattheu Vũ Khởi Phụng, ngài vẫn ôn tồn, điềm đạm và bình an - Một sự bình an của những người nắm trong tay Sự thật - Công lý. Nhiều khi, ngài còn ngơ ngác không hiểu vì sao người ta có thể nhân danh nhà nước, nhân danh hệ thống tuyên truyền của đảng, của dân để đổ cho ngài những tội danh mà chưa bao giờ nghĩ đến.
Những việc làm của ngài, những lời nói, bài giảng... luôn thấm đẫm tính nhân văn cao cả và đầy sự yêu thương. Ngài thương cho những kẻ đang đưa chân đạp vào mũi nhọn, thương những kẻ bần cùng về trí tuệ nhưng thừa cơ bắp và bạo lực, thương những kẻ ngu muội bị dẫn dắt vào con đường tội ác mà không biết cái giá sẽ phải trả. Trong những ngày đó, ngài vẫn bình tâm, đọc sách và điều hành Nhà Dòng hoàn thành các phận sự của mình, cất lên tiếng nói vì Sự thật - Công lý - Hòa bình.
Tôi nhớ rõ những "trận đánh oanh liệt và hiển hách" của Công an đã xảy ra ở Thái Hà như trận dùng dùi cui điện, cảnh sát cơ động và nhiều thành phần bất hảo tấn công giáo dân ngày 28/8/2008 trước cửa Công an Quận Đống Đa, trận xịt hơi cay vào phụ nữ trẻ em tại linh địa Thái Hà đêm 31.8.2008, cũng như những trận bao vây tu viện, nhà thờ hay xông vào đập phá nhà thờ đêm đêm kéo đổ cửa đền Gierado. Những đám dân được công an, chính quyền tổ chức đưa đến xông vào nhà thờ, đánh linh mục, giáo dân năm 2011.
Rồi sau đó, họ dùng cả lực lượng hùng hậu ngăn chặn mọi người và cướp trắng hai tài sản lớn của Giáo hội để "làm vườn hoa" sau khi không thể nuốt trôi. Tất cả nhằm dùng bạo lực, trò bẩn để chiếm đoạt đất đai, tài sản một cách trái pháp luật khi không hề có lý. Đó cũng là một nguyên tắc của một chế độ khi không còn chính nghĩa trong tay, thì hẳn nhiên là dùng luật rừng, bạo lực và súng đạn.
Sau những cơn cuồng nộ đó, gặp ngài, ngài chỉ cười: "Con người ta khi đã phải dùng đến cơ bắp thì khi đó họ bất lực. Nhưng, Chúa sẽ làm điều Chúa muốn mà không ai làm gì được".
Những điều trông thấy
Trái lại, những trò bỉ ổi và rẻ tiền đó chỉ đưa lại cho nhà nước sự lên án mạnh mẽ của cả thế giới và nhất là cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới và sự khinh bỉ của những người hiểu biết sự thật.
Nhà cầm quyền quên đi một điều rằng: Sự dối trá, có thể đánh lừa được một người nhiều lúc, đánh lừa được nhiều người một vài lúc, nhưng không thể đánh lừa tất cả mọi người trong mọi lúc.Và sự thật là lửa, là ánh sáng sẽ cháy lên soi rõ mọi ngóc ngách tội ác. Họ cứ tưởng rằng với sự dối trá của hệ thống truyền thông dày đặc, họ có thể thổi vào tai óc người dân sự khinh bỉ, căm ghét người công giáo vốn chỉ yêu mến sự bình an, công lý và sự thật.
Thế nhưng, khi giọng lưỡi dối trá được tung ra, chỉ làm cho người dân Việt Nam vốn đã không lạ gì bản chất hệ thống tuyên truyền cộng sản xưa nay. Chính những người dân được tuyên truyền đã tìm hiểu về vụ việc ngày càng kỹ càng hơn. Nhiều người ngoài giáo hội với lương tâm ngay thẳng đã dần dần tìm đến Thái Hà, tìm đến người Công giáo để hiểu hơn, rõ hơn bản chất của vấn đề. Cũng chính vì vậy, sự thật tỏa sáng và những sự hèn hạ, bỉ ổi của nhà cầm quyền Cộng sản bị phơi bày.
Và chính những nạn nhân của hệ thống tuyên truyền này đã dần dần hiểu được sự thật đằng sau những ngôn từ hằn học và lừa bịp đó là có một Giáo hội của tình yêu thương, hòa bình và những linh mục, tu sĩ tận hiến cuộc đời cho nhân loại.
Khi đến Thái Hà, họ được tiêp xúc một linh mục bình dị, đơn sơ, khiêm nhường dù trí tuệ uyên bác và nhân cách cao cả. Từ đó, cái nhìn đối với người công giáo đã nhiều thay đổi.
Những người có tấm lòng với sự thật, với quê hương, đất nước khi cần đến sự giúp đỡ của ngài, ngài chẳng bao giờ từ nan.
Những cảnh đời éo le, bất hạnh, tìm đến ngài tìm sự giúp đỡ, ngài không từ chối.
Những nạn nhân của chế độ cường quyền áp bức bằng bạo lực, tìm đến ngài, ngài luôn nâng đỡ.
Và dần dần, Thái Hà trở thành một điểm sáng để ngọn lửa sự thật được bùng lên, ngọn lửa yêu thương luôn cháy.
Những năm gần đây, sức khỏe ngài có nhiều thay đổi. Có lẽ sự chịu đựng của ngài những năm tháng qua đã trở nên quá giới hạn, sức khỏe ngài xuống đi nhanh chóng. Nhiều căn bệnh quái ác đã hành hạ ngài. Nhưng, ngài vẫn luôn một tinh thần lạc quan, trông cậy.
Mấy tháng trước, sau những năm tháng chữa bệnh ở nước ngoài ngài trở lại Việt Nam. Gặp ngài ở Sài Gòn, dù đã rất yếu và mệt, ngài vẫn luôn đọc và trăn trở với tình hình đất nước và giáo hội. Gặp tôi, ngài bảo: Tôi vừa mới đọc bài của "ông" - một cách gọi hết sức tôn trọng người đối thoại của ngài. Tôi có ý định phỏng vấn ngài một số vấn đề mà ngài là nhân chứng, nhưng ngài quá mệt nên đành chịu và tôi vẫn hy vọng một ngày ngài khỏe lại để có thể thược hiện được ý định của mình.
Thế rồi, nghe tin ngài ra Hà Nội ăn tết.
Thế rồi nghe tin ngài vào viện, đến thăm ngài vài lần thì sức khỏe ngài suy sụp nhanh chóng.
Rồi tối qua, ngài đã ra đi, để lại cả một trời tiếc thương, mang đi "một nhân cách trỗi vượt, một trí tuệ uyên bác", Giáo hội mất đi một "linh mục thánh thiện" như lời của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt nói về ngài.
Còn chúng tôi, chúng tôi mất đi một người cha, một chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ và một ngọn đèn soi sáng trên những bước đường trần.
Hà Nội, ngày 3/3/2016, những ngày tang lễ cha Mattheu Vũ Khởi Phụng
· J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây