Đằng sau những tiếng súng
Ngày 5/3/1979, nhà cầm quyền Trung Cộng tuyên bố dừng cuộc chiến tranh xâm lược với giọng điệu cao ngạo "Đã dạy cho Việt Nam một bài học".
Thực ra, cuộc chiến với phương thức "biển người" của bọn bành trướng bá quyền Trung Cộng đã thật sự thất bại khi buộc phải rút quân về bên kia biên giới sau mấy tuần giao chiến mà không buộc được Việt Nam phải lâm vào tình thế mà Trung Cộng mong muốn.
Phía Tây Nam, Việt Nam tiếp tục chiếm đóng quân sự ở Campuchia, một học trò và là đồng minh thân cận nhất mà Trung Cộng đã dày công nuôi nấng, chăm sóc. Đây cũng là mục tiêu của cuộc chiến tranh này, nhằm buộc Việt Nam phải rút lực lượng quân sự của mình về đối phó với cuộc chiến xâm lược phía Bắc. Trung Cộng đã không làm được điều họ mong muốn là loại các đội quân chủ lực của Việt Nam khỏi vòng chiến đấu nhằm kéo dãn gánh nặng cho đồng minh ở Campuchia.
Tổng kết cuộc chiến, phía Việt Nam thông báo đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên lính Trung Cộng, phá hủy 280 xe tăng, 270 xe vận tải, bắt nhiều tù binh. Dù cho con số này có thể là con số để tuyên truyền, thì điều không thể phủ nhận, là quân đội Trung Cộng đã phải thiệt hại nặng nề về vũ khí và quân số - những người dân Trung Quốc đã phải thí mạng cho giấc mộng bành trướng của nhà cầm quyền Trung Nam Hải.
Năm 1981, trong trường Đại học, một người bạn được đưa vào học dự bị rồi học Đại học vì ưu tiên là "dũng sĩ diệt Trung Quốc xâm lược" đã kể cho chúng tôi nghe về thời gian chiến tranh chống Tàu ở Cao Bằng. Anh kể: Khi bọn Trung Quốc đánh sang Việt Nam, cả bản làng bất ngờ ban đầu, đua nhau chạy. Bộ đội chủ lực không có, anh cùng lực lượng quân sự địa phương thay nhau giữ chiến hào. Thế nhưng bọn Tàu nó cứ như đàn kiến, bắn hết lượt này, lượt khác lại ùn ùn kéo nhau lên theo phương thức biển người. Anh bảo: Bọn Tàu nó đông dân, nên nó không tiếc quân, cứ chết lớp này, nó lại thổi kèn đẩy bọn khác tràn lên. Bọn tao bắn đến khi đỏ nòng súng phải đái vào cho nguội để bắn tiếp, đến lúc hết đạn thì bỏ chạy.
Mấy ngày sau trở về bản, thì xác quân Tàu nằm la liệt khắp nơi, từ chuồng lợn, bờ mương đến bờ rừng... bọn tao phải mất cả tuần mới lôi hết xác quân Tàu dồn lại chôn cả đống mới đỡ thối.
Tương tự, những tổn thất của Việt Nam cũng là vô cùng to lớn. Hàng loạt đồng bào, chiến sĩ đã phải bỏ mình nơi biên cương Tổ Quốc, bị giết hại bới đội quân trâu bò tàn ác từ bên kia biên giới. Phố xá, làng mạc, các công trình công nghiệp, quốc phòng, dân sự... đều bị tan nát bởi cuộc chiến.
Sau khi tiếng súng tạm im, người ta mới có cơ hội để nhìn nhận lại cuộc chiến rõ hơn.
Qua cuộc chiến, đội quân chiến tranh của Trung Cộng đã thể hiện sự yếu kém trong chiến đấu, và ngược lại, sự tàn bạo thì có thừa. Đó cũng là bản chất của mọi đội quân xâm lược.
Thế nhưng, phía Việt Nam, dù âm mưu xâm lược của bọn Tàu Cộng đã có từ rất lâu, và "đảng ta" thì "sáng suốt và tài tình" vẫn không khỏi bất ngờ trước đòn đánh tàn bạo và khốc liệt từ "người anh em môi hở, răng lạnh".
Tình bạn ngày nay có khác xưa!
Rõ ràng, lãnh đạo Việt Nam đã bị bất ngờ trước cuộc tấn công mà Trung Cộng đã chuẩn bị từ lâu. Thậm chí, ở một số tỉnh biên giới, buổi sáng quân Tàu kéo đàn kéo lũ trên đường bằng xe tăng, thiếp giáp và đàn lính hung hãn, thì người dân còn mơ màng ngỡ rằng quân đội đang tập trận!
Nguyên nhân nào dẫn đến điều đó?
Điều này đã sẽ không xẩy ra, nếu bên kia biên giới là một nước không cộng sản, khi đó, chắc chắn cái gọi là "tinh thần cảnh giác cách mạng" sẽ được đặt lên rất cao. Chính sự tự tin đến mức u mê về cái gọi là "tinh thần quốc tế vô sản" đã đặt Việt Nam vào thế bị động, bất ngờ khi bị tấn công. Hẳn rằng với lãnh đạo Việt Nam khi đó, dù có căng thẳng và chửi nhau như hát hay, thì vẫn không nghĩ rằng người đàn anh hùng mạnh bên kia biên giới lại có thể đưa quân bất ngờ cắn xé đàn em trong "phe XHCN" một cách khốc liệt và tàn bạo đến thế. Bởi, mới cách đó chỉ chục năm thôi, Hồ Chí Minh còn dặn dò rằng: "Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại."
Hỡi ôi, cái "tin chắc rằng" của Hồ Chí Minh mới chục năm trước, đã được trả lời bằng súng, đạn và những cuộc thảm sát kinh hoàng với những tội ác chồng chất.
Rõ ràng, mối tình đoàn kết "môi hở, răng lạnh" đã chỉ là một lời hứa hão huyền đầu môi miệng cộng sản. Việt Nam đã phải ở vào cái thế môi bị răng cắn bật máu vẫn chỉ có thể làm được một điều là mếu máo kêu đau. Thế rồi, qua cuộc chiến, Việt Nam mới đủ cơ hội nhìn lại "mối tình hữu nghị" "vừa là đồng chí, vừa là anh em" đó thực chất là gì.
Sau chiến tranh, người ta mới giật mình thấy rằng: Những công trình viện trợ của người anh em bên kia biên giới, từ lâu đã có ý đồ phục vụ cho giấc mộng bành trướng. Những con đường "Trung Quốc giúp đỡ" trong chiến tranh trước đây, chỉ một hướng thẳng từ biên giới về Hà Nội. Do vậy trong chiến tranh Biên giới, các mặt trận trên tuyến biên giới phía Bắc không thể chi viện cho nhau bởi... không có đường ngang. Muốn chi viện cho mặt trận bên cạnh, dù ở sát nhau, đội quân đó vẫn phải chạy về xuôi rồi ngược lên biên giới, như vậy, hiệu quả chiến đấu giảm đi nghiêm trọng.
Vì vậy, sau chiến tranh, Việt Nam buộc phải khẩn trương xây dựng các con đường ngang, chạy theo dọc biên giới nhằm khắc phục điểm yếu kém này như đường N279.
Qua cuộc chiến, Việt Nam cũng thấy sự cô đơn của mình khi có chiến tranh. Những quốc gia láng giềng đã trở thành thù địch như Thái Lan, Campuchia... Còn những đại quốc gia khác, chỉ cổ võ cho cuộc chiến bằng mồm hoặc là sự "trung lập".
Điều này cho thấy hậu quả tai hại của sự kiêu ngạo cộng sản. Sau 1975, những lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng Việt Nam đã "chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ" như một sự ngạo mạn khó lấy được cảm tình từ cộng đồng thế giới. Sự say sưa chiến thắng cũng như những động tác và lời nói tự mãn đã tạo cho các nước xung quanh sự cảnh giác với lợi ích đất nước họ. Trong khi đó, thực tế trong đất nước, người dân Việt Nam đang chống chọi dữ dội với những trận đói vô tiền khoáng hậu, những cơn đói dai dẳng không hề dứt mà chỉ trông chờ vào những nắm bobo viện trợ. Chính sách kinh tế dựa vào kế hoạch, phân phố bằng tem phiếu, nạn ngăn sông cấm chợ, tiêu diệt sự tự do cá nhân... đã dẫn đất nước đến thảm trạnh nghèo đói không thể cứu vãn.
Điều cơ bản nhất, nếu nhà cầm quyền CSVN có sự tỉnh táo nhìn lại, sẽ thấy rằng với bất cứ đất nước nào, dù là tư bản hay cộng sản, để tồn tại, họ lấy lợi ích đất nước, dân tộc của họ đặt lên hàng đầu mà không hề ảo tưởng, hão huyền bởi mớ lý thuyết "quốc tế vô sản" mà Chủ nghĩa Mác - Lenin luôn dùng làm một thứ quân lệnh buộc các dân tộc khác làm nô lệ cho các nước đàn anh.
Tiếc rằng, để bảo vệ vị trí độc tài toàn trị của mình, người cộng sản đã bỏ qua bài học đắt giá này.
Hà Nội, những ngày kỷ niệm cuộc chiến Biên giới 1979
Bài bình luận gần đây