Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam bước vào ngày thứ hai với nhiều ẩn số và cũng nhiều dự đoán bên ngoài nhưng chắc chắc những dự đoán chỉ là những dự đoán. Cụ rùa hồ Gươm chết nổi lềnh bềnh khiến cả nước xôn xao. Đó là những câu chuyện có thật!
Và cũng đến lúc giở một quẻ xem cái chết của cụ rùa có liên quan gì tới đất nước, vận mệnh dân tộc. Liệu việc xem qủe này có chính đáng? Và giữa cái chết của cụ rùa, với đại hội 12 tốn kém hàng núi tiền cũng như những em bé miền núi phải ăn cơm với muối rang gừng mỗi ngày để cầm hơi mà học có mối liên hệ gì?
Ở vấn đề thứ nhất, có sự trùng lặp khá thú vị, tôi gieo được quẻ Hỏa Thủy Vị Tế. Và lý giải quẻ này theo phương pháp kết hợp giữa Thái Ất Thần Kinh của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm với Kinh Dịch Phan Bội Châu và Trung Thiên Dịch của cụ Trần Cao Vân. Ở ba cụ này có những điểm rất giống nhau, đó là bằng mọi cách, các cụ đã dời bỏ những phương vị gốc của Kinh dịch Trung Hoa để tạo riêng phương vị của các quẻ trong Việt Đồ (về mặt ý niệm).
Và, trở lại vấn đề trùng hợp thú vị, quẻ tôi gieo bằng đồng xu, ra được quẻ Khảm (hạ) và quẻ Li (thượng). Điều này giống y cái chết của cụ rùa, cụ chết nổi trên mặt hồ, nước thuộc Thủy, cung Khảm, cụ rùa đã cao tuổi, thuộc cung Li. Như vậy giữa quẻ gieo và quẻ biểu tượng lại trùng khớp.
Và quẻ Hỏa Thủy Vị Tế nói lên điều gì? Ở đây, có sự gặp nhau giữa nước và lửa. Có một vấn đề ai cũng thấy là nước và lửa không bao giờ hợp nhau, phải có sự “một mất một còn”. Trong trường hợp lửa quá mạnh, nước quá yếu thì nước trở thành nơi cung cấp oxy để lửa cháy mạnh hơn, ngược lại, nước mạnh thì lửa phải rụi.
Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi là cụ rùa có thực sự linh thiêng như người ta vẫn tưởng? Và giải quyết được câu hỏi cụ rùa có linh thiêng hay không thì quẻ Hỏa Thủy Vị Tế mới có giá trị, mới giải quyết được câu hỏi liên quan đến đại hội 12 đảng CSVN.
Trở lại câu chuyện rùa đòi gươm của vua Lê Lợi, thử đặt một giả thuyết: Lúc đó, vua đi dạo cùng cận thần trên thuyền, thấy một con rùa to lớn xuất hiện, với bản năng con nhà võ và có chút võ biền, thích nhậu (như lời kể của Nguyễn Trãi khi gặp Lê Lợi lần đầu trong một đám giỗ, ông nhìn thấy một thanh niên ở trần trùng trục, mồ hôi nhuễ nhại, ngồi trên phảng vừa xắt thịt chó sắp vào lá chuối vừa nhai thịt chó nhoàm nhàm) thì rất có thể nhà vua rút gươm phóng về phía con rùa nhưng không trúng. Rùa là loài háu ăn, thấy gươm rơi xuống nước, tưởng miếng mồi, bơi theo và ngoạm lấy.
Vì phải ngậm thanh gươm nặng nề nên lúc bơi rùa gục gật đầu để lấy đà. Đám quan lại, cận thần theo nhà vua biết rằng nếu để lộ chuyện nhà vua dùng kiếm giữ nước để phóng một con rùa mà cũng không trúng là chuyện quá bẽ mặt, ảnh hưởng đến quốc sự. Và hơn nữa có thể ảnh hưởng đến mạng sống của những ai chứng kiến vì không ngoại trừ nhà vua phải giết người bịt tiếng, họ bèn thêu dệt chuyện rùa thần đòi gươm để mọi chuyện trở nên hợp lý và linh thiêng.
Nhưng từ khi câu chuyện rùa đòi gươm được thêu dệt, vấn đề khác lại xuất hiện, đó là mối tương ứng giữa rùa hồ Gươm và điện trường dân tộc. Hơn nữa, vương quyền và thần quyền vốn song hành, thứ gì nhà vua bảo linh thì dân sẽ tin. Một cục đá nếu người ta chiêm bái lâu năm, năng lượng tập trung vào đó, nó sẽ linh thiêng theo kiểu “cục đá linh”. Một con rùa sống lâu năm, được cả dân tộc chiêm bái, kính ngưỡng từ thế kỉ này sang thế kỷ nọ, nhất định nó sẽ nhận được nhiều luồng điện trường của con người và trở nên linh thiêng. Thậm chí mỗi động thái của rùa sẽ mang một thông điệp nào đó về dân tộc, quốc gia đó. Trường hợp rùa hồ Gươm, có thể bản thân con rùa chỉ là con rùa nhưng chính nguồn năng lượng tâm linh của con người, đặc biệt là của số đông người Việt chiêm bái suốt mấy trăm năm nay, nhất định phải bản thân nó phải là một cụ rùa linh thiêng.
Và đó cũng là một hướng lý giải tại sao mỗi khi rùa xuất hiện đều trùng khớp với những sự kiện. Ví dụ như khi lễ hội ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, rùa hiện lên với gương mặt buồn bã, u ám; Đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua, rùa lại bò lên bờ với vẻ mặt buồn thảm. Và đặc biệt, khi đất nước tràn lan nạn tham nhũng, cửa quyền, đám quan lại dốt nát, tham lam vô độ, rùa hiện lên với toàn thân lở lói, đau đớn… Tất cả đều do tương ứng năng lượng mà có. Khi năng lượng dân tộc thanh thoát, rùa sẽ mạnh khỏe, khi năng lượng đen đúa, rùa bệnh hoạn.
Và lần này, cụ rùa hiện lên với tư thế nổi lềnh bềnh, tắt thở vĩnh viễn ngay trước thềm đại hội 12 đảng Cộng sản Việt Nam. Giữa tư thế chết của cụ và môi trường chung quanh cụ lại cho ra quẻ Hỏa Thủy Vị Tế. Đây là quẻ cực xấu và cực tốt. Nó cực xấu với những gì đã ổn định, thành nếp, bởi mọi sự cố định trong quẻ Ký Tế và đảo lộn, thay đổi, cách mạng trong quẻ Vị Tế.
Đây là quẻ báo hiệu sẽ có biến rất lớn nhưng biến trong tịnh chứ không biến trong động. Nghĩa là biến theo đúng qui luật nhằm làm thay đổi, đổi mới mọi sự và cái biến này chưa hiện rõ, chưa gây náo động. Vì cả hai thế lực đều rất mạnh, đều ngang nhau nên vấn đề vẫn cứ giằng co, gườm nhau. Và quẻ cũng cho thấy ngay trong đại hội đảng có chung một thế lực nhưng lại phân hóa thành hai phe nhóm. Và cả hai phe nhóm này đều bị khống chế bởi phương Bắc.
Cụ thể, có thể thấy rằng giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng từng là một phe, từng vẽ nên những kịch bản để cùng tại vị. Tuy nhiên, đến phút chót của hội nghị 14, Trọng giở quẻ, bởi bản thân Trọng có tướng lùn nhưng không ngũ đoản, thùy châu vững, kín tiếng nhưng mắt lại hoang tình, dễ thỏa hiệp và dễ ham hố. Chính điều này khiến cho Trọng rất dễ bị đảng Cộng sản Trung Quốc sai khiến, điều hành. Ngược lại, tướng của Dũng có sinh cốt, trán cao, mắt giàu sinh khí, tuy mũi “huyền đởm tị” - tức mũi túi mật nhưng hơi hốc, lộ rõ lông mũi, điều này khiến cho Dũng khó giữ được tiền mặc dù Dũng nắm tiền trong tay. Và những vụ Vinashine, Vinaline, dầu khí, ngân hàng, chứng khoán… đều mang lại tai tiếng cho Dũng, biến thành những mũi giáo để địch thủ đâm Dũng.
Nhưng có một vấn đề cần phải nhìn thấy là Dũng cứng đầu hơn gấp nhiều lần so với Trọng. Với mối quan hệ Trung Cộng – Việt Cộng, Trọng biết khai thác cái sự lú của ông ta để được việc, Dũng biết khai thác cái sự cứng đầu của ông ta để nắm quyền bính. Và cả hai dù có diễn kịch thân Tây gì đi nữa thì vẫn không thoát khỏi vòng kiếm tỏa của Trung Cộng. Cả Dũng, Trọng và bộ sậu chóp bu Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đều là những con cờ trong ván cờ của Trung Cộng.
Nếu như trước hội nghị 14, Trung Cộng quan tâm đến con cờ Nguyễn Phú Trọng nhiều hơn bởi vì sự tuân phục răm rắp của ông ta thì đến những ngày cận kề đại hội 12, Trung Cộng lại chuyển hướng quan tâm Nguyễn Tấn Dũng nhiều hơn. Và cũng rất có thể đây là nước cờ họ đã tính trước rất lâu và mọi sự dzic dzăc đều nằm trong dự tính của họ.
Bởi hội nghị 14 là một phép thử. Và kết quả của phép thử này là Nguyễn Tấn Dũng vẫn nắm được số đông ủng hộ gấp nhiều lần so với Nguyễn Phú Trọng. Và phép thử này cũng cho thấy Nguyễn Phú Trọng độc đoán một cách lú lẫn, không những không lấy được lòng người mà còn để lộ quá rõ ý đồ quyền bính. Nếu lựa chọn giữa Nguyễn Tấn Dũng cứng đầu và Nguyễn Phú Trọng chịu đấm ăn xôi, chắc chắc Trung Cộng sẽ chọn Nguyễn Tấn Dũng.
Bởi chọn một kẻ răm rắp nghe theo mình với chọn một kẻ cứng đầu, khó sai bảo, kẻ cao cờ sẽ chọn kẻ cứng đầu khó sai bảo. Vì chọn kẻ cứng đầu thì sẽ có được cả hai gồm kẻ răm rắp nghe theo và kẻ cứng đầu, ngược lại chọn kẻ răm rắp nghe theo chỉ được mỗi hắn ta và phải luôn đề phòng trở lực từ kẻ cứng đầu. Và bài học thu phục Mạnh Hoạch trong nhiều lần của Gia Cát Lượng không phải là bài học không có giá trị của Trung Quốc.
Nhưng cả Trung Cộng và Việt Cộng đều bị hở sườn trong nước cờ diễu binh đại hội 12. Họ đề phòng nhân dân nổi dậy nhưng họ không đề phòng nhân dân nhìn thấy tử huyệt của họ. Và tử huyệt của chế độ lúc này lại nằm ở chỗ những bữa cơm muối rang gừng của học trò nghèo miền núi, ở những người đói ăn mà truyền thông chế độ đã loan tải. Điều này khiến cho họ nghiễm nhiên trở thành thế lực cướp bóc trong mắt nhân dân phản tỉnh.
Trở lại với quẻ Hỏa Thủy Vị Tế, trong quẻ này, lực âm quá nặng, và khí dương tuy bắt đầu nhen nhóm nhưng lại có trợ lực rất mạnh từ các hào quẻ hạ. Như vậy, khí dương từ nhân dân và sẽ gây tác động không nhỏ lên quẻ thượng, tức nhà cầm quyền. Mặc dầu quẻ thượng vẫn chứa nhiều âm khí nhưng nó được biểu thị bằng cái chết, tượng rùa chết trong lúc khí dương từ nhân dân ngày càng trưởng thành, chi phối và tác động rất mạnh đến khí âm. Điều này sẽ dẫn đến một hiện tượng là có biến, tức có Cách Mạng.
Và lúc này, cho dù Dũng, Trọng, Phúc, Sang, Hùng, và kính thưa các loại đảng viên cao cấp khác có muốn giữ độc tài cũng rất khó. Bởi bản thân của họ dù không muốn cũng phải tự chuyển hóa để khỏi chết chìm trong luồng khí dương mạnh dần lên của nhân dân. Đặc biệt, có một hào động đến từ phía quẻ hạ, trong đó tượng công cụ lao động. Rất có thể người lao động Việt Nam, giới công nhân, nông dân và những nhà tranh đấu bảo vệ lao động Việt sẽ có một tác động đáng kể nào đó trong công cuộc cách mạng Việt Nam kể từ khi TPP có hiệu lực.
Mọi chuyện vẫn đang ở phía trước. Nhưng chắc chắn năm 2016 sẽ có những biến động cực lớn cho dù nó chưa có thành tựu rõ ràng. Nhưng khi khí âm bị triệt dần, chuyện này tương ứng với hệ thống ngân hàng, chứng khoán và xuất khẩu gạo, xuất khẩu dầu thô, xuất khẩu điện, khoán sản bị khủng hoảng trầm trọng. Và nhà nước bắt buộc phải chuyển hóa.
Có thể nói rằng năm Bính Thân là một tấm ván đà cho dân tộc Việt Nam bước vào trang sử mới, thành tựu không nằm trong năm này nhưng đây là năm cực kỳ quan trọng.
Bài bình luận gần đây