You are here

Han Dongfang: “TPP chưa hẳn đã tốt cho quyền lao động ở Việt Nam nếu…”

Mang một dáng vẻ nghệ sĩ với mái tóc bồng bềnh, không ai nghĩ Han là người đã lập ra công đoàn độc lập đầu tiên ở Trung Quốc đại lục trong biến cố Thiên An Môn lịch sử.

Sau cuộc thảm sát Han bị giam giữ 22 tháng không qua xét xử. Sang Mỹ điều trị một năm sau khi được thả, Han bị Bắc Kinh trục xuất sang Hong Kong trên đường trở về nước, tiếp tục hoạt động về quyền lao động cho công nhân Trung Quốc đại lục ở đó cho đến nay.

Tiếng tăm ở cấp độ quốc tế của Han đến từ kinh nghiệm hoạt động về quyền lao động trong lòng một quốc gia cộng sản ở cả thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung lẫn kinh tế thị trường  - điều mà ngay cả các nhà hoạt động từ các nước cựu cộng sản Đông Âu cũng không có được.

‘Biết mình biết người’, Han hiểu tường tận thể chế, con người và văn hóa cộng sản, dựa vào đó để đề ra chiến lược hoạt động. Khi biết tôi đến từ Việt Nam, quốc gia có nhiều đặc điểm tương đồng với Trung Quốc, Han đã có nhiều chia sẻ quý báu mà đáng chú ý là 3 điểm dưới đây:

Một là chiến lược “Ba không”.

Bắt đầu bằng “không chính trị hóa”. Không thể phủ nhận nhiều vi phạm quyền lao động là vi phạm nhân quyền và liên quan mật thiết đến thể chế chính trị. Tuy nhiên, nếu những nhà hoạt động phản ứng theo hướng tiếp cận này mỗi khi vi phạm xảy ra, “họ sẽ đem đến cơ hội bằng vàng cho chính quyền dán nhãn hành vi phản ứng và sử dụng bộ máy an ninh quốc gia vào việc trấn áp.”, Han lập luận.

“Nếu công ty không trả lương, hãy tập trung vào chuyện tiền bạc. Nếu điều kiện làm việc không tốt, hãy tập trung vào chuyện an toàn. Đừng nói về nhân quyền, thể chế chính trị…” , Han ví dụ.

Cái ‘không’ này dẫn đến hai cái không còn lại: ‘không trung ương hóa’ và ‘không quốc tế hóa’. Tuyệt đại đa số vụ vi phạm quyền lao động diễn ra tại các nhà máy ở cấp địa phương. Bởi vậy, một khi được các nhà hoạt động mang lên cấp trung ương, hoặc xa hơn là ra các diễn đàn quốc tế, các vụ việc này sẽ trở nên nhạy cảm chính trị hơn nhiều.

Từ đó, dẫn đến hai hệ quả xấu. Đầu tiên là các chính quyền địa phương – nơi lẽ ra phải chịu trách nhiệm cho các vi phạm, ngay lập tức sẽ phủi trách nhiệm và yêu cầu trung ương phải giải quyết vì đây là vụ việc nguy hiểm về chính trị. Sau nữa, các nạn nhân hoặc những người công nhân tranh đấu (rất có thể đang chịu tù đày) có thể sẽ được quốc tế vinh danh như những người anh hùng bảo vệ nhân quyền, nhưng bỗng sẽ trở nên quá nhạy cảm chính trị đối với những người công nhân khác nên sau đó khó trở thành người thủ lĩnh thực thụ của phong trào công nhân.

(Han Dongfang, ngoài cùng bên trái đang trình bày tình hình quyền lao động tại Trung Quốc, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 8 Phong trào Thế giới vì Dân chủ, Seoul, tháng 11 năm 2015)

Hai, “phong trào quyền lao động là trường học dân chủ”. 

Quyền lao động ảnh hưởng sâu sắc tới toàn thể xã hội vì gia đình nào cũng có ít nhất một người lao động. Không chỉ liên quan tới quyền lợi mà còn là quyền lực, phong trào quyền lao động đóng vai trò tối quan trọng trong việc thiết chế hóa nền dân chủ (institutionalize democracy).

“Nếu muốn có một nền dân chủ, hãy bắt đầu bằng một công đoàn dân chủ”, Han nói.

Vậy điều này có mâu thuẫn gì với chiến lược ‘không chính trị hóa’ ở trên không? Hoàn toàn không. Bởi lẽ các sinh hoạt bình thường của công đoàn và phong trào quyền lao động như thương lượng tập thể, bầu chọn người đại diện và đình công nếu được thực hiện thường xuyên liên tục sẽ giúp người lao động hiểu rõ dân chủ là gì thông qua chính việc thực hành nó hàng ngày. Đấy chính là một quá trình chính trị hóa không được nói ra nhưng rất hiệu quả.

Ba, “cẩn trọng với TPP và tự do nghiệp đoàn”.

Han biết rõ nhiều nhà hoạt động Việt Nam đang chờ đón TPP với hi vọng quyền lao động sẽ được cải thiện. Han cũng biết sự tập trung đang được dành cho quyền tự do nghiệp đoàn (freedom of association) và những cơ hội mà nó có thể đem lại, nhưng anh giữ một thái độ thận trọng:

“Thử tưởng tượng, nếu bạn lập được một công đoàn độc lập nhưng chỉ có vài chục người tham gia trong một nhà máy có hàng chục ngàn công nhân thì điều đó có ý nghĩa gì nào?

“Hãy bắt đầu từ nơi làm việc, học hỏi các kĩ năng đấu tranh về tiền lương, điều kiện làm việc. Sau thì mới đến các kĩ năng khác như thương lượng tập thể, tổ chức công đoàn, bầu chọn người đại diện, liên minh liên kết các công đoàn khác.

“Mỗi giai đoạn như vậy có thể mất cả chục năm. Nhưng điều gì dễ đến thì dễ đi. Quyền lao động ở nước nào cũng vậy, đều phải đấu tranh rất khổ cực thì mới giành được.

“Nếu giới hoạt động không tập trung vào các nhu cầu thực chất của công nhân và xây dựng các kĩ năng cần thiết theo đúng trình tự thì chưa hẳn TPP đã tốt cho quyền lao động ở Việt Nam.”

Han, sau mỗi lần nói chuyện, luôn để lại cho tôi rất nhiều nghĩ suy tự vấn. Còn bạn, sau khi nghe kể lại thì sao?

Viết từ Seoul, 11/2015.

Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Đính kèmDung lượng
Image icon Screen Shot 2015-11-21 at 4.42.43 PM.png43.68 KB