Trong khi cả nước đã bắt đầu năm học mới với những quan chức béo tốt đánh trống khua chiêng về nền giáo dục Việt Nam với những lời lẽ tốt đẹp nhất. Thì ở một nơi không xa đường quốc lộ 1A, có 155 đứa trẻ vẫn bị tước quyền được học hành. Việc tước quyền được học hành của các em không chỉ là tội ác ngẫu nhiên, mà là việc có chủ đích hẳn hoi.
Tìm hiểu những động cơ đẩy các em vào nạn thất học, người ta mới thấy được những gì là sự dã man và bạo tàn của con người, nhất là của hệ thống cộng sản cầm quyền hiện nay đối với con dân mình, đối với cái mà họ ra rả hàng ngày là "mầm non đất nước".
Đông Yên, khi trẻ em thành con tin của cuộc chiến cưỡng chiếm
Trong loạt phóng sự "Đông Yên, thảm cảnh của nhiều thế hệ" Chúng tôi đã có bài viết về việc 158 hộ dân với 155 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường nhưng một năm qua, các em đã bị tước đoạt quyền được học hành. Chúng tôi đã buộc đặt ra câu hỏi: "Họ có còn là công dân Việt Nam? Các cháu bé có tội tình gì và luật pháp có còn ảnh hưởng đến vùng đất này không?"
Thế nhưng, càng ngày câu hỏi đó được trả lời càng rõ ràng hơn: Khi nhà cầm quyền vì quyền lợi của mình, họ bất chấp tất cả, kể cả điều họ luôn kêu gào: Lòng dân.
Khi nhà cầm quyền muốn buộc giáo dân Đông Yên rời khỏi khu đất của họ bao đời gây dựng mà những người buộc phải di dời không biết họ phải ra đi vì lý do gì? Khi mà họ chưa hề nghe nói đến bất cứ một dự án, một quyết định nào có hiệu lực pháp luật theo hệ thống luật của cái nhà nước "của dân, do dân, vì dân" này ảnh hưởng đến vùng đất của họ, thì biện pháp đầu tiên là họ đập ngay trường học của trẻ em.
Hẳn nhiên, nhà cầm quyền biết rất rõ rằng: Dù là ai, đã làm cha mẹ, ông bà anh chị, thì việc họ phấn đấu, làm lụng và chịu thương chịu khó cũng chỉ để nhằm cho con cháu mình có một tương lai, được học hành nên người. Và hành động đập trường học, tước quyền học tập của học sinh là biện pháp tàn bạo và nhẫn tâm nhất họ đã quyết tâm thực hiện.
Những tiếng kêu vô vọng trong một hệ thống mục ruỗng, vô cảm
Những người dân Đông Yên đã không nề hà bất cứ một cách nào để kêu, để gào lên, để đấu tranh từ địa phương cho đến trung ương của nhà nước Cộng sản Việt Nam những lời kêu cứu thảm thiết của mình. Rằng thì là chúng tôi là gì đi nữa, thì chúng tôi vẫn là người Việt Nam, con cái chúng tôi không có tội tình gì, hãy để cho chúng được học.
Rằng thì chúng tôi chỉ không đồng ý với những việc làm trái luật pháp của chính nhà cầm quyền đã đặt ra, trái với lương tâm đạo đức làm người, trái với những định ước quốc tế bảo vệ quyền con người mà nhà cầm quyền Việt Nam đã long trọng ký kết.
Do vậy, họ tha thiết đề nghị để con cháu được học hành.
Họ đã đi từ địa phương đến tận Trung ương, đến Quốc hội, văn phòng Thủ tướng... đủ cả. Rồi thì giấy đi, tờ về, công văn, yêu cầu... cho đến kết quả cuối cùng, là con cháu họ vẫn là nạn nhân bị tước quyền học hành, quyền được sống bình an.
Không chỉ có giáo dân, những tổ chức tôn giáo, những tổ chức xã hội dân sự, những người có lương tri trên toàn thế giới đã bày tỏ những ý kiến của mình về việc dùng con trẻ để làm áp lực, biến chúng thành nạn nhân trong việc cưỡng chế là hành động bạo tàn và thiếu lương tri không ai có thể chấp nhận được.
Nhưng, tất cả như đá ném ao bèo.
Ngay từ tháng 8, trước một năm học mới, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã có văn gửi các cơ quan từ Tỉnh đến xã của Hà Tĩnh, nhằm kêu gọi họ nhìn nhận những vấn đề mà chính họ gây ra cho những người dân Đông Yên với muôn ngàn đau khổ. Ở đó văn bản đã chỉ rõ những bất hợp lý và những mờ ám trong việc giáo dân ở đây bị tước quyền học hành của con em mình.
Thế nhưng, những tiếng kêu của Tòa Giám mục GP Vinh đã cũng bị rơi vào sự im lặng đáng sợ. Chừng như nhà cầm quyền thấy rằng đó là biện pháp hữu hiệu kiểu bắt con tin khủng bố buộc người dân khuất phục hay chăng?
Mới đây, tập thể Giám mục, linh mục toàn Giáo phận Vinh đã bất bình đến cực độ và đồng ký tên vào một văn thư gửi các cấp từ trung ương đến địa phương để hỏi một câu hỏi: Lý do gì để cướp đoạt quyền học hành của con trẻ đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền có biện pháp bảo vệ con trẻ đúng những yêu cầu luật pháp.
Nhưng, đến nay, nhà cầm quyền vẫn như điếc, như câm trước đòi hỏi cấp bách này. Và các em nhỏ vẫn tiếp tục bị bỏ rơi và tước quyền được học hành.
Chặn việc dạy học: Triệt để tiêu diệt con đường học hành?
Hình ảnh: Đơn kêu cứu của Giáo dân Đông Yên, Công văn Tòa Giám mục GP Vinh và chữ ký của tập thể Linh mục GP Vinh yêu cầu trả quyền học hành cho trẻ em Đông Yên.
Nhiều người cứ tưởng rằng việc đập phá trường học, chỉ là một tiến trình trong việc cưỡng bức người dân như bình thuờng. Và sau đó, nhà cầm quyền sẽ thấy những hành động tội ác của mình đối với con trẻ, đối với tương lai đất nước mà dừng bàn tay tội ác của mình hoặc tử tế hơn thì tìm cách khắc phục mà chuộc lỗi.
Nhưng, không.
Những ai đã có từ tâm mà nghĩ vậy, thì cũng như đã có thừa lòng tin vào những giọt nước mắt từ con cá sấu khi nghe những lời rao giảng của họ về chăm lo cho thế hệ đời sau, chăm lo cho tương lai đất nước...
Trước những cảnh các cháu non nớt bị tước quyền học tập, không đành nhìn con em mình thất học, nhiều phụ huynh và những người có tâm huyết đã tìm cách bù đắp cho con em mình những thiếu hụt về kiến thức. Họ đã tổ chức mở các lớp bổ túc thiện nguyện để các em được tham dự, bớt lêu lổng và nhất là sự lo lắng cho tương lai của các em.
Thế nhưng, dường như những việc đó là vi phạm những điều nhà cầm quyền mong muốn cho người dân nơi đây: Để cho tất cả trẻ em thất học như sự trả thù những cha mẹ chúng đã không chịu tuân theo những việc làm trái luật pháp và đầy dã tâm của họ.
Khi mở lớp học, công an, cán bộ đã trực tiếp đến lớp đuổi các học sinh và các thầy cô giáo chạy tán loạn.
Những người tham gia hành động cao đẹp đó đã bị cơ quan công quyền đưa "Giấy mời" lên cơ quan công an?
Thậm chí, nhà cầm quyền còn ra một văn bản vào ngày 14 tháng 9 rằng: Chấm dứt việc dạy học, chấm dứt việc cho thuê mượn nhà dạy học cho học sinh...
Hành động này nói lên điều gì?
Lẽ ra, khi nạn nhân của mình đau đớn, thì với con người hướng thiện, bất cứ ai cũng phải cứu giúp họ. Với việc tước quyền được học hành của con trẻ ngây thơ, lẽ ra họ phải tự khắc phục điều đó bằng nhiều cách, mà với quyền lực vô biên và súng đạn nhiều vô kể, thì việc tạo điều kiện học hành cho các cháu chỉ là cái phẩy tay.
Thế nhưng, họ đã không làm như vậy.
Điều này, làm người ta nhớ lại vụ Dũ Lộc, khi giáo dân bị họ đánh tơi bời các nạn nhân quằn quại trong vũng máu, thì họ lo đưa mấy viên công an béo phị bị sước da đi bệnh viện, bỏ mặc những người dân là nạn nhân của họ mặc cho thần chết có thể viếng thăm.
Khi những người dân, những người thiện nguyện thấy cảm thương cho các cháu bị phân biệt đối xử, bị biến thành nạn nhân của một chính sách ngạo ngược, họ đã không quản thời gian và công sức giúp đỡ cho các nạn nhân.
Hành động tước quyền được học của 155 học sinh Đông Yên hơn 1 năm qua và tiếp tục trong năm học mới, không thể nói gì hơn, đó là hành động dã man có tính toán của nhà cầm quyền tại đây. Họ đã không đếm xỉa gì đến lớp con em người dân đang độ tuổi đến trường cần được học hành, giáo dục nên người. Trái lại, họ đã dùng các em như những con tin, nhằm phục vụ việc cưỡng bức người dân bỏ quê hương bản quán và tài sản của mình theo ý họ. Mà ngang ngược thay, đó là những hành động vi phạm pháp luật trầm trọng.
Đi về đâu những đứa trẻ Đông Yên?
Những đứa trẻ thuộc Giáo xứ Đông Yên đã một năm qua không được học hành, lang thang giữa cơ ngơi của vùng đất này đã biến thành gạch vụn. Và năm nay, khi cả đất nước hàng triệu đứa trẻ hàng ngày đến trường, thì nhà cầm quyền vẫn cố tình tước đoạt quyền được học hành của chúng.
Chúng lang thang ở đó để chứng kiến những gì đang xảy ra trên đất nước, quê hương của chúng.
Để chứng kiến những cảnh tan nát, những cơ đồ mà bao đời nay với biết bao máu xương mà cha ông chúng đã gây dựng bỗng chốc biến thành đống gạch vụn trong những cuộc phá phách cưỡng bức của bạo lực.
Để chúng hiểu rằng, những lời lẽ đẹp đẽ, ngọt ngào chúng từng được học về sự ưu việt của chế độ Cộng sản, chỉ là những chiếc bánh vẽ không hơn không kém.
Để chúng hiểu rằng, tương lai của chúng, của đất nước này không phải là điều mà những người cộng sản bận tâm.
Và cũng để chúng hàng ngày ngồi ngắm nhìn khu vực nhà cầm quyền đã bán cho Tàu 70 năm trước mắt chúng mà ngẫm về sự một tương lai của dân tộc này sẽ đi về đâu.
Hà Tĩnh, ngày 21/9/2015
· J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây