Ở loạt bài này tôi sẽ giới thiệu một vài nghệ sĩ, không hội đoàn nào cả, không tranh giành gì cả, họ làm việc và sáng tạo.
Trước hết, bài này đưa ra một vài bình luận ngắn về tranh Nguyễn Thái Tuấn.
Nguyễn Thái Tuấn là một người suy nghĩ bằng hội họa.
Những hình nhân không đầu, đó là cách mà họa sĩ tư duy.
Không có tư duy không có nghệ thuật. Chỉ màu sắc thôi không có hội họa. Màu sắc và cảm xúc cũng chưa làm nên hội họa. Màu sắc, cảm xúc và tư duy, đó mới chính là hội họa. Cũng có thể nói ngắn gọn : màu sắc và tư duy làm nên hội họa. Bởi vì trong tư duy đã bao hàm cảm xúc. Định kiến thông thường muốn phân biệt giữa tư duy và cảm xúc. Nhưng một sự phân biệt rõ ràng đến mức tách rời hai yếu tố này là một sự phân biệt sai lầm. Người ta không thể tư duy nếu không có cảm xúc. Và xét từ mặt kia, cảm xúc khiến cho tư duy sâu hơn và cao hơn.
Nguyễn Thái Tuấn, bằng hình ảnh trong tranh của mình, đã tư duy về tình trạng thiếu suy nghĩ của xã hội. Bạo lực, sự độc ác, sự tăm tối… là hậu quả tất yếu của một xã hội mà trong đó con người bị cấm sử dụng cái đầu của mình, bị cấm lâu dần thành ra đi tới chỗ tự cấm mình suy nghĩ bằng cái đầu của mình, và đi tới chỗ cái đầu không còn tồn tại nữa. Ở nơi lẽ ra phải là não bộ, là đôi mắt, là cái mũi, là đôi tai (tức là những cơ quan cảm nhận, tiếp xúc với thế giới và suy nghĩ về thế giới) chỉ còn lại là một khoảng trống.
Vì cái đầu mất đi nên con người bị điều khiển bởi những bản năng tăm tối, và xã hội cũng quay cuồng trong những bản năng tăm tối và trong sự hoành hành của cái ác.
Những hội viên HNVVN chỉ biết gạch hay khoanh theo chỉ đạo, tiếp tục cười cợt, huênh hoang trên chính vị thế thê thảm của mình (như những gì mà ta phải chứng kiến trong thời gian gần đây), làm ta nghĩ tới những hình nhân không đầu mà Nguyễn Thái Tuấn đã nhìn thấy và cho vào tranh của ông. Xuyên qua những cái miệng múa may phát ra hết những diễn ngôn này đến diễn ngôn khác, những đôi môi tô son đỏ, những đôi mắt đeo kính cho ra vẻ trí thức, Nguyễn Thái Tuấn chỉ nhìn thấy một khoảng trống. Và ông đã biến khoảng trống ấy thành nghệ thuật.
Cái khoảng trống đặc thù cho thân phận của các công cụ-người trong một xã hội toàn trị.
Paris 8/7/2015
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây