Sài Gòn có những đêm thật lạ. Gió về khuya mỗi lúc càng lạnh. Đường phố vắng dần. Sài Gòn có những người rất trẻ ngồi gần lại với nhau trong quán cà phê nhỏ, thì thầm hát và nhớ về một danh ca của thành đô dĩ vãng như muốn làm ấm lòng mình.
Ngày 12-2-2015 là ngày kỷ niệm 12 năm mất của ca nhạc sĩ Duy Khánh, nhân vật có một không hai trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Ít ai nghĩ rằng những người trẻ chỉ hơn 20 tuổi chia sẻ sở thích của nhau trên facebook đã tụ tập lại, ngồi kể chuyện về người nghệ sĩ đất quê Quảng Trị, hát và nhớ về ông. Sự hiểu biết lẫn yêu thích rõ ràng của những người bạn trẻ này khiến tôi nhớ về câu phàn nàn của ông Hoàng Thi Thao, cháu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, rằng ông ít tin rằng giới trẻ sinh sau 1975 có đủ hiểu biết và giữ gìn văn hoá Sài Gòn. Nhưng ở đây, rõ ràng có một điều kỳ diệu nào đó thôi thúc từng con người đó, khiến họ giữ lại, yêu thích và chuyền cho nhau, bất chấp rằng dòng nhạc đó từng là điều cấm kỵ, hiện vẫn bị kỳ thị và mọi cuộc tập hợp chia sẻ điều mang hơi hướng của những cuộc mạo hiểm trong lòng đô thị.
Sài Gòn không thể thiếu bolero, và Sài Gòn không thể ngừng ca hát, dù có những ngày tháng sống giữa cơ cực và bi thương. Ngày hôm nay, chỉ cần tìm một từ khoá “nhạc vàng” trên facebook, người ta có thể lần ra hàng chục nhóm, diễn đàn, hội bạn… yêu nhạc bolero, yêu những giọng ca dĩ vãng thắp sáng những trang lịch sử âm nhạc hiện đại của Sài Gòn. Bất chấp có những danh nhân, tài tử đời mới trong Việt Nam hô hào huỷ diệt bolero, miệt thị những ai yêu thích nó, người miền Nam, dân Sài Gòn vẫn lặng lẽ giữ lại như một thành trì bí mật của tâm hồn.
Sài Gòn hôm nay nhớ Duy Khánh có vẻ nhẹ nhàng bình thường, nhưng nhiều năm trước, cùng nhau ngồi lại và nghe Duy Khánh một cách có chương trình như những người bạn trẻ mà tôi thấy hôm nay, có thể là một trọng tội. Duy Khánh từng bị liệt vào hàng ngũ những “những tên biệt kích văn hoá” với nhà nước Việt Nam. Nói đến Duy Khánh, là nói đến những bài tình ca quê hương và hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hoà. Tiếng hát của Duy Khánh vẽ nên một miền đất Việt khốn khổ với chiến tranh, mẹ già mong hoà bình, những người vợ chờ chồng đang cầm súng bảo vệ đường biên giới Nam Bắc, mệt mỏi với cuộc chiến tranh vô nghĩa.
Ca sĩ Duy Khánh có một giọng hát mạnh mẽ, quyến luyến và tự nhiên như tiếng hò trên đồng ruộng. Thưởng thức tiếng hát Duy Khánh đồng nghĩa chối bỏ mọi lề thói và kỹ thuật thanh nhạc vô hồn mà hôm nay vẫn được thấy nhan nhản trên truyền hình, phát thanh. Ngay cả với nhạc sĩ Phạm Duy, người ít mở lời khen một cách tuyệt đối với những ai hát những bài hát của mình, vậy mà ông đã từng nói rằng mình biết ơn Duy Khánh khi cùng với ca sĩ Thái Thanh đã hát hai bản trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam của ông. Thậm chí nhạc sĩ Phạm Duy từng khẳng định rằng hai bài trường ca này rất kén chọn khán giả, và nhờ vào giọng ca của Duy Khánh nên mới được đông đảo người biết đến. Lời phát biểu của nhạc sĩ Phạm Duy trong đám tang của ca sĩ Duy Khánh, nay trở thành như bia đá tạc”Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.
Duy Khánh không là ca sĩ, ông là một nghệ sĩ. Ông hoá thân vào các tác phẩm mà mình trình bày. Lúc thì ông là chứng nhân trước quê hương miền Trung buồn bã nghèo khó của mình (Thương về miền Trung, Xin anh giữ trọn tình quê), lúc ông là là người kể chuyện đời (Màu tím hoa sim, Ngày xưa lên năm lên ba)… Hình ảnh Việt Nam chân thực trong bài hát của ông, có thể làm cho người nghe nao nao ứa lệ. Xuân này con không về, Thư xuân ba viết cho con… Là những bài hát về mùa xuân buồn da diết mà hầu như ai yêu bolero cũng muốn nghe lại trong những ngày cuối năm. “Hãy lắng nghe mọi ca từ có dấu ngã (~) mà Duy Khánh hát, sẽ không còn ai hát như vậy trong thế kỷ này”, một người bạn Tây học rất điệu đàng của tôi, vốn là một người yêu tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh, hay tấm tắc như vậy.
Sau năm 1975, như rất nhiều nghệ sĩ của miền Nam, ca sĩ Duy Khánh bị cấm hành nghề. Dĩ nhiên, bởi lý lịch của ông là thành phần hoạt động nổi bật trong Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc cục Tâm Lý Chiến. Những bài hát của ông cũng bị gạch bằng mực đỏ trong nhiều năm liền. Duy Khánh trở nên trầm uất và nhiều lần định vượt biên mà không được. Giai đoạn đó là lúc ông trở nên nghiện rượu nặng, mang theo di chứng này cho đến sau năm 1988, khi ông ra đi theo diện đoàn tụ gia đình do người em gái ở Mỹ bảo lãnh. Được tự do ca hát, như cá trở về nước, Duy Khánh đã dành hết phần đời còn lại của mình để trình diễn, tổ chức văn nghệ… cho đến lúc giã từ trần thế ở tuổi 65 (tháng 2-2003). Tang lễ ra ông là một trong những tang lễ nghệ sĩ hiếm hoi ở hải ngoại được khán giả, đồng bào quan tâm chia sẻ nhiều đến mức bản video ghi lại được bày bán ở nhiều nơi. Trước đó chỉ có đám tang của ca sĩ Ngọc Lan và sau đó chỉ có đám tang của nhạc sĩ Việt Dzũng mới có sự rầm rộ như vậy.
image
Tôi thấy trong đêm mà những người bạn trẻ tưởng niệm ca nhạc sĩ Duy Khánh ở Sài Gòn, không có ai có ý định mời những ca sĩ có giọng hát được báo chí và truyền hình lăng-xê là “giống như Duy Khánh” đến để chia sẻ. Sự so sánh đó, có thể gọi là tiếc nhớ nhưng cũng là sự lố bịch khi tạo nên một xu hướng chấp nhận những sự lập lại bằng các phiên bản tồi hơn. Chỉ có những người Sài Gòn chính danh với cảm nhận tinh tế mới có thể khước từ những sự lập lại đó. Đêm Sài Gòn ấy mà tôi thấy bừng lên những điều rất lạ: Duy Khánh chỉ có một và Sài Gòn chỉ có một trong lòng người mà thôi. Ôi. Nghe Duy Khánh mà nhớ Sài Gòn.
Bài bình luận gần đây