Ở đây ai cũng biết rằng chiều nay sẽ có rất nhiều người trên đường phố, tôi cũng vậy. Nhưng tôi muốn ra phố sớm hơn, từ buổi sáng, vì nghĩ rằng trong đời không phải lúc nào cũng được sống một ngày như thế này, không nên bỏ lỡ. Quan sát các biểu hiện trong đời sống Pháp trong ba ngày liên tiếp họ bị khủng bố và những ngày tiếp theo khiến tôi nghĩ như vậy.
Cùng với một người bạn, tôi có mặt tại quảng trường République từ 10h30. 13h30 tôi có hẹn với một nhóm sinh viên trường Paris 7 tại métro Filles du Calvaire. Cuộc biểu tình sẽ bắt đầu ở quảng trường này lúc 3 giờ chiều. Tôi dùng chữ « biểu tình » vì người Pháp gọi nó là « manifestation ». Từ này dùng để miêu tả việc người dân xuất hiện trong một không gian công cộng nhằm bày tỏ hay biểu hiện (chữ « biểu hiện » này rất quan trọng) tình cảm, ý kiến, chính kiến, sự ủng hộ hay phản đối của mình đối với một vấn đề xã hội nào đó. Người Pháp muốn bày tỏ rất nhiều tình cảm khác nhau của họ trong cuộc biểu tình này : tiếc thương, tưởng niệm, vinh danh những người đã chết, phản đối khủng bố, bảo vệ tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, bảo vệ các giá trị của nền cộng hòa, tình đoàn kết liên đới… Thủ tướng Pháp, trong bài diễn văn đầu tiên kể từ khi cuộc khủng bố xảy ra, có nói : « Chính là toàn bộ nền cộng hòa Pháp bị tấn công ». Do đó không phải ngẫu nhiên mà cuộc biểu tình xuất phát từ quảng trường République, bởi république có nghĩa là « nền cộng hòa ».
Tôi mang theo một biểu ngữ do Nguyễn Ngọc Giao chuẩn bị, trên một tờ giấy A4 giản dị, bên cạnh tên Charlie và một số nhà báo của tờ Charlie Hebdo vừa bị giết hôm thứ tư có thêm tên của một số nhà báo Việt Nam đang bị bắt giam vì chính những lí do đã khiến cho Charlie bị khủng bố. Vì khổ giấy A4 có hạn nên chỉ có thể nêu tên bốn người Pháp và bốn người Việt Nam, để nói rằng chúng tôi không hề quên tất cả các anh chị nhà báo và các anh chị bị bắt giam vì hoạt động bảo vệ tự do và quyền con người ở Việt Nam, cũng như các nhà báo khác và những người Pháp khác đã bị giết trong vụ khủng bố vừa qua. Chỉ là vì không gian hạn hẹp của tờ giấy không đủ để nêu hết tên các anh chị.
Vừa đến nơi, đang dạo một vòng quanh tượng đài của quảng trường thì chúng tôi gặp một nhóm người châu Phi, với các biểu ngữ thu hút sự chú ý của chúng tôi ngay lập tức, bởi chúng cho thấy rằng không chỉ riêng ở Việt Nam chính phủ bắt giam các nhà báo để đàn áp tự do ngôn luận. Tôi trao đổi với một thanh niên cầm trong tay biểu ngữ : « Gabon – các nhà báo bị cầm tù đều là Charlie », sau đó chúng tôi chụp ảnh cùng nhau, và cùng vào quán cà phê của giới báo chí được dựng ngay trên quảng trường.
Trong câu chuyện, hai người thanh niên Gabon rất phẫn nộ với chính phủ của họ vì việc ba nhà báo bị bắt giam trong đó hai người đã lưu vong và một người còn ở trong tù. (Tôi cảm thấy cay đắng trong lòng : các bạn chỉ còn một nhà báo đang trong tù, chúng tôi còn nhiều lắm). Họ còn cho biết rằng một sinh viên Gabon vừa bị bắn chết trong một cuộc biểu tình gần đây. Đấy là lý do khiến một người trong số họ mặc cái áo phông có dòng chữ : « Mboulou Beka là Charlie ». Mboulou là tên người sinh viên vừa bị giết chết.
Chúng tôi đi ăn trưa và khi quay lại băng qua quảng trường République để đến điểm hẹn ở métro Filles du Calvaire thì quảng trường đã chật kín người, không di chuyển được nữa. Tôi đành gọi điện thông báo cho nhóm sinh viên Pháp rằng chúng tôi không đến được, và ở lại République.
Một nhóm người trèo lên tượng đài, đứng xung quanh gờ tượng đài, họ khuấy động toàn bộ quảng trường bằng cách hô to các khẩu hiệu : « Chúng tôi là Charlie », « Tôi là Charlie », « Bạn là Charlie », « Tự do muôn năm », « Tự do ngôn luận », « Nền cộng hòa muôn năm ». Rồi họ hát quốc ca. Cả biển người ở quảng trường hưởng ứng cùng với họ. Càng ngày số người trèo lên tượng đài càng đông hơn. Từ chỗ chúng tôi đứng có thể nhìn thấy một áp phích to, dán kín khoảng cách giữa hai bức tượng, trên đó ghi dòng chữ : « Charlie – Tôi tư duy là tôi tồn tại ». Một lát sau, có người chuyển lên một cây bút chì khổng lồ trên đó có khắc chữ : « Not afraid » (Không sợ), người ta chuyền cây bút chì xung quanh tượng đài, đưa nó lên cao.
Không thù hận, không giận dữ, sức mạnh từ bên trong mỗi người cộng hưởng và lan tỏa trong những khoảnh khắc dịu dàng và những khoảnh khắc mạnh mẽ đan xen nối tiếp nhau, trong hòa bình và trong tình tương ái. Những đứa trẻ nghiêm trang và lặng lẽ tay cầm biểu ngữ hoặc cài biểu ngữ lên mũ, lên áo, đứng cạnh bố mẹ, với toàn bộ vẻ thơ ngây non trẻ chúng đã rất người lớn khi xuống đường ngày hôm nay để cùng người lớn bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại.
Được một lát trời bắt đầu mưa. Có người đội mũ lên đầu, có người chẳng có mũ để đội, nhưng chẳng ai rời quảng trường, tất cả đứng dưới mưa, hát, hô vang tên các giá trị của họ, vỗ tay. Lạnh và mưa càng làm tăng thêm nhiệt hứng của họ. Chắc Trời thấy thử thách như vậy cũng đã đủ hiểu lòng người nên chỉ một lát sau mưa tạnh.
Đứng cạnh chúng tôi là một người đàn ông đã có tuổi, ông đi một mình, tay run run cầm cái điện thoại, ông kết nối internet và chỉ cho chúng tôi xem truyền hình trực tiếp đang giới thiệu những hình ảnh thực sự ấn tượng, hàng sóng người mênh mông, nồng nhiệt và lặng lẽ. Ông nói : « Đây, họ đang quay chúng ta đây ». Tôi chỉ nhìn thấy cái tượng đài nổi lên giữa một đám đông khổng lồ. Một bà mặc áo đỏ đứng phía trước quay lại hỏi, rất phấn khích : « Đâu, chúng ta đâu ? » Người đàn ông cười : « Họ quay chỗ chúng ta đứng thôi, chứ không thấy được cụ thể đâu ». Trên gương mặt những người xung quanh ta có thể cảm nhận sự tự hào của họ, hạnh phúc và đặc biệt sức mạnh của họ. Người đàn ông nói thêm : « Thật là ấn tượng, chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử một cuộc biểu tình như thế này ». Tôi biết những người này đang cảm nhận từng khoảnh khắc kỳ diệu của cái lịch sử do chính họ viết nên, ngày hôm nay, cùng việc ra khỏi nhà, xuống đường, đứng cạnh nhau, trong giá lạnh của mùa đông, và trong tình liên đới của chính họ đối với nhau.
Đến ba giờ chiều, thời điểm xuất phát, mọi người chuyển dịch về hướng quảng trường Nation. Tuy nhiên không thể nào tiến lên được. Từ République đến Nation có hai lộ trình, một lộ trình dài 3km, và một lộ trình dài 3,5km. Không ai nhúc nhích được có nghĩa là trên đoạn đường tổng cộng 7,5km ấy không còn một chỗ trống, nó đã bị người lấp kín. Chúng tôi đứng từ 3h đến 4h30 chỉ nhích được khoảng vài chục bước chân. Trong khi chờ đợi đi về Nation, người ta tiếp tục hát quốc ca, hô vang tên Charlie… Cái chết của các thành viên Charlie khắc sâu thêm trong lòng người Pháp cái giá trị làm nên sức mạnh Pháp : TỰ DO.
Đến cuối ngày thấy việc tiến về Nation có thể khó thực hiện, chúng tôi quyết định rời République, với ý nghĩ rằng xem truyền hình sẽ biết rõ hơn tình hình tổng quát. Một vài người có lẽ cũng nghĩ như vậy nên đã « mở đường máu » đi theo hướng ngược trở lại với Nation, chúng tôi đi theo họ. Tuy nhiên, ra khỏi quảng trường thì lại rơi ngay vào một đám đông khác, do kẹt ngay trước cửa một quán cà phê, chúng tôi tạm lánh vào đó, ngồi chờ thêm một lúc mới có thể đi về.
Do số lượng người quá đông, để đảm bảo an toàn, người ta phải đóng cửa một số métro, chúng tôi phải đi bộ vòng vèo một lúc lâu, nhưng cũng là cơ hội để cảm nhận không khí trên các đường phố khác nhau : người, cơ man là người, ở đâu cũng có người trên đường.
Cuối cùng tại trạm Châtelet tôi cũng lên được métro 14 để về nhà. Đến Gare de Lyon, có hai cô gái trẻ lên tàu, một cô ngồi ngay cạnh tôi, một cô ngồi ngay trước mặt tôi, trong tay cô cầm một biểu ngữ. Ngày hôm nay tôi đã thấy rằng nhiều biểu ngữ, ngoài biểu ngữ chính « Tôi là Charlie » còn có nhiều biểu ngữ rất thú vị, chắc có thể dễ dàng nhìn thấy trong những hình ảnh được phát đi trên truyền hình, trên mạng internet. Nhưng biểu ngữ trong tay cô gái trẻ có cái gì độc đáo : « Chính là mực cần chảy ra chứ không phải là máu » (C’est l’encre qui doit couler pas le sang ». Cô tìm cách dán nó lên cửa kính métro, nhưng vì ngồi ngay trước tôi nên cô hỏi : « Tôi có làm phiền chị không ? » Tôi trả lời : « Không hề, tôi rất thích biểu ngữ của chị, tôi cũng có một cái ». Tôi lấy từ trong ba lô tờ giấy của tôi, chỉ cho cô ấy xem, cô hỏi : « Chị có muốn tôi dán luôn lên đây không ». Dĩ nhiên là tôi muốn quá, tôi cảm ơn cô ấy. Cô cầm lấy tờ giấy của tôi và vội vàng dán lên bên cạnh tờ biểu ngữ của cô. Cô vuốt tờ giấy cho phẳng ra, dán miếng băng dính xuống mép dưới, đúng lúc tàu dừng và mở cửa ở trạm Bibliothèque François de Mitterrand, cô vội vàng nhảy xuống, chẳng kịp nhận lời chào của tôi. Tôi đi tiếp thêm một bến để tới Olympiades, và có đủ thời gian để chụp một tấm hình
Như vậy, tờ biểu ngữ của tôi có một số phận may mắn, ít nhất, trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, tên một số nhà báo đang bị giam cầm của chúng tôi cũng sẽ đi cùng một chặng đường với những người đang sống ở Paris.
Tôi về đến nhà lúc khoảng 7h30 tối, mở ngay TV, thì đúng lúc kênh France 2 đưa hình ảnh các nhà lãnh đạo quốc tế tay trong tay đang bước trên đường phố cùng nhân dân Pháp. Kênh BFM TV đưa dòng tin về 3,7 triệu người biểu tình ngày hôm nay. Người Pháp không ngần ngại nhận đây là một ngày lịch sử, và sự kiện này mang một ý nghĩa to lớn bởi nó chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Pháp. Đến 11h đêm, lúc tôi đang viết những dòng này vẫn còn rất nhiều người ở lại trên quảng trường République và quảng trường Nation.
Đã và sẽ có rất nhiều phân tích về sự kiện này, và cũng sẽ có rất nhiều liên tưởng từ sự kiện này ở Pháp đến thực tế ở các nước, nơi tự do và tự do ngôn luận đang bị bóp nghẹt. Hôm nay tôi chỉ làm một việc duy nhất là ghi nhanh một vài điều trong số những gì tôi nhìn thấy và cảm thấy từ góc nhìn rất hẹp của một cá nhân, bị giới hạn ở một vị trí rất hẹp, trong một bối cảnh rộng lớn, phong phú và hết sức ý nghĩa của sự kiện lịch sử này.
Bây giờ tôi đi ngủ và biết trước rằng trong giấc mơ đêm nay, tôi sẽ thấy hình ảnh hàng triệu người Việt Nam đứng lên, ngẩng cao đầu, bước thẳng trên đường phố để chia sẻ tình tương ái với những người đang bị tù đày và để bảo vệ tự do của chính họ.
Thì tôi cứ mơ…
Paris, 11/1/2015
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận
Chỉ có trong mơ
Dã tràng xe cát biển Đông
Nguyễn Hiền