Ngày 26, 27, 28 tháng Sáu năm nay, người Chăm ở Bình Thuận đón Tết RaMưWan, đây là cái Tết lớn nhất của người Chăm Hồi Giáo, trong những ngày này, họ đi tảo mộ, làm lễ vái lạy tổ tiên trong nghĩa trang… Đặc biệt, hình ảnh người già và trẻ em nhoài người lạy những tảng đá (tượng trưng cho mả ngôi của tổ tiên và đây cũng là mả ngôi của những người đã bỏ mình trên biển) làm gợi nhớ đến những thương thuyền, hải đội hùng mạnh của Chăm Pa một thuở và nhớ đến những người Chăm hiện tại vẫn chiến đấu không ngừng theo cách riêng của họ trước kẻ thù Trung Cộng.
Với người Chăm, những đoàn chiến thuyền và thương thuyền mạnh nhất Đông Nam Á, thậm chí mạnh nhất Châu Á một thuở đã thuộc về quá vãng, đó chỉ là một ký ức đẹp và buồn được ghi bằng vài dòng sơ sài, mờ nhạt trong lịch sử dân tộc và vương quốc Chăm. Hiện tại, người Chăm bị thiệt thòi đủ điều, từ đời sống trên bờ cho đến ngoài khơi, ở đâu họ cũng bắt gặp những trở ngại không đáng có và phải chiến đấu mỗi ngày để sinh tồn.
Chỉ riêng chuyện trồng nho, trồng thanh long, người Chăm đã gặp hàng triệu thứ trở lực mà trong tưởng tượng, người của thế giới tiến bộ cũng khó mà tưởng tượng đến. Ví dụ nhưng hai tháng trở lại đây, một mặt bị thương lái Trung Quốc toa rập với các hợp tác xã (trá hình) của người Việt để mua hoa thanh long sắp nở. Nhưng, nếu mọi chuyện đơn giản thì người Chăm đâu đến nỗi ngu ngốc để bán tháo những bông hoa thanh long đầu vụ?!
Trước đó, nhà cầm quyền đã ra một chỉ thị, đại ý là tất cả mọi vườn thanh long từ 400 gốc trở lên, đến khi thu hoạch phải nộp thuế từ sáu đến bảy triệu đồng trên một ruộng (tương đương 400 gốc thanh long). Và khoản tiền thuế này không được giải thích gì thêm, không có lý do và mục đích cũng như cơ sở để thu thuế nhưng nhà cầm quyền có quyền lực bạo động và vũ khí để thu về tay khoản thuế này. Lúc này nhân dân làm được gì?
Người nông dân Ninh Thuận chỉ còn một cách nghĩ duy nhất là làm sao để thu hoạch trước khi gọi là “thu hoạch”, có nghĩa là nếu bán được cây thanh long trước khi thu hoạch trái với giá rẻ hơn bán trái một chút cũng chấp nhận bán, thà bán tháo nhưng ít ra cũng tròn số tiền và đỡ uất ức, khỏi phải tốn công chăm tưới, chờ đợi. Không có gì ghê tởm hơn chuyện mỗi ngày ra nhìn vườn trái tươi tốt, lâng lâng hy vọng để rồi hãi hùng khi nghĩ đến hơn một phần vườn trái bỗng dưng trở thành tiền cống nạp cho kẻ khác, điều này còn kinh tởm hơn cả chuyện cống nạp thời phong kiến bởi người ta đang sống ở thế kỉ 21!
Và đó là cái bẫy, khi nông dân nghĩ đến chuyện thu hoạch sớm để khỏi mất sáu triệu đồng thì có ngay “cơ hội”, người Trung Quốc sẽ mua hoa thanh long trước nở một ngày với giá 3000 đồng mỗi ký. Với hoa thanh long, 3 bông nặng từ 9 lạng đến 1,2 ký. Như vậy, chuyện thu hoạch hoa thanh long cho bỏ tức là chuyện đương nhiên. Tuy vẫn không ít người dè chừng khi bán hoa thanh long nhưng đại đa số bán đổ bán tháo ví tức giận và thất vọng. Và, người nông dân Chăm với bản tính hồn nhiên không ngờ mình đang lọt vào cái bẫy.
Đó là chuyện trên bờ, còn chuyện dưới biển? Những ngư dân Chăm Pa một thuở đã làm nên thương hiệu nước mắm Phan Thiết (thật ra, văn hóa ăn mắm không phải của người Kinh mà là do người Chăm và người Khơ Me truyền lại, người Chăm thiên về món mắm cá biển và người Khơ Me chuyên về mắm cá sông, mắm ruột cá). Chính những đoàn thuyền đánh cá ngoài khơi xa cùng với công nghệ đánh bắt tiến tiến của người Chăm đã giúp họ bội thu trong những chuyến ra khơi và lượng cá dư thừa sau khi sử dụng đã giúp họ nghĩ đến chuyện muối cá thành mắm, chế biến mắm. Và nước mắm Phan Thiết là thành tựu do người Chăm để lại, nó như một điểm nhấn trong văn hóa ẩm thực của một vùng kinh tế mà ở đó, chủ thể sáng tạo đã bị xô dạt ra vùng ngoại vi, kẻ đến sau thế vị và nghiễm nhiên nắm phần hưởng thụ những thành tựu này như một thứ chiến công mang tính sử lịch.
Những ngư dân Chăm vẫn cứ miệt mài bám biển, vẫn bán cá cho những đại lý mắm và vẫn phải chiến đấu với Tàu Cộng trên biển mỗi ngày theo cách của họ mà không có bất kì một tờ báo nào trong nước nhắc đến họ. Nói về đụng độ với tàu Trung Quốc, không một ngư dân đánh bắt xa bờ nào của người Chăm là chưa từng, họ cũng bị bắt tàu, cũng bị đánh đập và cũng từng chống trả quyết liệt để thoát thân. Có một đặc điểm khá lạ là người Chăm không bao giờ đánh tiếng về chuyện này?! Không hiểu đó là do tính khí họ vốn thế hay là họ đã từng lên tiếng nhưng rồi cũng như không, họ cảm thấy không cần lên tiếng làm gì nữa cho mệt? Và tại sao đến giờ phút này, báo chí vẫn chưa nói gì về những người Chăm bị thiệt hại trên biển do tàu Trung Quốc gây nên? Và tại sao số phận của những ngư dân Chăm Pa nói riêng và dân tộc Chăm Pa nói chung lại giống như những bóng mờ xã hội?
E rằng khó có câu trả lời cho rõ nét, chỉ thấy một điều cụ thể là Tết RaMưWan lại một lần nữa ghé về bộ tộc Chăm nhỏ nhoi trên trái đất này, giữa xứ sở Việt Nam, một bộ tộc từng một thời là vương quốc hùng mạnh và khí tiết ấy vẫn giữ cho đến bây giờ với những ngư dân Chăm Pa sẵn sàng chiến đấu để bám biển, để tận hiến những ngày trai trẻ của mình cho một sự thiêng liêng nào đó không định dạng. Cầu chúc mùa Tết RaMưWan thật bình an và ấm áp đến với người Chăm!
Bài bình luận gần đây