Hai năm trở lại đây, căn cứ trên nghị quyết 23 về vấn đề “văn học nghệ thuật thời đổi mới” của Đảng ta, các hội văn học nghệ thuật cấp quận, huyện hoặc thành phố trực thuộc tỉnh mọc lên như nấm sau mưa.
Nếu như trước đây, hội văn học cấp tỉnh chỉ là cấp trung gian giữa các phân hội cấp huyện lên cấp hội nhà văn trung ương, các quan văn cấp tỉnh chỉ xơ múi dựa trên nguồn kinh phí do tỉnh cung cấp và giải ngân bằng cách tổ chức những trại sáng tác thì bây giờ, quyền lực và sự hầm hố của quan văn cấp tỉnh nghe ra có vẻ mạnh hơn nhiều!
Và khái niệm “quan văn khâm sai đại nhân” cũng bắt đầu ra đời, dù cách gọi của nó có văn vẻ, tế nhị hơn, ví như nhà văn cấp tỉnh về thăm hội văn học nghệ thuật thành phố/quận/huyện chúng ta. Vậy thì chúng ta phải mổ gà, phải mua bia, phải đánh tiết canh vịt, tiết canh heo, nói chung là tất cả những món cây nhà lá vườn đều có thể mang ra đãi nhà văn đàn anh ở cấp tỉnh. Thế mới vui, mới máu!
Nhìn bề ngoài thì quan văn cấp tỉnh cũng chân chất, thật thà, vui vẻ, nhã nhặn (trừ lúc ăn uống và có gái bên cạnh), nhưng bên trong, không phải tự dưng mà khâm sai đại nhân lại rảnh rỗi ghé thăm dưới huyện để rồi ăn uống, nói năng huyên thuyên, rồi phải chịu ngồi nghe thơ của các văn sĩ cấp huyện ê a, đọc dớ da dớ dẩn (vớ va vớ vẩn) ba bài thơ mà vè cũng không ra vè, thơ cũng không ra thơ vậy đâu!
Cái chính để khâm sai đại nhân về là muốn thể hiện đẳng cấp bề trên của mình, khâm sai sẽ nói cho đám đàn em biết nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước, ơn Bác, năm nay chi hội sẽ được chuyển cho một số kinh phí. Và kinh phí đó để làm gì?
Để định hướng thơ ca, văn học, triết học, nghệ thuật (cấp huyện/quận/thành phố) nói chung theo tinh thần Mác Lê, Hồ Chí Minh, định hướng xã hội chủ nghĩa… Và phải nhớ là được vào hội, được làm hội viên là cái phúc bảy đời, lắm thằng làm thơ ngồi thèm bia thí mồ ngoài kia kìa, các anh/chị là những người ưu tú và may mắn mới có cái phúc được cấp trên chiếu cố, phải nhớ mà phấn đấu, học, học nữa, học mãi!
Và, vấn đề mấu chốt, khi khâm sai đại nhân về huyện, sau những lời giáo huấn vàng ngọc, đàn em ở huyện phải tỏ ra biết điều, ít cũng phong bì vài trăm, triệu hoặc vài triệu để khâm sai có cái mà đi lại, xe cộ, chỗ ở, nhiều thì một dự án.
Ví dụ như dự án viết một cuốn gia phả văn hóa làng, kỉ yếu lịch sử anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cấp huyện hoặc một chương trình sân khấu hóa mà kịch bản, đạo diễn do khâm sai đại nhân viết, dàn dựng, chỉ đạo… nhằm ca ngợi tinh thần sáng suốt của Đảng, ca ngợi những chiến công hiển hách của Đảng… Ít kiếm năm bảy triệu đồng, nhiều kiếm vài ba chục triệu đồng. Cứ thế mà làm tới!
Và, còn một vấn đề nữa, đó là báo Tết, ví như Tam Kỳ - Quảng Nam hoặc Langbiang – Lâm Đồng, hoặc một số hội cấp huyện điển hình ở Đắc Nông, Buôn Ma Thuột và hằng hà sa số các hội cấp huyện khác đều có báo Tết.
Ở đây, anh em văn nghệ sĩ phố huyện tha hồ tung tẩy thơ ca, tha hồ triết lý, tưởng tượng, tư duy… theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và độc đáo nhất là những vị lãnh đạo cấp huyện, thường thì báo Tết ở các hội văn học nghệ thuật cấp quận/huyện/thành phố này in thơ của lãnh đạo nhiều lắm lắm, bài nào cũng dài lòng thòng và ướt át, chẹp nhẹp tình yêu, tình xuân, tình đất nước, ơn Bác, ơn Đảng…
Mà có được một số báo Tết như thế cũng danh dự lắm lắm! Danh dự theo hai mặt, mặt thứ nhất là nhiều văn nghệ sĩ phố huyện cả đời làm lãnh đạo hoặc buôn bán, mổ heo, bán quán thịt chó, bán cháo vịt lại đề huề có thơ in trên báo Tết, và đương nhiên, sau Tết, thậm chí đến gần Tết năm sau, cuốn báo Tết vẫn xuất hiện trong quán như là một huân chương thơ hạng nhất để mỗi khi lai rai với khách, nhà thơ chủ quán lại mang thơ mình ra, giới thiệu và đọc.
Đọc mãi đến có lề trên bìa giấy, không cần lật tìm trang, chỉ cần cầm cuốn báo Tết lên, tự nó mở ra trúng phóc trang có bài ngay! Thế mới hay!
Cái danh dự thứ hai là sự bảo chứng, thơ, nhạc, họa, văn phải hay, hay thật là hay mới được Đảng, Nhà nước rót tiền cho mà in ấn, chứ khối thằng làm thơ vật bờ như con cá mắc lờ, rượu đế còn không có uống, lấy đâu ra cái danh dự được in hẳn hoi trên báo Tết cấp huyện. Danh dự lắm thay!
Bởi chính cái danh dự này mà các nhà văn cấp huyện phải trân trọng lấy, phải phát huy và triệt để một tinh thần, một tiêu chí, một chủ trương để mà sáng tác và cẩn thận với mấy con sán lá gan.
Có như thế, năm sau mới dồi dào hơn năm trước, một khi đủ phát triển, lại nâng cấp, mở ra các hội văn học nghệ thuật cấp xã, cấp thôn, ở đó, có những thi sĩ hưu trí một đời tận tụy với thơ, với Đảng cùng bề dày sáng tác mấy mươi năm với cả mấy ngàn bài thơ (tuy chưa được đăng báo nào), họ sẽ trăm hoa đua nở, họ sẽ nâng cao phong trào, đẩy Việt Nam lên tầm “cường quốc thơ”.
Vì những lẽ này, bao giờ, khâm sai đại nhân cấp tỉnh cũng rất lớn, còn cỡ khâm sai đại nhân cấp trung ương thì vô cùng lớn. Đó là biết trên biết dưới, biết tôn trọng bề trên mới có cái để ăn, để in, và có cái để nhân rộng, để tạo ra những lớp dưới và làm khâm sai đại nhân của cấp dưới, mỗi khi quan khâm sai đại nhân nhà văn cấp huyện về thôn, xã, lại tiết canh vịt, thịt chó, dồi trường chó, lòng heo, lòng bò chấm mắm gừng, giò heo giả cầy... bày ra đầy mâm.
Rượu vào thơ ra, thịt vào tinh thần thêm sản khoái, chí thiết, đọc không biết mệt, nói không hụt hơi, cứ thế mà phang tới cho thỏa cái chí tang bồng hồ thủy (lợi), không uổng mấy chục năm chờ đợi!
Mà điều này cho thấy gì? Nó cho thấy Đảng, Nhà nước, ơn Bác, con cháu của Bác lúc nào cũng ở ngưỡng “đỉnh cao trí tuệ”, biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, biết tôn trọng người tài (dù là ở cấp thôn, xã, huyện, dù nhà ở tận hóc bà tó và dù rằng sáng tác trong lúc mổ lợn, đánh tiết canh vịt… nhưng thơ hay vẫn cứ là hay!).
Cũng chính cái đỉnh cao trí tuệ này đã đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, tạo ra một cường quốc thơ Việt Nam, tạo ra hàng hàng lớp lớp các văn sĩ khâm sai đại nhân để mỗi khi quan khâm sai kinh lý, xóm làng trở nên vui nhộn, xí xộn thơ ca rôm rả tiếng đờn câu hát và mùi men nghệ thuật (mặc dù hơi cực!).
Tết này, để rồi xem, cường quốc thơ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ trăm hoa đua nở, các khâm sai đại nhân sẽ bận bịu lắm lắm, nhưng danh dự cũng lắm lắm! Cảm ơn nghị quyết 23. Quyết tâm thực hiện rất là văn nô!
Bài bình luận gần đây