You are here

Cách thực hiện “trọn vẹn” một lời hứa vàng

Ảnh của nguyenhuuvinh

Báo chí đưa tin: Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại quận Tây Hồ ngày 5-5-2012 mới đây, ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CSVN đã nói với cán bộ của đảng rằng: “Việc gì hứa thì phải làm”.
Không rõ điều này mới phát sinh sau khi ông Trọng thấy cán bộ chỉ hứa mà không làm, hoặc không thèm hứa mà cũng chẳng thèm làm nên ông nói vậy? Hay ông muốn nói đến các cán bộ đảng viên khác đã từng hứa, đã từng gây cho xã hội những bức xúc qua lời hứa của mình rồi hứa đâu lại để đó. Xưa nay, người ta thường thấy quan chức cộng sản hứa thật nhiều, hót thật nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu.
 

 
Những chiếc bánh vẽ và lời hứa của người cộng sản 
Nếu như kể lại những viễn cảnh, những lời hứa mà những người cộng sản đã đưa ra cho người cùng khổ trên thế giới thì quả là vô thiên lủng. Nào là xây dựng xã hội cộng sản mà ở đó “của cải tuôn ra dào dạt, mọi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nào là xã hội tương lai được mô tả qua những dòng của Tố Hữu như sau:
Nơi không vua, không quan
Không hạng người ô uế
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót, lầm than.

Nơi tiêu diệt lòng tham
Không riêng ai của cải
Hàng triệu người thân ái
Cùng chung sức nhau làm

Để cùng nhau vui sướng
Ai già nua tật nguyền
Thì cứ việc ngồi yên
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng”.

Nghe những lời ngọt mật đó người dân ít học của chúng ta đã:
Lão ngơ ngác nhìn tôi
Rối rít: “Ồ hay nhỉ!
Ai già nua được nghỉ
Cũng no ấm trọn đời ?

Ai cũng có nhà cửa
Cũng sung sướng bằng nhau ?
Đã không ai đè đầu
Làm chi có đầy tớ ?

…Và há mồm khoan khoái
Lão ngồi mơ nước Nga…

(Trích tập thơ Từ ấy – 1946)
Đã biết bao thế hệ tin và chết vì điều này?
Nhưng, càng phấn đấu, càng hi sinh cho nó thì cái xã hội “Nơi tiêu diệt lòng tham, không riêng ai của cải” thì hầu như chỉ càng ngày càng xa lạ, trái lại, lòng tham không những không bị tiêu diệt mà ngày càng tích tụ vào tầng lớp những người đưa cái giáo thuyết kia cho người dân.
Thế rồi con đường đi lên cái CNXH càng ngày càng xa, luôn luôn đất nước được đặt trong cái gọi là “thời kỳ quá độ” và người dân hãy cứ vậy mà… chờ mà đem công sức, xương máu đổ ra cho cái xã hội mộng tưởng đó. Và tầng lớp rao giảng cứ thế đục nước béo cò trên nỗi ngu muội cuồng tín của người dân.
Nghị quyết nào của đảng cũng thực hiện thắng lợi, chủ trương nào của nhà nước cũng thành công, kế hoạch nào cũng hoàn thành. Nhưng, đất nước càng ngày càng thụt lùi mọi mặt, nhất là đạo đức xã hội, y tế, giáo dục… xã hội Việt Nam vô cảm, quan chức vô tâm ngày càng phổ biến.
Những bài học kinh nghiệm về nói và làm, thực tế và những lời rao giảng đã quá nhiều đã cho người dân những kinh nghiệm quý báu tự rút ra bằng chính đời sống xã hội họ đã trải nghiệm.
Ngày xưa, trong chế độ phong kiến thối nát “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, chuyển sang chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp ngày nay thì “con quan thì lại làm quan, con dân lại được lang thang chợ người” . Ngày xưa, chế độ phong kiến và thực dân là chế độ người bóc lột người. Ngày nay, chế độ tươi đẹp của chúng ta thì người làm nô lệ cho thiên hạ. Ngày xưa, đảng kêu gọi mọi người theo đảng bằng câu khẩu hiệu “Người cày có ruộng” giờ đảng đã cầm quyền bính trong tay thành công thì đất đai, vườn tược nhà cửa của dân bổng nhiên được quan chức “thu hồi” để quan làm dự án. Thực hiện tất cả các khẩu hiệu trên đảng và nhà nước ta không ngại dùng bạo lực cách mạng.
Và người dân cảnh giác, từ chỗ nghe, tin, rồi nghi ngờ, rồi phản ứng.
“Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm…” là câu nói đi vào sử sách của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trong trận lụt 2008 sau mấy ngày lụt lội dân chết mấy chục người.
Đó là nhận thức của quan chức ngày này đối với người dân.
Những ví dụ thực tế không thể sống động hơn
Mới đây, ông Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tự nhiên lên đồng sáng kiến, hết sáng kiến nọ đến sáng kiến kia đưa dân nước ta nhảy như choi choi choáng cả mặt không tiếp thu và thực hiện kịp. Cả xã hội đảo lộn chỉ vì sáng kiến không thành mà lại ra tối kiến về việc thay đổi giờ học, giờ làm. Rồi đến nạn thu phí, thu tiền bằng nhiều cách của người dân… Với cách giải thích loanh quanh và thiếu mạch lạc, người dân vốn đã thiếu lòng tin lại càng thêm nghi ngờ ý đồ của  ông Bộ trưởng, thành viên chính phủ này.
Thế rồi khi ông đưa ra dự án Văn phòng Bộ Giao thông, nơi ông ngự có kinh phí dự trù cả tỉ đola, thì người dân mới tự giải đáp được cho mình những lý lẽ, những giải thích của ông nhằm mục đích gì. Cái cách nhắm đông, đánh tây xưa nay hiệu quả nhưng giờ đã có vẻ kém hiệu quả hơn bởi mạng xã hội đã phát triển hơn.
Những lời nói, những câu phát biểu của các quan chức ngày nay, dù nhiều khi đã được kiểm duyệt rất kỹ, bàn bạc chu đáo, nhưng khi đưa ra trước thiên hạ, vẫn đã nhận được những búa tạ của dư luận.
Vụ việc Tiên Lãng, Hải Phòng đã là ví dụ rất sinh động, và giờ đây là Văn Giang, Hưng Yên. Qua đó người ta thấy được mục đích của cái gọi là vì dân, do dân ở đâu? Nó trên thực tế hay ở chót lưỡi, đầu môi người cộng sản?
Cũng qua đó, người ta thấy tư cách, trình độ quan chức hiện nay ra sao. Một căn bệnh phổ biến là nói dối không biết ngượng. Chỉ điểm qua hai vụ việc này thì quan chức Hải Phòng từ Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thành phố đến Giám đốc Công an, Chủ tịch Huyện và ở Hưng Yên, Phó Chủ tịch Tỉnh cũng đều một giuộc. Nói theo ngôn ngữ dân gian là “chán, chẳng thèm nói”.
Những lời hứa, lời thề cá trê chui ống
Tháng 10/2006, ông Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức Thủ tướng ông đã tuyên bố: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”. Nhân dân phấn khởi, hân hoan nghĩ rằng từ nay Việt Nam có được một Bao Công để trị nước, bọn tham nhũng làm gì còn đường thoát?
Thế nhưng, lời hứa đó đã bay theo thời gian. Nó cũng tương tự như lời thề suốt đời phấn đấu hi sinh vì sự nghiệp làm đầy tớ phục vụ nhân dân để xây dựng nhà nước của dân, do dân vì dân… của những người đã giơ tay thề khi vào đảng chỉ như là những câu nói tầm phào khi quá chén.
Có thể có cách giải thích rằng khi hứa, Thủ tướng có ý định nghiêm túc thật, nhưng khi thấy lượng sức mình không gánh nổi cái gánh nặng ngàn cân của cỗ máy tham nhũng. Thôi thì như cha ông nói rằng được làm vua, thua làm giặc. Không những không từ chức mà ông còn làm thêm khóa nữa, không chỉ ông cố làm thêm, mà con cái ông cũng đưa vào cho đủ để cơ cấu dần dần mà có thế hệ sau còn tiếp nối sự nghiệp chống tham nhũng của ông chăng?
Nhưng, chuyện tham nhũng là khá trừu tượng, muôn hình muôn vẻ và muôn nơi, giải thích và tìm căn nguyên thật khó. Nói như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì “không phải VN ta tham nhũng nhất thế giới đâu, mà như cô thủ quỹ, túng thì em mượn chút, không thấy ai đòi thì em mượn thêm” vậy mà thành ra cơ sự thôi chứ các cán bộ đảng viên ta trong sạch, có ai tham nhũng bao giờ.
Đến nỗi, khi nói đã quá nhiều, càng chống, tham nhũng càng nặng, càng hô hào, sự suy đồi càng tăng. Đến lúc này thì chuyện tham nhũng là trừu tượng, chuyện quan chức hứa không làm là chuyện bình thường.
Có một lời hứa đã được thực hiện “trọn vẹn”.
Trên thực tế, không phải lời hứa nào của quan chức cộng sản cũng chỉ là hứa cuội mà đã  có những lời hứa được thực hiện trọn vẹn. Cách thực hiện như thế nào, thì chúng ta phải thâm nhập thực tế mới có câu trả lời chính xác.
Kể từ ngày ông Nguyễn Quốc Triệu nhậm chức Bộ Trưởng bộ Y tế và hứa trước quốc dân đồng bào rằng: “Tình trạng một giường cho hai, ba người bệnh sẽ được khắc phục trong vòng từ hai đến ba năm tới”  thời gian cũng đã được 5 năm. Lớp bệnh nhân thời đó, nếu không đợi được lời hứa vàng của Bộ trưởng Triệu, thì cũng mang theo niềm hi vọng đó xuống suối vàng được 4 lần giỗ. Việc thực hiện lời hứa của ông Bộ Trưởng, đứng đầu một ngành liên quan trực tiếp đến sinh mạng người dân sau 5 năm qua như thế nào?
Chuyện ngành y tế Việt Nam, nếu đưa ra mổ xẻ, thắc mắc thì chắc không ai đủ thời gian và giấy bút. Bàn phím đánh lắm cũng mòn, máy tính chứa nhiều cũng hết ổ cứng, nhưng các tệ nạn thì vẫn cứ đầy lên và ngày càng tăng cường “năm sau cao hơn năm trước, hiện nay cao hơn cùng kỳ so với năm trước”. Đến mức người ta đã phải tìm những lời lý giải rất… củ chuối cho các tệ nạn này.
Chẳng hạn: Hiện tượng bệnh nhân chen chúc là chuyện bình thường, đông bệnh nhân thì chen chúc là đúng thôi, cũng như giao thông ở Việt Nam luôn tắc đường vậy. Việc bác sĩ nhận phong bì hối lộ của bệnh nhân cũng là bình thường, không đủ lương để sống thì bệnh nhân và nhà nước cùng nuôi bác sĩ chứ không thì lấy ai mà chữa bệnh? Nói theo nghị quyết thì đấy là một cách để xã hội hóa ngành y tế. Chuyện sản phụ nguy hiểm muốn mổ đẻ không được mổ dẫn đến chết cả hai mẹ con cũng là bình thường, không biết điều thì sao bác sĩ có điều kiện để thăm khám và săn sóc tất cả bệnh nhân. Mà có cả hàng vạn người đẻ, chết một hai người đã sao.
Chuyện bác sĩ tắc trách để bệnh nhân chết hoặc mổ nhầm dạ dày sang thận cũng là bình thường, công việc nhiều, bệnh nhân lắm, hai thứ đó ở quá gần nhau thì nhầm lẫn giữa dạ dày và thận không có gì là lạ.
Những chuyện đó dường như chưa được cải tiến mấy trong ngành y tế dù ông Triệu đã về vui thú điền viên với bổng lộc ông có được qua nhiều thời kỳ làm quan chức và một nhiệm kỳ bộ trưởng, người khác đã lên thay.
Nhưng, có những nơi, lời hứa của ông Bộ Trưởng đã được thực hiện trọn vẹn. Chỉ cần kiểm chứng tại một số bệnh viện chúng tôi thấy như sau:
Đã chấm dứt việc bệnh nhân đến nằm viện quá đông, giờ đây các bệnh viện đã chuyển sang chế độ ngồi viện: Trước đây, mỗi giường bệnh rộng khoảng 1m chen nhau 3-4 người nằm. Nhưng, từ khi có lời hứa của Bộ Trưởng, số bệnh nhân tăng lên không chỉ 3-4 người mà có khi đến cả chục người. Dù người Việt Nam nhỏ bé về hình thể, chắc chắn không có ai có thể ngằm được 10 người/mét.

Bệnh nhân chuyển từ chế độ "nằm viện" sang "ngồi viện"
Đã chấm dứt việc bỏ lãng phí không gian, vườn hoa, sảnh, cầu thang bệnh viện không được sử dụng hết công suất, chức năng: Giờ đây, các vườn cây trong bệnh viện, mỗi gốc cây có vài ba bệnh nhân tá túc mắc ống truyền dịch và mắc võng nằm điều trị nghỉ ngơi cho thoáng đãng. Các cầu thang, hành lang, lối đi… được tận dụng triệt để cho người bệnh và người nhà tha hồ thoải mái tự do ngồi điều trị.

 
Đã tăng cường việc xã hội hóa ngành Y tế: Người nhà bệnh nhân là người không chỉ thay hộ lý, mà còn cả thay y tá trong việc chăm sóc điều trị cho người bệnh. Mỗi buổi sáng y tá chỉ cần cắm mũi kim chuyền nước, phần còn lại từ chăm sóc bệnh nhân, theo dõi, thay chai nước… đều do người nhà bệnh nhân đảm nhiệm. Thậm chí, nhiều bệnh nhân cứ di chuyển, đi lại và được người nhà đi theo cầm theo chai dịch truyền lòng thòng dây dợ.
Đã phát huy được giá trị các nhà trọ trong việc chữa bệnh: Bệnh nhân điều trị lâu dài, không thể ở trong bệnh viện thì đã có các nhà trọ xung quanh, dù có bẩn thỉu và mất vệ sinh, đặc biệt với người bệnh. Nhưng có còn hơn không. Như vậy đã xã hội hóa tối đa ngành y tế nước nhà.

Tạo công ăn việc làm cho nhiều người thất nghiệp: Trong nhiều bệnh viện, các thủ tục khám, chữa hoặc làm hồ sơ vào viện là một cửa ải khó khăn cho những nông dân, dân nghèo và người dân từ phương xa tới. Do vậy đã có một đội ngũ hùng hậu cò bênh viện xung phong làm việc đó. Người dân “chỉ có việc nôn tiền là xong” – một cò bệnh viện tuyên bố.

Tăng cường đưa thuốc đến tận người bệnh: Thông đồng với đội ngũ bán thuốc, các bác sĩ kê đơn, ra phác đồ điều trị… đều được đội ngũ tiếp thị cung phụng đầy đủ các chế độ ưu tiên, do vậy dù bệnh nhân có phải trả tiền đắt gấp năm, gấp mười lần giá trị thực, thì vẫn đưa được thuốc đến tận người bệnh.
Với những ưu việt như vậy, cách thực hiện lời hứa của ông Bộ Trưởng y tế đã rất “trọn vẹn”. Ông đã trả lời rất mạnh mẽ trên báo rằng: “Thành công từ thi đua học và làm theo gương Bác Hồ“.
Tuy nhiên, với cách thực hiện lời hứa kiểu này, ngành y tế đã giúp bệnh nhân nhanh chóng xuất viện, còn xuất viện để về nhà hay đi xuống nghĩa địa là phụ thuộc vào bệnh nhân.
Còn bà Bộ Trưởng mới của ngành Y tế thì sao? Sau khi đến bệnh viện, bà nói: “Nhìn thấy bệnh nhân nằm trên, nằm dưới, nằm hành lang, một giường dồn 2-3 người, tôi cảm thấy đau đớn”. Cái đau đớn của bà hứa hẹn điều gì? Hãy nghe bà nói tiếp: “Cả xã hội bức xúc về tình trạng quá tải bệnh viện nhưng cuộc sống phải cân bằng giữa cho và nhận. Có cho (ngành y tế) cái gì đâu mà đòi nhận nhiều. Không đầu tư, xây dựng bệnh viện mà dịch vụ đòi tốt thì vô lý, bất công vô cùng” (Theo Thanh Niên).
Và liền sau đó là đề án tăng cường viện phí với câu nói nổi tiếng hơn của bà: “Tăng viện phí nhưng chưa hứa hẹn tăng ngay chất lượng”.
Chỉ cần vậy là người ta đã hiểu, tất cả những lời hứa, lời nói, cũng chỉ nhằm moi những đồng cắc từ túi người dân đen.
Hà Nội, 7/5/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh