You are here

Tiếng kêu cứu giữa đêm của phụ nữ, trẻ em và cướp giật khủng bố giữa ban ngày

Ảnh của nguyenhuuvinh

Nửa đêm 23/3, nhận được các thông tin kêu cứu của chị Trần Thị Nga, một phụ nữ với đứa con nhỏ mà mình vẫn thường thấy trong một số cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm lược: "Các anh ơi, nhà em bị rào kín và họ đang dọa giết mẹ con em". Cả đêm qua, theo dõi trên mạng thấy tình hình của mẹ con nhà này được cập nhật, những thông tin cho thấy những điều không thể nào tin nổi ở một xã hội luôn được xác định là có "nhà nước pháp quyền". Ở xã hội đó bên cạnh chính quyền, đảng bộ, công an, còn có vô khối các đoàn thể ăn theo và lĩnh lương từ ngân sách nhà nước, tức là từ đồng tiền thuế của nhân dân để tạo nên những bộ máy công kềnh trên lưng người dân như Hội phu nữ, Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em... và ở tất cả những cơ quan đó luôn luôn kêu gào rằng: "Vì nhân dân phục vụ".

Cháu Phú, 2 tuổi sợ hãi nép vào bức tường nhìn chúng tôi ngơ ngác
Sáng nay, lại một cuộc điện thoại cho biết: Chị Nga đã bị cướp máy ảnh, đánh ngay trước cửa nhà khi tiễn chân một người khách và chính người khách đó cũng bị cướp điện thoại. Việc này diễn ra trước mắt công an. Điện thoại cho một người quen, mấy anh em đều đồng thanh: Chúng ta phải xuống tận nơi để xem những gì đã diễn ra ở đó. Thế là mấy anh em lên đường.
 
 Cướp giật hội đồng giữa ban ngày và kẻ cướp gọi công an phường
Con đường từ Hà Nội đi Phủ lý chỉ mấy chục km nên xe đi cũng chỉ hơn tiếng đồng hồ. Khi chũng tôi đến nhà chị Nga vẫn đóng kín. Bên ngoài lố nhố nhiều bóng những người từ xung quanh các ngôi nhà khác nhìn sang. Phía bên kia đường, chếch lên phía trên là một người mặc sắc phục màu vàng của Cảnh sát giao thông, không đeo biển tên cùng với mấy người đứng ngắm nhìn sang căn nhà chị Nga mà bỏ qua tất cả các hiện tượng vi phạm luật giao thông như chở 3 người, không đội mũ bảo hiểm làm chúng tôi thấy không khí rất lạ. Các phía khác, lố nhố trong những căn nhà là những đám người mà sau này chị Nga cho biết đó là những nơi thường xuyên được dùng để rình núp và theo dõi, khủng bố mẹ con chị.
Một viên Công an đang đi từ đằng xa đi lại. Chúng tôi gọi, chị Nga nhận ra người quen mới mở cửa. Ngay lập tức một đám mặt mũi bặm trợn xông đến kín cửa nhà chị Nga, trong đó có hai viên cảnh sát và nhiều người đội mũ công an.
Chúng tôi vào nhà, căn nhà trống hươ trống hoác, cháu nhỏ con chị Nga thấy đông người, nép ngay vào bên góc cột nhà nhìn ra, ánh mắt ngơ ngác như muốn hỏi điều gì đang xảy ra với mẹ con mình đêm qua đến giờ.
Hai viên công an đến nhà đưa chị Nga giấy mời lên Công an Phường, anh công an lập Biên bản làm việc về việc đưa giấy mời vì theo anh nói là không mang theo liên gốc. Một công an khác cùng vào nhà, chị Nga cho biết đây là anh Cảnh sát khu vực cũ, người đã từng nói với chị Nga sau mỗi lần đưa đơn lên Công an phường sau mỗi đợt bị khủng bố rằng: Việc báo cáo là của chị, còn giải quyết hay không là việc của chúng tôi.

Chị Nga cho biết: Sáng nay, một người khách đến nhà, khi về chị đi ra khỏi nhà tiễn khách, thì một đám rất đông đến tấn công chị cướp cái máy chụp ảnh trên tay. Việc cướp đó diễn ra khá lâu, chừng hơn chục phút trước tất cả mọi người dân phố và đặc biệt là một người mang sắc phục cảnh sát. Đặc biệt chị nhớ rõ ở đó có một người tên Công, công tác ở Phòng An ninh chính trị Công an Hà Nam. Chị nói rằng chị nhớ rõ người này vì đã từng lên Hà Nội bắt cóc chị về thả giữa đường khi chị đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Chị cho biết thêm rằng khi đám người đó cướp máy ảnh của chị, giằng co mãi thì chúng nó kêu nhau “Gọi công an Phường”.
Thực ra, chúng tôi cũng đã nghe nhiều và thấy nhiều cảnh cướp giật kiểu này, nó không lạ ở Hà Nội hoặc một số nơi với một số người được công an chú ý. Ở những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và mới đây khi những giáo dân chúng tôi đi nộp đơn về đến Bờ Hồ, cả đám cảnh sát vây quanh cho một bọn không sắc phục, không một lệnh nào được xông vào cướp máy quay máy ảnh và bắt người. Ngay việc cả đám hơn chục người xông vào cướp máy ảnh của tôi rồi đánh tôi suýt chết ở Đồng Chiêm thì tôi cũng đã nếm trải. Nhưng điều lạ ở đây, là việc đó diễn ra với một phụ nữ, chân yếu, tay mềm.
Đi quanh hàng xóm tìm hiểu thêm, mấy phụ nữ đang đứng với nhau nói chuyện, một chị nói: “Nếu nó có tội tình gì, kể cả là phản động đi nữa, thì cứ bắt đàng hoàng chứ sao lại làm khổ nó như thế, đã mấy năm nay rồi chứ đâu phải hôm nay. Sáng nay khi nhìn thấy chúng nó cướp cái máy ảnh mới ghê làm sao, cả bầy nó xúm vào đánh và cướp của con bé. Sao cả hệ thống nhà nước mà phải để đối xử hèn thế?”. Một người đàn ông đến mua cái đĩa nhạc của nhà bên cạnh rồi ra đi lẩm bẩm “Đ.M nếu nó làm gì không đúng thì bắt bớ đàng hoàng chứ làm cái đ… gì mà như thế”.
Tôi không hiểu những người thi hành công vụ có nghe thấy những lời nói của người dân này khi các vị không có mặt hay không? Những người thi hành công vụ đó có hiểu đằng sau sự im lặng của người dân, người ta nghĩ gì về mình?
Khủng bố triền miên hai mẹ con bằng mọi hình thức
Nghe chuyện về mẹ con chị Nga này đã nhiều, nhưng nếu không đến tận mắt, ít khi tưởng tượng được người ta đã làm gì với hai mẹ con người đàn bà khốn khổ này. Chị nói: “Chiều qua em đi về, hàng xóm nói công an rào lối thoát hiểm nhà mày làm nát hết vườn rau nhà tao rồi”. Chị dẫn chúng tôi ra phía sau, nơi có cánh cửa thoát hiểm, cả hai đầu đã được ai đó dùng sắt giăng ngang và dây thép gai bịt kín. Thậm chí, sáng nay một số người đã leo lên mái nhà chị đột nhập và những người đó có mặt cùng với những người đã khủng bố mẹ con chị thời gian qua khi công an Phường có mặt. Chị còn chỉ rõ cho chúng tôi biết người thanh niên có cái sẹo ở mặt này là người đã từng khủng bố chị nhiều lần và sáng nay leo mái nhà đột nhập. Anh ta cứ nhơn nhơn đứng bên hàng loạt cảnh sát mà không ai ý kiến gì. Mãi đến sau này khi những người mà nhiều người cho là cán bộ an ninh đã đi theo chúng tôi dai dẳng từ khi đến đến khi đi ăn và ra về ngồi chung thầm thì chuyện trò với người này, thì chúng tôi hiểu vì sao anh ta lại tự tin đi khủng bố như vậy.

Đúng là ở đây, xã hội đen và xã hội đỏ lẫn lộn và nhiều khi còn chung tay hành động kiểu này thì người dân không sợ hãi mới là chuyện không bình thường. Hèn chi khi chị Nga bị cướp máy ảnh không ai dám ra can thiệp. Ngay cả khi chúng tôi đang đứng trong nhà chị Nga, một người từ bên kia đường cầm lăm lăm nửa hòn gạch trong tay sang gây sự: “Chúng mày muốn chụp ảnh công an thì sang tận nơi mà chụp, gí vào mặt nó mà chụp nhưng không được chụp nhà tao”. Thì ra, chị Nga cho biết đó là nơi mà những kẻ khủng bố mẹ con chị thường ẩn nấp.
Không chỉ có thế, hàng loạt truyền đơn, tờ rơi được rải xung quanh nhà, trên phố đầy những lời đe dọa sặc mùi xã hội đen. Nào là “Con Nga gái đĩ già mồm, mày lên đây tao sẽ xử bằng luật rừng” hoặc là “Lão Ngàn không dạy được con thì tao giết cả nhà”.
Chị Nga nói với chúng tôi rằng mỗi lần chị ra khỏi nhà, thì một đám người bặm trợn đi theo chị dọa dẫm, đe dọa giết, cướp không rời nửa bước.
Chị Nga cho biết, mỗi lần chị đi vắng về, khi thì cửa bị nhỏ keo 502 làm chết cứng ổ khóa phải nhờ người cắt mới vào nhà được. Có vài lần, người ta đã dùng cả mắm tôm và những thứ bẩn thỉu đổ vào nhà, lại có nhiều lần đang ở trong nhà bị buộc chặt cửa phía ngoài… nhiều lắm. Nhưng đến hôm qua, họ mới cho rào kín đường thoát hiểm nhà chị lại, chưa rõ ý đồ gì đây? Có thể là một vụ “tự thiêu” trong nhà riêng chăng nếu không được tự tử ở đồn công an?

Khi chứng kiến tận mắt những gì đã diễn ra ở đây, chúng tôi mới rùng mình và thán phục người phụ nữ can đảm này. Quả là một “xã hội tươi đẹp ổn định và phồn vinh như” xã hội chúng ta, thì chuyện này có được coi là chuyện lạ?  Tôi không lạ, nhưng không khỏi kinh hoàng.
Điều có lẽ lạ nhất, là người ta đã làm những điều đó, huy động một lực lượng ghê gớm như thế, chỉ để đối phó với một phụ nữ và một đứa trẻ con. Điều đó nói lên cái gì? Ai đang đứng trong ánh sáng và ai đang đứng trong bóng tối?
Công an nhân dân đã làm gì?
Khi người dân bị đe dọa, khủng bố và bất an trong cuộc sống, trách nhiệm của người công an được xác định là “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”. Thế nhưng khi đám côn đồ hành hung, khủng bố hai mẹ con đàn bà con trẻ này, công an đứng đó cũng như không, trái lại trong đám đó còn phát hiện ra công an mặc thường phục, thì mọi chuyện có còn gì để nói nữa không?
Ngay khi chúng tôi đến nhà chị, một đám người luôn lởn vởn theo dõi chúng tôi liên tục. Chúng tôi rủ nhau đi ăn ở một quán cơm bình dân gần đó, ngay lập tức hai chiếc xe máy chở nhau đi rình. Một chiếc xe máy một người chở một cô gái khá xinh đi rình chúng tôi, chúng tôi đi, họ đi theo, chúng tôi vào nhà, họ vào những hàng xung quanh giả vờ mua hàng hoặc làm gì đó. Khi tôi đi ra ngoài đường, lập tức một hòn gạch bay vèo từ xa đến chỗ tôi rơi trên mặt đường. Người thanh niên chở cô gái này, sau đó về đồn công an Phường ngồi phía trong. Còn phía ngoài, hai chiếc xe máy khác lại tiếp tục theo chúng tôi đến khi về hết địa phận Hà Nam.

Công an nhiều như thế, an ninh lắm thế, nhưng người dân vẫn bất an, vẫn bị khủng bố.
Chiều, đúng hẹn chị Nga lên công an Phường Hai Bà Trưng để đưa đơn khiếu nại, tố cáo về việc bị khủng bố và cướp máy ảnh. Chúng tôi được chị nhờ đi cùng, lý do vì “Em thấy có nhiều người đến đồn công an rồi tự tử, em sợ lắm, vì con em đang còn nhỏ nên em không muốn vào đồn công an tự tử đâu”.
Đến đồn Công an, mấy chiếc xe máy vẫn bám theo sát gót, người mang bộ cảnh phục Cảnh sát giao thông lại không đứng ở vị trí trước nhà chị Nga nữa mà đi theo chúng tôi về phường, đứng đằng xa nhìn lại. Chắc anh sợ chúng tôi không biết đường đi đến công an phường chăng(?). Trong đồn, một đoàn công an đông đúc đổ ra phòng tiếp dân khi chị Nga và chúng tôi đến, phía trong, một số “quần chúng” không mặc cảnh phục cũng đã ngồi ở các phòng phía sau.
Một người mặc bộ đồ gió ra quát lớn: “Chúng tôi mời tất cả ra ngoài, đây là đồn Công an”. Một người hỏi: “Còn anh là ai? Anh cũng là Công an?”. Anh ta đáp: “Tôi là trưởng đồn Công an Phường Hai Bà Trưng, tôi đang chỉ đạo công việc ở dây”. Chúng tôi hỏi lại: “Anh là công an, là Trưởng đồn, vậy trong đồn thì cảnh phục của anh đâu?”. Anh ta bảo: “Tôi là trưởng Công an Phường nhưng không làm ca này”(!). Chúng tôi trả lời:“Nếu anh là công an, đề nghị anh ăn mặc đúng tác phong và điều lệnh công an. Tiền dân trang bị cho anh cảnh phục để đi làm không phải bộ này. Nếu ngoài giờ làm việc của anh, đề nghị anh không tham gia”. Anh ta đành vào trong nhà thay bộ cảnh phục đầy đủ biển tên và quân hàm.
Chị Nga đưa đơn, ông ta cho một đoàn đuổi chúng tôi ra ngoài, chị Nga không chịu, chị nói: “Tôi đã phải thức suốt đêm qua, giờ không đủ tỉnh táo làm việc, và tôi yêu cầu được có người bên cạnh khi làm việc với công an. Nếu không thì để hôm khác”. Thế nhưng yêu cầu đó không được đồng ý. Một viên công an yêu cầu chị không làm việc ở phòng tiếp dân nữa, mà lên tầng 2, chị không chịu. Mọi người đề nghị với công an tiếp nhận đơn của chị Nga và có biện pháp bảo vệ an ninh cho mẹ con chị không bị khủng bố.
Trong khi ông Thanh trưởng đồn ngồi giải quyết, một viên công an tên Hậu còn trẻ đứng chắp tay sau đít lên giọng dọa nạt chị Nga và một thanh niên đang ngồi trên ghế với giọng rất hách dịch. Chúng tôi hỏi: “Anh là công an khi làm việc với dân mà tác phong anh chắp tay sau đít vậy xem có được không?”. Hết sức ngạc nhiên khi anh ta trả lời: “Tôi tác phong như thế đấy, các anh làm gì được tôi”. Đến mức này thi bó tay với công an ở đây.
Cứ mấy phút, công an lại vào hội ý khi có những yêu cầu từ chị Nga và bà con có mặt. Cuối cùng, một người khá nhiều tuổi là Trung tá Nguyễn Đức Hiệp ra tiếp. Ông ta yêu cầu làm việc riêng với chị Nga, chị lại không đồng ý. Ông bảo rằng “chúng tôi phải làm việc để điều tra sự việc khi có đơn trình báo của người dân nên chị phải làm việc với chúng tôi”. Chúng tôi hỏi ông: “Vậy trước tình hình chị Nga bị khủng bố như thế, chị ấy đã có đơn nhiều lần, anh cho biết đã điều tra đến đâu và có biện pháp gì để bảo bảo an ninh cuộc sống công dân?”. Anh ta bảo: “Đơn khi nào? anh nghe một chiều chứ làm gì có đơn nào?”. Chị Nga đáp: “Tôi đã đưa đơn lên đây rất nhiều lần, thậm chí anh Tuấn Anh còn bảo việc chị viết đơn là việc của chị, còn có làm hay không là việc của chúng tôi”. Chúng tôi đáp: “Chị Nga có mặt ở đây, ba mặt một lời nhưng ông bảo vẫn không có, vậy để chấm dứt tình trạng đó, hôm nay anh đã nhận đơn, đề nghị anh xác nhận là đã nhận đơn trình báo của chị Nga”.
Nhưng, chỉ việc xác nhận đã nhận đơn của chị Nga, cuối cùng dùng dằng mãi thì công an Phường vẫn không dám xác nhận buộc chúng tôi phải lập biên bản tại chỗ về việc công an Phường đã nhận đơn nhưng không xác nhận cho chị Nga.

Thực ra, chúng tôi không hi vọng gì lắm vào cách làm việc của công an Phường ở đây, nếu họ thật sự “đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép” và “đối với công việc phải tận tụy” như cái bảng đằng sau ngay trên đầu họ, thì đâu còn cảnh nhà chị Nga như hôm nay.
Thất vọng, chúng tôi ra về, chị Nga theo xe chúng tôi lên Hà Nội lánh nạn.
Những chiếc xe máy lại tiếp tục trò chơi theo đuổi chúng tôi đến cuối Hà Nam.

Trở về Hà Nội, mấy anh em ngồi uống chén nước rồi chia tay nhau, câu nói cuối cùng của một người có tuổi trong đoàn là “Với cách hành động như thế này, thì người dân mà còn lòng tin mới là chuyện lạ”.
Hà Nội, ngày 24/3/2012

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh