Truyện ngắn
Đêm xuân Hà Nội, trời mưa phùn, gió lạnh, nằm trong chăn quấn chặt. Bịt tai lại để ngủ thật ngon, tránh sự ồn ào phía ngoài vang tới vì trong ngõ đang có đám cãi nhau dữ dội. Giấc ngủ cứ dần đến rồi thiếp đi lúc nào chẳng rõ.
Phần I:
Đang thơ thẩn loanh quanh bên Nhà Trắng, chợt nhìn thấy một anh chàng trạc tuổi mình, da đen nhẻm, đầu trọc lốc tiến lại, anh ta cười :
- Chào ông, ông mới đến nước Mỹ của chúng tôi?
Mình cũng ngạc nhiên, chưa gặp nhau lần nào, nhưng nhìn quen quen, nhớ mãi không ra tên tuổi là ai nên hỏi lại:
- Anh ở đâu mà tôi nhìn quen quen nhỉ? Hình như đã gặp anh đâu đó thì phải, mà nhìn anh cũng trạc tuổi tôi, anh sinh năm nào?
- Tôi sinh ngày 4/8/1961, còn anh, anh sinh ngày nào và từ đâu tới?
- Tôi kém anh mấy tháng, tôi 29/3/1962. Tôi từ Việt Nam tới.
- Ô, Việt Nam, Việt Nam trong trái tim tôi.
- Anh nói cứ như lãnh tụ ấy nhỉ? Việt Nam của tôi làm sao lại trong trái tim anh?
Lão đáp:
- Thì tôi là lãnh tụ thật mà, tôi là Tổng Thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Việt Nam đã là nơi tôi nghe thấy thường xuyên nên hai tiếng Việt Nam trong trái tim tôi là thế, nói đến nhớ ngay.
- Ô, xin lỗi anh, hèn gì tôi nhìn quen thế. Anh là Tổng thống mà cũng có thời gian gặp dân thường à? Xe còi hụ và công an dàn hàng ngang, hàng dọc đâu?
- Ở đây, người dân Mỹ nào muốn gặp tôi cũng được, có thể chụp hình với nhau, nhưng phiền hà chút là phải đăng ký, đợt này có lẽ phải cải tiến cái này, vì người ta quý mình mới chụp hình với mình chứ, nhỉ. Hay ho gì loại cán bộ mà dân thấy đâu thì chạy mất dép ở đó. Ông nhỉ?
Thấy anh chàng nói chuyện cũng vui vui dù mình chưa tin đây là Tổng thống Hoa Kỳ, mình hỏi:
- Nhưng chắc cũng kiếm được khơ khớ chứ, dăm bảy cái biệt thự, đất đai, tiền mặt… ông thì thiếu gì tiền.
- Làm gì có, đi làm thì lấy lương, còn khi có tiền thì tôi mua nửa nước Mỹ cũng được, nhưng tôi lại không có tiền. Lương tằn tiện thì đủ chi dùng, hàng tháng nhận lương xong, thì trả các loại tiền như điện, nước, giặt ủi, tiền nuôi con… thì cũng tàm tạm đủ, chỉ có điều dạo này kinh tế hơi khó khăn nên cũng bấn. Mình là Tổng Thống nên cũng phải chi nhiều thứ ông ạ.
- Tiền lương của ông nghe nói mỗi năm ông có gần 400 ngàn đôla cơ mà.
- Ừ, lương tôi 395 ngàn đô mỗi năm, nhưng tiêu dùng và giá cả ở đây nó cao, nói như ông Nghị Đỗ Văn Đương bên ông là “Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn nên không thể nói ta lạm phát cao nhất khu vực”. Đấy, ông đại biểu quốc hội bên ông cũng biết ở nước ngoài giá cả cao, nên bên tôi cũng tiêu nhiều hơn đấy.
- Ông làm Tổng Thống chắc cũng vất vả nhỉ, có “cá kiếm”* được không?
- Vất vả là đương nhiên rồi ông, suốt ngày công việc, mệt lắm, mà “Cá kiếm” là gì? Tôi không hiểu.
- Nghĩa là có “màu mè” gì không ấy mà, tức là ngoài lương Tổng Thống, còn kiếm thêm được món gì nữa không ấy mà, nhà đất, biệt thự, tiền bạc, quà biếu… ở Việt Nam bên tôi gọi là màu mè hoặc sang hơn, có vẻ linh thiêng hơn thì gọi là bổng lộc ấy mà.
- À, thì tôi chỉ có lương thôi, bận suốt nên có làm thêm được gì đâu. Chừng đó tiền lương sao mua được đất, biệt thự hoặc nhiều nhà.
- Thì phải có nguồn khác chứ chẳng lẽ chỉ có ba cọc ba đồng thế à?
- Nguồn nào đâu? Ở đây làm việc gì ra việc đó chứ đâu có làm thêm được.
- Ông làm Tổng thống mà kém bỏ mịa, ở bên tôi cán bộ cỡ nho nhỏ lương mấy triệu một tháng thôi, cũng còn có cả mấy cái nhà, mấy miếng đất chứ chưa thèm nói cỡ như ông nhé.
- Ừ cái đó tôi có nghe nói, tôi đọc báo còn biết bên Việt Nam các ông, thống đốc ngân hàng còn có thời gian với cả gia đình làm thêm dán hộp cạc tông mua được nhà chứ bên này thì chịu, không có thời gian mà có cũng không làm được đâu ông ơi.
- Thế nhưng ông cũng kiếm được cái nhà này thì cũng được rồi, cả gia đình ông ở sao hết cái nhà này, khi về hưu đập mẹ nó đi xây cái khách sạn cho thuê, riêng cái bãi cỏ này cho làm sân golf hoặc bãi tập xe ôtô cũng khá tiền đấy ông ạ.
- Nhưng khi hết nhiệm kỳ thì tôi lại phải chuyển ra cho người kế nhiệm ở chứ có phải của tôi đâu.
- Thì ông cứ ở, có ai đuổi được Tổng Thống đâu mà sợ, ông không bàn giao thì nó làm gì được ông.
- Không có chuyện đó đâu ông ơi, làm người phải có liêm sỉ chứ, ở bên ông thì khi làm quan ở nhà nào rồi chiếm luôn à?
- Chiếm thì không, nhưng được phân nhà chứ, ai lại để cán bộ đưa gia đình đến ở để làm việc phục vụ nhân dân rồi khi ra về nỡ đòi cái nhà bao giờ. Bên Hà Nội tôi có ông cựu chủ tịch thành phố thuê cái nhà có 500 ngàn đồng một tháng, trước đó đã cho người Nhật thuê 5.000 đôla một tháng. Hết hạn bao nhiêu năm rồi, người ta đòi. Thế mà đòi bao năm nay còn không được nữa là chức vụ Tổng thống như ông.
- Ồ không, ở nước Mỹ chúng tôi cấm ngặt chuyện đó, luật pháp bên này nó không chừa ai đâu. Trước tôi, có lão Bill ấy, sờ con bé thư ký, nó đưa ra tòa còn phải chịu đấy ông ạ, đừng đùa.
- Ừ, tôi có biết, thế ở Mỹ nhà các ông làm cán bộ chán bỏ mịa, thế ai thèm làm làm gì.
Phần II:
Sau một lúc ngẩn tò te ngẫm nghĩ, lão Obama thở dài nói nhỏ:
- Ừ, nếu biết vất vả kiểu này, thà rằng xin sang bên chỗ Việt Nam các ông tôi làm chủ tịch thành phố còn hơn.
Không cần do dự, mình nói thẳng:
- Xin lỗi ông nhé, tôi nói thât là cỡ ông sang Việt Nam còn lâu mới làm được chủ tịch xã chứ chưa nói là chủ tịch thành phố hay tổng thống nhé, ông đừng có tưởng bở.
Lão có vẻ ngạc nhiên:
- Ồ, sao thế, tôi có đủ tài năng lãnh đạo cả 300 triệu dân Mỹ mà. Tôi là người da đen đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, một đất nước hùng cường, cả thế giới phải nể sợ. Một cái nhíu mày, dậm chân của tôi là cả thế giới phải kinh hồn, một mệnh lệnh của tôi là có thể hủy diệt thế giới trong mấy phút, tôi nắm cả vận mệnh đất nước này và cả thế giới. Tôi mà cho ai gặp thì báo chí nước đó coi như một vinh dự, tôi có thể làm đảo lộn trật tự thế giới. Quân đội tôi nắm trong tay hùng mạnh nhất thế giới. Tôi còn được tặng giải Nobel Hòa bình… chẳng lẽ mỗi cái chân chủ tịch thành phố bên ông lại không làm được?
- Thôi đi ông, ông đừng tinh tướng, ông chỉ làm Tổng thống Mỹ được thôi, còn sang Việt Nam ứng cử chức chủ tịch xã xem, trượt vỏ chuối là cái chắc.
- Sao lại thế? Bên ông tiêu chuẩn chọn cán bộ cao đến thế cơ à?
- Cao chứ sao không. Này nhé: Trước hết, ông là con ai? Con chính thức hay con rơi cũng được nhưng bố ông là ai? Thành phần có cơ bản không? Gia đình ba đời ông có tham gia bóc lột theo bọn phong kiến không, có bố mẹ đi lính cho Pháp không, ông có là Công giáo không? Gia đình có ông chú, ông bác hay bà cô nào theo địch không? Ông đã vào đảng chưa? Cụ ngoại ông có theo bọn phản động không? Bên vợ ông có ai theo địch không? Xuất thân của ông là thành phần nào? Bần nông hay địa chủ, trung lưu hay cố nông? Gia đình ông có ai không chấp hành chính sách của đảng và nhà nước tốt không? đoàn viên thanh niên chưa? Có biểu hiện tư tưởng lệch lạc thiếu kiên định tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và thực hiện các chính sách của đảng và nhà nước không? Đấy, ông có đảm bảo ông vượt qua được không?
- Ồ, không có gì khó khăn, vì tôi sinh ra trong gia đình thành phần nghèo khó, bố tôi là người Kenya và mẹ tôi là người Mỹ da trắng, các chi tiết kia thì cũng không có gì đáng ngại. Tôi là đảng viên hẳn hoi mà, tôi đại diện cho đảng tôi tranh cử đấy chứ. Chỉ có cái kiên định tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội là hơi khó vì thực ra tôi không biết mặt mũi cái CNXH thế nào mà tin.
- Thế, chỉ nghe thế đã biết ông chẳng bao giờ được bầu nhé. Bố ông là người nước khác, mẹ là người nước khác, ông chẳng phải là con đẻ hoặc con rơi của một lão thành cách mạng hay có công gì với đất nước nhé. Ông không tin tưởng vào CNXH nhé, không biết nó thế nào thì vẫn phải tin chứ.
Thôi, coi như ông vượt qua được các chi tiết cơ bản kia đi, thì ai giới thiệu ông ứng cử? Có phải là đảng cử ông ra cho dân bầu không? Có được Mặt trận Tổ Quốc giới thiệu không?
- Thì tôi sẽ tự ra ứng cử, nghe nói luật bên các ông cũng cho phép mà.
- À, thì luật à? Vậy thì ông có hay chào hỏi bà con dân phố không? Có quét ngõ chung khi nào không? Ở địa phương có được bà con mến không? Có bị bà con phê phán cái gì không? Ông được bà con đánh giá là đủ sức khỏe để ứng cử không? Ông có khi nào làm mất lòng ai trong tổ dân phố hoặc nơi ông ở không?
- Thì cuộc sống ai đầy đủ được đâu, nhưng ở tổ dân phố tôi thì yên chí là không ngại, bà con mến tôi lắm, còn sức khỏe thì tôi yên tâm.
- À, ông yên tâm với bà con chỗ tổ ông ở thôi, còn tổ khác thì sao, những người chưa biết ông khi nào thì sao? Họ sẽ được chọn mời đến họp góp ý và ông bị loại ngay từ cuộc họp đó vì không được tín nhiệm ở tổ dân phố nhé.
Mà nói thật, ông có vượt qua được tất cả những thứ đó đi nữa, thì với bằng cấp của ông chẳng lên được bao nhiêu đâu. Ông chưa là Giáo sư, Tiến sĩ gì cả, đúng không?
- Chưa, nhưng tôi tốt nghiệp ngành luật và đã có nhiều công trình được công nhận. Bên đó cán bộ là Tiến sĩ nhiều lắm à?
- Tiến sĩ thì không nhiều lắm, nhưng có bằng Tiến sĩ thì có mà vô khối. Chỗ nào chẳng tiến sĩ, sắp tới đến năm 2020, chúng tôi còn có thêm 29.000 tiến sĩ nữa cơ ông ạ. Riêng Thành phố Hà Nội chúng tôi thì đến 2020 sẽ có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý là tiến sĩ. Thế mới xứng đáng là trí tuệ nhân loại chứ đâu cứ như cái nước Mỹ của ông, đến Tổng Thống cũng không có nổi tấm bằng Tiến sĩ. Thua cả bà Doan Phó Chủ tịch nước bên tôi nhé, Giáo sư, Tiến sĩ đấy nhé. Trình độ thấp như ông sao có thể làm cán bộ bên tôi. Ngày xưa, khi đang đánh Mỹ các ông, thì bên tôi ra ngõ gặp anh hùng, ngày nay, bên tôi sắp đến giai đoạn ra ngõ đụng phải tiến sĩ đấy ông ạ.
- Sao ông lại nói tiến sĩ không nhiều nhưng có bằng tiến sĩ lại đông là sao? Tôi thật sự không hiểu.
- Ôi dào, ông hiểu sao được, tôi nói là trình độ Tiến sĩ và bằng Tiến sĩ là hai cái khác nhau. Có những cái bằng tiến sĩ được nước Mỹ các ông đào tại tại đây hẳn hoi, nhưng vị tiến sĩ đó không hề biết nửa câu Tiếng Anh là gì. Thế mới là trí tuệ Việt Nam, ông hiểu sao được, chính vì thế bà Doan mới nói là nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa bên tôi “đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
- Nhưng sao lại phải nhiều tiến sĩ thế?
- Thì ông tiến sĩ Lê Anh Sắc, chuyên viên cao cấp Sở Nội vụ Hà Nội, thành viên soạn thảo “Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố” Hà Nội nói rõ rồi còn gì: “Phải có bằng Tiến sĩ mới đột phá tư duy”, chứ không có bằng tiến sĩ như ông làm sao đột phá được, cứ quanh quẩn giãy chết thôi.
- Thế thì dân trí bên ông chắc cao lắm nhỉ?
- À không, chuyện nhiều tiến sĩ chẳng liên quan gì đến dân trí, bên tôi dân trí vẫn cứ thấp như thường, thậm chí còn thấp hơn nhiều nơi khác, chẳng hạn bên Cambốt.
- Sao lại thế? Tưởng học hành, bằng cấp, trình độ cao tiến sĩ nhiều thế thì dân trí cao lắm chứ?
- Không, ngược lại, dân trí bên tôi thấp nên mỗi khi có thằng phản động nào đòi đa đảng, đa nguyên, dân chủ dân chiếc, thì bên tôi lập tức có người giải thích là do trình độ dân trí ta còn thấp nên nếu để xã hội phát triển theo hướng đó thì loạn ngay, loạn thì cả xã hội không thích rồi. Đấy, cán bộ có chức, có quyền, đương nhiên là có học vị ra giải thích như vậy thì ai chẳng tin, thế là êm như dòng sông lụa, xã hội cứ em xuôi chảy, chảy và chảy mãi.
- Ừ, loạn thì chẳng ai thích, nhưng nếu cán bộ mà giải thích kiểu như thế được thì cán bộ bên ông cũng giỏi đấy. Bên tôi bọn các nhà khoa học, các nhà trí thức nó toàn giải thích ngược lại. Thế mới khó cho tôi.
- Thì thế, thế nên làm cán bộ bên tôi nó mới khó.
- Ôi, khó thế thì làm sao có ai làm cán bộ bên ông được.
Phần III:
Mình được thể lên giọng:
- Thế mới khó, thế nên cán bộ bên tôi quý lắm, đã đưa được lên là chỉ có lên, lên nữa, lên mãi đừng hòng nói chuyện xuống nhé, không phải cứ động chút lại từ chức, từ chức như cái đám quan chức bên chỗ ông đâu. Từ chức là chuyện hết sức vớ vẩn, làm thế là lãng phí trí tuệ và làm mất đi lương tâm của thời đại. Cũng vì thế mà mỗi lần cán bộ có vi phạm pháp luật thì cũng chỉ cảnh cáo hoặc xử lý nội bộ thôi, chứ nói như ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội hiện nay thì cứ cán bộ vi phạm mà kỷ luật thì lấy đâu ra cán bộ mà làm việc.
Theo tôi, ông nên sang mà học tập, rút kinh nghiệm mà quản lý lãnh đạo đất nước chứ cứ ngồi ở nhà tiếp xúc mấy thằng cha Ixraen hoặc mấy thằng ba lăng nhăng thì chẳng bao giờ thấy ánh sáng mặt trời đâu.
- Xin cảm ơn ông, tôi nghe ông nói thì tôi lại càng tò mò hơn về Việt Nam, chắc chắn trong nhiệm kỳ này tôi sẽ phải đi sang Việt Nam thăm và học hỏi chuyến trước khi về ứng cử vào chân Tổng thống Mỹ lần hai thôi. Nhưng đợt này vướng chút là kinh tế Mỹ nó xuống quá ông ạ, đang chưa biết làm sao vực nó dậy được đây, cứ như sắp vỡ nợ đến nơi nên lo lắm.
- Hì, ông đúng là lo bò trắng răng, chỉ vì ông không biết lãnh đạo đất nước làm kinh tế nên mới thế, cái gì cũng tư nhân hóa, tư nhân hóa, mãi thế cán bộ và nhà nước có mà ăn cám à. Phải có tập đoàn kinh tế mạnh của nhà nước, như bên tôi ấy, phải bơm thật nhiều tiền cho nó làm ăn, phải tạo cho nó thế độc quyền mới làm ăn được. Phải có những quả đấm thép như vậy mới được ông ạ.
- Thì tôi cũng đã nghiên cứu qua, nhưng không ổn, vì những thằng tập đoàn lớn đó nhiều khi tham nhũng, thất thoát và góp ích cho xã hội với tỷ lệ nhỏ nhất, như vậy là không hiệu quả. Nếu bơm tiền cho nó nó lỗ cả đống tiền thì làm sao? Nó mà lỗ ra đấy nuôi nó còn không xong thì đấm được ai?
- Đấm vào mặt nhân dân chứ đấm vào ai. Thằng xăng dầu, thích là tăng, thằng điện làm ăn ngoài ngành lỗ thì dân chịu, thằng Vinashin lỗ thì nhà nước có chính sách cho nó, thằng giao thông để tắc đường thì tăng cường thu phí làm đường biên giới, thằng bệnh viện quá đông bệnh nhân thì tăng phí bệnh viện… đại khái thế.
- Nhưng nó lỗ mà bơm tiền không vực dậy được như thằng Vinashin bên ông thì làm sao?
- Thì… tái cơ cấu. Nghĩa là cứ đánh bùn sang ao.
- Thế sao dân chịu được, nó chửi chết ông ơi, báo chí nó làm cho ra bã chứ ông tưởng à.
- Báo nào dám làm gì, cấm đưa tin, ông cứ liệt tất cả những thứ đó là “nhạy cảm”, dễ bị các “thế lực thù địch lợi dụng”, hạn chế đưa tin, thì bọn báo chí nó dám mở mồm à.
- Sao lại không, báo chí nó móc cho rã họng chứ ông đùa à, báo chí nó lôi ra ngay chứ nó nể gì đâu. Bên ông cũng có báo chí mà. Nhà nước vẫn bảo là có tự do báo chí mà. Báo chí nó nói thì sao cãi nó được nếu nó nói đúng? Báo chí nó có luật, nó làm theo luật ông ơi.
- Cái đó lại tại ông, phải biết quản lý báo chí chứ. Ông tưởng bên tôi không có luật à, Luật báo chí hẳn hoi nhé. Nhưng bên ông có Ban Tư tưởng văn hóa không nhỉ? Hình như không có, đúng không? Hèn chi ông sợ bọn báo chí nó làm loạn. Bên tôi ngoài Luật, thì còn có Ban, Ban bao giờ chẳng to hơn luật.
Sang bên tôi mà học nhé, bọn tôi còn đi trước ông xa. Báo chí cứ thế mà phát triển tự do theo lề phải, nghĩa là nhà nước mà đại diện là những anh như Lê Doãn Hợp ấy, ngồi vạch ra cho bọn báo chí một cái lề và báo chí hoàn toàn tự do đi trong cái lề ấy, tha hồ.
- Nhưng như thế còn đâu tự do báo chí? Báo chí phải được tự do chứ sinh cái lề thì làm gì còn tự do?
- Sao lại không? Ví dụ như ông nhé, hiện giờ ông đang ở trong khu vực Nhà Trắng nhé, xung quanh là hàng rào sắt, vậy ông cứ tự do đi lại, chạy, nhảy thoải mái trong hàng rào này, đi ngang đi dọc đều được, miễn là ông không đi ra ngoài hàng rào đến chỗ bức tượng Lafayette là được. Sức như ông cứ cho là khỏe cũng chỉ được cùng lắm là chục lượt chứ mấy? Thế là tự do còn gì, chỉ riêng tự do chạy loanh quanh trong khu vực quanh nhà trắng ông còn không sử dụng hết nữa là còn đòi ra cả ngoài. Nếu để cho ông ra tận ngoài này, đến bức tượng thì có nghĩa là thừa tự do mất còn gì? Nói thật với ông nhé, ngay như bức tượng Lafayette này, bằng đồng hẳn hoi, không chạy ra được, các ông còn cho làm hàng rào nữa là báo chí, phóng viên nó chạy như bay khắp nơi.
Đấy, Luật thì rộng như quảng trường này, nhưng Ban nó giống cái hàng rào xung quanh là thế đấy ông ạ. Thế nên nếu ông không muốn phức tạp vì những thứ đó, thì sang bên tôi mà học cách lập một số cái Ban.
Mặc dù mình đã giải thích rất “biện chứng duy vật” như vậy, thí dụ cụ thể như thế, nhưng lão vẫn không chịu:
- Nhưng báo chí thì không giới hạn thế được, nói tự do báo chí, là bọn báo chí nó có quyền đi trệch hoặc đi hẳn ra ngoài cái lề này ông ạ, thế thì làm gì được nó?
- Nếu trệch ra ngoài thì lập tức trảm, sợ gì, thằng nào chẳng sợ mất nồi cơm. Không cấp tiền, không cho ra báo, thay Tổng biên tập, tao trả lương cho mày mà mày không nghe tao à? Hàng tuần, giao ban hẳn hoi, nhắc nhở bằng miệng, bằng công văn, cái này đưa được, cái kia không đưa được… cứ thế mà làm.
- Nhưng bên này báo chí nó có lấy lương của mình đâu mà chỉ đạo nó được. Tòan báo chí của tư nhân.
- À, lỗi đó do ông. Cần cấm ngặt báo chí tư nhân nhé, nếu ai hỏi thì cứ bảo: Tự do báo chí thế là đủ rồi, đại đa số nhân dân Việt Nam không thấy có nhu cầu có báo chí tư nhân, cứ trả lời chung chung, mông mênh và vô định thế thôi, bố thằng nào nó dám đi hỏi từng thằng dân là anh nói vậy có đúng không. Tuyệt đối báo chí tư nhân thì đừng cho thò mặt ra bao giờ, bọn tư nhân là bọn bố láo, không có tính kiên định lập trường XHCN tí nào đâu, quản lý khó lắm. Còn báo chí nhà nước, cấp tiền cho nó viết, sau đó cấp theo đường chi bộ, cơ quan, đoàn thể, cứ đến giờ lấy báo, đến tháng trích ngân sách trả tiền, cứ thế, cứ thế.
- Nhưng báo chí nói sai thì dân nó kiện, tòa xử cho thua có bỏ mẹ con người ta.
- Đúng ông không biết lãnh đạo thật, dân có mà kiện củ khoai, ông sang bên tôi mà xem mấy vụ kiện báo chí mà rút kinh nghiệm nhé. Dân đưa đơn ra Tòa án, tòa không nhận đơn, không thụ lý mà yêu cầu đến Tòa soạn xin giấy của Tòa soạn trước khi nhận đơn. Thế là dân Thái Hà vây cả Tòa soạn Báo Hà Nội mới, thì mấy ông Tổng biên tập và cán bộ to trốn tiệt, cho cô văn phòng trả lời là cấp trên đang xin chỉ thị của Thành ủy để giải quyết, đến lắm mỏi thì phải về.
Còn cái vụ Đài Truyền hình Hà Nội đưa tin nói mấy cán bộ lão thành, mấy ông trí thức lớn đi biểu tình yêu nước chống Trung Cộng là phản động, bị người ta kiện, cứ bảo Tòa án là không cần xét xử, nhận đơn gì hết, cứ phán một câu là “nói thế không xúc phạm cụ thể đến ai” thế là xong. Thiếu gì cách xử lý. Dân kiện mãi không được cũng chán chứ cơm đâu mà cứ đi theo kiện mãi được.
Phần IV:
Nghe giải thích tường tận về báo chí Xã hội chủ nghĩa, lão Obama trầm tư:
- Báo chí kiểu đó thì tôi có thể làm Tổng thống đến 7 nhiệm kỳ được ông nhỉ? Kể ra nếu thế thì bên ông tiến bộ hơn bên tôi nhiều.
- Thì đã hẳn, trong lịch sử thì bên tôi có thể làm lãnh đạo đến khi nào không thể làm được nữa vấn cứ làm, ông chưa thấy thôi chứ nếu thấy những lãnh tụ mà khi ra trước công chúng hai người dìu hai bên thì ông có mà thèm rỏ dãi nhé. Đấy, những bộ óc thông minh thì phải giữ lại làm việc vì đó là tài sản quốc gia mà ông. Chỉ có điều là sau này, cứ đổi mới đổi miếc, hội nhập hội nhiếc nên sau này mới quy định là hai nhiệm kỳ, rồi còn quy định tuổi nào ở, tuổi nào về hưu nữa chứ trước đây thì bình an lắm, yên tâm lắm.
- Thế thì cũng tiến bộ rồi, à đấy là theo quan điểm bên tôi.
- Tiến bộ? Tiến bộ cái gì? Tôi chẳng thấy tiến bộ chút nào cả. Thêm nhiêu khê, rắc rối chuyện bầu bán lằng nhằng mất thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Rồi lại nảy sinh ra lắm thứ tiêu cực, bầy sâu tham nhũng, hư hỏng lại thêm nhiều con nữa. Ông có biết cái tệ hại của quy định tuổi tác và nhiệm kỳ như bên ông sinh ra cái nạn gì không?
- Sao lại sinh tệ nạn được?
- Thì nạn chạy giấy khai sinh, sửa tuổi đời, tuổi công tác. Ông có biết trước đây, không quy định tuổi, thì cán bộ muốn tăng tuổi lên, để có thâm niên cao được hưởng nhiều quyền lợi như nhà ở, bậc lương… mọi sự cứ êm thấm thế. Giờ sinh ra nạn bớt tuổi, làm lại giấy khai sinh, chứng nhận chứng nhiệc, thêm nhiều cơ hội tham nhũng, hư hỏng. Ông có biết bên tôi có ông mới 12 tuổi đã vào học Đại học rồi, đi công tác nhà nước rồi không?
- 12 tuổi? Chắc là kiểu như em Lê Văn Tám theo du kích chăng?
- Hoàn toàn không, cán bộ hẳn hoi, nhưng lẽ ra 18 tuổi xong cấp 3 mới vào Đại học, nay bớt đi 6 tuổi cho khớp với nhiệm kỳ, nên vào đại học khi mới 12 tuổi là thế.
- Ôi, bên các ông nhiêu khê lắm chuyện quá nhỉ, thế thì không thể hiểu được, đã thêm tuổi là quá đáng, giờ lại bớt tuổi. Hèn chi bên ông lắm thần đồng.
- Thế, thế nên ông không thể hiểu được đất nước tôi đâu, ngày xưa đã từng có nhà thơ bên tôi ưỡn ngực, cất cao tiếng hát: “Ôi, Việt Nam, xứ sở lạ lùng” là vì thế. Chúng tôi phải phát huy bản sắc dân tộc, hòa nhập không hòa tan là vì thế. Nhiều cái tiến bộ ông không thể hiểu được, trình độ đâu mà hiểu chứ.
Đấy, nó khó hiểu thế đấy, nên ông muốn làm gì, nói gì về đất nước chúng tôi là ông nhớ cẩn thận đấy nhé. Mới đây bên cái Ủy ban đối ngoại Hạ viện của ông lại thông qua cái Dự luật nhân quyền Việt Nam. Đúng là các ông chẳng hiểu gì, khi quan niệm về quyền con người mỗi bên một khác mà nhà nước tôi gọi là bất đồng về quan niệm.
Chẳng hạn, bên ông không biết quý cán bộ, ai cũng như ai, sinh ra nhờn phép nước, sinh ra chuyện không nghiêm trị bọn chống người thi hành công vụ, thế là không được. Bên tôi con bé dám chửi cảnh sát giao thông ăn luôn mấy tháng tù, còn mấy vụ công an dùng nhục hình đưa dân đi viện, thì chỉ cảnh cáo hoặc án treo thôi. Thế là vụ nọ lại có tiếp vụ kia, đánh bỏ mẹ mấy thằng dân cứng đầu cùng lắm chỉ án treo, sợ gì.
Đấy, mới đây thôi, một đám quan, quân đội, công an, đến đánh úp một ngôi nhà đang yên lành, không có liên quan gì đến cái quyết định cưỡng chế cái khu vực khác. Cả đám bao vây kêu gọi bằng loa, tiến hành một trận đánh đẹp. Hoảng quá, cái thằng chủ nhà không biết mô tê gì tự dưng nhà mình bị bao vây, bèn dùng súng hoa cải bắn một phát sợt da mấy chú, lại cho nổ mình tự tạo thế là alê hấp, lựu đạn, mìn, chó, cảnh sát, người… cứ thế là hợp đồng tác chiến. Sau đó còn phá tan ngôi nhà luôn.
- Chế, thế thì loạt cán bộ, công an, bộ đội tự dưng đi phá nhà người ta có mà đi tù hết à?
- Tù là sao? Có mà anh em nhà thằng có nhà đi tù cả lũ thì có. Cơ quan công an ngay lập tức khởi tố tội giết người và chống người thi hành công vụ. Thế là bắt giam, cạo trọc đầu cho lên báo nhận tội thôi.
- Sao thế, đã đến phá nhà họ mà còn bắt họ đi tù là sao?
- Sao trăng cái gì, nó can tội làm dân, nó mà làm cán bộ thì chắc cũng không sao, nhưng tội của nó là dân, nên cứ bắt, tù đã cho chừa cái thói biết là cán bộ mà vẫn bắn. Thế là giết người bằng súng hoa cải, chứ cán bộ bắn vào cái nhà đó chỉ bằng lựu đạn, súng AK thôi, không thể là giết người được, mà nhỡ có chết, là tại vì chúng nó cứ tự động dính vào đạn của công an, chẳng sao cả. Cán bộ nhà nước mà, thế nên mấy tháng rồi có điều tra được ai bắn và ai phá nhà dân ra sao đâu.
- Ôi, sao lại thế, thế thì nhân quyền ở đâu?
- Thôi đi ông, ông thì cứ động tí là nhân quyền. Theo ông, giữa thằng dân và đồng chí cán bộ, cần bảo vệ ai hơn? Không có thằng dân này thì có thằng dân khác, chứ không có cán bộ lấy ai làm việc?
Tôi đã nói nhiều lần là ông chẳng hiểu gì cả, thế mới có chuyện bên ông nhiều khi cứ đưa ra những báo cáo về nhân quyền, dự luật nọ kia mà chẳng hiểu gì chuyện bên tôi. Nhân quyền bên tôi nhiều lắm, không như bên ông đâu nhé. Nhân quyền bên tôi chạy ngoài đường suốt ngày, thậm chí còn mới đẻ con nữa đấy.
- Ô, sao nhân quyền lại chạy ngoài đường? Ông có hiểu gì về nhân quyền không?
- Sao không? Thì Nhân là cô Lê Thị Công Nhân, còn Quyền là Ngô Duy Quyền, chúng nó lấy nhau mới đẻ con chứ sao.
- Ông nhầm rồi, nhân quyền không phải thế đâu, mà là…
- À, thì chắc Nhân là nhân dịp, còn Quyền thì chắc là quyền lực chứ gì, tức là nhân dịp có quyền lực chứ gì? Tức là Nhân dịp có quyền lực thì kiếm chút quyền lợi chứ gì? Ông cứ nói tắt đâm ra tôi chậm hiểu. Nếu thế thì bên tôi cũng đầy, thằng nào chẳng nhân dịp có quyền là kiếm mấy miếng đất, xây vài cái nhà, xin cho con cháu vào chỗ nọ chỗ kia… Tưởng gì chứ bên tôi cái Nhân Quyền đó chỗ nào chẳng đầy. Thậm chí báo chí còn nêu nhiều hiện tượng là dùng tiền mua để có Nhân Quyền đấy ông ạ. Quý lắm.
- Ông lại không hiểu tôi rồi, nhân quyền nó khác, nhân quyền là…
- À, thì có vậy ông Lương Thanh Nghị bên tôi mới nói là có khác biệt về nhân quyền. Nếu không thì đã hiểu nhau.
- Có lẽ chưa hiểu nhau thật, bên này khác bên ông, tôi thấy ông cứ nói chuyện hết đưa ông này nói đến ông khác nói chứ chẳng thấy ý kiến của ông chỗ nào cả. Hình như bên ông cũng hay thần tượng các nhân vật, cá nhân lắm à?
- Cũng có, mà cũng không, tùy theo nhân vật đó là ai, có thuộc “phe ta” hay “phe địch”
- Nghĩa là thế nào? Nghĩa là không phụ thuộc tài năng, chỉ vì thuộc phe nào thôi à?
- Thì đã hẳn là như vậy, phải có lập trường đấu tranh giai cấp chứ. Tài năng mà không thuộc phe ta thì cũng vứt.
- Thế với các tổng thống Mỹ như bọn tôi thì sao? Sao hồi trước tôi có nghe nói bên ông có tờ báo còn lấy biểu quyết của bạn đọc xem ai là người có tín nhiệm với họ nhất và kết quả là Tổng Thống Bil Clinton của bọn tôi cũng đứng thứ hạng cao lắm mà.
- Ổ, có nhưng chỉ một lần duy nhất đó mà thôi, không thể có lần thứ hai đâu, ông lại cứ tưởng bở rồi.
- Sao thế? Sao chỉ một lần duy nhất là sao?
- Thì sau vụ đó thì lão xuống ngay khỏi chức Tổng biên tập, lấy đâu ra lần hai. Chỉ vì cái lão Tổng biên tập đó không chịu quán triệt quan điểm nên mới sinh ra cái trò đó thôi.
- Quán triệt quan điểm là gì?
- Nghĩa là như một lão nào đó nói mà tôi quên mất nhỉ? Đại khái là: Những cái gì tốt của mày là thuộc về tao, những cái xấu của tao là thuộc về mày.
- Thế thì trong mắt dân các ông, họ nghĩ về bọn tôi thế nào nhỉ?
- Thì Tổng thống Mỹ bao giờ chẳng kém nhất. Hồi trước tôi đọc báo bên tôi còn vạch rõ là chỉ số IQ của tổng thống Mỹ Bush chỉ có 91, quá thấp nên không thông minh. Nước tôi được xem là nước có chỉ số IQ cao, chỉ có điều là chưa có tiền làm đường sắt cao tốc thôi. Chính vì thế nên mới đây ông đại biểu Quốc Hội của Hà Nam là Trần Tiến Cảnh mới nói “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm…” đấy.
- Chỉ số IQ thì liên quan gì đến đường sắt cao tốc?
- Thôi, hơi dài dòng, mà nói chuyện với ông chán bỏ mịa, chẳng có hiểu biết gì nhiều, trách gì hồi nhỏ tôi nghe và giờ vẫn nhớ câu thơ của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa bên tôi liên quan đến các ông.
- Thơ à, thơ gì vậy? Ông có thể cho tôi nghe không? Tôi rất thích thơ vì tôi được coi là nhân vật ảnh hưởng lớn đến văn hóa Mỹ mà.
- Ừ, cũng được thôi, tôi đọc cho ông nghe nhưng đừng giận tôi nhé, vì bài thơ này tôi đọc hồi còn nhỏ trong cuốn “Góc sân và khoảng trời”.
Thế rồi mình lên giọng:
“Bắn tàu Mỹ cháy – Là khẩu súng trường – Người em yêu thương – Là chú bộ đội – Chăm ngoan học giỏi – Là bạn thiếu nhi – Ngu xuẩn nhất nhì – là Tổng Thống Mỹ”. Xin lỗi ông nhé, tôi nói thẳng vậy đừng mất lòng.
Chợt lão Obama ớ người, chực ngã, vịn tay vào hàng rào, tay trái lão quờ quạng như sắp bị ngất, chạm vào tay mình cầm chặt. Mình lại tưởng lão tấn công, hoảng quá giật mạnh tay.
Tiếng vợ mình kêu: Khiếp, gì mà cầm vào tay lại giật cái như phải bỏng thế.
Ồ, thì ra mình đang mê ngủ. Tỉnh dậy, trán mướt mồ hôi.
Hà Nội, ngày 11/3/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận
Trong tập "Cửa mở"