You are here

Đảng nói không, dân bảo có…

Ảnh của nguyenhuuvinh

Câu chuyện sáng nay, tại một quán nước vỉa hè, một bác xe ôm đang cầm tờ báo Công an Nhân dân cũ quay lại hỏi bà bán nước:
- Vậy thì cuối cùng là sao, cái nơi anh Vươn ở có phải là nhà không và có chuyện cán bộ đập phá nhà anh Vươn không?
Bà bán nước trả lời:
- Hiện giờ thì chưa biết.
- Sao cả hơn tháng trời cái chuyện đơn giản thế mà cũng chưa biết, không ai trả lời được à?
- Cái ông này, không cập nhật tin tức báo chí kịp thời vì mải lo mấy cuốc xe ôm thì phải. Chuyện này khó lắm, hiện nay Đảng thì bảo không, dân thì bảo có, công an thì đang điều tra.
Câu trả lời của bà hàng nước vỉa hè làm mình nhớ lại câu chuyện tiếu lâm nhân dân thời xa xưa.
Câu chuyện kể rằng:
 
Khi hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa đi vào khủng hoảng về lý luận và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, tất cả các đảng cộng sản đều tự xưng mình là Cộng sản Mác-Lênin chân chính, còn tất cả những thằng còn lại đều là “Mác – Lênin giả hiệu” là “giả cộng sản để chống lại cộng sản”… Nhưng cộng sản như thế nào là chân chính, thế nào là chân phụ thì không có anh nào định nghĩa rõ ràng, mỗi anh một phách.

Thậm chí đảng Cộng sản Campuchia do các đồng chí Polpot – IengXary lãnh đạo còn muốn xây dựng một xã hội Cộng sản trong sạch và kiểu mẫu theo tư tưởng Mao Trạch Đông bằng cách giết bớt vài ba triệu dân trong tổng số năm triệu. Loại trí thức được ưu tiên giết nhiều nhất, để xây dựng một xã hội không tiền tệ, không chợ búa, không gia đình… làm mẫu cho khác mấy anh Cộng sản kia học tập.
Trên thế giới, kể cả anh Nam Tư, anh CuBa, Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam, Triều Tiên, Campuchia… đều tự xưng mình là Cộng sản chân chính, còn thằng nào không theo mình thì đều là giả hiệu tất. Có anh còn ngông nghênh tự nhận như “Jamahiriya Ả Rập Libya Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Vĩ đại” của đồng chí Gahdafi.
Nói nôm na dễ hiểu là hệ thống các nước Cộng sản lúc đó giống như các quán Ốc Ông già trên Hồ Tây hiện nay, chỗ nào cũng ốc Ông già chính hiệu, ốc Ông già cũ, ốc Ông già xịn, ốc Ông già thật… loạn cả mắt, chẳng biết đường nào mà lần.
Thế rồi để cạnh tranh thương hiệu, thế giới cộng sản đánh nhau loạn cào cào, thằng cộng sản Nga đánh Cộng sản Tàu máu chảy, Cộng sản Tàu đánh Cộng sản Việt Nam vỡ đầu, Cộng sản Việt Nam đánh Cộng sản Campuchia chạy thục mạng…
Trước tình hình đó, Đồng chí Lêônít Ilis Brêgiơnép – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là nước Cộng sản lớn nhất đã triệu tập các Tổng bí thư Cộng sản để chấn chỉnh lại trình độ của các đồng chí mà về lãnh đạo cho đúng đường lối của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế đã vạch ra.
Các đồng chí Tổng Bí thư các đảng cộng sản bay về tập trung tại Matxcơ và thoải mái đi chơi, ăn nhậu và vào lăng viếng đồng chí Lênin vĩ đại mấy ngày xong vào phần học tập lý luận. Sau mấy ngày học lý luận, đến phần kiểm tra kiến thức cuối kỳ.
Người chấm điểm là đồng chí Lêônít Ilis Brêgiơnép. Phần thưởng là Liên Xô sẽ viện trợ không hoàn lại một số thiết bị kỹ thuật chiến tranh, đưa về đánh nhau thoải mái.
Đồng chí TBT Cuba vào trước được bốc thăm và trả lời ba câu hỏi:
Câu 1: Cách mạng Thánh mười Nga vĩ đại thành công năm nào?
Trả lời: Năm 1917
Câu 2: Ai là người lãnh đạo tài tình, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại?
Trả lời: Lênin
Câu 3: Theo đồng chí hiểu thì có ma hay không?
Trả lời: Đảng bảo không, nhân dân bảo có, các nhà khoa học đang nghiên cứu.
Đồng chí TBT Cuba được đánh giá xuất sắc và phấn khởi bước ra khỏi phòng thi. Phen này cầm chắc mấy quả tên lửa để canh giữ hòa bình thế giới.
Ngoài cửa phòng thi, anh bạn Việt Nam đang luống cuống vì xưa nay chuyện thi cử là chuyện lạ với anh, có quay cóp gì được như bọn học sinh ở Việt Nam hay không nên chặn anh bạn Cuba lại hỏi:

 -Ngôi nhà tên Vươn là cái Boongke có công sự, công an đã san bằng. Nhân dân đã đồng tình và vào đạp đổ ngôi nhà đó chứ không có ai là cán bộ phá ngôi nhà đó. Tôi không biết ai đã phá ngôi nhà đó. Nhưng đấy không phải là ngôi nhà mà chỉ là cái chòi, việc phá hay không phá không thành vấn đề. Đã khởi tố vụ án phá nhà ông Vươn.

Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng.

- Tình hình thi có khó không đồng chí, hỏi mấy câu? Trả lời như thế nào? Đề nghị đồng chí giúp đỡ theo tinh thần quốc tế vô sản nhé.
Đồng chí Cuba thầm thì:
- Dễ thôi, có ba câu, câu 1trả lời là “1917″, câu 2 trả lời là “Lênin”, câu 3 trả lời là “Đảng bảo không, nhân dân bảo có, các nhà khoa học đang nghiên cứu”. Dễ thôi.
Được lời như cởi tấm lòng, anh bạn Việt Nam đứng lẩm nhẩm cho đến khi được gọi vào.
Bước vào trước đồng chí Lêônít Ilis Brêgiơnép vĩ đại, đồng chí Việt Nam khá luống cuống cố gắng trấn tĩnh để không hổ danh trí tuệ Việt Nam.
Bốc đề thi, một đống chữ tiếng nga lùng nhùng không hiểu nội dung, chỉ có đánh dấu ba câu hỏi 1, 2, 3. Thí sinh Việt Nam lẩm nhẩm cái đáp án đã học thuộc từ ngoài.
Bắt đầu trả bài:
- Đồng chí sinh năm nào?
Trả lời: 1917
Quá ngạc nhiên khi đối diện với một người lớn tuổi hơn cả mình. Đồng chí Lêônít Ilis Brêgiơnép hỏi tiếp:
- 1917? Vậy đồng chí là con ai?
Trả lời: Lênin
Đến đây, đồng chí Lêônít Ilis Brêgiơnép không thể nhịn được sự bực mình vì Lênin đâu phải họ Lê như ở Việt Nam.
- Mày có điên không đấy?
Trả lời: Đảng bảo không, nhân dân bảo có, các nhà khoa học đang nghiên cứu.

Kết quả cuộc thi thế nào, thì chắc mọi người đã đoán được.
Tưởng rằng câu chuyện đó chỉ có ở thời Cộng sản Xô Viết chứ thời nay không còn nữa. Đâu ngờ câu chuyện ở Tiên Lãng vừa qua vẫn diễn lại nguyên xi như bà hàng nước kết luận: “Đảng nói không, nhân dân bảo có, công an đang điều tra” về việc có nhà anh Vươn hay không và cán bộ có đập nhà anh Vươn hay không.
Có lẽ câu chuyện từ thời xô viết được lan truyền về Việt Nam và Hải Phòng đã học thuộc bài học đó nên áp dụng trong trường hợp Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua chăng?
Hà Nội, 9/2/2012

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh