Thiện Giao, phóng viên RFA
2008-11-18
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/Vietnam-halts-free-elect...
Quốc Hội Việt Nam vừa bỏ phiếu hoãn thực hiện thí điểm để dân tự đi bầu chủ tịch xã. Một số ý kiến cho rằng, vấn đề kỹ thuật còn khó khăn.
Nhiều ý kiến khác thì nói, một khi cơ chế độc đảng còn tồn tại, thì dân chủ và sự phân quyền sẽ không thể phát triển.
Phát huy dân chủ?
Một nhà báo Việt Nam nói với chúng tôi, rằng “hy vọng dân chủ nhỏ nhoi đầu tiên cho Việt Nam đã chết vào phút chót.”
Quốc Hội Việt Nam, vào phút cuối của phiên họp sáng thứ Bảy, ngày 15 tháng 11, năm 2008, đã quyết định hoãn thí điểm chương trình để người dân bầu trực tiếp chủ tịch xã.
Những lý do được đưa ra, theo lời ông Phó Chủ Tịch Quốc Hội, Uông Chu Lưu, tổng kết ý kiến đại biểu, là, việc “phát huy dân chủ trực tiếp dưới cơ sở nên cẩn trọng, có bước đi phù hợp…” Cũng theo lời ông, “…trong cùng một lúc, tồn tại nhiều mô hình khác nhau sẽ không thuận cho chỉ đạo, điều hành.”
Trong khi đó, sử gia, đại biểu Quốc Hội, Dương Trung Quốc, một mặt nhận định: “Thảo luận của các đại biểu cho thấy khả năng tổ chức, thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề chưa đầy đủ, nên tạm gác nội dung ấy lại,” mặt khác nói rằng, nhiều đại biểu quan tâm đến “nguyên tắc tối cao là sự lãnh đạo của Đảng.”
“Qua phát biểu của nhiều đại biểu, tôi thấy chủ yếu có câu hỏi, nếu bầu như thế, thì sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện như thế nào? Được bảo đảm như thế nào? Và tôi cho đây là nguyên nhân chính mà các nhà soạn thảo còn băn khoăn.”
Thí điểm chương trình bầu trực tiếp chủ tịch xã được giới thiệu cùng lúc với thí điểm bãi bỏ cơ chế Hội Đồng Nhân Dân quận, huyện, phường.
Và trong khi một số tỉnh cùng thành phố trực thuộc trung ương, trong tương lai, sẽ được chọn thử nghiệm bãi bỏ cơ chế Hội Đồng Nhân Dân cấp quận, huyện và phường, thì hy vọng của gần 400 xã được lần đầu tiên nhìn thấy những ông, bà chủ tịch do dân trực tiếp bỏ phiếu bầu, xem chừng vẫn còn xa vời.
Chết vào phút chót
Khái niệm tổng quát liên quan đến đề án thí điểm, có lẽ, tập trung vào một ý nghĩa duy nhất: dân chủ tập trung. Bỏ Hội Đồng Nhân Dân Quận Huyện, bầu trực tiếp Chủ Tịch Xã là duy trì “mối quan hệ trực tiếp với từng nhóm cử tri,” theo nhận định mà giáo sư Phạm Duy Nghĩa đã từng đưa ra:
“Bỏ Hội Đồng Nhân Dân Quận Huyện là để có dân chủ trực tiếp. Hội Đồng Nhân Dân nào tồn tại là khi họ có quan hệ trực tiếp với từng nhóm cử tri, ví dụ Hội Đồng Nhân Dân cấp Xã, Phường. Còn Quận Huyện thì không gắn trực tiếp với người dân.”
Quyết định của Quốc Hội, với gần 95% phiếu tán thành, có thể nói là một “hiện tượng.” Theo quán tính, Quốc Hội Việt Nam bỏ phiếu chuẩn thuận những chương trình được Đảng đề xuất.
Thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã đã được Đảng Cộng Sản thông qua, và được Bộ Nội Vụ chuẩn thuận kế hoạch, nhưng cuối cùng lại được phía Quốc Hội đặt dấu chấm hết theo chiều hướng ngược lại.
Báo điện tử VietNamNet viết, rằng Bộ Trưởng Nội Vụ vào hôm 7 tháng 11 khẳng định “đã nghiên cứu kỹ, đã lấy ý kiến địa phương, nhận được sự ủng hộ,” và rằng “tiêu chuẩn về chủ tịch xã trong đề án đã được nghiên cứu từ khảo sát thực trạng cán bộ hiện nay.”
Phải là Đảng viên?
Mấy tháng qua, những thông tin về các cải cách, đặc biệt là hình thức dân chủ trực tiếp với cơ chế bầu chủ tịch xã, đã tạo nên luồng dư luận tương đối tích cực về những cải tổ có thể có, không chỉ về mặt hành chánh mà còn về mặt chính trị, của Việt Nam.
Nhưng dấu hiệu của sự khó khăn bắt đầu lộ diện hồi trung tuần tháng Chín, khi văn phòng Chính Phủ truyền đạt ý kiến của Thủ Tướng, “yêu cầu tập trung làm rõ quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quy trình giới thiệu người ứng cử và phê chuẩn kết quả bầu cử.”
Sử gia Dương Trung Quốc nhận định, “không phải đảng viên thì rất khó hành xử chức trách.”
“Theo cơ chế Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ rằng, những người không phải đảng viên thì rất khó hành xử chức trách của mình, khi bên cạnh còn có tổ chức Đảng vẫn tồn tại.”
Bây giờ, đề án này không được thông qua, hay chí ít, là tạm hoãn, thì phải chăng, tín hiệu cải cách cũng tạm hoãn lại? Một nhà báo Việt Nam đưa ra nhận định, rằng hiện tượng Quốc Hội vào phút cuối bỏ phiếu ngược là dấu hiệu đáng lưu ý trong trường hợp này.
Anh nói: “Cơ chế một Đảng không thể giải quyết được các vấn đề phân quyền. Có thể một thiểu số muốn đi tới, nhưng đa số bảo thủ không đồng ý.”
Chưa thể có
Thí điểm dân chủ trực tiếp ở cấp xã có thể là mới đối với Việt Nam, nhưng không hề xa lạ đối với quốc gia láng giềng Trung Quốc. Bản tin của hãng thông tấn AFP viết rằng, Trung Quốc đã thực hiện chính sách này từ cách đây 20 năm.
Một điều hiển nhiên, là có một mối liên hệ tỷ lệ thuận và không thể tách rời giữa ý nghĩa “dân chủ trực tiếp” và các khái niệm “xã hội dân sự” cùng “quyền dân sự.”
Gần đây, tại cuộc Hội Thảo Việt Nam tại đại học Princeton, Hoa Kỳ, ông Mark Sidel, Giáo Sư Luật Học tại đại học Iowa, nói rằng vấn đề quyền dân sự được bàn thảo rất nhiều trong chương trình nghị sự của Đảng Cộng Sản, của Chính Phủ Việt Nam, và của cả các nhà tài trợ.
Ông nói, thời điểm hiện tại, có một hiện tượng rất rõ, đó là “những nhà tài trợ đang chuẩn bị rút ra khỏi Việt Nam.” Và rằng, “ý chí của chính quyền Việt Nam trong việc đối mặt và giải quyết các vấn đề nhạy cảm về quyền dân sự, về các cải cách, vân vân… là những bước cực kỳ quan trọng bảo đảm sự thành công trong các chương trình kinh tế, xã hội.”
Vẫn theo AFP, kế hoạch thí điểm được đề xuất khoảng một thập niên sau khi Việt Nam ban hành “Pháp Lệnh về việc Thực Hiện Dân Chủ Cơ Sở.” Pháp lệnh này vạch ra đường hướng để người dân tham gia, giám sát và bảo đảm tính minh bạch của chính quyền địa phương.
Và hiển nhiên, với quyết định của Quốc Hội vào ngày 15 tháng 11 vừa qua, “dân chủ cơ sở” sẽ phải tạm hoãn, đến một thời điểm chưa thể biết trước, trong tương lai.
Theo Bạn, đã đến lúc Việt Nam cần mở rộng Dân chủ hay chưa? Hãy đóng góp ý kiến của Bạn bằng cách bấm vào "Add new comment"
Bài bình luận
Toi nghi o vung que nhu toi