Song Chi.
Năm nào cũng vậy, trước khi diễn ra lễ trao giải thưởng điện ảnh Quả cầu vàng (Golden Globe Awards) của Mỹ, giải Oscar (Academy Awards) của Mỹ, hoặc xung quanh một số sự kiện điện ảnh lớn khác của thế giới như Liên hoan phim Cannes (Pháp), Liên hoan phim Berlin (Đức), Toronto (Canada)…các rạp chiếu phim ở các thành phố lớn, nhỏ của Na Uy đều có chiếu hầu như đầy đủ các bộ phim được đề cử hoặc được giải thưởng từ các sự kiện này. Cùng lắm, nếu không chiếu kịp trước khi diễn ra thì cũng là ngay sau đó, nhưng với Quả cầu Vàng hay Oscar thì thường là chiếu đầy đủ trước đó trong vòng hai tháng.
Năm nay cũng vậy, tôi cũng kịp xem các phim được đề cử cho những giải quan trọng nhất, từ giải dành cho phim hay nhất (Best Picture), diễn viên nam/nữ chính xuất sắc nhất (Best Actor/Actress in a Leading Role), diễn viên nam/nữ phụ xuất sắc nhất (Best Actor/Actress in a Supporting Role), đạo diễn xuất sắc nhất (Best Directing)…cho đến giải dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (Best Foreign Language Film) v.v…
Dù chỉ là một quốc gia nhỏ bé với dân số trên 5 triệu người nhưng chính phủ Na Uy vẫn rất chú ý để người dân có thể tiếp cận ngay tức thì với những tác phẩm điện ảnh xuất sắc hàng năm.
Các rạp chiếu phim không chỉ chiếu những bộ phim thương mại ăn khách, kiểu như phim bom tấn của Mỹ hay những bộ phim chả có giá trị gì từ tư tưởng, nội dung, kịch bản cho tới diễn xuất của các diễn viên chính phải nói thẳng ra là yếu nhưng lại thu hút đông đảo giới trẻ và có một lượng fan khá lớn như Twilight chẳng hạn. Bên cạnh đó, các rạp còn chiếu đầy đủ những bộ phim được đánh giá cao từ các Liên hoan phim lớn, những bộ phim từ các khuôn mặt đạo diễn đang được chú ý cho đến những bộ phim có thể gây tranh cãi, gây sốc, nhưng với các quốc gia rất tự do như Bắc Âu thì chả có bất cứ cái gì là cấm kỵ. Ví dụ như tác phẩm mới nhất của đạo diễn Đan Mạch Lars Von Trier, “Nymphomaniac” (VN dịch là “Cuồng dâm”), các phim gần đây của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk: “Pietà” (giải Sư tử Vàng liên hoan phim Venice 2012), “Moebius” (2013), hay “Blue Is the Warmest Colour” (tên tiếng Pháp: “La Vie d'Adèle-Chapitres 1 & 2"), phim về đề tài đồng tính nữ đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2013 v.v…
Nếu như ai đó có làm biếng đi ra rạp thì cũng có thể tìm xem những bộ phim được đề cử, được giải thưởng tại các Liên hoan phim lớn thế giới hàng năm tại Thư viện của thành phố nơi mình đang sống. Ví dụ, với tôi là Oslo. Tất nhiên là phải chờ sau khi phim đã chiếu rạp một thời gian, thu hồi được vốn và in ra DVD. Tại các thành phố lớn, nhỏ của Na Uy đều có những thư viện công cộng nơi người dân có thể tha hồ đến mượn sách, DVD phim, nhạc, kịch múa ballet, ca kịch opera…
Nếu không tìm thấy một cuốn sách hay DVD phim nào đó mà mình muốn mượn, người dân có thể yêu cầu thủ thư tìm và đặt mượn tại các thư viện khác trên toàn quốc hay thậm chí, thư viện sẽ đặt mua bên ngoài và cho mình mượn. Khi còn sống ở thành phố Kristiansand, thỉnh thoảng không tìm thấy một quyển sách hay một bộ phim nào đó, tôi vẫn làm như vậy, có khi thì thư viện Kristiansand phải đặt từ Oslo gửi về cho tôi, có khi họ phải mua.
Trong thư viện dành cho sách, phim tiếng nước ngoài ở Oslo, người xem có thể tìm thấy ở đây từ sách, phim Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga…cho tới Iran, Trung Quốc, Hongkong, và cả VN.
Chỉ nói riêng về phim, người xem có thể tìm thấy từ những bộ phim câm, phim đen trắng thời kỳ đầu của điện ảnh thế giới, các phim Tân Hiện thực của Ý (Italian Neorealism) với các đạo diễn Vittorio De Sica, Roberto Rossellini, Luchino Visconti, Federico Fellini…; phim của Liên Xô cũ như “The Battleship Potemkin” của Sergei Eisenstein cho tới “Ivan's Childhood”, “The Mirror”, “Stalker” của Andrei Tarkovsky, phim của Ingmar Bergman (Thụy Điển), François Truffaut, Jean-Luc Godard (Pháp), Luis Buñuel, Pedro Almodovar (Tây Ban Nha), Satyajit Ray (Ấn), Asghar Farhadi, Abbas Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf (Iran), Yasujirō Ozu, Akira Kurosawa (Nhật), Andrzej Wajda, Krzysztof Kieślowski, Roman Polanski (Ba Lan), Wong Kar-wai (Hongkong)… Và tất nhiên, điện ảnh Mỹ qua các thời kỳ, với những đạo diễn như Charlie Chaplin, Alfred Hitchcock, Stanley Kubrick, Orson Welles, Martin Scorsese, Steven Spielberg, Quentin Tarantino, Elia Kazan, Joel and Ethan Coen, Terrence Malick, Paul Thomas Anderson, David O Russell…
Với những người muốn nghiên cứu sâu thêm về điện ảnh thế giới hoặc đang theo học ngành điện ảnh thì thư viện của trường điện ảnh chắc chắn đầy đủ hơn. Nhưng với người yêu phim bình thường thì như vậy là khá đầy đủ. Quan trọng hơn là người xem không phải mất tiền để mua, cứ vào thư viện mà mượn thoải mái.
Đó là Na Uy, một quốc gia nhỏ, còn các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức cho tới Úc, Canada, Nhật…thì các thư viện của họ còn mênh mông, phong phú đến chừng nào. Chẳng hạn, chỉ cần bước chân vào Thư viện Quốc gia Pháp hay Thư viện François-Mitterrand, chợt nghĩ, có điều kiện học tập, nghiên cứu như thế này mà ai không thích học, đọc, xem thì quả là phí quá!
Trở lại chuyện xem phim, ở Pháp, ngoài thư viện, có những hình thức khuyến khích dành cho người yêu phim như mua thẻ tháng, tha hồ muốn xem bao nhiêu phim mỗi tháng, mỗi phim xem mấy lần cũng được. Ở Na Uy thì có kiểu khác, ví dụ như làm thẻ thành viên Kinopluss, cứ mỗi lần mua vé thì đưa thẻ ra cho người bán vé tính điểm, cộng được bao nhiêu điểm đó thì lại được một số vé miễn phí, chẳng hạn.
Nhìn lại VN, các rạp chiếu phim luôn luôn phải đặt yếu tố lỗ, lãi lên trên hết nên chỉ dám chiếu phim thương mại, phim ăn khách cho chắc ăn. Phim đoạt giải tại các Liên hoan phim lớn trên thế giới, ngay cả Oscar, hiếm khi nào thấy chiếu ngoài rạp, và nếu có, thường cũng chiếu khi sự kiện Oscar đã diễn ra rồi, đã có giải rồi. Các thư viện lớn ngay tại hai thành phố lớn nhất là Sài Gòn, Hà Nội cũng chẳng cho mượn DVD phim, nhạc.
Ở VN người xem phim bình thường phải ra ngoài các cửa hàng cho thuê phim, thuê hoặc đi mua đĩa DVD. Nhưng tại các cửa hàng cho thuê hoặc bán phim, hầu hết là phim Mỹ, phim Hàn Quốc, Trung Quốc, muốn tìm những bộ phim từ các nền điện ảnh châu Âu hay xa xôi hơn như Iran, Israel, các nước Nam Mỹ…là vô cùng khó. Còn muốn tìm hiểu về điện ảnh, muốn xem phim thập niên 30, 40, 50, 60…lại càng…vô vọng. Người yêu phim, quan tâm đến điện ảnh hay người trong nghề đành phải tìm những cách khác để thỏa mãn nhu cầu xem phim hay của mình, ví dụ như nhờ người quen bạn bè đi du lịch nước ngoài hoặc chính bản thân mình mỗi lần đi du lịch nước ngoài mua về, xem “chùa” trên internet, hoặc thậm chí download (cũng là việc bất hợp pháp) từ trên internet và cất làm tư liệu riêng!
Sinh viên ngành điện ảnh hay phóng viên chuyên viết về lĩnh vực phim ảnh thỉnh thoảng cũng được xem phim “hiếm” từ những buổi chiếu phim tư liệu dành cho người trong nghề, nhưng tất nhiên là ít, còn vẫn chưa có được một thư viện phim tương đối đầy đủ qua các thời kỳ, các xu hướng điện ảnh khác nhau từ trước đến nay, các nền điện ảnh khác nhau, các tác gỉa lớn trên thế giới v.v…
Chẳng hạn như tại Viện Điện ảnh và Truyền hình Ấn độ (Film and Television Institute of India) có cả một kho phim hầu như đầy đủ về lịch sử điện ảnh thế giới bằng phim nhựa hẳn hoi, chiếu cho sinh viên xem hàng ngày.
Không cần phải nói nhiều, hiện nay chúng ta đều thấy điện ảnh VN đã trở nên quá lạc hậu, và chưa hề có một chỗ đứng nào trên thế giới. Ước mơ về một đề cử tại Oscar hay một giải thưởng lớn tại Cannes vẫn còn là điều ngoài tầm tay. Mà nếu như cứ cho rằng chúng ta làm phim không phải vì các giải thưởng của quốc tế, hay không nên đánh giá một nền điện ảnh dựa trên sự công nhận của bên ngoài (!) thì cứ nhìn từ chất lượng phim qua các liên hoan phim quốc gia hàng năm, điều kiện sản xuất phim và mặt bằng chung của cả một nền công nghiệp điện ảnh trong nước, cho tới chất lượng đào tạo người làm phim tại các cơ sở, trường điện ảnh, tư duy của những người lãnh đạo ngành và vấn đề kiểm duyệt, thị trường phim và vấn đề thị hiếu của công chúng v.v…cũng đủ thấy điện ảnh VN còn đang loay hoay trong một hố trũng như thế nào.
Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu với dân số từ 5-7 triệu người, mỗi năm chỉ sản xuất khoảng trên dưới 20 bộ phim, không phải thuộc loại có bề dày thành tích trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh nếu xếp cạnh những quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga...nhưng cũng đều từng có phim được đề cử hoặc đoạt giải thưởng tại các Liên hoan phim lớn hay giải Oscar.
Như Thụy Điển từng 3 lần đoạt giải Oscar với các phim “The Virgin Spring” (1960), “Through a Glass Darkly” (1961) và “Fanny and Alexander” (1983), đều của đạo diễn Ingmar Bergman. Đan Mạch với các phim “Babette's Feast” (1987) của đạo diễn Gabriel Axel, “Pelle the Conqueror” (1988) của đạo diễn Bille August, “In a Better World” (2010) của đạo diễn Susanne Bier. Ngoài ra, điện ảnh Đan Mạch tiếp tục gây chú ý với đạo diễn Lars Von Trier từng đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim lớn của châu Âu, đạo diễn Thomas Vinterberg với bộ phim “The Hunt” đang được đề cử Oscar 2014…
Thậm chí kể cả Iceland, quốc gia chỉ có hơn 300,000 người hay Cambodia, nước láng giềng nhỏ bé mà VN vẫn quen nhìn xuống (!), cũng có phim lọt vào vòng đề cử Oscar. (Bộ phim “The Missing Picture” (đạo diễn Rithy Panh) của Cambodia sẽ tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm nay)
Để nói về những vấn đề khác nhau của nền điện ảnh VN thì phải đến vài bài viết, vả chăng, giới báo chí, phê bình, người trong nghề cũng đã nói nhiều rồi. Ở đây chỉ muốn nói đến chuyện xem phim ở VN.
Các nhà làm phim thường hay đổ thừa thị hiếu của người xem phim. Rằng thị hiếu của người xem phim nước ta còn thấp, làm phim nghệ thuật, phim khó xem ai mà xem.
Nhưng muốn thay đổi thị hiếu thì phải chiếu phim tốt, phim được đánh giá cao cho người ta xem, dần dần. Tất nhiên đây không phải là chuyện của những nhà làm phim tư nhân, phát hành phim tư nhân. Tư nhân thì họ phải tự nuôi sống họ, nên có mua phim gì về chiếu rạp, có làm phim gì, họ cũng phải nghĩ xem có lỗ hay không, đó là chuyện dễ hiểu. Đây là chuyện của nhà nước.
Muốn có một nền điện ảnh có thể “cất cánh” trong vòng hai, ba thập niên nữa, nhà nước phải có cả một chiến lược dài hơi và những chính sách cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó có việc nâng cao thị hiếu xem phim của số đông khán giả bình thường.
Trước mắt, nếu chưa thể xây thêm những rạp chiếu dành riêng cho phim nghệ thuật, phim tư liệu, thì nhà nước phải có chính sách bù lỗ cho các rạp để chiếu xen kẽ những bộ phim nghệ thuật, phim đoạt giải tại các liên hoan phim lớn trên thế giới, phim của các nền điện ảnh khác ngoài điện ảnh Mỹ hay Hàn Quốc, Trung Quốc, phim của các đạo diễn đang nổi, phim gây tranh cãi…Phải có nguồn phim hay cho mượn miễn phí tại các thư viện lớn khắp cả nước, còn đối với người trong ngành thì dứt khoát nhà nước phải hỗ trợ để có thư viện phim tư liệu đầy đủ tại các trường điện ảnh.
Phim chiếu trên truyền hình cũng vậy, không thể cứ dọn mãi những món ăn dễ tìm như phim Tàu, phim Hàn, rồi bảo tại sao giới trẻ Việt mê phim Hàn hay rành sử Tàu hơn sử Việt. Hãy chiếu thêm những nguồn phim từ các nước khác, cho dù như vây có tốn tiền mua phim hơn.
Khi người quen đã tập quen dần với những món ăn đa dạng, món ăn ngon, tất nhiên lúc đó người ta sẽ không sao chịu được phim dở, phim nhảm và người làm phim trong nước nếu muốn có khách cũng phải tự nâng cao chất lượng phim của mình lên.
Bài bình luận
Xem phim