Lê Diễn Đức
Đầu năm mới, nghe ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "nổ pháo" thông điệp là muốn bệnh luôn.
Một bài viết đầu năm gửi quốc dân đầy những sứ mệnh (ảo), ngôn từ cũ xưa như trái đất mà nhà văn Phạm Thị Hoài kết luận là cái thứ "văn phong muôn thuở của khẩu hiệu, nghị quyết và báo cáo, dùng tốt cho bất kì một thời điểm nào trong năm, dùng tốt cho bất kì năm nào, dùng tốt cho bất kì dịp nào".
Một số tờ báo, học giả, độc giả nổ vuốt đuôi rằng, "thông điệp" của Nguyễn Tấn Dũng mang tính "quyết liệt đổi mới", "một dấu hiệu tích cực đầu năm". Sắp chết đuối bỗng vớ được cái cọc, bị trói chặt tự do quá nên dễ trở thành hoang tưởng, mừng hụt vẫn là cái bệnh muôn đời. Câu nói của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quá ư hợp lý trong trường hợp này: "Đừng nghe cộng sản nói, hãy nhìn cộng sản làm". Kẻ chắp bút cho ông Dũng vung bút đầu năm khéo léo hơn tí tị, nhưng thực chất cho ra một nội dung rỗng tuyếch, mâu thuẫn với tất cả những gì trong thực tế.
Người ta mơ tưởng và tưởng bở nhất khi ông Dũng nói tới việc thay đổi thể chế. Cái thể chế mà ông Dũng đang là một thành viên gạo cội sẽ chẳng bao giờ thay đổi, trừ khi nó bị xoá bỏ. Đây là cấu trúc xuyên suốt, thống nhất và duy nhất của một đảng cầm quyền, trong đó quyền lực và bổng lộc tập trung vào nhóm lãnh đạo chính trị cao nhất được chia thành các phe phái, đồng thuận trên phương sách chung, cấu kết với nhau bằng lợi ích, với nguyên tắc anh tồn tại, tôi tồn tại, chúng ta cùng tồn tại, sụp đổ là mất hết.
Thể chế này đã được (họ) tái hiến định bằng một bản hiến pháp sửa đổi thông qua ngày 28/11/2013, một bộ luật khung được Đảng Cộng Sản tạo ra cho chính mình, có hiệu lực bắt đầu từ năm 2014. Điều 4 của Hiến pháp bảo đảm sự lãnh đạo độc quyền nhà nước và xã hội của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Dũng là ai mà có thể thay đổi? Sẽ chẳng có nhà nước pháp quyền nào trong hệ thống chính trị một mình một chiếu, vừa đá bóng vừa thổi còi. Và càng không có bất kỳ sự dân chủ nào trong một thể chế mà lãnh đạo nhà nước không do dân lựa chọn qua bầu cử tự do, không có cấu trúc tam quyền phân lập, không có tự do báo chí, cho dù tới khoảng 30 lần ông Dũng nhắc tới hai từ "dân chủ".
"Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Chính trị - xã hội ổn định", bức thông điệp viết.
Sự ổn định xã hội tròn méo thế nào đây, thưa ông Thủ tướng, khi mà cướp giật hoành hành ngày đêm, len lỏi vào cả nhà trường, bệnh viện ở ngay giữa Hà Nội, Sài Gòn. Đến mức ông Bùi Đặng Dũng Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách phát biểu tại phiên họp ngày 29/10/2013 bàn về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm:
"Tôi băn khoăn khi đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm và thực tế, chưa bao giờ lòng dân bất an như lúc này. Cử tri nói ra ngõ là gặp kẻ cướp. Thậm chí chúng còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, uy hiếp lột tài sản".
Ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, “nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch".
Khi ông nói những điều trên cũng đúng là lúc ông cầm bút ký quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương, áp dụng từ 15/2/2014.
Đã không có báo chí tự do, các danh mục tội phạm cao nhất được khoanh vùng "tuyệt mật" thì xin hỏi minh bạch cái nỗi gì và thượng tôn pháp luật ở đâu? Có nghĩa rằng công lý sẽ dừng lại đúng vị trí, đúng người, đúng chỗ mà đảng muốn. Một khi có nguy cơ đụng đến nền tảng của chế độ, đảng sẽ dùng mọi biện pháp ngăn ngừa để sự việc không vượt quá giới hạn.
Vụ án Vinalines là một điển hình của sự suy đồi, tha hoá từ thấp lên cao. Đường dây tham nhũng có tổ chức mà ông Nguyễn Phú Trọng thú nhận hơn lúc nào hết được minh chứng rất rõ. Các dự án bị rút ruột không đương nhiên được thực hiện bởi cấp dưới, mà có sự thoả thuận ngầm từ ngay nơi chỉ đạo cao nhất. Có được sự thoả thuận ấy nhờ những khoản tiền mặt khổng lồ, bằng đô la, tiền mặt, trao ngay tại nhà riêng.
Lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên toà ngày 7/01/2014 về việc đưa cho Thượng tướng, Thứ trưởng Bô Công An Phạm Qúy Ngọ 500 ngàn đôla và 1 triệu đôla khác trong đó có liên quan lới Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang và một số nhân vật khác. Mặc dù lời khai chưa phải là chứng cớ pháp lý, nhưng thực sự đã làm rung chuyển tháp ngà. Tất cả những người có liên quan ít nhiều đều là thân hữu của ông Nguyễn Tấn Dũng, thuộc lực lượng an ninh. Trong thực tế, ông Nguyễn Tấn Dũng là người trực tiếp chỉ đạo các dự án lớn của Tổng công ty Vinalines.
Ván bài này đang đến hồi hấp dẫn, giữa một bên là Ban Nội Chính Trung Ương do ông Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Phú Trọng điều hành, một bên là Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cuộc so găng đã từng xảy ra trong hội nghị Trung Ương 6 và 7 với thắng lợi đảo ngược của ông Nguyễn Tấn Dũng và sự ê chề của phía Tổng Bí thư Trọng. Đôi lúc cho ta cảm tưởng như ông Trọng mất hết tự tin của một người đứng đầu đảng cầm quyền mà không có thực quyền, bị thao túng. Tham vọng hết nhiệm kỳ thủ tướng vào năm 2016 sẽ leo lên chức Tổng Bí thư, kiêm Chủ tịch nước với quyền hành rộng hơn (mà hiến pháp mới quy định) của ông Nguyễn Tấn Dũng có lẽ làm khó chịu nhiều đối thủ chính trị.
Cái thông điệp đầu năm mà ông ta muốn chuyển tới bàn dân thiên hạ như là một người cải cách chỉ là trò mị dân rẻ tiền, giả dối và sẽ chẳng có giá trị gì nữa sau vụ Vinalines.
Rồi quân cờ sẽ được sắp xếp trở lại bình yên. Trong vụ án Năm Cam, Thứ trưởng Bộ Công An Bùi Quốc Huy, Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh, bị đi tù và được giảm án nhanh chóng để về "vui thú điền viên" trong vòng chưa tới hai năm. Trái đất vẫn quay, sông vẫn hiền hoà đổ nước ra biển cả, người dân vẫn sống trong tình trạng cam chịu. Chuyện triều đình, ai cũng biết, cũng tức, cũng than, nhưng tốt hết an phận.
Thì Phạm Quý Ngọ, nếu có mệnh hề gì, cũng thế thôi. Không đi sâu hơn được nữa! Mục đích là chỉ làm suy giảm uy tín nhau, kẻ nọ kéo người kia xuống, nhưng sẽ không làm đổ bể bàn ngọc. Đảng ta vẫn quang vinh và lãnh đạo. Sẽ chẳng có chức Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư vào đại hội đảng lần thứ 12! Bối cảnh phe phái hiện nay sẽ không cho ra đời một kịch bản như thế. Nguyễn Tấn Dũng càng không xứng với chức vị ấy! Tuy nhiên, hệ thống này phải tồn tại, nhưng anh đừng quá lạm quyền và lộng quyền, cái này thuộc về nguyên tắc!
© Lê Diễn Đức - RFA Blog
Bài bình luận
Người Hà Nội