Song Chi.
Trên thế giới đã từng có những vụ án kinh hoàng mà kẻ thủ ác còn trong lứa tuổi vị thành niên, thậm chí rất nhỏ tuổi, và nạn nhân chính là người thân, cha mẹ hay anh em ruột của những đứa trẻ mất tính người này.
Nhưng bây giờ một câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở VN, với kẻ thủ ác là một cô bé mới 12 tuổi, đã hành hạ đến chết đứa em họ 2 tuổi của mình. Đọc: “Ai đã tiếp tay cho bé 12 tuổi hành hạ em họ đến chết?” (GiadinhNet), “Bí ẩn cái chết tức tưởi của cô bé 2 tuổi bị chị họ hành hạ dã man” (Xa lộ pháp luật).
Theo những bài báo, đứa bé xấu số là con của một người mẹ bị bệnh tâm thần hiện đang phải “ăn nhờ ở đậu” trong nhà anh trai. Vì chuyện này mà hai vợ chồng người anh thường xuyên lục đục, người chị dâu tỏ ra không vui trước việc chồng cưu mang thêm hai miệng ăn trong nhà, rồi người chồng vì bênh em gái nên có những lúc mắng vợ, đánh vợ, còn vợ thì lại trút nỗi bực tức lên đứa cháu nhỏ tội nghiệp.
Ba đứa con của họ, trong đó có cô bé 12 tuổi thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã nhau vì người cô ở nhờ nên cũng đâm ra ghét hai mẹ con cô, hở có dịp là đánh em cho bõ ghét. Cô bé 12 tuổi đánh em họ thấy mẹ không mắng mà lại còn ngấm ngầm đồng ý nên càng làm tới, cho đến một ngày, những cái đánh, đạp…của cô bé đã dẫn tới cái chết đau lòng cho đứa bé xấu số.
Cũng theo bài báo, nếu không có những người hàng xóm tình cờ thấy cô bé này hành hạ em họ dã man thì có lẽ cái chết của em bé đã bị đổ cho bà mẹ tội nghiệp bị bệnh tâm thần gây ra.
Sau khi em bé chết, cả hai vợ chồng tìm cách che đậy tội ác của con gái. Người cha thì gọi điện thoại cho nhiều người quen bảo “bé Trâm sinh ra đã ốm đau luôn, giờ lại mắc bệnh nặng nên qua đời rồi” (“Ai đã tiếp tay cho bé 12 tuổi hành hạ em họ đến chết?”). Người mẹ thì “đi tra hỏi ráo riết từ làng trên xóm dưới về hành tung của người đã gọi điện báo cho cơ quan chức năng. Còn đối với một số nhân chứng xung quanh, chị sang từng nhà bảo sẽ trả tiền để mọi người không đứng ra làm chứng nữa?” (“Bí ẩn cái chết tức tưởi của cô bé 2 tuổi bị chị họ hành hạ dã man”).
Còn cô bé mới 12 tuổi kia, không những đã gây ra cái chết cho em họ mà còn biết cách nói láo, đổ thừa cho người cô bệnh tật của mình.“Tại cô con bị điên nên hằng ngày đánh em, nên em mới ốm chết”. (“Ai đã tiếp tay cho bé 12 tuổi hành hạ em họ đến chết?”)
Đọc xong những bài báo mà cứ thấy lạnh người. Tất nhiên cô bé này chỉ là một trường hợp cá biệt, và hành vi độc ác của em có nguyên nhân từ cách hành xử của người lớn trong gia đình đối với hai mẹ con người phụ nữ tâm thần bất hạnh, cũng như cách giáo dục của cha mẹ em khi đã không nghiêm khắc trước việc các con đánh mắng đứa em họ bé bỏng, ngược lại bà mẹ còn làm ngơ.
Nhưng dù sao đi nữa, nếu thực sự cái chết của em bé là do cô bé 12 tuổi này gây ra thì rõ ràng số tuổi của kẻ thủ ác ở VN lại xuống thấp thêm nữa!
Thời gian qua đã có những vụ án mà kẻ thủ ác phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ. Vụ án giết người cướp của tại một tiệm vàng ở Bắc Giang xảy ra vào tháng 8 năm 2011, với 3 nạn nhân bị thiệt mạng gồm 2 vợ chồng chủ tiệm vàng và một con gái nhỏ 18 tháng tuổi, còn con gái lớn 8 tuổi bị chém đứt tay, gây xôn xao dư luận một thời không chỉ vì tính chất dã man, tàn ác của kẻ xuống tay mà còn vì thủ phạm Lê Văn Luyện khi đó mới chưa đầy 18 tuổi.
Nhưng thật ra Lê Văn Luyện không phải là trường hợp duy nhất. Đây là một vài ví dụ: “Năm 2001, tại Hà Nội, từng xảy ra một vụ thảm án cả gia đình giống như vụ ở tiệm vàng Ngọc Bích. Hung thủ khi đó dưới 16 tuổi và chỉ bị phạt 12 năm tù”. (“Giết 3 người, 1 sát thủ vị thành niên thoát án tử”, VietnamNet), “Hung thủ vị thành niên sát hại nữ bác sĩ nhận 18 năm tù” (VOV), “Thanh Hóa: Điềm những sát thủ 9X thoát án tử” (Tiến Nông) v.v…
Báo chí đã nhiều lần gióng lên tiếng chuông báo động trước tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa: “Những sát thủ máu lạnh tuổi vị thành niên” (VOV), “Tội phạm ngày càng trẻ hóa và phạm tội nghiêm trọng” (VTC News), “Tội phạm đang trẻ hóa” (Tuổi Trẻ)…
Câu hỏi nhức nhối đã được rất nhiều nhà báo, nhà giáo, nhà xã hội học, tâm lý học…đặt ra: Nguyên nhân từ đâu, một xã hội như thế nào, một nền giáo dục như thế nào mà tội ác cứ ngày càng nhiều?
Thực tế rõ ràng, không ngày nào mọi gười mở báo ra, bật TV lên mà lại không đọc/nghe thấy những vụ cướp, giết, hiếp…các kiểu với mức độ dã man, tàn bạo ngày càng tăng. Đối tượng phạm tội cũng ngày càng đa dạng. Có thể là bất kỳ một con người nào trước đó còn là một công dân hoàn toàn bình thường, không có tiền sử tiền án, không bị bất cứ một chứng bệnh tâm thần nào, thậm chí có thể thuộc loại trí thức trong xã hội. Và điều thứ hai, như vừa mới đề cập, tuổi đời của kẻ phạm tội ác cũng ngày càng trẻ hơn.
Trở lại câu chuyện về cô bé 12 tuổi giết người. Cứ tạm cho là không cố tình, và không ý thức được hậu quả việc mình làm, nhưng một cô bé mới chừng đó tuổi mà đã tàn nhẫn với một em nhỏ, biết lươn lẹo đổ thừa cho người khác và không hề có chút ân hận trước việc mình đã làm thì khi lớn lên cô bé ấy sẽ trở thành một người như thế nào?
Từ xưa đến nay ông bà ta thường nói “nhân chi sơ tính bản thiện”, con người khi mới sinh ra ai cũng lương thiện, hoặc trẻ con như tờ giấy trắng. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy hơi hoài nghi điều này. Chẳng phải ngay từ bé, trẻ em đã mỗi đứa mỗi tính, mỗi nết khác nhau sao. Nếu như có những đứa trẻ không dám đập chết một con muỗi và ngồi khóc cả ngày vì con cá của em nuôi bị chết, thì cũng có những đứa bé có thể thò tay vào chậu cá bóp chết tươi con cá ấy hoặc thích thú bày đủ trò để hành hạ những con chó, mèo.
Đó là chưa kể có những đứa trẻ sinh ra đã mắc phải chứng Callous and unemotional (CU) traits (nhẫn tâm và vô cảm/không có cảm xúc) hoặc bị những rối loạn về thần kinh nhân cách, rối loạn về hành vi ứng xử mà ở các nước có nền tâm sinh lý học, y học phát triển như Mỹ và nhiều nước châu Âu đã chỉ ra, trong khi ở VN và những quốc gia còn nghèo khó, chưa phát triển vẫn chưa có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu. Những đứa trẻ như vậy có thể có những vấn đề khác nhau trong tâm sinh lý, ứng xử, có thể khó khăn trong giao tiếp với người khác, khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc, thậm chí không có cảm xúc, hoặc có thể rất hung hăng, ích kỷ, độc ác v.v….
Nhưng ngoại trừ những trường hợp như vậy thì sự hình thành nhân cách của trẻ chủ yếu vẫn là do giáo dục, do môi trường sống.
Khi còn nhỏ, môi trường chính yếu của trẻ em là gia đình. Gia đình phải là môi trường bình yên, êm ấm ở đó mọi thành viên đối xử với nhau tử tế, yêu thương, tôn trọng, quan tâm đến nhau. Cha mẹ phải là những tấm gương cho con cái về cách ứng xử, về đạo đức làm người trước cái đã, còn sau này khi lớn lên nếu chẳng may trẻ bị những ảnh hưởng xấu từ xã hội thì đó lại là chuyện khác. Nhưng thông thường nếu cha mẹ là những tấm gương tốt về đạo đức, cha mẹ thương yêu nhau và thương yêu, gần gũi con cái, thường xuyên chú ý giáo dục điều hay điều đúng cho con thì trẻ sẽ biết cách tránh được những cái xấu trong xã hội.
Với một xã hội như VN, cái xấu, cái ác, sự không tử tế nhan nhản khắp nơi, ngay trong những môi trường lẽ ra phải hết sức đạo đức, lương thiện, nhân bản như y tế, giáo dục mà còn tràn ngập những chuyện không tử tế, thậm chí hết sức phi nhân, thì trách nhiệm giáo dục con càng nặng nề đối với những ông bố bà mẹ.
Điều cuối cùng dành cho những nhà báo viết bài về vụ này và những vụ án khác mà thủ phạm hoặc nạn nhân là trẻ em. Đó là có bài viết đã đưa tên, địa chỉ và cả hình cô bé 12 tuổi hết sức rõ ràng. Dù cô bé có phạm tội đi nữa thì cũng chỉ mới 12 tuổi. Báo chí phải hết sức hạn chế đưa tên tuổi, địa chỉ, nhân thân, hình ảnh trẻ em vì cuộc đời các em còn dài. Ở các nước điều này được tuân thủ hết sức nghiêm ngặt, còn ở VN, không biết đây là lần thứ mấy những bài báo phạm phải điều này khi viết, đưa tin có liên quan đến trẻ em?
Bài bình luận
KỸ GIÃ TRỞ THÀNH IAN FLEMING