Lê Diễn Đức
Sau cuộc viếng thăm Trung Quốc với bản thông cáo chung, nhất quán hoá và hợp thức hoá quan điểm phò Tàu giữ đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trương Tấn Sang được mời qua Mỹ.
Một chuyến công du của nguyên thủ quốc gia được thoả thuận gấp gáp theo tập quán thông thường, cho thấy sự bức thiết đối thoại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Niềm tin chiến lược mà ông Nguyễn Tấn Dũng xác định ở Shangri-La đã bị sụp đổ khi mà vào sáng ngày 7/7/2013, Trung Quốc cho tàu mang số hiệu 306 truy đuổi hai tàu cá của ngư dân Lý Sơn mang số hiệu QNg 96787 TS và QNg 90153 TS khi hai tàu này neo đậu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân tố cáo Trung Quốc đã cho người lên tàu của họ lục soát, đánh đập, đập phá, thậm chí chặt cột cờ, và cướp tài sản.
Tuyên bố chung mà ông Trương Tấn Sang nhất trí tới 29 lần với Tập Cận Bình đã không hề đề cập gì tới Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Sự mặc nhiên chấp nhận tình trạng đã rồi (mất Hoàng Sa từ năm 1974 và một phần Trường Sa từ 1988), thậm chí trong những vùng đang có tranh chấp, sẵn sàng "hợp tác" "khai thác chung" và nỗ lực tìm cách giải quyết song phương thay vì đa phương - đã bị lật lọng.
"Niềm tin chiến lược" vào đối tác đã bị đặt nhầm chỗ. Thái độ khiêu khích, gây hấn không ngừng bởi Quân giải phóng Nhân dân và lực lượng bán quân sự - lực lượng chủ yếu, không ngừng gia tăng, quyết tâm khẳng định phi lý chủ quyền (ăn cướp).
Phải tới 10 ngày sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị mới công bố với báo chí:
"Hành động trên đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân, các quy định của luật pháp quốc tế và tinh thần của Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc "nghiêm túc điều tra, xử lý nghiêm khắc việc làm sai trái nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự" - trong sự im lặng ngạo mạn của đối phương. Và chắc chắn, sự việc sẽ được lật lại theo kiểu vừa ăn cướp, vừa la làng, hoặc là bị chìm xuống biển sâu luôn.
Phò Tàu để giữ đảng, vì luẩn quẩn trong ý thức hệ và quá lệ thuộc về kinh tế, nhà cầm quyền Hà Nội cực kỳ lúng túng trước mỗi lần gây hấn của Tàu. Nín thinh thì không được, vì còn dư luận, còn nhân dân. Báo chí lề phải tuy bị kiểm duyệt chặt chẽ nhưng cũng không khỏi cảm thấy bức bối. Bất lực hoàn toàn sẽ lộ diện sự ô nhục bán rẻ chủ quyền đất nước của nhà cầm quyền. Trong những trường hợp thế này, để "đảng và nhà nước lo" quả thật không thể nào chấp nhận!
Bị lấn lướt, đuợc đàng chân, lân đàng đầu, nhà cầm quyền Hà Nội cảm thấy bức bí với Trung Nam Hải, đành phải tìm thế cân bằng từ phía Mỹ. Đó chính là lý do mà Trương Tấn Sang phải qua Mỹ.
Ngoài ra, kinh tế bị vòng kim cô của Trung Quốc thắt chặt, nhưng không thể thiếu một thị trường xuất khẩu quá lớn và tích cực như Hoa Kỳ (26 tỷ USD với thặng dư 12 tỷ USD), nhất là trong lúc kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy giảm và có nguy cơ khủng hoảng.
Việc đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP cũng là chủ đề mà Việt Nam theo đuổi, rất cần đến sự chuẩn thuận của Hạ viện Mỹ.
Nhưng trong cuộc chơi này, làm sao để có thể bắt tay với Hoa Kỳ mà không làm mất lòng anh bạn láng giềng? Và thực chất, Việt Nam đưa tay ra nhưng Mỹ có sẵn sàng đón nhận không?
Nước Mỹ, tất nhiên, khó có thể làm bạn với một chế độ độc tài, chuyên quyền, và không thể tin cậy khi hai nước không có chung các giá trị dân chủ và nhân quyền. Bản thân chế độ CSVN được biết đến như là một tay chơi lèo lái, dối trá và vẫn không ngừng chỉ trích Mỹ.
Như vậy sự hợp tác với Hoa Kỳ có thể chỉ nằm ở sự trao đổi thăm viếng ngoại giao, kể cả về quân sự, đảm bảo sự có mặt của Mỹ trên biển Đông. Các vấn đề mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ quốc phòng sẽ không xảy ra. Bản thân Mỹ cũng không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, không đứng hẳn về bên nào, và kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế, không đe doạ vũ lực. Tuy nhiên, trong thực tế, hợp tác chặt chẽ và những cam kết của Mỹ với Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy Mỹ biết chọn ai để chơi ván bài này.
Tiến sĩ Walter Lohman, giám đốc Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Heritage, một think tank có ảnh hưởng lớn tại Hoa Kỳ nói:
"Việt Nam rất muốn mua vũ khí của Hoa Kỳ nhưng hiện tại luật pháp Hoa Kỳ lại không cho phép họ mua các loại vũ khí sát thương. Nhưng trở ngại hiện nay chính là vấn đề nhân quyền mà Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang rất quan tâm. Tuy nhiên, theo tôi đánh giá thì vấn đề lớn nhất lại nằm ở vấn đề hợp tác chiến lược của Việt Nam với Hoa Kỳ vẫn không rõ ràng, chúng tôi thực sự không biết là Đảng Cộng sản Việt Nam có toàn tâm toàn ý liên kết với Hoa Kỳ trước sự đe doạ của Trung Quốc hay không. Tôi nghĩ chính vì lý do đó mà vấn đề mua bán vũ khí vẫn bị đình lại".
Vấn đề nhân quyền chắc chắn được đưa ra bàn hội nghị nhưng sẽ không là vấn đề trọng tâm. Trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam, vấn đề vi phạm nhân quyền của Hà Nội thường chỉ gói gọn trong sự "quan ngại" của Mỹ. Để giữ Việt Nam trong chiến lược an ninh tại châu Á và Thái Bình Dương, Mỹ vẫn có thể ủng hộ chế độ cộng sản và chỉ kêu gọi cải tổ nhân quyền. Mỹ mong muốn tự thân các nhà lãnh đạo Việt Nam có những chuyễn hoá (tiệm tiến). Trong lịch sử, vì những lợi ích riêng của mình, Mỹ đã từng ủng hộ (có chừng mực) các chế độ độc tài như của Hosni Mubarak Ai Cập và thậm chí cả Muammar Gaddafi của Libya. Chỉ khi có cuộc cách mạng lật đổ thì Mỹ mới thay đổi thái độ. Mỹ cũng không muốn kéo Việt Nam cộng sản quá gần mình.
Cho nên không thể hy vọng nhân quyền đến từ Washington. Nó sẽ không đến từ các nhà lãnh đạo Việt Nam và càng không đến từ áp lực của Mỹ. Giữ vững chế độ độc quyền lãnh đạo và dùng bạo lực để trấn áp nhân quyền là chính sách trước sau như một của chế độ tàn bạo và phi nhân Hà Nội. Một sự nhân nhượng nào đấy, ví dụ giảm án tù cho vài tù nhân chính trị, thì cũng chỉ là sự lừa gạt tính mang tính chiến thuật, "qua sông đấm buồi vào sóng", như chúng ta đã thấy trước khi Việt Nam vào WTO hay APEC.
Nhân quyền chỉ có thể sẽ đến từ sự tranh đấu không mệt mỏi và bất chấp hy sinh.
Như Đoàn Văn Vươn sẵn sàng làm bia hứng đạn hoa cải để chứng minh mình không có hành động giết người, mà anh nổ súng chỉ là sự tự vệ tối thiểu và là sự cảnh báo.
Như Đỗ Thị Minh Hạnh, dù bị đối xử khắc nghiệt trong tù vẫn quyết không nhận tội.
Như Nguyễn Phương Uyên, bị đánh đập trong tù vẫn giữ khi phách bất khuất của mình.
Như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, không chấp nhận mình có tội, bị biệt giam, đã tuyệt thực một tháng nay để phản đối, dù có thể chết.
Đoàn Văn Vươn, Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Văn Hải và nhiều người khác nữa nhân lên, nhân lên, tạo thành một cao trào rộng khắp, trong sự nghẹt thở của sự đàn áp, mới mong có hy vọng nhân quyền được cải thiện.
Và bấy giờ sẽ có lý do để thay đổi thái độ từ Washington.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Bài bình luận
Anh Đức nói quá đúng. Và nhà
Câu nói nằm lòng của Tàu
Chinh tri la leo la anh Duc