Tôi có hai người bạn khá thân, một anh Sài Gòn, một anh Quảng Ngãi, họ đều học giỏi, con nhà khá giả, đa tài và giàu ý chí. Sau hơn mười năm tốt nghiệp đại học, gặp lại nhóm bạn cũ, rủ riêng hai người bạn thân này đi chè chén, chuyện trò.
Được biết, anh bạn người Sài Gòn khá thành đạt, anh đang là chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra, vợ con đầm ấm. Còn anh bạn người Quảng Ngãi thì hỡi ôi, làm đâu thất bại đó, chuyện vợ con cũng lao đao, qua ba đời vợ vẫn giường không gối chiếc.
Anh bạn người Sài Gòn lấy làm lạ, hỏi anh Quảng Ngãi có vấn đề gì về sức khỏe sinh lý không, anh này lắc đầu, nói rằng vấn đề đó không có gì trục trặc, cái trục trặc làm anh mấy lần ly hôn lại nằm ở bà mẹ của anh.
Nói chuyện một lúc, anh bạn Quảng Ngãi bức xúc nói rằng giá như anh không phải là con trai duy nhất trong gia đình, cái “khối già” (ám chỉ mẹ anh) đừng quậy phá anh thì anh không đến nỗi tan nát như thế…
Anh bạn Sài Gòn giận dữ, nói rằng anh Quảng Ngãi bất hiếu, làm con thì phải biết kính trọng và yêu thương cha mẹ, sao lại gọi mẹ mình là “khối già”.
Anh bạn Quảng Ngãi ôn tồn hỏi anh bạn Sài Gòn về mẹ anh ta. Anh bạn Sài Gòn hào hứng nói rằng “mẹ mình rất vĩ đại, mẹ mình luôn thấu hiểu và chia sẻ với bản thân và vợ con mình”.
Anh bạn Quảng Ngãi hỏi tiếp, vậy nhà cửa của anh bạn Sài Gòn như thế nào rồi. Anh bạn Sài Gòn nói rằng nhà cửa ổn định, mọi việc tốt đẹp, mẹ anh đang sống với anh và vợ con anh. Bà đã cho anh căn nhà ở quận 1 để bán làm ăn cách đây 10 năm.
Anh bạn Quảng Ngãi chép miệng, khen số anh bạn Sài Gòn quá may mắn, giá như anh được một phần mười anh bạn Sài Gòn thì tốt biết mấy.
Nghe nói vậy, anh bạn Sài Gòn chùng xuống, hỏi anh bạn Quảng Ngãi vì cớ sự gì mà khổ sở đến vậy. Anh bạn Quảng Ngãi buồn rầu nói rằng mẹ anh, một bà mẹ cũng rất vĩ đại, rất thương con, hơn nữa anh là con một nên bà san sẻ, cho anh mọi thứ của cải cũng như tình thương, nghiệt nỗi, bà chỉ thương mỗi mình anh và lúc nào cũng xem anh là đứa con bé bỏng, phải vâng theo lời chỉ dạy của bà và mọi việc trong nhà phải theo sự điều hành của bà.
Đặc biệt, bà không chịu bất cứ cô vợ nào chia sẻ mất tình cảm của hai mẹ con bà, đến mức tiền lương và nhà cửa đều do bà giữ, bìa đỏ nhà bà cũng đứng tên và hứa khi nào qua đời sẽ viết di chúc cho riêng anh. Anh hoàn toàn không làm gì được để thay đổi bà. Và, cũng không có cô vợ nào chịu đựng được bà. Nhiều lần anh mua nhà riêng nhưng bà không chấp nhận, bà nói rằng nếu anh làm thế bà sẽ nhịn ăn cho đến chết…
Nói chung là bằng nhiều cách, bà giữ anh bên cạnh bà. Kết cục, ba cô vợ vào nhà anh đều đi ra một cách đau khổ và mừng rỡ. Đau khổ vì hôn nhân đứt đoạn, mừng rỡ vì vừa thoát khỏi chốn “lao tù”. Kể đến đây, anh bạn Quảng Ngãi khóc tức tưởi, anh nói rằng anh vô cùng khó xử…
Anh bạn Sài Gòn đập bàn quát lên: “Ông phải làm cách mạng!”. Anh bạn Quảng Ngãi lắc đầu: “Cách mạng là cách mạng làm sao? Mẹ mình mà ông, hơn nữa bà cụ đâu có lỗi gì, chỉ phải cái tội thương con quá đà và bảo thủ quá thôi…”.
Ông bạn Sài Gòn tăng ga, nói tiếp: “Ông phải làm cách mạng, thương yêu quá đà là sao? Bảo thủ là sao? Một thứ cần phải có độ cân bằng của nó, thương yêu quá đà sẽ dẫn đến sở hữu một cách bệnh hoạn, lúc đó bà không phải thương yêu ông như mẹ con mà là thương một vật sở hữu, riêng tư, không ai được chạm vào và tính bảo thủ sẽ đày đọa dài dài, ông luôn chịu sự quản lý và điều hành của bà mẹ già. Ông nghĩ sao mà để một người già bảy mươi mấy tuổi, học hành thuộc diện xóa mù chữ giám sát, quản lý và điều khiển ông? Ông phải làm cách mạng để cứu cái gia đình ông và tương lai của ông! Không có cách nào khác, nếu ông chấp nhận bà mẹ điều khiến thì ông vứt mọi thứ đi, tẩy não đi và đừng gặp bọn tôi nữa!”.
Anh bạn Quảng Ngãi im lặng.
Không biết lời khuyên của anh bạn Sài Gòn có hợp lẽ chưa, và sự im lặng của anh bạn Quảng Ngãi có cho ra một đáp án nào đó tốt đẹp hơn, cuộc đời anh có đỡ vất vả hơn hay không?... Nhưng, dẫu sao câu nói của anh bạn Sài Gòn cũng làm tôi suy nghĩ thật nhiều, làm tôi liên tưởng đến đất nước Việt Nam và những “khối già” đầy bảo thủ, lạc hậu và dốt nát…
Một đất nước mà đa phần học sinh, sinh viên đã bước đi trên thế giới công nghệ, mọi hoạt động đều có liên quan đến công nghệ, thế giới trên mặt địa cầu này đã gom trong lòng bàn tay, mọi việc có thể thâu nhỏ trong một cú nhập chuột, tri thức con người cũng không còn bị ngăn sông cấm chợ được nữa, mặc dù đang sống và chịu quản lý, kiềm kẹp bởi nhà nước Cộng sản độc tài, nhưng giới trẻ Việt Nam vẫn không ngừng truy cập, chia sẻ thông tin, kiến thức của các nền dân chủ, các thành tựu của quốc gia tiến bộ.
Nhưng, đổi lại, cả dân tộc đang phát triển, đang trên đà tiến bộ lại gánh chịu một bộ máy cồng kềnh, nặng nề, lạc hậu và bảo thủ, độc tài, bộ máy Cộng sản xã hội chủ nghĩa!
Và, suy cho cùng, cơ chế quản lý vừa độc tài, vừa có tính cha truyền con nối, một chế độ dựa trên quyền lực phe nhóm và sự đàn áp, đè nén nhân dân làm kim chỉ nam, thật sự, nếu xét theo chiều rộng, nhà nước có thể đóng vai trò người bảo bọc của nhân dân, và trên một ý nghĩa nào đó, nhà nước là cha mẹ của quốc dân, che chở và hướng quốc dân đi đến tương lai tốt đẹp.
Nếu như trong gia đình, cha mẹ là người bảo bọc con cái thì theo diện rộng, nhà nước đối với quốc dân cũng có nhiều nét tương đồng cha mẹ đối với con cái trong gia đình. Nếu như cha mẹ tiến bộ, biết rút lui đúng lúc, nhường chỗ cho con cái phát triển, thì gia đình đó sẽ hạnh phúc, tiến bộ và thành đạt.
Ngược lại, cha mẹ bảo thủ, khư khư ôm quyền thống lĩnh gia đình, không tự nhận thấy mình già cỗi và chi phối quá sâu vào đời sống con cái, thậm chí vẽ ra sách lược bắt con cái phải làm theo, trong khi tầm mức tri thức của mình đã quá già cỗi, quá lạc hậu, thì lúc đó, vô hình trung, cha mẹ trở thành “khối già” nặng nề cho con cái.
Trong trường hợp này, nếu con cái không biết làm cách mạng để cứu rỗi bản thân, cứu thoát gia đình, thì xem như gia đình đó đang lâm vào ngõ cụt! Đất nước, quốc gia cũng vậy, chẳng khác mấy!
Giả sử anh bạn Quảng Ngãi của tôi vẫn tiếp tục nếp cũ, vẫn nghe lời mẹ một cách thụ động và mù quáng, không những tương lai của anh ta lụn bại mà cả tương lai gia đình, tộc họ của anh ta cũng liên lụy, lụn bại theo.
Thử hỏi, trong một đất nước mà đại bộ phận nhân dân trẻ trung, cầu tiến đều chịu sự chi phối, điều hành và áp đặt của một bộ máy nhà nước lạc hậu, dốt nát, vô văn hóa, thì đất nước này sẽ đi đến đâu nếu như không chịu đứng lên làm cách mạng?
Và, có một thực tế rất buồn cười là kẻ cầm quyền càng bảo thủ, càng độc tài bao nhiên thì mức độ áp đặt và tính dã man của nó cũng cao tỉ lện thuận bấy nhiêu. Vấn đề là con người cần kịp thời nhận thức, vì chắc chắn, nếu không có cách mạng, hậu quả sẽ khó lường! Nhất là nạn độc tài Cộng sản trong giai đoạn ‘hậu Cộng sản’!
Bài bình luận
Sự thật...