Họ là những sinh viên từ khắp mọi miền đất nước về thành phố mong bỏ sức ra kiếm mảnh bằng để câu cơm.
Họ là những người nông dân từ miền Bắc, miền Trung lẫn miền Nam bỏ ruộng vườn về thành phố làm thuê trong những công ty xí nghiệp nhà nước hay tư nhân với đồng lương cùng chết đói như nhau.
Họ là những người khắp bốn phương quần tụ về đây kiếm cơm, bằng những công việc không ai chấp nhận: bán báo, bán vé số, ve chai, đánh giày, đấm bóp giác hơi...họ làm tất cả miễn có miếng cơm nuôi bản thân và dôi ra một ít gửi về nhà, nơi có ông chồng quần quật tại miếng ruộng cằn khô cùng với mấy đứa con vừa học vừa mò cua bắt ốc.
Họ là những con người không ra người. Lấm lem bùn đất nhà quê, tới chốn thị thành tiếp tục lem luốc một lần nữa vì tiếng còi xe, tiếng rượt đuổi của dân phòng, cảnh sát...những đôi chân vốn chôn giữa ruộng nay phải học chạy, học rảo bước tránh né trật tự và học nhiều thứ khác để tiếp tục sống còn.
Họ, trong những ngày cuối năm là dịp để nỗi buồn bùng lên trong đêm dài lặng lẽ. Một mình với vỉa hè hay góc tối công viên, nhẩm tính số tiền leo lét trong lưng chuẩn bị cho ngày về quê mù mịt trước mặt. Mù mịt bởi không biết làm sao mua vé trong cái hỗn độn chợ đời.
Những con tàu hỏa ngày thường vốn đã lạnh lùng, gần ngày cuối năm lại lạnh lùng hơn. Người ta chen nhau nằm lăn lốc như súc vật. Họ không còn hãnh diện tuyên bố mình là con người mặt dù vẫn biết nghe và nói. Những cảnh chen lấn, xô đẩy, chửi rủa, móc túi kéo họ vào cái dòng chảy đầy mồ hôi và nước mắt. Có người mất cả cái túi tiền trong suốt cả năm ròng chắt chiu. Có người thấy chúng lấy tiền, lấy hàng hóa của mình mà không làm sao ngăn chặn.
Trong cái đám nhận phần chia chát ấy có cả đám sai nha, công bộc nhà nước. Đám người được phát đồng phục vừa để nhận biết lẫn nhau và tiếp tay nhau che chắn đám đầu gấu...
Ờ một nơi khác, học sinh lớp hai bị nhà trường giao cho công an vì nghi em ăn cắp tiền.
Vậy thì còn gì để nói đối với nền giáo dục đốn mạt này nữa không? Ông hiệu trưởng trường này đáng bị đưa ra tòa để nhận bản án kỳ thị thiếu nhi. Một đứa bé đang học lớp hai mà cả ban giám hiệu nhà trường không biết cách giải quyết thì còn gì để mà học ở cái đám vô giáo dục này?
Mỗi lần tới công an là trọn cuộc đời em sẽ bị ám ảnh vì dùi cui, phòng tối, còng số 8 và nhất là những khuôn mặt rất "hình sự". Ai sẽ rửa vết hằn này trong tâm hồn trẻ thơ và trong tương lai nếu em trở thành sát thủ thì cũng đâu lấy gì làm lạ?
Rồi "anh hùng săn bắt cướp bị tạm giam"!
Một chính sách ngu xuẩn đã hiện rõ nguyên hình. Lực lượng công an, dân phòng, cảnh sát hình sự các loại đã tỏ ra vô dụng với bọn cướp ngày một táo tợn hơn đến nỗi không thể làm gì được chúng phải dùng đến hạ sách lấy người dân làm chốt thí và công săn bắt cướp của họ được trả bàng hai chữ "anh hùng" thế thôi.
Nhưng các anh hùng này cũng sa vào lưới pháp luật như ai nếu trong lúc bắt cướp mà gây tai nạn. Thử hỏi cùng một hoàn cảnh gây tai nạn như thế mà công an là người rượt đuổi bọn cướp thì có bị tạm giam hay không? Không. Vì họ thi hành công vụ. Vậy tại sao cái người được phong là "anh hùng bắt cướp" này lại bị tạm giam?
Cuối năm, những chuyện như thế cứ tiếp nhau xảy ra cho người nghèo, người cô thế...
Bộ giao thông tự xem chuyện nằm ngỗn nghễnh mua vé tàu về quê không thuộc thẩm quyền của họ.
Bộ Giáo dục không coi chuyện bắt em học sinh lớp hai tới đồn công an là sai với nguyên tác giáo dục.
Bộ công an không xem việc tuyên truyền. xúi đẩy người dân tham gia vào săn bắt cướp là trái pháp luật.
Còn bao nhiêu bộ khác làm ngơ với quyền lợi và sự sống của người dân?
Vậy thì tôi, bạn và hàng xóm của tôi phải dựa vào ai đây để tin rằng mình đang được bảo vệ? Chẳng có ai cả bạn ơi...
Bài bình luận
82 năm
dân chủ