Lê Diễn Đức
Vũ điệu của những con "khỉ đit đỏ" - Ảnh: OnTheNet
"Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đã thành công tốt đẹp"!
Chẳng hề cường điệu, có thể nói bất kỳ hội nghị nào, từ tiểu nghị (họp tổ dân phố, hội phu huynh học sinh), đến trung nghị (họp cấp tỉnh, thành), hoặc đại, cực đại nghị (Hội nghị Trung ương hay Bộ Chính Trị của Đảng Cộng sản Việt Nam) đều được kết thúc bằng điệp khúc trên, thậm chí "tốt đẹp" thường được thay bằng "rực rỡ". Hội nghị Trung ương 6 (HN TW6) cũng không nằm ngoài quy luật tự sướng muôn thưở.
Nhưng có chút khác biệt. Lần này ĐCSVN đã "thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân".
Biết lỗi và xin lỗi là thái độ hiếm có trong văn hoá hành xử của ĐCSVN kể từ khi ra đời. Nhưng làm sao có thể không xin lỗi, khi trong con mắt của dân chúng trong nước cũng như thế giới bên ngoài, hình ảnh đất nước Việt Nam bị méo mó thảm hại nhất kể từ năm 1986.
Trong diễn văn bế mạc, sau "bản nhạc" ve vuốt một số cái gọi là "thành tích", dù cố gắng diễn đạt cốt làm giảm nhẹ đi sức nặng, Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, đã phải liệt kê tình trạng thực tế đang làm mất đi nghiêm trọng lòng tin dân chúng vào bộ máy điều hành đất nước:
"Áp lực lạm phát và bất ổn vĩ mô vẫn còn lớn. Thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp; nợ xấu ngân hàng ở mức cao; tăng trưởng tín dụng thấp; hoạt động của một số ngân hàng thương mại cổ phần thiếu minh bạch, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lãi suất ngân hàng vẫn còn quá cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán vẫn chưa được cải thiện; thị trường vàng còn nhiều biến động. Các đề án tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Tăng trưởng GDP và tổng vốn đầu tư xã hội không đạt được kế hoạch đề ra; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động vẫn ở mức cao; việc làm và thu nhập của người lao động khó khăn. Trật tự, an toàn xã hội và các tệ nạn xã hội, tội phạm, tham nhũng, tiêu cực còn nhiều phức tạp"…
Không cá biệt
Hội nghị Trung ương 6 (NG TW6) kéo dài hai tuần, thu hút sự quan tâm rộng lớn của dư luận xã hội, nóng bỏng hơn nhiều những sự kiện trước đó.
Hội nghị được tiến hành kín cổng cao tường đến mức "Quan Làm Báo", một trang web nổi bật chuyên nắm bắt các tin đồn từ hậu trường cũng chỉ đưa ra những phán đoán mơ hồ.
Trước hết, cần chú ý rằng, cuộc đấu đá nội bộ trong HN TW 6 không phải cá biệt. Trên thượng tầng cấu trúc của ĐCSVN đã nhiều lần diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực tuơng tự.
Trong những năm 1975-1986, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã nắm thế thượng phong, khuynh loát toàn Bộ Chính Trị (BCT). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguời bị Duẩn-Thọ triệt hạ uy thế, là điển hình của cuộc giành ảnh hưởng trong giai đoạn này.
Sau hội nghị Thành Đô năm 1990, sau cái bắt tay trở lại của ĐCSVN với "kẻ thù truyền kiếp" Trung Quốc, năm 1991 Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị loại khỏi BCT vì có quan điểm thân Nga và phương Tây.
Trước đó, tháng 3/1990, Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đã bị kỷ luật ra khỏi BCT và bị loại hẳn khỏi sân khấu chính trị, vì có tư tưởng đổi mới theo xu hướng đa nguyên, đa đảng của Gorbachev (Liên Xô).
Cuối năm 2001, mặc dù đã nghỉ hưu, Lê Đức Anh và Đỗ Mười đã vận động thành công kéo Lê Khả Phiêu tuột khỏi ghế Tổng Bí thư (TBT) và Nông Đức Mạnh lên thay thế như một giải pháp dung hoà.
Trong đại hội X, tháng 4 năm 2006, Phan Văn Khải nghỉ hưu, Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu chính phủ cũng đã làm tốn nhiều giấy bút của các nhà bình luận về một khuôn mặt được cho là "cấp tiến", có thể mang lại nhiều cải cách cho Việt Nam. Nhưng trước đại hội đảng 11 vào đầu tháng 1/2012, từ khủng hoảng Vinashin và những vụ bê bối khác, cuộc chiến nội bộ tái diễn. Sau những đợt phản công, đặc biệt trên mặt trận truyền thông, Nguyễn Tấn Dũng đã trụ lại được trên chiếc ghế Thủ tướng.
Sở dĩ bầu không khí bao trùm HN TW6 năm nay nóng bóng và cuốn hút sự chú ý của xã hội hơn bao giờ hết, vì nó diễn ra trong lúc hàng loạt thông tin được tung ra trên báo chí ngoài lề đảng về các vụ bê bối kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng liên quan đến chính sách của chính phủ và những nghi ngờ về mối quan hệ thân hữu giữa giới đầu sỏ ngân hàng với Thủ tướng, gia đình ông và phe nhóm lợi ích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước và đời sống thường nhật của mọi tầng lớp xã hội.
HN TW 6 còn hấp dẫn, mang kịch tính hơn vì cuộc đấu đá này được cho là trận thỉ hí sống còn giữ một bên là TBT Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một bên khác là Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng.
Báo nước ngoài cũng nhận định tuơng tự. Tờ Bangkok Post ngày 15/10 viết:
"Dẫn đầu cuộc tấn công vào ông Dũng không ai khác là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đã rọi ánh sáng vào những vụ bê bối xung quanh thủ tướng và chính phủ của ông. Nền kinh tế chậm chạp, lạm phát, tham nhũng và khủng hoảng ngân hàng trong những tuần gần đây đã được xem là tất cả các tiêu cực đối với ông Dũng".
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, thực tế trong mấy chục năm cầm quyền của ĐCSVN cho thấy, thời nào cũng có các cuộc đấu đá nội bộ, chỉ khác nhau mức độ, nhưng không một cuộc đấu đá nào có thể làm tan rã thượng tầng kiến trúc. HN TW 6 không là ngoại lệ, dù gay gắt và có nhiều kịch tính.
Sự tồn tại của đảng là trên hết
Kết quả của HN TW 6 không làm những người có kinh nghiệm về thời cuộc bất ngờ.
Trong bài "Hội nghị Trung Ương 6 tại Hà Nội: Việt Nam quo vadis?" viết ngày 3/10/2012, phân tích các yếu tố trong xã hội VN có thể mang lại những thay đổi, tôi đã từng nhận định về "giới quyền lực chóp bu":
"Đấu đá nhau tranh giành quyền lực, nhưng tay nào cũng có con tin để áp lực lên đối thủ chính trị, vì tay nào cũng có bàn tay ít nhiều nhúng chàm, không bản thân thì người thân trong gia đình, họ hàng. Phương án cuối cùng sẽ là thoả hiệp cứu đảng. Một tay nào đó nếu bị buộc rời ghế cũng sẽ hạ cánh bình an, vì sẽ được bảo đảm an toàn trong cuộc mặc cả. Đừng đặt hy vọng nào từ biến động về nhân sự (nếu có) của Hội nghị trung ương 6 (đang diễn ra từ ngày 1 đến 15/10 tại Hà Nội) sẽ mang lại điều tích cực gì đó cho tiến trình Dân chủ của VN. Gần 200 uỷ viên trung uơng, tập hợp quan trọng nhất tạo ra toàn bộ bộ máy cai trị, vẫn sẽ mãi giữ vững chắc nguyên tắc tuyệt đối: Còn đảng còn mình".
Nói là thế, nhưng không phải ai cũng tin vào nhận định nêu trên (biết rồi, khổ lắm, nói mãi), vì ngay sau diễn văn bế mạc của TBT Nguyễn Phú Trọng, lướt trên các diễn đàn mạng, ta gặp rất nhiều lời ca thán, thất vọng. Vẫn nhiều người còn giữ niềm tin ngây ngô về một sự thay đổi tích cực nào đó.
Nhờ thông tin ngoài lề đảng, người ta nhìn thấy rõ Nguyễn Tấn Dũng - con người, công việc lẫn tư cách đạo đức. Đứng đầu chính phủ từ năm 2006, trong tất cả các thủ tướng của CSVN, tính từ Phạm Văn Đồng, ông Dũng là người gây ra những hậu quả tệ hại nhất cho đất nước về kinh tế, đưa đất nước lệ thuộc ngày mỗi sâu vào Trung Quốc trong mọi lĩnh vực. Một bản cáo trạng dài về "tội" của ông Dũng đã được nhà văn, nhà báo kỳ cựu, đại tá Quân đội Nhân dân Phạm Đình Trọng tổng hợp trong bài "Ông Thủ tướng khinh trí tuệ, trọng bạo lực".
Một nhóm gồm những người chán ngán và căm ghét Nguyễn Tấn Dũng, muốn ông Dũng rời ghế Thủ tướng, dù không biết chắc người thay thế tốt hơn hay không, nhưng đơn giản là, quá tệ thì không nên tiếp tục tại vị.
Nhóm thứ hai gồm những người hiểu được vị thế của ông Dũng trong cuộc chơi và phương thức thoả hiệp truyền thống của ĐCSVN, thì không tin ông Dũng sẽ ra đi và cho rằng, sự ra đi này chẳng mang lại ý nghĩa gì cho phép giải bài toán hiện tại của đất nước. Nhận định đúng thuộc nhóm thứ hai này.
Mặc dù "lần đầu tiên, Trung ương tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng", và "Bộ Chính trị thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên", nhưng vì "để giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng", "kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ", Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị".
Một lần nữa, quần chúng nhẹ dạ, cả tin có thêm một bài học cay đắng rằng, nếu họ không đứng lên tranh đấu để tự thay đổi số phận của mình thì đừng bao giờ chờ mong phép màu nào đó sẽ đến từ biến chuyển nhân sự của ĐCSVN.
Lỗi của ai?
Trong bài "Canh bạc của Đảng Cộng sản" trên BBC Việt ngữ ngày 14/10, tác giả bài viết cho rằng, cuộc đấu đá trong HN TW 6 vừa qua cho thấy "ông Nguyễn Tấn Dũng là nạn nhận của quyền lực không bị kiểm soát".
Theo tôi, Nguyễn Tấn Dũng không phải là nạn nhân mà là ngược lại. Hệ thống quyền lực không bị kiểm soát đẻ ra những con người như ông Dũng. Trước đó đã có những đứa con khác của hệ thống không bị kiểm soát này, đó là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, v.v... Hệ thống quyền lực không bị kiểm soát đã trở thành nạn nhân của chính đứa con mình đẻ ra. Cha mẹ trở thành nạn nhân của những đứa con đổ đốn, lưu manh, trộm cướp.
Trong hệ thống chính trị hiện nay, ĐCSVN độc nhất, nắm toàn quyền định đoạt mọi hoạt động lớn nhỏ của bộ máy nhà nước, không chịu kiểm soát bởi bất kỳ đinh chế nào. Trong giới lãnh đạo chóp bu, nếu vì quản lý yếu kém hoặc dính líu vào các vụ bê bối, hình thức kỷ luật cao nhất thường được áp dụng là cho là nghỉ hưu, hạ cánh an toàn, nhân danh "bảo vệ hình ảnh thiêng liêng của đảng".
Trong hệ thống như thế, đương nhiên sinh ra những vùng tối, nơi đó người ta có xu hướng giành đỉnh cao nhất của quyền lực để có thể mua bán, đổi chác và ban phát. Quyền song hành với tiền. Tệ nạn mua quan bán chức phổ biến tất yếu phải gắn với tham nhũng, rút ruột công trình và lại quả từ hợp đồng kinh tế, cùng với chủ nghĩa thân hữu và kế tục quyền lực của giới thái tử đảng.
Những con người có quyền lực khuynh loát, như Nguyễn Tiến Dũng, không thể hoặc rất khó kiểm soát khi họ nắm trong tay các lực lượng âm binh an ninh và kinh tế, như cách gọi của tác giả bài viết trên BBC đã dẫn. Những con người này thường gây ra biến động nhân sự ở thượng tầng và cả hạ tầng, làm cho thể chế bị khủng hoảng.
Chỉ có thể ngăn chặn hiệu quả sự lộng quyền và lạm quyền, hạn chế tối đa tiêu cực xã hội, khi đảng cầm quyền bị kiểm soát, chế tài bởi một quốc hội dân cử, trong đó các đảng đối lập luôn soi xét, không bỏ qua bất kỳ sai phạm nào của đảng cầm quyền. Song song, các định chế tư pháp phải độc lập, không là công cụ của đảng cầm quyền, để có thể xử lý minh bạch và bình đẳng mọi trường hợp sai phạm, không chừa ai, kể cả lãnh đạo cao nhất. Phải có báo chí tự do vì nó là phương tiện năng động và hữu hiệu minh bạch hoá xã hội, vạch mặt các chính trị gia tham nhũng trước dư luận và pháp luật.
Những yếu tố cơ bản trên đây đảm bảo cho bộ máy nhà nước vận hành bình thường, lành mạnh, nhưng tiếc thay không tồn tại trong thế chế độc tài toàn trị của ĐCSVN.
Quốc hội CSVN, cơ quan lập pháp, trên danh nghĩa có quyền lực cao nhất, nhưng không có ý nghĩa thực tế trong vai trò quản lý đất nước, chính xác chỉ là nơi hợp thức hoá các quyết định của lãnh đạo đảng. Nhiều nghị định của chính phủ thay thế luật, đứng trên luật và cả hiến pháp.
Một ví dụ. Đặt vấn đề: "Có ý kiến tỏ ra nghi ngại khi chúng ta chỉ bắt được 'con mèo ăn miếng mỡ', còn 'con cọp bắt heo' lại không tóm được bao nhiêu", bài "Xử lý ai nếu chính người đứng đầu tham nhũng", tờ Người Đưa Tin hôm 9/8/2012 cho hay, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, "đã hoàn thành dự thảo bổ sung, sửa đổi Nghị định xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng. Hiện Dự thảo đang được trình lên Chính phủ xem xét và phê duyệt. Theo đó, mức độ xử lý kỷ luật được đề nghị trong dự thảo bao gồm 3 hình thức: khiển trách, cảnh cáo và cách chức".
Thật là nghịch chướng! Đúng ra, Dự thảo này phải được quốc hội triển khai thành luật thì lại được xử lý bởi chính phủ, là cái ổ của bầy sâu tham nhũng!
Sự im lặng của bầy cừu
Là tên bộ phim "The Silence of the Lambs" nổi tiếng của Mỹ phát hành năm 1991, của đạo diễn Jonathan Demme, đã đoạt 5 giải Oscar quan trọng nhất: Phim hay nhất; Đạo diễn, Kịch bản xuất sắc nhất; Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Phim nói về nữ sinh tập sự của FBI Clarice Starling (Jodie Foster), người đã tận dụng được tên ăn thịt người Hannibal Lecter (Anthony Hopkins) đang bị biệt giam, khai thác lấy được thông tin về kẻ giết người hàng loạt Bill Buffalo (Ted Levine), rồi giết được hắn và giải thoát nạn nhân bị hắn bắt cóc, nhưng Hannibal Lecter đã trốn thoát khỏi nơi giam cầm và trở thành mối nguy hiểm cho xã hội. Rốt cuộc tiếng cừu non kêu thảm thiết ám ảnh Clarice Starling trong giấc mơ mỗi đêm vẫn không chấm dứt...
Thật khó biết, trong số Phạm Thanh Bình, Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Dương Chí Dũng, v.v... ai là "Lecter" trong cuộc săn lùng "Buffalo"!
Quốc hội khóa 13 sẽ họp vào các ngày 22 đến ngày 24/10, có thể xem xét, quyết định phê chuẩn về nhân sự mới trong nội các của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Có sự nối dài nào của HN TW6 không?
Trong cuộc đấu vừa qua, cặp Trọng-Sang đã đạt được kết quả, làm suy giảm nghiêm trọng uy thế của Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, ông Dũng chưa yếu đến mức như nhiều người lầm tưởng vì ông ta còn những liên kết chặt chẽ với lực lượng âm binh an ninh, kinh tế, những vùng đặc quyền mà ông ta đã kịp rải ân huệ cho nhiều người.
Dân gian phương Tây nói rằng đứng đái dưới gió đôi khi gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Trọng và ông Sang đã ra tay, đứng đái dưới cơn lốc quyền-tiền của ông Dũng và phe nhóm.
Vì thế, dư luận dự đoán sẽ có những cuộc thỉ hí tiếp theo. Nhưng tôi tin rằng, trong tình huống nào, dân chúng Việt Nam cũng chỉ rú lên những tiếng kêu ai oán thảm thiết của bầy cừu. Trong sự cam phận nô lệ và bất lực!
Ngày 15/10/2012
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Bài bình luận
Buồn quá!
Trọng lú hay Dân lú?
Chính tả