You are here

Dạy và học Lịch Sử ở trường phổ thông Việt Nam!

Ảnh của songchi

Song Chi.
Báo chí đưa tin "Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam" vừa được Bộ Giáo Dục-Đào Tạo và Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam phối hợp tổ chức trong 2 ngày 18-19.8 tại Đà Nẵng, trước thực trạng dạy và học môn Sử đáng báo động ở các trường phổ thông trung học lâu nay: Học sinh không thích học môn Sử, môn Sử bị coi thường nhất trong các môn, chất lượng giáo viên dạy Sử còn kém, từ kết quả kiểm tra cho đến kết quả thi tốt nghiệp phổ thông, thi vào đại học môn Sử của học sinh nhìn chung rất thấp…
Còn nhớ, trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2011, hàng loạt bài báo phản ánh về kết quả thấp tệ hại của môn Sử, trong đó có hàng ngàn thí sinh bị điểm O. Thế nhưng, khi báo chí phỏng vấn, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận lại trả lời: “Hàng ngàn điểm O môn Sử là bình thường”. Rằng: “Điểm Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy…” Và khi phóng viên hỏi về hướng thay đổi cụ thể việc dạy và học môn Sử trong trường phổ thông thì ông Bộ trưởng chỉ trả lời mơ hồ: “Thay đổi như thế nào thì còn phải bàn”…(“Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Điểm Sử thấp là vấn đề của thời đại”, báo Dân trí).
Qua câu trả lời này, ông Bộ trưởng đã cho thấy mặc dù là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất của ngành giáo dục, nhưng ông hoàn toàn vô cảm, vô trách nhiệm trước một kết quả tệ hại như vậy của học sinh trên toàn quốc qua một kỳ thi quan trọng nhất đối với các em. Thứ hai, ông đã chủ quan, ngụy biện khi cho rằng “điểm Sử thấp là vấn đề của thời đại”.
Là một người đã từng trải qua bao nhiêu năm học phổ thông rồi đại học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ở VN, rồi lại là phụ huynh học sinh có con em học trung học phổ thông ở VN, sau đó học tiếp bậc phổ thông trung học ở nước ngoài (Na Uy), cũng như có bạn bè, họ hàng, người thân có con cái đi học ở các nước khác từ Mỹ, Anh, Úc, Canada cho đến Đức, Pháp…tôi xin nói thẳng, tình trạng học sinh chán học Sử, môn Sử qua các kỳ thi thường đạt kết quả thấp không phải là hiện tượng chung ở nhiều quốc gia như ông Bộ trưởng nghĩ.
Cũng may, không phải ai cũng nghĩ như ông Bộ trưởng. “GS-TSKH Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội) kể: "Cách đây ít năm, khi có dịp tiếp xúc với một nhóm HS phổ thông nước ngoài, tôi có thử hỏi trong các môn học, các em thích môn nào nhất? Thật bất ngờ không chỉ cho tôi mà cả một số nhà học học tự nhiên cùng có mặt ở đó khi có tới 7/10 em trả lời đó là môn LS. Tôi hỏi tiếp vì sao các em thích học môn LS thì các em đều trả lời khá giống nhau là thầy dạy hay, có nhiều chuyện rất hấp dẫn, thường được học ngoại khoá ở các bảo tàng, xem phim LS. Có em còn nói thích học LS vì hiểu biết sâu về LS được các bạn coi là người uyên bác, có trí tuệ!” (“Vì sạo Lịch sử là môn học bị coi thường nhất? (phần 1)”, trang Info.net.)
Hoặc chỉ cần so sánh với chương trình, sách giáo khoa, chất lượng dạy và học môn Sử ở miền Nam trước năm 1975 thôi cũng rất khác. Những ai đã từng đi học thời trung học ở miền Nam trước năm 1975 có thể chứng minh điều này. Trong bài “Vì sao học sinh không thích Sử?", báo Tiền Phong, cũng có một chi tiết sau:
“Kể về một ký ức tuổi học trò, cô giáo Trần Thị Lệ Thủy đến từ trường THPT Nguyễn Du, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nhắc đến cuốn “Những vì sao đất nước” được xuất bản ở miền Nam trước năm 1975.
“Hồi đó mới giải phóng, tôi còn là học sinh cấp II nhưng cảm hứng yêu thích lịch sử dân tộc đã đến với tôi từ các nhân vật Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Dã Tượng... được kể trong cuốn sách ấy. Đó cũng là nguyên cớ dẫn dắt tôi trở thành giáo viên dạy lịch sử”, cô Thủy nói.
Như vậy, vấn đề là ở nội dung chương trình, bài soạn trong các sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, thậm chí ngay từ quan niệm dạy và học môn Sử, cách đánh giá vai trò của môn Sử trong trường phổ thông cho đến chất lượng giáo viên…đã dẫn đến việc các em học sinh không hứng thú, thậm chí chán ghét môn này, học không vào và khi đi thi thì kết quả thường bị thấp.
Qua những bài viết trên báo phản ánh phần nào nội dung cuộc hội thảo, tôi tin rằng đã có nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng của các chuyên gia, các nhà sử học, các giáo viên dạy Sử và những ai quan tâm đến vấn đề dạy và học môn Sử trong nhà trường phổ thông ở VN.
Nhưng không rõ mọi người đã có thể hoặc dám nói đúng đến tận gốc rễ của vấn đề hay chưa, đó là dạy môn Sử mà nặng tính chính trị, tính đảng, dạy với mục đích tuyên truyền, định hướng chính trị quá rõ như vậy thì học sinh không chán mới là lạ. Chương trình học nặng nề khô cứng, nói là sử VN nhưng hết hai phần ba là học về lịch sử đảng cộng sản từ lúc bắt đầu thành lập, đặc biệt là “hai cuộc kháng chiến vĩ đại, chiến tranh thần thánh” chống Pháp chống Mỹ … Chương trình ở cả bậc trung học cơ sở (cấp 2) lẫn trung học phổ thông (cấp 3) đều chú trọng phần này. Làm như lịch sử hơn 4000 năm của đất nước, dân tộc VN chỉ từ khi có đảng cộng sản mới là quan trọng, đáng học!
Những ý kiến tham dự hội thảo trích dẫn trên báo chí cũng chỉ ra việc các bài soạn thường nặng về sự kiện, các con số khô khan, mà thiếu vắng yếu tố con người, thiếu những câu chuyện hấp dẫn, khiến các em khó nhớ. Rốt cuộc, cả một năm học chỉ để đối phó cho mấy kỳ thi, sau đó là quên hết, chữ thầy lại trả cho thầy.
Đó là chưa kể, rất nhiều dữ kiện lịch sử của cả VN và thế giới đã bị bóp méo, diễn dịch sai sự thật hoặc che dấu, bỏ qua không đề cập, để phù hợp với quan điểm chính trị của đảng và nhà nước. Sách giáo khoa môn Sử bị lạc hậu, cập nhật thông tin còn chậm so với diễn biến lịch sử đang diễn ra trên đất nước và thế giới từ sau năm 1975 đến nay.
Vấn đề rất đơn giản: làm thế nào môn lịch sử dám nói đúng nói thật khi toàn bộ lịch sử đảng cộng sản VN, lịch sử đất nước từ khi có đảng cộng sản, là sự dối trá?
Một khi đảng cộng sản còn nắm quyền, thì môn lịch sử đừng hy vọng có thể nói đúng sự thật, và khi đã không đúng sự thật, không có tính khách quan vốn là giá trị lớn nhất của môn Sử, của ngành Sử học, thì làm sao mà dạy cho hay được.
Không chỉ môn Sử mà các môn khoa học xã hội nhân văn khác như Văn, Địa, Giáo dục công dân…ở bậc trung học, học sinh thường không cảm thấy hứng thú. Vì những môn này đều nặng tính chính trị, cách dạy và học thì lạc hậu.
Trong khi đó ở các nước, môn Sử hay những môn khoa học xã hội khác lại được học sinh rất thích. Ví dụ như trong chương trình IB (the iInternational Baccalaureate) mà con gái tôi học ở Na Uy, môn Sử được dạy một cách khách quan, toàn bộ tất cả những gì diễn ra trong lịch sử thế giới, với cái nhìn đa chiều. Học sinh được tự do tranh luận mọi vấn đề gai góc của lịch sử nước mình và trên thế giới, không có cái gì là cấm kỵ, nhạy cảm. Từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai, nước Đức dưới thời phát xít Hitle, thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô và sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa cũ khối Đông Âu, lịch sử nước Trung Quốc dưới thời lãnh đạo của đảng cộng sản, cuộc nội chiến Yugolasvia-Nam Tư v.v…
Sách giáo khoa được cập nhật khá nhanh chóng so với thực tế. Những sự kiện diễn ra trên thế giới cách đây vài năm đều được đưa vào chương trình, không có gì phải tránh né. Chương trình chú trọng cách học để hiểu, chứ không phải nhồi nhét cốt phải nhớ.
Có một thực tế từ nhiều năm nay trong các nhà trường phổ thông trung học tại VN, những môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh…dường như được coi trọng hơn, chương trình học khá là nặng nếu so với chương trình phổ thông trung học ở một số quốc gia về các môn này, trong khi đó các môn khoa học xã hội như Sử, Địa lại bị coi thường. Môn Văn không bị coi thường vì là một trong các môn chính nhưng khi chọn phân ban ở lớp 10, số lượng học sinh chọn ban C là ban Văn, Sử, Địa ít hơn hẳn các ban A, B, D, dù nhiều trường đã cố tìm cách này cách khác để khuyến khích các em chọn ban C.
Khi lên đại học, những ngành Văn, Sử, Địa nói riêng và khoa học xã hội nói chung cũng có tỷ lệ thí sinh ít hơn những ngành khác, chất lượng đầu vào của một số trường vì vậy cũng thấp hơn vì phải vớt cho đủ số lượng. (Những hình ảnh lãng mạn về những giáo sư Văn Khoa, Giáo sư Triết…chẳng hạn, chắc chỉ có trong sách vở và xã hội miền Nam trước 1975!). Các bậc phụ huynh và ngay chính các em học sinh, sinh viên ở VN bây giờ chỉ muốn chọn những ngành dễ kiếm việc, lương cao như Y, Dược, Kỹ sư, Kinh tế, Tài chính…Điều đó dẫn đến sự mất cân đối về ngành nghề trong xã hội.
Mặt khác, tình trạng đạo đức xã hội bị xuống cấp, con người ngày càng trở nên “xấu xí” hơn, tội ác ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ tàn bạo, dã man…một phần có lẽ cũng từ việc coi thường những môn khoa học xã hội trong nhà trường và trong xã hội mà nhiều nhà báo, nhà giáo, nhà xã hội học, tâm lý học…đã lên tiếng cảnh báo từ lâu. Bởi những môn khoa học xã hội mới chính là những môn giáo dục nhiều cho tâm hồn học sinh và ảnh hưởng đến con người, nhân cách, suy nghĩ… của các em sau này.
Trở lại với việc dạy và học môn Sử ở bậc phổ thông trung học, tôi cho rằng bao nhiêu cuộc hội thảo rồi cũng sẽ không đem lại được kết quả bao nhiêu khi nguyên nhân vì sao môn Sử bị coi thường, học sinh không thích học Sử thì có lẽ nhiều người đã nói rồi, nhưng khi nào còn phải dạy và học trong một chế độ độc tài như hiện nay thì chẳng thể thay đổi tận gốc từ quan điểm, triết lý giáo dục, phương pháp dạy và học, nội dung chương trình v.v…được!

Bài bình luận

Khong hoc ,kông biêt Lich su vân sông tôt,Trong các sach Lich su co qua nhieu nhung su kiên nguy tao sai lâm, chu yêu viêt theo quan diêm cua nguoi viêt.Vây có cân thiêt phai biêt vá hoc Lich su không .Chi nên coi Lich su là nhung câu chuyên doc dê Giai trí

Lich su nhung anh hung chong quan xam luoc Tau khong duoc hoc ma phai hoc nhung lich su nguy bien nhu Le van Tam..v.v va v.v khong co that va luon luon doi tra trong lich su thi ai con muon hoc. Noi riet roi cung bang thua...nhung phai noi de tat ca thay su that su lua doi kinh tom ca mot che do

năm nay lịch sử lớp 7 còn có sách bài tập