Song Chi.
Dư âm vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai thô bạo bằng vũ lực của chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày 24.4.2012 còn đang nóng hổi thì một vụ cưỡng chế khác lại xảy ra vào ngày 9.5.2012 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Cũng như lần trước, một bên là những người nông dân lam lũ, trong đó phần lớn là phụ nữ, phải “chiến đấu” với lực lượng cưỡng chế bao gồm các quan chức địa phương, quân đội, cảnh sát cơ động, công an, dân phòng, đội ngũ côn đồ xã hội đen…được trang bị vũ khí, dùi cui, lựu đạn cay, xe cứu hỏa với vòi rồng để xịt nước v..v…Cũng lại những màn đánh đập , bắt giữ người dân một cách hết sức dã man, tiếng la khóc kêu gào…Và cũng như vụ Văn Giang, cuộc cưỡng chế “thành công” nhanh chóng bởi cán cân sức mạnh quá chênh lệch giữa hai bên và sự xuống tay tàn bạo của phía nhà cầm quyền. Cũng như người dân Văn Giang, người dân Vụ Bản đành ngậm ngùi uất ức chịu thua để cho lũ cướp ngày ngang nhiên cướp trắng vùng đất ruộng cùng với bao công lao, mồ hôi, nước mắt, cả máu của bà con đã đổ xuống trong bao nhiêu năm.
“Thắng lợi” của vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang đã khiến cho nhà cầm quyền VN tiếp tục dấn tới. Sau Vụ Bản sẽ là hàng trăm hàng ngàn vụ cưỡng chế khác ở khắp mọi nơi, hàng trăm hàng ngàn hecta bờ xôi ruộng mật và những cánh đồng lúa quý hơn vàng sẽ vĩnh viễn biến mất nhường chỗ cho những dự án phi nông nghiệp cái loại. Một khi huyện này, tỉnh này cưỡng chế thành công, thì huyện khác, tỉnh khác cứ thế mà làm, không chịu kém. Những món tiền khổng lồ từ bán lại đất, từ tiền "hoa hồng", "lại quả" của các dự án, tiền rút ruột trong các công trình…sẽ ào ào chảy vào túi các quan tham trong khi hàng trăm ngàn, hàng triệu nông dân bị mất ruộng, bị bần cùng hóa, buộc phải chuyển đổi cách sinh sống…
“Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”. Cơn sốt từ những vụ cưỡng chế đất đai sẽ không dừng lại. Việc làm của các quan tham nào có bị hậu quả gì để cho họ phải chùn tay? Dân cứ việc biểu tình, khiếu kiện, chít khăn tang mà giữ đất. Nhà nước cứ cưỡng chế, cứ đánh, bắt thô bạo, ai làm được gì? Báo “lề phải” thì bị buộc phải câm lặng rồi, còn báo “lề trái” rồi báo nước ngoài lên tiếng ư, mặc kệ, 90 triệu dân có được mấy triệu dân đọc báo “lề trái”, báo nước ngoài? Nhân sĩ, trí thức lên tiếng, ký tên kiến nghị ư? Những lá thư kiến nghị rồi cũng rơi vào khoảng không im lặng mà thôi. Các quan chức địa phương cứ họp báo, cứ xưng xưng là vụ giải tỏa mặt bằng đã thành công tốt đẹp, không có ai bị đánh, bị thương tích gì, còn những vụ đánh người có video clip kia là do bọn xấu, thế lực thù địch dàn dựng để bôi nhọ chính quyền. Mà giả như có tìm ra người bị đánh, như vụ Văn Giang, là hai nhà báo của một tờ báo cấp quốc gia mà theo một blogger: “Hàm của phóng viên VOV ngang với giám đốc sở, còn hàm trưởng phòng phóng viên thời sự là ngang với vụ trưởng một vụ chứ không đùa.” (“Lời đồng nghiệp vụ Văn Giang”, blog Cu Làng Cát), thì đã sao? Các nhà báo cứ việc làm đơn, cứ việc lên tiếng, còn vụ việc bao giờ được giải quyết lại là chuyện của…công an, chính quyền địa phương. Cùng lắm là…xin lỗi, đền bù vài triệu tiền thuốc men. Đó là nhà báo cỡ bự, chứ còn dân đen thì…còn lâu.
Có người lẩn thẩn hỏi nếu lỡ cưỡng chế đất mà xảy ra chết dân thì sao? Cũng chả sao cả. Bao nhiêu vụ người dân bị công an sử dụng bạo lực đến chết tại đồn giam giữ, chỉ có một vài vụ là được đem ra xử, tay công an “lỡ tay đánh chết người” chỉ bị chừng vài năm tù, là xong.
Trước đây khi ở TQ xảy ra vụ Thiên An Môn, đã từng có những người đặt ra câu hỏi nếu ở VN cũng xảy ra một sự kiện tương tự thì sao? Không ít người vẫn tin rằng chuyện thảm sát đẫm máu kiểu như vậy chỉ có thể có với đảng và nhà nước cộng sản TQ, còn đảng và nhà nước cộng sản VN chắc là không đến nỗi tàn ác như thế. Hãy nhìn vào những vụ cưỡng chế đất gần đây và cách hành xử dã man của nhà cầm quyền để đừng vội cho rằng đảng và nhà nước cộng sản VN sẽ khá hơn!
Sau vụ Văn Giang, báo chí “lề phải” đã im lặng. Sau Vụ Bản có lẽ cũng thế. Rồi chúng ta sẽ làm gì, lại ký tên kiến nghị ư?
Khi một nhà cầm quyền đã ngang nhiên trút bỏ mặt nạ mỵ dân, dùng đến quân đội, công an, bạo lực để thẳng tay đàn áp người dân mà mục đích chỉ là vì tiền, vì lợi ích của một số quan tham cấu kết với bọn tư bản đỏ, và hành động đó sẽ còn tiếp tục diễn ra, bởi vì cái nhà cầm quyền đó tin chắc rằng họ có thể làm cái điều đó mà không ai dám làm gì họ.
Phương châm của họ là: nếu dùng bạo lực một lần, dân phản ứng, sẽ dùng mạnh hơn, mạnh hơn nữa, cho đến khi nào mọi tiếng kêu ca phản đối phải câm lặng.
Với những lời khiếu kiện, kiến nghị, đơn tố cáo bị đánh đập, họ cứ sử dụng một chiêu im lặng lơ…lờ rồi lâu cứt trâu cũng hóa bùn, người dân mệt mỏi chán ngán không muốn tố cáo nữa, thế là xong.
Vậy đối với cái loại nhà cầm quyền như thế này người dân phải làm gì?
Xin nhường câu trả lời lại cho tất cả mọi người.
Chỉ có điều, như người ta thường nói, từ trong mọi mối quan hệ xã hội thông thường, cái cách mà người khác đối xử với chúng ta như thế nào là tùy thuộc ở chúng ta và ngược lại. Điều này cũng đúng trong mối tương quan giữa người dân và chính quyền.
Bài bình luận
Chào các bạn, Tôi là thế hệ
TIÊN LÃNG,VĂN GIANG sẽ ghi vào tự điển ngôn ngữ VN
Nắng Mới