Margaret Krakowiak – Lê Diễn Đức dịch
Hồ Chí Minh trong tác phẩm của nghệ sĩ Shen Shaomin
Lời người dịch: Hồ Chí Minh (HCM) là một nhân vật lịch sử của Việt Nam cho đến nay chưa được đánh giá đầy đủ và nhất quán. Trong các tranh luận thậm chí có thể gây xung khắc, không chỉ về lý luận, mà cả tâm tưởng, tình cảm. Sự đánh giá, nhìn nhận HCM còn tuỳ thuộc vào quốc tịch, nơi sống và trưởng thành, sự trải nghiệm, vốn thông tin và nhãn quan chính trị.
Sau khi hệ thống cộng sản tại châu Âu sụp đổ và thời đại internet bùng nổ, một số tư liệu về đời sống chính trị và riêng tư của HCM được công bố. Tuy nhiên xung quanh con người này vẫn còn nhiều bí ẩn. Ngay các tác giả nước ngoài, đặc biệt những người thiên Tả, khi viết về HCM cũng tận dụng cả nguồn tư liệu chính thức của Đảng CSVN, mà như mọi người biết từ những tư liệu đã được bạch hoá, nhiều sự kiện bị bóp méo, ngụy tạo cho phù hợp với mục đích tuyên truyền.
Tôi thận trọng khi viết về HCM và ít khi đưa ra nhận định chủ quan nếu không có tư liệu tin cậy. Đồng thời tôi phản đối cách đánh giá nhân vật lịch sử với thái độ kém văn hoá, mang tính thoá mạ. Đưa thù hận vào nhận định sẽ nhấn chìm tính khách quan.
Bài "Hồ Chí Minh – Người cha của Việt Nam hiện đại” của nữ ký giả Ba Lan Margaret Krakowiak, đăng trên Tuần báo quốc tế Newsweek, ấn bản tiếng Ba Lan, ngày 12/1/2012, viết sau chuyến đi thăm Việt Nam mới đây của bà (*) – cung cấp cho chúng ta thêm một cách nhìn của người nước ngoài về hình ảnh HCM được sử dụng trong chính sách hiện nay của Đảng CSVN và trong suy nghĩ của nhiều người Việt.
Các hình minh hoạ trong bài là của người dịch.
Lê Diễn Đức
****
Shen Shaomin, Summit 2009 - 2010, Installation, Osage Art Foundation Collection
Hoài niệm về Hồ Chí Minh, mặc dù trong thực tế ông đã chết cách đây hơn 40 năm, ở Việt Nam vẫn còn rất sống động.
Bằng cái gì mà một nhà độc tài cộng sản được gọi là "Bác Hồ" đã khiến đồng bào của mình khắc sâu vào bộ nhớ như thế?
Lenin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh, Fidel Castro – điều gì đã kết hợp tất cả những con người này. Mỗi nhân vật đều có vị trí trong sách giáo khoa của các chế độ cộng sản, và mỗi người trong số họ đều là đối tượng của sự sùng bái được khuếch trương bởi bộ máy tuyên truyền vượt ra ngoài cả ranh giới của đời sống và cái chết. Mỗi người trong số họ cũng trở thành một vị anh hùng... của bức ghép nghệ thuật có tên "Cuộc hội nghị thượng đỉnh" (Summit) của nghệ sĩ Trung Quốc Shen Shaomin. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh này khá đặc biệt - bởi vì theo tình trạng hiện thời, người còn sống sót duy nhất của "tập hợp" là Fidel Castro (chứng minh bằng lồng ngực của ông ta được phồng lên vừa phải). Những người còn lại, với khoảng cách gần nhau, nằm trong những chiếc quan tài bằng kính trong suốt để bảo vệ chúng trước đám đông tò mò. Cũng như trong thực tế, sau khi chết thi hài của bốn trong số các nhà lãnh đạo cộng sản trên đã được đặt trong các lăng mộ xây dựng đặc biệt để vinh danh họ trước công chúng nhằm thu hút chú ý. Sự sùng bái họ sau khi chết vẫn được sử dụng như công cụ cho mục đích chính trị mà gần đây nhất chúng ta đã nhận thấy trong tang lễ của Kim Jong Il.
Cách đây không lâu tôi đã có cơ hội trải nghiệm rất ấn tượng như thế nào là sự sùng bái đối với một người đã chết cách đây hơn 40 năm, một trong những thành viên của "Hội nghị thượng đỉnh" - người cha của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh.
Sự sùng bái được xây dựng trong suốt cuộc đời và tiếp tục sau đó
Danh vọng của Hồ Chí Minh được xây dựng một cách có hệ thống kể từ khi còn trẻ.
Năm 1920 Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông là đồng sáng lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh), một tổ chức được thành lập vào năm 1941 để đấu tranh với thực dân Pháp tại Việt Nam trong thế kỷ 19. Những năm sau đó, Việt Minh cũng chiến đấu chống Nhật chiếm đóng Đông Dương.
Sau khi giành được thắng lợi, Hồ trở thành người đứng đầu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam, tuyên bố đất nước độc lập. Ngay từ đầu ông muốn xoá bỏ tất cả mọi thứ gắn liền với chủ nghĩa thực dân. Ông đưa ra các chính sách, trong đó có thể kể như cấm mại dâm, cờ bạc, hút thuốc phiện, thậm chí uống rượu. Vài năm sau ông bắt đầu cải cách rộng đất nhằm loại bỏ địa chủ. Kết quả là, hàng chục ngàn nông dân đã bị giết hại, đồng thời gia tăng cảm giác sợ hãi và ngờ vực lẫn nhau bởi những kẻ làm công việc bẩm báo, cung cấp thông tin được chính quyền tưởng thưởng.
Với mục tiêu quan trọng nhất của Hồ là đoàn kết dân tộc, Hồ đi nhiều nơi trên đất nước và gặp gỡ những người bình thường. Ông muốn thuyết phục dân chúng về sự lãnh đạo của một đảng mà tất cả mọi người Việt Nam cần phải ủng hộ, ngoại trừ bọn "phản động". Để chứng minh rằng hành động của mình là phục vụ mục tiêu dân tộc, không mang ý thức hệ, ông đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Sự ủng hộ của đại đa số cư dân miền Bắc ngày mỗi tăng nhanh chóng, trở thành sự sùng bái, thâm nhập cả vào những bài hát, phim ảnh và nội dung giáo dục trong trường học. Ngày sinh của ông trở thành lễ kỷ niệm lớn.
Tuy nhiên, Hồ đã lưu tâm để không tạo ra sự cảm nhận như là một người nắm quyền tuyệt đối, không để các buổi lễ bị đánh giá cao vượt quá mức tự trọng. Bởi vì nếu không, sẽ có thể mang lại cảm nhận tiêu cực với hình ảnh của chủ nghĩa thực dân và chế độ quân chủ cầm quyền trước đó. Khoảng cách giữa ông và dân chúng cũng được giảm đi bằng cách giản lược tên họ, gọi ngắn gọn thân mật - “Bác Hồ”.
Nguyễn Tất Trung (đầu tiên từ phải qua), được xem là người con vô thừa nhận của HCM, cùng vợ Lưu Thị Duyên và con, năm 1998, tại gia đình cha nuôi, ông Vũ Kỳ - Ảnh: Nhà báo Bùi Tín cung cấp.
Trong những năm tiếp theo, sự thống nhất dân tộc và cuộc đấu tranh giành độc lập đã trở thành nỗi ám ảnh lên các quyết định suốt cuộc đời ông. Ngay sau đó, nổ ra cuộc chiến giữa người Việt và người Pháp với nhà nước bù nhìn ở Nam Việt Nam do Pháp lập ra. Cuộc xung đột đã kết thúc bằng Hội nghị Geneva 1954, trong đó quyết định thống nhất Bắc và Nam qua cuộc bầu cử dân chủ được tiến hành trên khắp Việt Nam.
Nhưng cuộc bầu cử đã không xảy ra, và sự chia cắt tồn tại hai thập niên tiếp theo, bởi vì Hoa Kỳ lo ngại chiến thắng của Hồ kéo theo sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở miền Nam Việt Nam và phần còn lại của Đông Dương. Vì thế, chẳng bao lâu sau hội nghị Geneva, cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ hai diễn ra, giữa miền Bắc và miền Nam được sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh.
Một trong những cuộc chiến tranh tàn bạo nhất đã đi vào lịch sử với 3 triệu người Việt Nam bị chết, trong đó có nhiều thường dân. Ông Hồ nhận thức được tổn thất, nhưng không nhìn thấy khả năng nào thay thế cho cuộc chiến đấu vì sự thống nhất, không nhân nhượng và đến cùng. Dường như ông đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy huyền thoại của các cuộc chiến tranh Đông Dương (năm ngoái vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 100): Chúng ta sẽ chiến đấu hai mươi, và có thể một trăm năm – cho đến khi nào giành được chiến thắng, không phụ thuộc vào việc phải trả giá thêm bao nhiêu nạn nhân nữa.
Hồ là người đứng đầu nhà nước đến cuối đời, trong suốt thời kỳ này là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nhưng giấc mơ lớn nhất của ông đã không thành sự thật trước chết - đất nước thống nhất. Một số người đã nhìn cái chết của Hồ Chí Minh như một cơ hội cho sự tìm kiếm thỏa hiệp trong một cuộc xung đột không khoan nhượng. Với những người thừa kế chính trị của ông thì rõ ràng họ phải thực hiện di chúc chính trị của ông. Mặc dù, sau đó cho thấy họ đã không thực thi nó đến cùng...
Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 2 tháng 9 năm 1969, tức là đúng 24 năm ngày kỷ niệm độc lập của Việt Nam, một ngày lễ nhà nước. Trớ trêu thay, những thông tin của nhà chức trách về cái chết của người cha của dân tộc đã bị giữ kín vì không muốn làm rối loạn ngày lễ lớn. Nhưng họ đã làm tất cả những gì có thể để không phí phạm tiềm năng về sự sùng bái đối với ông, nhằm duy trì tinh thần của người Việt Nam. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là người cha của dân tộc. Cuộc tấn công cuối cùng của những người cộng sản trong năm 1975 vào Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt Nam, được mang tên Cuộc Tổng tấn công Hồ Chí Minh, và tên ông được được đặt cho thành phố bị thất thủ.
Chỉ ít lâu sau khi chết, cơ thể của Hồ được vận chuyển bí mật tới một thị trấn nhỏ cách Hà Nội khoảng năm chục cây số, nơi các chuyên gia Liên Xô thực hiện công việc ướp xác. Từ năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc, thi hài ông được trưng bày trước công chúng. Đặc biệt nhân dịp này người ta khánh thành lăng mộ ông theo mô hình lăng Lenin. Vị trí lăng được xây dựng - Quảng trường Ba Đình, Hà Nội - có ý nghĩa biểu tượng. Tại đây, Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập.
Tuy nhiên, sự thống nhất đất nước hơn ba mươi năm sau không mang lại sự đoàn kết dân tộc, trái lại - gây chia rẽ sâu sắc và dân chúng ở miền Nam Việt Nam sống trong sợ hãi vì bị trấn áp. Do đó đã rất đông người quyết định rời bỏ đất nước.
Người Việt vượt biên tới Sydney, Australia, 1980 - Ảnh: RidingTheBlue.com
Một chuyến thăm lăng chớp nhoáng
Mặc dù đã hơn bốn mươi năm trôi qua kể từ cái chết, lăng Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ thu hút sự tò mò, hay là di sản lịch sử hấp dẫn, nơi mà tôi đã có thể kiểm nghiệm khá gần đây. Hàng người xếp hàng dài nhiều cây số chờ đợi đến viếng thăm lăng được mở cửa hàng ngày trừ thứ hai, nhìn thấy từ khoảng cách vài trăm mét. Chủ yếu là người Việt Nam.
Họ ăn mặc giản dị, nhưng nghiêm túc như trong ngày lễ. Không ồn ào, họ phấn khởi trao đổi với nhau về sự tiếp cận sắp tới. Nhiều người đến từ xa, với cả gia đình để lần đầu tiên trong đời nhìn thấy Bác Hồ và được tỏ lòng kính trọng ông. Trong những người xếp hàng chờ đợi có rất nhiều học sinh và người trẻ tuổi, mặc đồng phục. Có thể nhìn thấy thế hệ trẻ thích thú và tự do hơn so với cha mẹ chúng và người hướng dẫn trong tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài cùng đứng đợi. Thời gian chờ đợi được bù đắp bằng phim về Bác Hồ chiếu trên màn hình đặt trên lộ trình.
Khi gần tới đích, phải để lại hành lý và máy chụp hình. Ngay trước lối vào lăng mộ mọi người được chuyển vào hàng bốn người một. Song song là những hàng được ngăn ra đặc biệt dành cho các nhóm nhỏ - cựu chiến binh, đoàn đại biểu chính thức từ các tỉnh xa. Chúng tôi nhường những người được ưu tiên. Những cận vệ mặc đồng phục trắng kiểm soát toàn bộ chuyển động. Niềm phấn khích ban đầu của "người hành hương" được thay thế bằng sự nghiêm trang. Không khí ấy cũng thấy cả với khách du lịch nước ngoài.
Vào bên trong phải giữ sự im lặng theo điều lệnh mà bên cạnh đó có những điều khác như không được đút tay vào túi và không được mặc áo hở vai. Công việc kiểm tra các quy tắc được thực hiện bởi những cận vệ mặc đồng phục trắng. Họ cũng làm việc sao cho giữ được tốc độ di chuyển nhanh chóng. Nhờ đó mà toàn bộ hàng người được phục vụ rất tốt, giữ được "danh tiếng tốt" mà bạn có thể thấy trong sách hướng dẫn du lịch. Dẫn tới đích là hành lang đá cẩm thạch lạnh lẽo, quanh co, càng tăng thêm cảm giác bí ẩn và độc đáo cho những giây phút sắp tới.
Vâng, một khoảnh khắc theo đúng nghĩa đen của từ này – bởi vì mọi người phải đi từ phía bên cạnh qua nơi Hồ nằm, chỉ có một phần của giây để nhìn khuôn mặt trên cơ thể nhỏ bé của người cha của dân tộc. Thi hài của ông nằm trong quan tài thủy tinh, đủ ánh sáng và tương phản với cái nền tranh tối tranh sáng bao trùm. Chợt nghe tiếng nức nở đâu đó như nhắc nhở với một số người về thời điểm đặc biệt. Nhưng ai cũng phải đi tiếp, bởi vì cả hàng người vẫn phải giữ nhịp di chuyển. Sau một khoảng khắc ấy là xong tất cả.
Một số suy đoán rằng, phải chăng thi hài trưng bày tại lăng của Hồ chỉ là bản sao - bởi vì cơ thể quá lớn, hai tai giống như sáp, và mái tóc có vẻ cứng nhắc. Chỉ với một thời gian rất ngắn trong lăng mộ khó có cơ hội bất kỳ nào để cân nhắc về đề tài này. Được biết, mỗi năm cơ thể của Hồ được mang sang Nga bảo quản bằng các phương pháp thích hợp.
Hàng ngày với Hồ
Nếu một người nào đó chưa đủ cảm xúc thì có thể thăm thêm Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm kế bên, cách lăng vài chục mét. Công trình xây dựng với cấu trúc lạ lẫm giống như lăng mộ, được hoàn thành vào năm 1990. Chào đón du khách trước khi bước vào là cái biểu tượng đã qua bao nhiêu thay đổi các chế độ chính trị trên thế giới, vẫn không bị mất giá trị - búa và liềm phô trương ngay trên lối cửa chính.
Dạo phía trong chúng tôi tiếp tục tham gia vào các trò chơi biểu tượng - ở tầng lửng được chào đón bằng bức tượng có kích cỡ của Hồ, với ý định rõ ràng là đưa mọi người đến những gì tiếp theo - câu chuyện lịch sử về đời sống và cái chết của ông. Câu chuyện bắt đầu từ thời trai trẻ của Hồ Chí Minh, và kết thúc bằng... trưng bày các hiện vật tang lễ được chuyển tới từ rất nhiều các quốc gia khác nhau để tưởng nhớ nhà lãnh đạo quá cố. Giữa các hàng hiện vật được trưng bày song song lịch sử đấu tranh vì độc lập của Việt Nam với các đế quốc, đã làm tốn không biết bao nhiêu xương máu của người Việt. Đó là nhiều hình ảnh và tài liệu lịch sử, tạo thành một bộ sưu tập lưu trữ ấn tượng.
Ngoài điều kiện gặp gỡ với huyền thoại Hồ sau khi chết trong lăng xây bằng đá cẩm thạch và Bảo tàng, người Việt Nam còn có khả năng tiếp xúc với ông với cách thức “sống” hơn. Hình ảnh Bác Hồ có thể gặp hầu như ở khắp mọi nơi - ở lối vào làng và thị trấn, trên các tòa nhà công cộng và nhà riêng. Ngay cả trong khi mua sắm – bởi vì hình Hồ nằm trên mỗi tờ giấy bạc.
Tuy nhiên, sự có mặt khắp nơi hình ảnh của nhà lãnh tụ không dính dáng bao nhiêu với sự phổ cập và thương mại như một hình tượng cánh tả khác – Che Guevara. Trong thực tế, một số cửa tiệm có bán bật lửa in hình Hồ nhưng không phải là mặt hàng chủ yếu của một thị trường đồ vật lưu niệm phong phú tại Việt Nam.
Thương mại hoá hình ảnh Hồ ở Việt Nam là hiện tượng không mấy thiện cảm ra sao, được chứng minh qua phản ứng từ người bạn ở tuổi đôi mươi của chúng tôi. Cô gái trẻ này mới tốt nghiệp đại học kinh tế Hà Nội, làm việc hàng ngày với khách du lịch nước ngoài, khi nhìn thấy hình Hồ (trên chiếc bật lửa) trong tay một người du lịch hút thuốc, bực tức hỏi: tại sao lại có thể sản xuất một thứ như vậy nhỉ? Đây là Bác Hồ của chúng tôi mà! Trong vài phút cho thấy cảm giác ngạc nhiên và khó chịu của cô gái.
Hồ Chí Minh cũng có mặt trong đời sống dân chúng bằng một cách khác, có ý nghĩa hơn. Bác Hồ đảm bảo cho sự thịnh vượng của Việt Nam hiện đại. Quan điểm phổ biến ở người Việt Nam là nhờ sự hiện diện thiêng liêng của Hồ mà đã có thể thống nhất Việt Nam và giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Cũng nhờ sự phù hộ của Hồ Chí Minh nên đất nước đã có thể phát triển gần đây (sau khi mở cửa thị trường với nước ngoài trong cuối những năm 90), và sự thành công tiếp tục cũng phụ thuộc vào ông. Bác Hồ cũng hiện diện hơn đối với những tiến trình nhìn thấy và đếm được... Ông có một "linh hồn tốt" và là... bộ mặt chính của chiến dịch bầu cử quốc hội gần đây.
Liệu Bác Hồ có hài lòng với sự sùng bái mà người dân của mình dành cho? Nhiều khả năng, nhưng không hoàn toàn. Lăng Hồ Chí Minh trong thực tế trái với ý muốn của ông được thể hiện ở bản di chúc, trong đó ông đề nghị không ướp xác. Ông mong muốn được thiêu xác sau khi chết và tro hài cốt đựng trong những bình nhỏ mang để ở các ngôi chùa trên cả đất nước. Tuy nhiên, có bằng những là những người thừa kế ông đã bí mật thay đổi bản di chúc. Cuối cùng, sự sùng bái người cha của dân tộc bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào họ.
Chính sách đối ngoại nhìn từ viễn cảnh khác nhau
Nhưng, nhờ những người kế nhiệm không thực hiện ý muốn trong bản di chúc nên Hồ Chí Minh vẫn là một yếu tố trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Và nó chiếm vị thế “cao nhất” trong những phương thức có thể trong các bối cảnh này. Trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam của tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000, lăng đã đóng cửa cho công việc bảo trì, và xác Hồ Chí Minh được mang qua Moscow - như dư luận nói – để không đặt nhà lãnh đạo Mỹ trước khi một quyết định khó khăn: vào lăng viếng hay không?
Nhưng cuộc viếng lăng Hồ Chí Minh lại xảy ra với Douglas "Pete" Peterson, một cựu chiến binh trên tuyến đầu trong cuộc chiến Việt Nam. Ông đã ngồi tù 6 năm tại Việt Nam, từng bị tra tấn. Ông bị bắt giữ vào năm 1966 khi máy bay của ông bị bắn rơi và rớt xuống một làng thôn.
Peterson trở lại Việt Nam sau ba mươi năm trong vai trò hoàn toàn mới - Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên sau kết thúc chiến tranh Việt Nam. Do đó có thể không đáng ngạc nhiên, là trong việc mở ra một chương mới của quan hệ hai nước, người ta bàn tán đại diện của Mỹ sẽ có thái độ thế nào với một kẻ thù chính trị của mình trước đây. Viếng thăm hay không? Ông đã viếng lăng Hồ Chí Minh. Vì như chính ông thừa nhận rằng, bằng cách nào đó, có thể ở đây là trả món nợ với Hồ Chí Minh, người đã ra lệnh không được giết chết lính Mỹ bị bắt mà giao lại cho chính quyền.
Bởi vì tổ tiên sống cùng với chúng ta
Tiếp tục sùng bái Hồ, một con người mà lịch sử chưa đánh giá rõ ràng, thật đáng kinh ngạc rằng, sự sùng bái này vẫn tồn tại, mặc dù hiện tại dân chúng có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tiếp cận với thông tin và truy cập Internet - dù có một số hạn chế nào đó. Sự sùng bái cũng không ngăn cản sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và mong muốn làm giàu phổ biến.
Cũng nên nhớ rằng, ở đây không phải là sự sùng bái cá nhân bình thường, đặc thù trong các chế độ phi dân chủ. Hiện tượng này mang bối cảnh Việt Nam, nơi con người có lòng tin vào những loại hình mê tín khác nhau và cho thấy từ đó niềm tin về tầm quan trọng lớn lao của tổ tiên trong nhịp điệu của cuộc sống hàng ngày.
Ở Việt Nam dân chúng có tâm lý là những người chết có thể ảnh hưởng đến sự thành công của mọi thứ dưới trần gian. Vì vậy, rất quan trọng với họ là phải có sự "gần gũi" – thường xuyên cúng bái để bày tỏ lòng tôn kính với người đã chết, trong tâm tưởng cũng như trong lời cầu nguyện. Sự thành công của Việt Nam trong hai thập niên qua, đã dần dần tăng lên. Tuy nhiên, nhiều hơn bất cứ điều gì khác, là nhờ công việc cực nhọc mà họ phải làm từ sáng sớm đến tối muộn.
Ngày 12 tháng 1 năm 2012
Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức 2012 - RFA Blog
-----------------------------------------------------------------
(*): http://swiat.newsweek.pl/ho-chi-minh---ojciec-wspolczesnego-wietnamu,87087,1,1.html
Bài bình luận
Phi công Peterson bị rơi ở hồ Trúc bạch
Peterson bị rơi ở Hồ Trúc bạch?
Chau kha1 ngoan cua bac Ho
chủ nghĩa cs coi dân như vật hy sinh,để lãnh tụ được tung hô
hoangducduyskv@gmail.com
Lê Diễn Đức trả lời "hoangducduyskv" về tấmhình HCM