Từ ngàn xưa ông cha ta đã khá khắc khe với giới ca kỹ đến nỗi cụm từ “xướng ca vô loài” nghiễm nhiên trở thành thước đo đạo đức cho một nghề nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ Việt Nam từ nhiều thập niên qua.
Nếu người ca sĩ thời hiện đại nổi tiếng với giọng ca trời cho và chịu sống bình thường như mọi công dân khác trong xã hội thì có lẽ cụm từ “xướng ca vô loài” sẽ dần mai một. Nhưng hình như cái cốt, cái hồn của cụm từ này từ ngàn xưa đã như một lời nguyền không chịu buông tha cho giới ca hát. Những phát ngôn nhố nhăng, rẻ tiền và vô văn hóa của không ít ca nhạc sĩ đã làm dư luận sững sờ. Những scandal gây chú ý đã và đang góp phần làm cho khán thính giả theo dõi các show trong tâm trạng vừa háo hức, vừa khinh bỉ lại vừa tiếc rẻ cho bản thân người ca, nhạc sĩ được họ yêu thích nhất.
Câu chuyện về “xướng ca vô loài” đã bắt đầu từ lâu lắm. Tại Việt Nam ngay dưới thời phong kiến, xướng ca vô loài được định nghĩa theo một cái nhìn khác hơn ngày nay bởi sự thay đổi vai diễn của người nghệ sĩ. Theo Toan Ánh thì “vô loài” liên quan tới quan niệm “vô luân” của người xưa như sau:
"Xã hội ta xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con... Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn." (Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí, 1969, tr. 429).
Người xưa nhìn sân khấu dưới nhãn quan đạo đức của thời họ sống khó thể nói là khắc khe hay không. Giá trị đạo đức thời phong kiến có thể không phù hợp với cung cách sống hiện đại nhưng cái gốc lõi của vấn đề là sự nhìn thấy mầm mống mục ruỗng từ những điều khó thấy nhất.
Không thể đánh đồng việc trình diễn, ca hát là hành động thiểu năng đạo đức mà phải nhìn chúng ở một góc sáng hơn trong đó rất nhiều bài học luân lý được đưa lên sâu khấu góp phần tạo lập trật tự đạo đức xã hội qua nhiều thời kỳ.
Tiếc thay, đôi khi sân khấu cũng là nơi giúp cho cụm từ “xướng ca vô loài” sống lại nếu nội dung của buổi diễn hoàn toàn đi ngược với sự thật mà nó muốn chuyển tải. Thí dụ này lộ rõ trong buổi trình diễn trên cầu truyền hình giao lưu Việt-Trung mang tiêu đề “Láng giềng gần” diễn ra vào tối ngày Thứ Tư 14/12.
Báo chí đưa tin “Cầu truyền hình trực tiếp Giao lưu Việt – Trung: Láng giềng gần” giữa hai điểm cầu Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và trường quay của Đài Truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) đã diễn ra lúc 20 giờ ngày 14-12. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 và VTV6 và Đài Truyền hình Quảng Tây.
“Láng giềng gần” bị chỉ trích vì nhiều lẽ, trong đó có việc hai đối tác không ngang tầm với nhau do đó Việt Nam bị xem ngang hàng với một tỉnh của Trung Quốc.
Việc thứ hai làm người ta giận dữ trong khi phía Việt Nam cười vui trên sân khấu ca tụng tình hữu nghị thắm thiết thì Hoàn Cầu Thời báo, một cơ quan ngôn luận bán chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc lại đòi đập cho Việt nam và các nước tại Biển Đông vỡ mặt để chứng tỏ sức mạnh Trung Quốc.
Bài viết của thiếu tướng La Viện, một nhân vật cao cấp đương nhiệm không thể xem là dư luận của những người không chính thức trong hệ thống cầm quyền Trung Quốc. Từ mấu chốt này, đáng lẽ Việt Nam phải thức tỉnh, hoặc nếu đã tỉnh rồi thì phải trung thực với dân, đừng tiếp tục mụ mị họ qua chương trình vô duyên và thiếu đạo đức như “Láng giềng gần”.
Trở lại với “xướng ca vô loài”, “Láng giềng gần” có phải là một chương trình điển hình cho cụm từ này hay không?
Người quan tâm có thể đi xa hơn trong các điển tích Trung Quốc để tìm chút manh mối. Xin trích lại nguyên văn của tác giả Thu Thủy về nguồn gốc của “xướng ca vô loài” như sau:
“Theo sử cổ của Trung-Hoa thì Nhà Thương (1766-1402 trước Công-Nguyên) về sau đổi thành Nhà Ân (1401-1123 trước Công-Nguyên) với vị vua cuối cùng là Trụ-Vương bị một bộ-tộc khác là nhà Châu, một nước chư-hầu, lật-đổ sau 643 năm trị-vì thiên-hạ. Dĩ nhiên, con dân Nhà Thương (Ân) phải ôm một mối hận nhà tan, và mối nhục mất nước, trong khi đó thì nhóm đàn bà con gái trong làng ca nhi của Nhà Thương, vì miếng ăn, manh áo, cùng nhau tụ-tập ở các tửu-điếm bên sông Tần-Hoài, dùng lời ca, tiếng hát của mình để phục-vụ cho quan-quân và người của chế-độ mới, tức là người của bộ-tộc Nhà Châu mà quên đi nổi nhục mất nước, nhà tan của mình. Làng ca-nhi nầy của Nhà Thương đã làm ô-nhục cho đất nước họ, một mối nhục muôn đời không gội rửa được, có lẽ vì thế mà người của Nhà Thương đã loại bỏ loại người hành-nghề xướng ca nầy ra ngoài lề xã-hội sinh-hoạt của họ. Việc làm ô-nhục của giới ca-nhi nầy đã bị người đời mỉa-mai, khinh-bỉ. Gần 2 ngàn năm sau, đến đời Nhà Đường (618-907 sau Công-Nguyên), ông Đỗ-Mục, một thi-sĩ tài-danh cùng thời với Lý-Thương-Ẩn (?), đã phải viết lên bài thơ Bạc Tần-Hoài, được Lệ-Thần Trần-Trọng Kim dịch như sau:
Khói lồng nước bóng trăng lồng cát
Bến Tần-Hoài thuyền sát tữu-gia
Gái ca đâu nghĩ nước nhà
Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu-đình
2 câu nguyên văn của bài thơ trên luôn được người đời nhắc-nhở như sau:
Thương-nữ bất tri vong-quốc hận
Cách-giang do xướng Hậu-Đình-Hoa
Hậu-quả việc làm của nhóm Thương-nữ xướng-ca như đã nói trên đã khiến cho người đời khinh-bỉ và không liệt họ vào bất cứ một loại ngành-nghề nào trong xã-hội, có lẽ vì thế nên mới có câu:”Xướng ca vô loại”, không chỉ ở bên Tàu mà ngay cả ở Việt-Nam. Mãi cho đến đầu hậu bán thế kỹ thứ 20, nghề-nghiệp nầy mới bắt đầu chập-chững có chổ đứng trong xã-hội Việt-Nam, nhưng cũng còn phải chịu rất nhiều khó-khăn.
Nhà Thương bị mất nước, ca-nhi Nhà Thương đi hát để phục-vụ cho kẻ cướp nước là Nhà Châu nên bị người đời nguyền-rủa và tạo nên thành-kiến là Xướng ca vô loại, mãi cho đến ngày nay đã hơn 3 ngàn năm mà bia miệng vẫn còn...”
Việt Nam tuy chưa chính thức mất như câu chuyện của Nhà Thương nhưng thế đứng mấp mé bên bờ vực sẽ mất vào tay Trung Quốc không thể không nhìn thấy. Nếu kết án các thành viên trong buổi diễn như Thanh Lam, Tùng Dương, Lê Anh Dũng, nhóm Năm Dòng Kẻ cùng với hai MC nổi tiếng Diễm Quỳnh, Hữu Bằng đáng được xem là những nghệ sĩ thiểu năng trí tuệ điển hình cho xướng ca vô loài cũng không quá đáng. Tuy nhiên xét về mặt tổ chức và đưa chương trình này lên trong vị trí trang trọng của một kênh truyền hình quốc gia thì những kẻ đề nghị lẫn xét duyệt quả là vừa thiểu năng trí tuệ vừa vô loại đối với chủ quyền đất nước.
“Xướng ca vô loài” trong ngữ cảnh này trở thành nhỏ bé và đáng được tha thứ. Vô loại trong ứng xử trước manh tâm xâm lược mới quan trọng và đáng được báo động hơn. Thời nào cũng có Lê Chiêu Thống, nhưng nhiều và trơ tráo như hiện nay thì câu hỏi gây sốc nhất là: “Có phải do tiền nhân không tích tụ đạo đức đầy đủ cho con cháu hay chăng?”
Gây sốc nhưng vẫn chưa đủ mạnh để đánh động dư luận, nhất là những ai đang vỗ tay cho cái chương trình vô loại này.
Bài bình luận
Xướng ca vô loại đôi khi cũng...
Saigonnais