Họ là công an, là băng đỏ là dân phòng, là lực lượng nổi bật hiện nay trong mắt công dân thường lẫn công dân mạng. Họ được chính quyền ưu ái, được nhận huân chương, được xem là con mắt của đảng.
Nhưng rất nhiều người không biết phải gọi họ là gì!
Người ta có cảm giác rằng xã hội này không còn thuộc về người dân nữa mà nó nằm hoàn toàn trong tay của những kẻ có sức mạnh, cái sức mạnh được giao cho họ bảo vệ người dân nay thì quay ngược lại để bảo vệ chế độ. Bảo vệ chế độ cũng có thể hiểu là bảo vệ nhà nước, chính phủ nhưng chế độ ấy nếu có những manh động bất chính thì không còn một đối trọng nào có thể đứng ra cảnh báo, kềm giữ và chuyện độc tài đương nhiên xuất hiện.
Chưa bao giờ công an lại lộng hành như hiện nay. Những vụ bắt bớ cứ dồn dập hẳn lên và người dân thì không biết dựa vào ai để nói lên hàm oan của họ.
Từ vài tháng nay dư luận cứ ngày một nóng lên qua các vụ bắt cóc các thanh niên công giáo thuộc giáo phận Vinh. Hiện tượng những người bị công an bắt một cách lén lút khiến người dân cứ nghĩ rằng họ đang sống trong một xã hội mafia. Luật của kẻ mạnh đang hoành hành và người thế cô đang là nạn nhân rõ ràng không thể chối cãi.
Không một nhà nước pháp quyền nào trên thế giới này lại bắt công dân của mình một cách lén lút và bất chính như vậy. Toà án không biết, Viện kiểm sát không biết, gia đình nạn nhân không biết và chỉ có một cơ quan duy nhất biết, đó là công an. Công an không ngần ngại bắt giữ hàng chục người trong một lúc. Không công khai về việc phạm tội của nghi can. Không thông báo tình hình họ bị giam giữ và im lặng trước mọi cáo buộc của dư luận. Công an Việt Nam ngày nay không khác mấy với mật vụ KGB của thời Sô Viết, toàn quyền bắt bớ bỏ tù bất cứ ai mà nó thấy rằng không thích hợp với chế độ. Không thích hợp chứ không cần thiết là phản chế độ.
Sự không thích hợp ở đây bao gồm công dân dám công bố những bài viết khó nghe, hay lên tiếng ủng hộ một người bạn, một nhóm người đang có hành động chống lại sự trì trệ của chính quyền. Sự không thích hợp tăng cao khi công dân cố ý làm trái những gì mà công an không muốn họ làm.
Bất kể những quan ngại của dư luận, công an ngang nhiên bắt người và không buồn giải thích. Sự im lặng khó hiểu của các thẩm quyền cao nhất trước hành vi bất hợp pháp của công an đang là động lực thúc đẩy ngày một nhiều hơn các hành vi vô pháp luật của bộ phận có nhiệm vụ thực hành pháp luật. Người dân thấy gì qua các vụ lén lút bắt giữ này?
Trước nhất hãy nói đến giới trí thức, mặc dù giới này hình như đang rất bận bịu với những đối sách hết sức thực tiễn: kinh tế gia đình. Hai chữ kinh tế chừng như có khả năng tê liệt hoá tất cả mọi sinh hoạt bằng trí não và đồng tiền đang tỏ rõ sức mạnh của nó trên từng vuông đất của điều mà người ta thường gọi một cách trân trọng qua hai từ “trí thức”.
Hà Nội có vài trí thức dám lên tiếng. Sài Gòn có vài người. Cả nước cộng lại chưa tới trăm người trên hơn 85 triệu dân. Có ít quá không?
Trí thức là đối trọng duy nhất còn lại trong xã hội nhưng đã bị tối thiểu hoá. Trí thức không lên tiếng một cách mạnh mẽ để đánh động guồng máy nhà nước vốn đang chìm ngập trong một mớ bòng bong kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó chính quyền vẫn đang mãi mê tìm cho ra lối thoát cho bài toán Biển Đông không hy vọng gì giải quyết trong vòng 20 năm tới. Báo chí không được phép nói tới các vụ bắt người vì đây là vấn đề nhạy cảm. Tư pháp lại càng không biết tới, hay làm bộ không biết vì sự thoả hiệp quá lộ liễu với công an kể từ khi Hiến pháp mới thành lập chứ không phải bây giờ mới có. Trí thức bó tay và cuối cùng cam lòng nhắm mắt, bịt tai xem như thời nay không phải là thời của mình.
Một số ít, rất ít cả gan lên tiếng cũng là chuyện may mắn hiếm hoi. Báo chí không đăng thì họ viết blog. Blog bị hacker thì tạo một blog khác…. nhờ vào cái số ít đến ngạc nhiên này mà người ta biết mọi việc làm của công an, dù có bí mật tới đâu thì hành vi ngoài vòng pháp luật của họ cũng bị vạch trần, lên tiếng.
Công an biết là họ khó giữ bí mật, nhưng thôi thúc bắt người như một khao khát oan khiên khiến họ vượt qua ranh giới pháp luật. Chóp bu ra lệnh một, họ thừa hành mười. Tất cả mọi cánh cửa đều đóng trước mặt của nạn nhân và thế là đám khuyển ưng thời đại hả hê, thoả mãn.
Có thể trong những căng tin của công an phường, công an thành phố những câu chuyện bắt người của họ sẽ được kể cho nhau nghe trong lúc trà dư tửu hậu. Có thể trong một bàn tiệc chiêu đãi nào đó họ sẽ hé ra một vài chi tiết mà người ngoài không biết về điều mà họ tự hào là đã triệt tiêu một khuôn mặt, một nhân vật hay một phần tử mà họ ghét. “Ghét”, thế thôi. Ghét trước đã và tội sẽ đến sau.
Hiến pháp này không hiếm những điều luật vu vơ sẵn sàng ghi tên nạn nhân vào một nhà tù không ngày trở ra với cuộc sống bên ngoài. Chính sự thù ghét công dân của cán bộ cấp dưới cộng với tính cao ngạo, đam mê quyền lực tuyệt đối của cấp trên đã làm nên bi kịch cho rất nhiều gia đình. Những chiếc mũ với nhiều tên gọi được chụp lên đầu người bị bắt có khả năng bịt mọi tiếng nói bất kể ai, bất kể chính phủ nào nếu muốn can thiệp cho thân phận bé mọn của nạn nhân.
Trường hợp mới nhất nhưng không phải là cuối cùng được trang blog của TS Nguyễn Xuân Diện loan tải như một lời kêu cứu. Khản giọng và lạc loài như giữa sa mạc, sa mạc mang một cái tên rất đẹp đẽ: Thăng Long!
“Thưa chư vị,
Sáng qua, Chủ nhật 16.10.2011, chị Bùi Thị Minh Hằng cùng bạn bè đi dạo Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Bất đồ bị lực lượng đeo băng đỏ, có sự yểm trợ của công an mặc quân phục đã xông vào khiêng chị lên xe chở đi đâu, đến giờ chưa ai biết. Được biết, chị còn bị cướp mất 01 chiếc lắc đeo tay.
Giang hồ đang đồn đại, đây là vụ trả thù của công an quận Hoàn Kiếm vì chị đã kiện Trưởng công an Hoàn Kiếm ra tòa. Hiện nay, chưa một ai biết họ đưa chị đi đâu và làm gì đối với chị (đánh đập, bắt lăn tay, cho uống thuốc độc, hay thủ tiêu....).
10h55 (17.10): Hiện tại chị Bùi Thị Minh Hằng đang bị giam tại Công An quận Hoàn Kiếm. Công an quận Hoàn Kiếm Địa chỉ: 2 Tràng Thi, Hoàn Kiếm Điện thoại : (84-4) 38 254 108 Trưởng CA Quận (3825 6227) - Phó CA Quận (3825 2754).
Tôi - Nguyễn Xuân Diện kêu gọi công an Hà Nội, công an quận Hoàn Kiếm nhanh chóng trả tự do cho chị Bùi Thị Minh Hằng.”
Ông Diện là người hiếm hoi còn lại giữa đám đông vô cảm đã gồng minh kêu cứu cho một người đàn bà bị cướp, bị bắt giữa thủ đô trong khi dân Hà Nội không ai buồn lên tiếng. Chị Minh Hằng có lẽ là nạn nhân may mắn nhất vì được ông Diện thay mặt gia đình đánh động dư luận. Còn hàng trăm người khác kém may mắn hơn chị đang chờ đợi ai, chờ đợi sức mạnh nào giải cứu cho họ đây?
Câu trả lời không khó nếu những người cầm quyền cao nhất nước có một lúc thinh lặng hỏi lại lòng mình: “tại sao tôi im lặng?”
Bài bình luận
Công An nhân dân là gì?
Trí thức