Song Chi.
Đọc báo thấy tin Nghệ sĩ Ngải Vị Vị bị cơ quan thuế vụ Trung Quốc cáo buộc tội “trốn thuế” và bắt đòi phải trả đến 15 triệu nhân dân tệ, tương đương 2,4 triệu đô la tiền thuế trong vòng 15 ngày. Nếu không trả được, ông có nguy cơ bị bỏ tù đến 7 năm. Trước đó nhà nghệ sĩ bất đồng chính kiến này đã từng bị bắt giam 81 ngày vì “mưu toan lật đổ nhà nước”, nhưng trước làn sóng phản đối, chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới, nhà nước Trung Quốc buộc phải thả ông ra. Nay thấy không yên tâm, nói như Ngải Vị Vị, họ lại tìm cách để “hạ gục” ông, bỏ tù ông.
Đọc xong, tôi buột miệng: Sao mà “họ” giống nhau đến thế! “Họ” đây là nhà cầm quyền TQ và nhà cầm quyền VN. Và hai nạn nhân bị họ trừng phạt với cái tội “trốn thuế” giống nhau này là nghệ sĩ Ngải Vị Vị của TQ, và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày của VN. Nhưng hình như đây là một trong số ít lần hiếm hoi nhà cầm quyền TQ “bắt chước” nhà cầm quyền VN, nếu có thể trào lộng như vậy, bởi vụ án Điếu Cày diễn ra trước! Còn lại trong hầu hết trường hợp, nhà nước VN luôn luôn là bản sao của nhà nước TQ!
Thật sự là kể không xuể những “sáng kiến, phát minh vĩ đại” trong đường lối lãnh đạo đất nước, lãnh đạo nhân dân của đảng và nhà nước cộng sản TQ mà đảng và nhà nước cộng sản VN đã coppy theo trong suốt bao nhiêu năm qua. Từ “cải cách ruộng đất”, đấu tố địa chủ, cải tạo tư sản mại bản, đàn áp tôn giáo…TQ làm cái gì thì VN làm cái đó, có khi còn có cả cố vấn TQ sang “kèm cặp” như thời cải cách ruộng đất. Khi TQ có phong trào “Bách hoa vận động” (Trăm hoa đua nở) thì VN cũng có phong trào Trăm hoa đua nở, hay phong trào Nhân văn-Giai phẩm v.v…
Thời đánh Mỹ, Liên Xô và TQ là hai quốc gia hỗ trợ lớn nhất cho đảng cộng sản VN và cả nhân dân miền Bắc, trong đó Liên Xô hỗ trợ chủ yếu phần vũ khí, TQ chủ yếu lo phần hậu cần- từ cây kim, phong lương khô cho tới trang phục bộ đội…Người lính Bắc Việt lúc đó phải nói là giống hệt lính TQ. Người dân miền Bắc cũng giống người TQ, từ kiểu tóc thắt bím đuôi sam một bên hay hai bên phổ biến của các cô gái thời bấy giờ cho đến kiểu áo đại cán 4 túi hay còn gọi là áo Tôn Trung Sơn của TQ rất được các lãnh đạo VN như ông Hồ Chí Minh, ông Tôn Đức Thắng, ông Phạm Văn Đồng v.v…ưa thích…
Đến khi TQ “đổi mới”, VN cũng học theo y chang, chỉ có điều đi sau khoảng…10 năm. Sau khi “đổi mới”, nền kinh tế hai nước tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất của người dân nhìn chung khá hơn thời bao cấp, nhất là TQ, nhưng những mặt khác thì không thấy cải thiện gì. Cả hai quốc gia đều có thành tích tệ hại trên bảng sắp hạng của các tổ chức thế giới về nhân quyền, đàn áp tôn giáo, nạn tham nhũng, về tình trạng không có tự do ngôn luận, tự do báo chí…, đều bị xếp hạng là “kẻ thù của internet”, là những nhà tù lớn cho những người bất đồng chính kiến và các blogger …
Cách thức đối xử với nhân dân của nhà cầm quyền hai nước cũng giống nhau. Nói cho đúng, chế độ độc tài nào mà chẳng “cai trị” dân bằng các vũ khí như chính sách ngu dân hóa-bưng bít thông tin, tuyên truyền một chiều, “nhồi sọ”, bóp méo sự thật v..v… kết hợp với bạo lực và sự sợ hãi. Nhưng tôi không biết các quốc gia độc tài khác có sử dụng những “chiêu” độc đáo giống hệt nhau, chẳng hạn như rất thường xuyên vu cho những người bất đồng chính kiến là “nhận tiền của các thế lực thù địch bên ngoài” như nhà nước TQ vu cho nhà văn Lưu Hiểu Ba, (Đọc bài “Who is Liu Xaobo?” trên trang Xinhuanet.com, của Xinhua News Agency, cơ quan thống tấn chính thức của TQ), còn ở VN, rất nhiều người dân yêu nước cho tới những người bất đồng chính kiến đã từng bị gán ghép cho cái “tội” này! Ngay như đi biểu tình phản đối TQ chỉ vì lòng yêu nước, thì cũng là do…được “các thế lực thù địch” cho tiền!
Hoặc sử dụng những tội danh hết sức phi lý như tội “trốn thuế” để bắt bỏ tù/âm mưu bắt bỏ tù một blogger hay một nghệ sĩ bất đồng chính kiến!
Cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất là sự kết hợp của chủ nghĩa tư bản thời hoang dã, mông muội trên nền tảng của một xã hội phong kiến nông nghiệp lạc hậu, lâu đời còn sót lại cộng thêm một mô hình thể chế chính trị độc tài ở cả hai quốc gia này, phải nói là rất đặc trưng so với các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu trước kia hay các nước độc tài khác, với một cái phông văn hóa, xã hội khác. Phải chăng vì vậy mà cả hai xã hội đều đang phải đối mặt với những hệ quả tương tự, trong đó đáng nói nhất là sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự lệch lạc về mặt nhân tính của con người đặc biệt là căn bệnh vô cảm. Vô cảm trước những vấn đề có tính lớn lao như chuyện chính trị và tương lai, vận mệnh đất nước cho đến tính mạng của người khác.
Nhà nước VN hay nhà nước TQ rất hay tuyên truyền về cái xấu xa của chủ nghĩa tư bản/ các nước tư bản, và con người sống trong các xã hội đó. Và cho rằng xã hội tư bản làm cho con người trở nên vô cảm đối với đồng loại. Tôi không biết xã hội Mỹ, Anh, Úc, Đức … như thế nào, nhưng ở TQ hay VN thì những câu chuyện về sự vô cảm của con người được báo chí hai nước thường xuyên đăng tải khiến cho người ta phải rùng mình ghê sợ, thậm chí không thể hiểu nổi.
Nếu TQ có câu chuyện kinh khủng về cái chết của cô bé Duyệt Duyệt (Yueyue) hai lần bị hai chiếc xe tải cán ngang qua người ở thành phố Phật Sơn (Foshan) tỉnh Quảng Ðông ngày 13 tháng 10, 2011, sau đó bị bỏ mặc trong sự thờ ơ, vô cảm của người qua đường. Thì những câu chuyện xảy ra ở VN cũng không kém về mức độ. Như vụ một người phụ nữ VN ở Ban Mê Thuột, đi nhặt hạt cà phê rụng bị đàn chó của ông chủ trang trại cà phê tấn công ngày 21 tháng 1, 2010, nhưng tay quản lý khi nghe tiếng thét kêu cứu của ba người - người phụ nữ đang lâm nguy và hai cô gái nhanh chân leo được lên cây cao, cứ mặc kệ. Ðến khi ông ta quay lại thì đàn chó đã xé xác người phụ nữ tơi tả.
Nếu TQ có câu chuyện một tài xế xe tải cán qua một cậu bé 5 tuổi, sau đó-theo một số người-đã lùi lại cán tiếp cho chết vào ngày 21.10 tại tỉnh Tứ Xuyên, thì chỉ cần đọc bài báo “Sự thật khi lái xe cố tình cán chết người” trên báo VNExpress ngày 26 tháng 3, 2010 hoặc vào google, search tìm những thông tin đại loại như tài xế cố tình lùi lại cán chết nạn nhân chẳng hạn, sẽ ra hàng loạt kết quả. Trong đó có những vụ khiến dư luận vô cùng phẫn nộ như vụ tài xế Ðặng Hữu Anh Tuấn, vào tối 14 tháng 5, 2008, va chạm làm một cô gái trẻ đi xe đạp bị ngã vào trục sau của bánh xe. Mặc cho cô gái vùng vẫy kêu cứu, mặc cho người đi đường ngăn cản, tài xế vẫn cho chiếc container cán liên tiếp 3 lần qua người nạn nhân. Hay vụ tài xế, kỹ sư Ngô Minh Trí vượt đèn đỏ, tông vào xe gắn máy chở hai trong đó có em Thắng ngày 18 tháng 9, 2010, khiến cả hai ngã xuống nhưng chưa bị gì. Nhưng sau đó Trí lại cho xe hơi lao tới, cán qua người Thắng khiến em tử vong sau đó... Vụ việc đã gây xôn xao dư luận khi gia đình nạn nhân lên tiếng đòi công bằng cho em Thắng.
Mới đây, cộng đồng Việt trên mạng facebook lại bừng bừng phẫn nộ khi một kẻ có nickname “Kẹo mút chơi bời” vào ngày 1 tháng 11, 2011 khi ngồi sau một chiếc xe gắn máy tông vào một người lớn tuổi khiến nạn nhân chết sau đó tại bệnh viện, lại còn lên facebook “khoe thành tích” với những lời lẽ hết sức phản cảm!
Còn trong bài “10 tội ác rùng mình của sự vô cảm” (Việt Báo, ngày 23.10.2011) là những hình ảnh, thông tin về những câu chuyện vô cảm, tàn nhẫn đến mức không thể tin nổi đang xảy ra trong xã hội TQ!
Ở những quốc gia “tư bản giẫy chết” như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật…những câu chuyện như thế này có thường xảy ra không?
Tôi không biết nhưng tại Na Uy, tôi ngờ rằng rất hiếm hoi.
Nhân tiện nói đến Na Uy, cũng xin nói luôn đến các nước Bắc Âu khác như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland. Các quốc gia này giống nhau về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển-từ khí hậu, địa lý, môi trường, cùng nằm chung trong một khu vực văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ Scandinavia, cùng có một mô hình thể chế chính trị quân chủ lập hiến. Và cả 3 đều là những nước phát triển, giàu có, thịnh vượng, luôn luôn được xếp hạng cao về thành tích nhân quyền, về Chỉ số Tự do Dân chủ, Tự do báo chí, Chỉ số Phát triển Con người, về chất lượng cuộc sống v.v…Có thể nói các nước láng giềng này, kể cả Phần Lan, Iceland đã học tập lẫn nhau rất tốt.
Trong những quốc gia như vậy, khó có thể tin rằng cái xấu, cái ác, sự không tử tế hay bệnh vô cảm có đất để phát triển tràn lan được.
Như vậy, yếu tố quyết định chính là việc phải chọn lựa một mô hình thể chế chính trị xã hội đúng đắn. Khi đã đi sau thiên hạ, thì càng phải nhìn xem mô hình nào khả dĩ tốt đẹp, phù hợp nhất với đất nước/dân tộc mình để mà học tập!
Bài bình luận
Cô Song Chi viet rat chính
Huế gởi Song Chi
không có chuyện TQ bắt chước VN đâu.