Lê Diễn Đức
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hiên ngang trong phiên toà ngày 4/4/2011 tại Hà Nội
Vào ngày 2 tháng 8 năm 2011 anh Cù Huy Hà Vũ lại ra toà.
Không thấy báo chí chính thức thông báo, nhưng xử sơ thẩm công khai thì chắc rằng xử phúc thẩm cũng sẽ công khai. Mặt khác, Thư ký của Toà án, ông Nguyễn Hải Bằng, đã cho luật sư Dương Hà, vợ của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ biết qua điện thoại rằng “đương nhiên phiên toà xử công khai” (thông tin này tôi nhận trực tiếp từ chị Dương Hà).
Gia đình cũng đã thông báo cho công luận biết đề nghị được phát sóng truyền hình và truyền thanh trực tiếp tiến trình xét xử. Tuy nhiên, quả bóng nằm ở chân của nhà chức trách.
Phiên toà sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ 30 phút, sáng thứ Ba, ngày 02/8/2011, tại số 48, đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Chúng ta nhớ lại phiên toà sơ thẩm trong ngày 4/4/2011. Hôm ấy, Hội đồng Xét xử đã cuống quýt kết thúc phiên toà nhanh bất ngờ, bằng một bản án nặng nề, mà lẽ ra tiến trình tranh tụng của vụ án phải kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng, vì tính chất phức tạp của nó và cần nhiều nhân chứng.
Nhưng vì sao lại như thế?
Ngay sau phiên toà, lão tướng Quân đội Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh đã cắt nghĩa: “Dư luận họ cho rằng, không phải ông Chánh án phiên tòa xử, mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xử đấy!”.
Tôi không tin trong một bối cảnh như thế, phiên toà phúc thẩm sẽ có ý nghĩa tích cực nào đó nếu đặt dưới góc độ giảm nhẹ mức án. Đòn thù chắc vẫn sẽ giáng lên đầu người trí thức can đảm, dám đối mặt với tập đoàn quyền lực.
Tiếng gọi của lương tâm và sự thách thức
Nhưng tôi vẫn hy vọng!
Hơn bao giờ hết, trong những ngày ít ỏi còn lại, chúng ta cần phải lên tiếng mạnh mẽ, đứng về phía Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bỏ qua những cảm tính thích hoặc không thích anh về cá tính nào đó.
Vấn đề không phải chỉ để ủng hộ một công dân, một trí thức yêu nước bảo vệ quyền hiến định của mình là được biện hộ đầy đủ trước các cáo buộc của nhà nước, mà chúng ta còn tỏ thái đòi hỏi chính quyền đừng nói quá nhiều những lời hoa mỹ về chế độ nữa, mà hãy chứng minh mình như thế nào.
Chúng ta nắm tay nhau xuống đường đòi hỏi nhà nước nếu có bản lĩnh hãy là một tay chơi sòng phẳng, đàng hoàng trong cuộc chơi, chứ không ỷ thế, cho mình quyền sinh sát, muốn quyết định số phận của công dân bị trị thế nào cũng được.
Nhà nước hãy để cho các nhà báo trong và ngoài nước, cùng với dân chúng tự do đến chứng kiến phiên toà, ngưng ngay việc chỉ định có lựa chọn người tham dự, bởi vì như vậy là thiếu trong sáng!
Hãy để nhân dân công khai nghe và nhìn những lý lẽ đúng, sai từ sự mổ xẻ, tranh cãi, giữa một bên là đại diện của nhà nước và bên khác là các luật sư bào chữa và bị cáo!
Hãy để nhân dân đưa ra nhận định cuối cùng về mức độ vô tư, công minh, chính trực và nhân đạo từ phiên toà của một nhà nước được gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”!
Tôi đặt câu hỏi: Mặc dù có tất cả mọi thứ trấn áp trong tay, từ quân đội, công an, đến nhà tù và cả một đội ngũ cán bộ chuyên môn của ngành tư pháp, tại sao nhà nước lại phải sợ sự thách thức nêu trên?
Trong thực tế, nếu tất cả minh bạch, nhà nước sẽ hưởng lợi về mặt uy tín. Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, không còn phải lúng túng ứng phó khi bị chất vấn, hoặc bị cáo buộc giả dối, mà có thể hùng hồn phủ nhận khi ai đó cho rằng phiên toà vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc dân chủ, như trước đó.
Còn chúng ta, nếu không tận dụng cơ hội, không cố gắng thu xếp việc riêng xuống đường đông đảo tới dự phiên toà giống như trong ngày 4/4/2011, để mặc anh Cù Huy Hà Vũ đơn độc, chúng ta sẽ vô tình chấp nhận sự tiếp diễn vấn nạn vi phạm pháp luật và vi hiến của những người cầm cán cân công lý.
Thờ ơ và thiếu trách nhiệm công dân đối với phiên toà xử anh Cù Huy Hà Vũ, mặc nhiên chúng ta hèn nhát chấp nhận sự chà đạp lên đạo lý và hiện tượng bạo lực thường xuyên trong ngành công an; chấp nhận tình trạng công an ngang nhiên đánh đập, bắn trọng thương hoặc làm thiệt mạng dân thường, trong khi nạn nhân không được bồi thường đúng mức, kẻ phạm tội thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật hoặc chỉ bị xử phạt rất nhẹ.
Vụ giáo dân Đồng Chiêm (Hà Nội) bị đàn áp thô bạo tháng 1/2010; vụ em Lê Xuân Dũng 12 tuổi, bị bắn chết ở Thanh Hoá tháng 5/2010, vụ em Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi bị đánh chết tại đồn ở Bắc Giang, tháng 7/2010; vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh gãy cổ tại đồn công an và chết sau đó, tháng 2/2011; vụ đại uý Minh đạp thẳng vào mặt dân trong cuộc biểu tình yêu nước tại Hà Nội, tháng 7/2011; vụ anh Điếu Cày mãn hạn tù nhưng lại bị đưa đi giam giữ tiếp, bặt âm vô tín 9 tháng nay, gia đình không hề được thông báo gì về tình trạng pháp lý và sức khoẻ, trong khi công an dửng dưng thông báo bị “mất tay”, v.v… - chỉ là số ít trong vô số các ví dụ nhãn tiền, đồng thời cũng là tiếng thét đau nhói con tim của người dân thấp cổ, bé miệng – lẽ nào không cảnh tỉnh lương tâm của chúng ta? Sự bất hạnh có thể rơi vào bất cứ ai, bất cứ lúc nào!
"Cú đạp thẳng vào mặt nhân dân" - (Hoàng Hưng), Hà Nội ngày 24/7/2011
Tính từ ngày 4/4/2011, khi anh Cù Huy Hà Vũ nhận bản án 7 năm tù và 3 năm quản chế, tới phiên toà phúc thẩm ngày 2/8/2011, gần trọn 4 tháng.
Thời gian 4 tháng, theo tôi, quá đủ cho sự suy tính điều hay, lẽ phải, tình người uống nước nhớ nguồn của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, hay chí ít của ông Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là đạo diễn phiên toà sơ thẩm.
Bốn tháng là quá dài để lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam:
- Nên hay không tiếp tục ngăn chặn, xua đuổi, trấn áp và bắt giam vô cớ dân chúng đến tham dự phiên toà được xử công khai?
- Với các cuộc xuống đường ngày 4/4/2011 vì Cù Huy Hà Vũ, và 8 cuộc biểu tình yêu nước liên tiếp từ ngày 5/6 đến 24/7/2011, đã đủ hay chưa cho chính quyền nhìn nhận sự thật: càng đàn áp bằng bạo lực, càng gây thêm phẫn nộ, càng lôi kéo đông thêm dân chúng đoàn kết, bảo bọc nhau?
- Nên hay không tiếp tục lấy “sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ” (Giáo sư Ngô Bảo Châu), không dám cho công luận biết thực hư ra sao về cái gọi là “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?
Bốn tháng là quá nhiều với lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam:
- Để có thể làm dư luận hết cay độc trích dẫn những phát biểu của các nhân vật từ phía chính quyền khi nói về ngành tư pháp Việt Nam. Như, nhà nước này “có cả một rừng luật, nhưng xử lại theo luật rừng” (luật sư Ngô Bá Thành); hay “ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được” (Trịnh Hồng Dương, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 1997-2002).
- Để có thể làm công luận bỏ qua câu chuyện bi hài và nhơ nhuốc của một vụ án được tạo cớ bắt giữ vụng về, thấp kém bằng “hai bao cao su đã qua sử dụng” tại khách sạn Mạch Lâm đêm ngày 5/11/2010, để rồi quên đi rất nhanh và sau đó cáo buộc Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ bằng một tội danh hoàn toàn chính trị.
- Để có thể không tái diễn nữa một phiên toà “nửa công khai, nửa bí mật, (…) từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ” (Giáo sư Ngô Bảo Châu).
- Để có thể không dẫm lên lối mòn xấu hổ, làm thất vọng người Việt trong, ngoài nước và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, đến mức những người trí thức hiền hoà, nhẫn nhịn cũng phải lên tiếng chỉ trích quyết liệt:
* “Đó là một phiên tòa lưu manh, ô nhục” - Nhà giáo Phạm Toàn.
* “Đã có quá nhiều lời chê trách, bực bội, thậm chí chửi bới đốp chát về một phiên tòa gọi bằng công khai mà chẳng ra công khai, gọi bằng dân chủ mà chẳng ra dân chủ, được trình diễn ngay giữa một Thủ đô bắt buộc phải có cách ứng xử văn hóa thế mà rõ là thiếu văn hóa thậm tệ” - Giáo sư Nguyện Huệ Chi.
* “Một phiên tòa làm mất thể diện quốc gia” - Thầy giáo Đỗ Việt Khoa.
* “Hôm nay nghe các đài tôi thấy báo chí, bản tin điện tử của rất nhiều nước chỉ trích Việt Nam ta mạnh quá! Tôi buồn quá và cảm thấy xấu hổ!” - Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
* “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này” - Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Lời kết
Năm 1968, ca ngợi Võ Thị Thắng, biệt động quân Sài Gòn, nhà thơ Giang Nam đã gọi các vị quan toà của chính quyền Sài Gòn là “một lũ quan toà mặt ngựa, đầu trâu”.
Tôi mong rằng những người chủ trì phiên toà phúc thẩm trong ngày 2/8/2011 sẽ không để dư luận gắn cho những từ ngữ tệ hại hơn. Bởi vì những gì họ làm ở phiên toà sơ thẩm ngày 4/4/2011 đã xứng với cách mạt sát mà Giang Nam dành cho phe đối nghịch.
Tôi xin được gửi tới Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, chị Dương Hà, cùng cả gia đình lòng cảm phục và sự chia sẻ sâu sắc nhất:
“Tồ quốc và nhân dân sẽ xoá án cho tôi!”
Tiếng thét của anh là niềm tin, sự thật!
Không thể dung thứ mãi hung quyền, bạo lực
Không thể để cái Ác lên ngôi tiếp tục hoành hành
Còn bất công là còn phải đấu tranh
Họng súng, nhà giam không thể mãi nhấn chìm công lý!
Nhân dân và toà án lương tri sẽ dựng thành, xây luỹ
Chặn đứng những bàn tay dã thú mặt người!
Hãy che chở anh, Đất Mẹ Việt Nam ơi! ■
© Lê Diễn Đức – RFA Blog
----------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích: Các phát biểu của các nhân vật trong bài đã được trích từ các trang điện tử của Bauxite Việt Nam, RFA, RFI, VOA, Dân Luận, Đàn Chim Việt, v.v...
* Đây là Blog cá nhân của Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết thể hiện quan điểm độc lập của tác giả
Bài bình luận
3 Dũng đang ở đỉnh quyền lực
Bay to su quan tam den vu an Cu Huy Ha Vu
Thủ tướng.
Nhân sĩ trí thức đề nghị tham dự phiên toà CHHV
XUONG DUONG
Đòi thương hại cho ông Cù á?
Tinh cam Cong San doi voi
Tiểu nhân.
congdanhen
Nguyễn Tấn Dũng còn là thủ
Nguyen Tan Dung van chi la