Song Chi.
Chiều Thứ Sàu 22.7, khi tôi đang ngồi làm việc bên máy vi tính thì con gái gọi bảo: “Mẹ, có nổ bom ở trên Oslo”. Chưa ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Bom? Ở Oslo mà cũng có nổ bom à? Chuyện lạ”.
Và sau đó khi mở TV thì tôi biết chuyện gì vừa xảy ra.
Có lẽ đó cũng là tâm trạng của phần lớn người bản xứ và cả những người dân nhập cư đang sống trên đất Na Uy. Cảm giác đầu tiên: không tin vào chuyện đang xảy ra. Mà hình như thế giới khi hay tin cũng nghĩ thế. Ở đâu chứ Na Uy mà cũng có đánh bom khủng bố, lại là một vụ khủng bố kép thì thật không ngờ!
Nổ bom tại Oslo, Na Uy ngày 22.7.2011. Nguồn: voanews.com
Báo chí đưa tin, vụ nổ bom tại thủ đô Oslo làm hư hỏng nặng mấy tòa nhà trong đó có trụ sở văn phòng của Thủ tướng Jens Stoltenberg, làm 7 người chết và vài người bị thương nặng. Sau đó vài giờ một tay súng giả danh cảnh sát đã đột nhập vào trại hè thanh niên do Đảng Lao Động tổ chức trên đảo Utøya, cách 30 dặm về hướng Tây Bắc của Oslo, sả súng bắn hàng loạt vào các thanh thiếu niên đang dự trại hè ở đây làm 84 người chết. Thủ phạm bị bắt tại chỗ, là người Na Uy, tên Anders Behring Breivik, 32 tuổi. Cảnh sát sau đó nói rằng cả hai vụ khủng bố đều do tay này gây ra.
Thoạt đầu, khi vụ khủng bố mới được đưa lên truyền thông, có thông tin cho rằng có thể do các tổ chức Hồi giáo cực đoan gây ra. Thậm chí có thể liên quan đến vụ đánh bom tự sát tại thủ đô Stockholm vào tháng 12.2010, do một tổ chức tự xưng là chiến binh Hồi giáo. Lý do là vì Thụy điển có gửi quân tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan. Mới đầu tổ chức này cũng đã đứng ra nhận là thủ phạm vụ khủng bố tại Na Uy, cũng với lý do như với Thụy Điển!
Thông tin này khiến cộng đồng Hồi giáo nhập cư trên đất Na Uy lo ngại. Ngay trong ngày đầu tiên khi vụ khủng bố mới xảy ra, trên mạng facebook có những bạn trẻ là người Palestine, Iraq…đang sống tại Na Uy liền viết những status chia sẻ trước thảm kịch kinh hoàng, đồng thời hy vọng chính phủ Na Uy không vì sự kiện này mà có cái nhìn hay chính sách khác đi với cộng đồng Hồi giáo. Một bạn trẻ Hồi giáo lập một event tên là “Stå sammen mot terror” (“Đoàn kết chống khủng bố”) để bày tỏ sự chia sẻ. Một bạn gái khác, người Palestine thì tức giận viết trên facebook rằng có ai đó đã gọi điện cho cô lúc 3 giờ sáng ngày 23.7 để hỏi: “Tại sao mày đánh bom Oslo?”!
Nỗi lo ngại của cộng đồng người Hồi giáo ở Na Uy không phải là không có cơ sở khi ngày càng nhiều những vụ khủng bố trên thế giới có liên quan đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan, khiến cho thế giới có cái nhìn e ngại về cộng đồng Hồi giáo nói chung!
Nhưng sau đó thông tin về thủ phạm rõ dần. Theo cảnh sát, có vẻ như tay này hành động một mình, không có tổ chức nào phía sau. Và hóa ra, hắn là một tay Cơ đốc giáo, có quan điểm chính trị cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và chống đạo Hồi. Hành động của hắn, trước hết, có vẻ nhắm vào Thủ tướngJens Stoltenberg, đảng Lao động và những chính sách nhập cư của đảng này.
Là một quốc gia giàu có, diện tích khá rộng nhưng dân số lại quá ít, chính phủ Na Uy từ lâu nay đã mở rộng vòng tay đối với dân nhập cư. Hiện tại, dân nhập cư tại Na Uy chiếm khoảng hơn 600.000 người trên tổng số hơn 4,9 triệu người-một tỷ lệ khá cao và vẫn đang còn tăng lên. Những năm gần đây, số lượng dân nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo ở Nam Á, vùng Trung Đông và cả châu Phi như Pakistan, Palestine, Iraq, Afghanistan, Syria, Somalia, Sudan…tăng khá nhanh. Ngay ở Oslo, cộng đổng Hồi giáo đã chiếm khoảng 70.000 người trên tổng số 500.000 người. Và không phải người Na Uy không có lúc lo ngại khi nghĩ đến đến điều này.
Dù sao, trước khi xảy ra vụ khủng bố ngày 22.7, Na Uy là một trong những quốc gia an bình nhất trên thế giới. Người Na Uy kể cả dân nhập cư đều rất an tâm mà sống, ít khi phải lo lắng, sợ hãi điều gì. Ngay cả tôi, một người mới đến đất nước này hơn 2 năm, cũng lây cái tính đó của dân Na Uy. Ỷ y vào sự bình yên ở Na Uy, nhiều khi tôi cứ hay để túi xách bừa bãi nơi công cộng mà không sợ bị mất cắp, mua đồ thì hay lơ đãng bỏ quên những món đã mua rồi sau đó hoặc hôm sau quay lại cũng chả sao, đi xe bus không bao giờ phải khư khư nắm lấy quai túi hay đưa mắt nhìn quanh phòng kẻ móc túi, rạch giỏ! Đi xem phim 11, 12 giờ đêm mới về nhà mà không sợ hãi, dù không phải không có những trường hợp bị hiếp hay bị giết đã từng xảy ra ở thành phố này. Nhưng có thể vì số lượng quá ít, nên người ta vẫn cứ thản nhiên.
Nói gì đến những vụ nổ bom, khủng bố. Ấy vậy mà nó lại xảy ra.
TV, báo chí thế giới mấy ngày nay tràn ngập tin tức về vụ khủng bố tại Na Uy.
Cái ngày 22.7.2011 này rồi sẽ đi vào lịch sử Na Uy, đi vào ký ức người Na Uy như một thảm kịch khó quên, chẳng khác nào ngày 11.9.2001 đối với người Mỹ!
Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg nói rằng ông đã trải qua nhiều mùa hè ở trên hòn đảo Utøya, rằng thiên đường tuổi thơ của ông ngày hôm qua đã trở thành địa ngục “my childhood paradise that yesterday was transformed into Hell.” Từ câu nói này của ông mà một số tờ báo trên thế giới như CNN đã giật tít: “Paradise camp turned to hell”. Báo VNexpress của VN thì viết: “Na Uy-thiên đường bị đánh cắp”. Cái nhìn đó cũng có phần đúng, nếu nói đến cuộc sống bình yên, cởi mở, vô lo của mọi người tại quốc gia này.
Liệu cuộc sống yên bình đó có thay đổi, ít nhất là trong suy nghĩ của người dân hay chính sách của chính phủ Na Uy sau sự cố này? Chưa biết, nhưng người ta thấy có những thay đổi trong suy nghĩ của người dân Na Uy.
Trên facebook, nếu gõ cái tên Anders Behring Breivik , đã kịp có hàng chục nhóm, hàng chục trang khác nhau chống lại nhân vật này. Bằng tiếng Anh như “Burn Anders Behring Breivik “, “I hate Anders Behring Breivik”, “Antifan page: Anders Behring Breivik”, “Die Anders Behring Breivik”, “Fuck Anders Behring Breivik”…Tiếng Na Uy như “Hvorfor Anders Behring Breivik Hvorfor?” (Tại sao Anders Behring Breivik tại sao?”), “Drep Anders Behring Breivik” (Giết Anders Behring Breivik) v.v… Không thể đếm xuể những câu chửi, sự phẫn nộ dành cho nhân vật này của các bạn trẻ, trong đó tất nhiên phần lớn là dân Na Uy. Các bạn căm giận đến mức đòi chính phủ sửa luật Na Uy để xử từ hình y (lâu nay luật pháp Na Uy không có tử hình, tội nặng nhất cũng chỉ phải chịu 21 năm tù).
Một cái gì đó đã thay đổi.
Như trang giấy đã bị xé rách toang, không thể trở lại nguyên lành như cũ.
Bài bình luận
Số liệu sai rồi
Đã chỉnh sửa lại. Cảm ơn
Lam quen
Dân chủ.