Song Chi.
Nhân ngày nhà báo VN 21.6, xin post lại một bài viết cũ từ năm ngoái. Vì nhận thấy tình trạng này vẫn chả có gì khá hơn, nếu không muốn nói là ngược lại, trong ngành báo chí ở VN.
Đã từng có những năm làm báo viết ở Việt Nam trước khi làm “báo hình”, làm phim, tôi nhận thấy một sự thật đáng buồn, đó là ở Việt Nam đạo đức của đa số người làm báo dường như càng ngày càng xuống thấp. Và tuy ở Việt Nam cũng có luật báo chí, nhưng các vụ vi phạm luật vẫn diễn ra đều đều mà chẳng mấy khi thấy nhà báo nào bị kiện, nếu có bị kiện thì việc xét xử cũng chẳng đến đâu. Vả chăng, hình như ngay chính người dân cũng chẳng biết liệu mình có quyền kiện báo chí không, và cái quyền ấy đến đâu.
Nếu thử đặt câu hỏi với một số nhà khoa học, giáo sư, nghệ sĩ… đã nhiều lần “được” hay “bị” báo chí phỏng vấn, chắc chắn nhiều người trong số họ từng có những “kinh nghiệm đau thương” với giới làm báo. Những “tai nạn” thuộc loại “nhỏ như con thỏ” như câu trả lời bị người viết (vô tình) viết nhầm, viết sai một vài chữ, một vài ý là chuyện vẫn xảy ra hoài; thậm chí không phải không có những phóng viên phỏng vấn một đằng viết một nẻo, câu người ta nói thì cắt gọt, biên tập đi, giựt tít lên thành ra mang một màu sắc, ngữ nghĩa khác hẳn.
Trong giới nghệ sĩ vẫn hay gặp những chuyện như thế này: có những phóng viên dùng báo chí để hù dọa người nghệ sĩ theo kiểu nếu không mời tôi đi dự chương trình ca nhạc này, buổi chiếu phim kia, hoặc tặng album nhạc mới ra, tặng sách… thì rồi anh, chị sẽ nhận được một bài phê bình chê bai không thương tiếc về tác phẩm của mình. Có những phóng viên còn lập thành nhóm, thành băng để cùng nhau viết bài khen, chê. Rủi cho nghệ sĩ nào mà tác phẩm không được họ thích hoặc có điều gì làm họ không hài lòng thì họ sẽ cùng nhau “đánh hội đồng” tơi bời trên ba, bốn tờ báo cùng lúc!
Thời buổi kinh tế thị trường, dưới sức ép của việc phải có người đọc, báo chí Việt Nam hầu hết phải thương mại hóa, “lá cải hóa” để thu hút lượng người đọc bình dân. Và cách thức dễ thấy nhất là khai thác chuyện đời tư của giới nghệ sĩ. Có một điều đáng nói là báo chí ở Việt Nam hầu như không có khái niệm gì về sự tôn trọng hay bảo mật những thông tin cá nhân.
Thỉnh thoảng, khi đọc báo Na Uy, tôi nhận ra rất nhiều điểm khác nhau giữa cách viết bài, đưa tin của báo chí Na Uy với báo chí Việt Nam ở nhà. Một ví dụ nhỏ: trong các bài báo, hoặc tin tức của Na Uy, những thông tin, chi tiết có tính cách cá nhân của các nhân vật được đề cập đến rất ít khi được công bố. Những tin thuộc loại “tào lao, giải trí” thường chỉ như thế này: một bà cụ sống ở vùng… nhận được giấy báo của bưu điện gửi đến về một khoản thanh toán khá lớn cho những cuộc sex phone mà bà cụ chưa bao giờ xài đến; hay người đàn ông sống ở vùng… bị buộc tội đã gửi những tin nhắn có nội dung khiêu dâm cho chính con gái của mình v.v… Không có tên, tuổi, hình ảnh, không có bất cứ một thông tin gì khác.
Tôi đem cái thắc mắc của mình đi hỏi một người quen là một phụ nữ Malaysia lấy chồng người Na Uy và đã sống ở Na Uy 26 năm, chị cho biết ở Na Uy luật báo chí có điều khoản cấm các nhà báo đưa bất cứ thông tin cá nhân, hình ảnh nào của ai đó nếu không được sự cho phép của họ. Ngay cả nếu có một vụ giết người xảy ra (phải nói là ở Na Uy những án mạng như vậy rất hiếm hoi), các thông tin cá nhân về nạn nhân dứt khoát không được công bố đã đành, mà ngay cả tên tuổi thủ phạm cũng vậy. Tôi bẻ lại, tại sao lại không công bố thông tin về thủ phạm, cần phải cho mọi người biết về thủ phạm để mà còn phòng tránh chứ. Nhưng không, luật pháp Na Uy không cho phép, chưa kể, ở Na Uy không có luật tử hình tội phạm, kể cả giết người cũng chỉ bị ở tù một số năm, mức án cao nhất ở Na Uy là tù 21 năm mà thôi, nên kẻ phạm tội sau khi thi hành án, vẫn còn nhiều năm để sống tiếp cuộc đời của mình. Và họ cần phải được sống như bất cứ một người nào khác, không ai biết về quá khứ của họ để mà phán xét, xa lánh họ. Tôi lại thắc mắc nếu bất cứ cái tin nào cũng chỉ thấy ghi sơ sài như thế, làm sao biết là tin đó có thật không, hay lỡ phóng viên ngồi một chỗ phịa ra, vì có vẻ rất dễ phịa ra hàng chục cái tin kiểu như vậy. Người bạn tôi trả lời hầu như không có chuyện đó, đó là sự trung thực, danh dự của người làm báo cần phải giữ được. Và lại dù không công bố trên báo chí nhưng trong cơ quan của phóng viên đó, hay xếp của anh ta phải biết là tin đó có thật hay không trước khi quyết định đăng lên.
Nghe xong tôi chợt nghĩ đến báo chí ở Việt Nam. Phải nói là so với báo chí ở Na Uy chẳng có nhiều chuyện để mà khai thác (vì đất nước họ quá… bình yên) thì báo chí Việt Nam bây giờ hầu như ngày nào cũng có đủ chuyện, tha hồ cho người dân đọc… giải trí (!); từ chuyện hậu trường, scandal, ngồi lê đôi mách… về đời tư của giới văn nghệ sĩ, cho đến những chuyện cướp, giết, hiếp…, những vụ án hình sự đủ các kiểu v.v… Viết về những chuyện như vậy vừa dễ câu khách vừa khỏi sợ mang vạ vào thân như khi đụng đến những vấn đề bị nhà nước xếp vào loại “nhạy cảm” như mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cách hành xử của nước láng giềng và thái độ của chính quyền, vụ khai thác bauxite Tây Nguyên, cho thuê rừng đầu nguồn, những xung đột, khiếu kiện của dân oan, hay giáo dân v.v… Và thế là các báo tha hồ khai thác đời tư giới nghệ sĩ, nhiều khi quá đà.
Như trường hợp một nam nghệ sĩ hài vừa rời khỏi trung tâm cai nghiện một thời gian nay lập gia đình mới, báo chí đua nhau đưa tin về đám cưới của anh, phỏng vấn anh, phỏng vấn người vợ mới của anh chưa đủ, còn phỏng vấn cả người vợ cũ có tâm trạng như thế nào khi nghe tin chồng cũ lấy vợ mới! Phải nói là vô cùng thiếu tế nhị! Một ngôi sao ca nhạc chuẩn bị làm mẹ khi chưa có đám cưới, thế là báo chí xông vào khai thác cuộc tình hiện tại của cô, lật cả “hồ sơ tình ái” từ trước đến nay của cô với rất nhiều chi tiết, nhận xét… Nhiều khi vô cùng ác ý đến nỗi nếu dễ bị tổn thương, người ta hẳn có thể tự tử được, hoặc cuộc tình hiện tại có thể vì thế mà bị ảnh hưởng nặng nề khi người đàn ông đọc thấy quá khứ của người yêu bị phơi trần trên mặt báo cho hàng ngàn, hàng triệu người mua vui.
Song, tất cả những chuyện bới móc đời tư đó dù sao cũng có thể hiểu được, con người ở đâu trên thế giới này hình như cũng thích “tám” chuyện, ngồi lê đôi mách, nhất là chuyện về giới nghệ sĩ thì dân tình càng thích. Và đã là nghệ sĩ, là người của công chúng thì dù ở Việt Nam, Hàn Quốc hay ở Mỹ cũng đều bị săm soi, “chiếu tướng” như nhau, đối mặt với những tin đồn như nhau, ở Mỹ đội ngũ paparazzi có lẽ còn kinh khủng hơn!
Nhưng thiếu lương tâm nghề nghiệp nhất là cái cách đưa tin về những vụ án, những bi kịch gia đình, xã hội… đằng sau những cái chết…
Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, năm 2004, có một nhạc sĩ trẻ tự tử chết tại nhà riêng ở Sài Gòn. Báo chí đã đưa tin rất tỉ mỉ từ việc nhạc sĩ này chết trong tư thế không mặc quần áo ra sao, cho tới chuyện đời tư của nhạc sĩ, những lời đồn đại về giới tính, những vụ kiện về tiền bạc… Như thế, báo chí đã giết người nhạc sĩ bất hạnh ấy thêm một lần nữa, và làm cho gia đình, người thân của người nhạc sĩ này thêm đau đớn. Bởi, tại hiện trường có lẽ nhiều nhất chỉ chừng vài chục người biết được tình trạng của người nhạc sĩ khi chết cũng như những chuyện đời tư của anh, nhưng khi báo chí tung lên thì có hàng triệu người đọc. Chưa kể, trong trường hợp người nhạc sĩ này, nghe đâu một trong những nguyên nhân đưa đến việc anh trầm uất, phẫn chí và tự tử như chính dân trong nghề báo đã tiết lộ, là từ một số bài báo trước đó đã khai thác về đời tư của anh và khi chết, anh có để lại thư tuyệt mệnh ghi rõ tên nhà báo nào đã viết bài ác ý về mình!
Một sự việc khác, vào năm 2006, có một nữ diễn viên điện ảnh bị bắt vì tội làm gái bán dâm cao cấp, báo chí đua nhau khai thác, đưa ra đầy đủ mọi chi tiết từ việc cô bán dâm giá bao nhiêu, (thậm chí có cả bài báo viết về vụ cô lấy giá quá cao, bị nhiều người… phản ứng và có thể sẽ bị phạt vì tội… “phá giá” này!), lần cuối cùng là khi nào v.v… Và sau khi cô đã bị đưa vào Trung tâm giáo dục dạy nghề phụ nữ thì các phóng viên vẫn tiếp tục bám theo đến tận trung tâm để có những bài viết về tâm trạng, cuộc sống của cô trong giai đoạn này như thế nào! Không một ai trong số các phóng viên viết bài có ý nghĩ rằng dù sao thì cuộc đời cô diễn viên này còn rất dài, còn bao nhiêu năm để có thể làm lại và trở thành người vợ, người mẹ… Vậy phải chăng chỉ cần những thông tin vắn tắt là cô đã bị bắt vì hành vi bán dâm đã là quá đủ, có nên viết quá rõ mọi chi tiết như vậy hay không? May sao, cuối cùng rồi cuộc đời cô diễn viên này cũng có được một cái kết có hậu, cô đã lập gia đình và sống bình yên.
Hầu như ở Việt Nam bây giờ không có ngày nào mở các tờ báo ra mà không có những cái chết, những vụ án mạng các kiểu, với mức độ ngày càng đa dạng, tinh vi, man rợ hơn. Báo chí càng có nhiều chuyện để viết bài và bán báo. Và chẳng cần bận tâm gì đến hậu quả của những bài viết của mình. Cách đây khoảng 1 năm có vụ Giám đốc một công ty dịch vụ bảo vệ bị giết để cướp tài sản, báo chí đã đưa ra những thông tin từ việc nạn nhân là một người đồng tính và đã có quan hệ đồng tính với kẻ thủ ác trước khi chết như thế nào, chi tiết của sự việc ra sao…, phỏng vấn cả cha, cả vợ nạn nhân… Không hiểu khi những bài báo này được đăng lên thì cuộc sống của người vợ và những đứa con của nạn nhân sẽ thế nào? Hình như có ít nhất một trường hợp ở Việt Nam, con gái của một nhân vật có chức có quyền bị dính vào vào một đường dây ăn chơi có tên là vụ án Đường Sơn quán, bị báo chí khui ra cách đây nhiều năm, đã tự tử chết vì không chịu nổi dư luận!
Gần đây nhất, vụ một thanh niên thuộc loại có học thức ở Hà Nội giết người yêu cũ rồi chặt đầu để phi tang, trước sự nóng sốt của dư luận, báo chí càng đua nhau khai thác quá mức cần thiết. Có báo khai thác tới 6, 7 bài về vụ này. Không chỉ mặt mũi, tên tuổi kẻ thủ ác được trưng ra trên báo, mà cả tên tuổi nạn nhân, và cả người yêu mới của hung thủ, các chi tiết về đời tư… Sao những người làm báo không nghĩ rằng những người thân của kẻ thủ ác cũng như nạn nhân và những người liên quan rồi còn phải sống tiếp cuộc đời của họ?
Còn trong những “vụ án” có liên quan đến những người bất đồng chính kiến, những người hoạt động dân chủ… thì thôi khỏi nói. Cả mạng lưới báo chí truyền thông của nhà nước Việt Nam tha hồ xúm vào bôi nhọ, vu khống, lên án… họ; nào bịa đặt về đời tư, tư cách, nhân thân…, nào gán cho họ đủ thứ từ ngữ, tội danh, và kết tội họ ngay trước khi tòa án bắt đầu. Nhưng đó lại là một vấn đề lớn khác của báo chí Việt Nam, cần phải được đề cập riêng trong một bài viết khác.
Giới làm báo có những người vô tư (!) không coi luật báo chí, đạo đức, lương tâm ra gì, nhưng điều đáng nói là hình như ở Việt Nam người dân không hề biết mình có những quyền gì đối với giới truyền thông, báo chí (hoặc có biết mà không dám làm vì biết làm cũng chẳng đến đâu?). Ví dụ như quyền giữ im lặng hoặc từ chối trả lời những câu hỏi khiếm nhã của phóng viên, quyền khiếu kiện đến cùng nếu phóng viên đưa tin, viết bài sai… Rải rác cũng có những vụ kiện xâm phạm đời tư, đưa thông tin sai, nhưng cũng chẳng thấy ai bị trừng phạt gì nghiêm trọng. Có phải vì vậy mà báo chí cứ tha hồ muốn viết gì thì viết?
Nói như vậy không có nghĩa là không có những nhà báo tử tế, có tâm và có tầm. Nhưng những điều nói trên đang là tình trạng chung của báo chí Việt Nam hiện nay. Suy cho cùng, trong một xã hội như xã hội Việt Nam, khi sự sa sút về đạo đức nghề nghiệp, sự tha hóa trong nhân cách con người và sự lỏng lẻo về mặt luật pháp đang diễn ra tràn lan trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực thì báo chí cũng không là ngoại lệ.
Bài bình luận
Nguyen Xuan Toan