Kami
-
Hầu như mỗi chúng ta ai cũng biết đến cái cân, một dụng cụ xác định trọng lượng của đồ vật hay hàng hoá, nó gắn liền với đời sống xã hội trong việc mua, bán trao đổi hàng ngày. Còn về mặt chữ nghĩa thì cái cân dùng để chỉ sự công bằng, có hai phía ngang bằng nhau, không lệch về bên nào. Có lẽ vì thế biểu tượng của Toà án ở các nước đã được người ta dùng hình tượng cái cân ở vị trí thăng bằng, để nói lên sự công bằng cần phải có của công lý.
Từ cái cân ngoài chợ - công cụ của kẻ cướp giữa ban ngày…
Ai đã từng sống ở Việt nam thời chế độ bao cấp bằng tem phiếu thì biết, thời đó cái gì cũng thiếu thồn và khan hiếm. Chỉ duy nhất các cửa hàng của Quốc doanh mới có bán các hàng hoá nhu yếu phẩm cho cuộc sống của người dân. Dù hàng hoá bán phân phối bằng tem phiếu, nhưng do hàng hoá quá khan hiếm, người mua thì đông xếp hàng dài dằng dặc. Nên mua được hàng cũng là một niềm sung sướng của mọi người. Thời đó còn nhớ khi đi xếp hàng mua thịt, trong một rừng người với những cánh tay cầm tem phiếu chen lấn, xô đẩy cộng với tiếng hò hét để cố giành mua được trước của người mua. Bà mậu dịch viên nhận tiền và phiếu xong, thì tay phải xẻo một miếng thịt , rồi tay trái ném mạnh lên cái cân bàn, đồng thời khi cái kim chỉ trọng lượng của cái cân còn chưa đứng yên thì bà ta cầm miếng thịt ném mạnh trước mặt người mua như của bố thí cho kẻ ăn mày. Sự việc diễn ra nhanh như chớp mắt, khi người mua còn chưa biết họ bán cho mình trọng lượng bao nhiêu, cân có đúng không?
Hình ảnh không thể nào quên của thời bao cấp đã qua
Tuy nhiên đó chỉ là tình cảnh của đa số dân chúng lớp dưới, cán bộ, công nhân, viên chức. Còn tầng lớp cán bộ trung, cao cấp trong bộ máy đảng chính quyền thì đã có các cửa hàng phục vụ riêng. Như cửa hàng ở phố Nhà thờ, cửa hàng ở phố Tông đản, chả thế thời ấy có câu ca:
Tông đản là của vua quan.
Nhà thờ là của trung gian nịnh thần.
Đồng xuân là của thương nhân.
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.
Có lẽ cái thói gian dối, được hình thành từ cái thời đó, thời của CNXH (cả ngày xếp hàng) và đã ngấm sâu vào máu của người Việt nam từ Nam chí Bắc. Hình thành nên một cái tập quán vô ý thức, chen lấn khi xếp hàng và thói quen gian lận trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là trong việc buôn bán. Tệ nạn này ngày càng phát triển, không chỉ trong giới hạn của cân trọng lượng, mà nó lan sang cả công cụ đong đếm trong việc bán xăng dầu của các trạm bán xăng, rút bớt kích thước đường kính của thép xây dựng v.v... Ngày nay, tuy cơ chế kinh té thị trường tự do đã thay cho cơ chế kinh tế bao cấp, bây giờ không còn cảnh chen chúc xếp hàng rồng rắn như xưa, nhưng ngoài chợ, cân điêu vẫ là chuyện phổ biến, tình trạng 1kg chỉ ăn 9 lạng, thậm chí 8 lạng là chuyện thường ngày ở huyện.
Tôi có cô em gái, chả biết học ai, kể rằng mỗi khi ra chợ là cô ta thủ sẵn chùm chìa khoá (đã được cân trước bằng cân trong phòng thí nghiệm) để ra chợ “thử cân” trước khi mua. Đối với những người như vậy, mấy bà bán hàng đã quen mặt thì họ không lừa được, nhưng họ nói thẳng sẽ bán với giá cao hơn một chút, nhưng cân cho đủ. Chuyện cái khôn của đàn bà như vừa kể cũng chẳng hay ho gì, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người biết để làm được như thế?
Thực ra trong việc cân, đo, đong đếm nhà nước đã có các văn bản pháp lệnh, quyết định hay nghị định về việc tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn về thương mại, đo lường, chất lượng hàng hóa, thực phẩm, v.v.. , ngoài ra còn có Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng hầu như những văn bản pháp luật đó của chính quyền không có tác dụng bắt buộc người dân thực hiện, mà nó bị coi thường. Chuyện tưởng chừng nhỏ, nhưng nó đã làm cả xã hội điêu đứng vì sự điêu chác, đã có hệ thống từ hàng chục năm nay. Nhưng không có cơ quan, hay cấp chính quyền nào đứng ra giải quyết, hoặc nếu có giải quyết thì chỉ theo kiểu phong trào mang tính bắt cóc bỏ đĩa, như: “Tháng cao điểm”, “Ra quân” v.v... Mà người ta không biết rằng chỉ từ những chuyện tưởng chừng nhỏ, nhưng nó đã dẫn tới những hệ luỵ không lường hết, làm băng hoại cả một xã hội.
Đến cái cân công lý… thiếu cán
Như chúng ta đã biết luật pháp là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, luật pháp được Nhà nước đảm bảo thực hiện, sự đảm bảo đó chính là quyền lực của Nhà nước. Luật pháp được được thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế và luật pháp thông thường được thực thi thông qua một hệ thống tòa án trong đó quan tòa sẽ nghe tranh tụng từ các bên và áp dụng các quy định để đưa ra phán quyết công bằng và hợp lý. Cách thức mà luật pháp được thực thi được biết đến như là hệ thống pháp lý, thông thường phát triển trên cơ sở tập quán tại mỗi quốc gia.
Bản chất của luật pháp phản ánh bản chất của Nhà nước đặt ra nó. Nhà nước kiểu nào thì pháp luật kiểu đó. Trong mối quan hệ với đạo đức, pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Pháp luật luôn phản ánh đạo đức của lực lượng lãnh đạo xã hội. Chính vì vậy, luật pháp có tính chất giai cấp. Luật pháp còn có tính xã hội vì nó chứa đựng những chuẩn mực chung được số đông trong xã hội ủng hộ. Nếu không thì luật pháp sẽ bi chống đối, hay nói một cách khác nhà nước đó đã bị dân chúng thách thức, bất tuân lệnh.
Từ lập luận đó, trở lại với tình hình thực thi luật pháp ở Việt nam hiện nay, cái cán cân công lý dùng để chỉ sự công bằng, nó có hai phía ngang bằng nhau, hay nó đang lệch về bên nào? Hay cái cân công lý hiện nay đang thiếu cán cân? Nếu cái cân công lý của một chính quyền nhà nước mà thiếu cán, thì người ta hình dung ra nó như cái cân móc, thường để trong cái làn đi chợ của mấy bà nội trợ.
Các vị quan toà của Toà án Việt nam bây giờ, những người nhân danh cho Nước Cộng hoà XHCN Việt nam. thay vì căn cứ vào các văn bản luật pháp quy định để luận tội đúng, sai với các bị cáo, để đưa ra phán quyết công bằng và hợp lý. Bây giờ họ dùng cái cân móc của nền công lý Việt nam để móc hàm người ta lên một cách trắng trợn, như cách hành xử của Hội đồng xét xử của Toà ân Nhân dân Hà nội trong vụ án xét xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011 vừa qua là một ví dụ điển hình. Và ngược lại, thì là cách xét xử của Toà án Nhân dân tỉnh Hà giang trong vụ án Hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm và môi giới bán dâm học trò của mình cho các quan chức tỉnh Hà giang. Xét xử như thế, với những kẻ bất đồng thì trừng phạt sao cho vừa lòng quan trên, ngược lại, với đồng bọn của họ, thì họ cố tình bỏ lọt người, bỏ sót tội thì xin hỏi còn đâu, còn cái gì để gọi là công lý gì nữa?
Trong lịch sử xã hội của loài người từ xưa cho đến nay cho thấy, một xã hội ổn định, thịnh vượng tồn tại lâu dài được là khi luật pháp được thượng tôn và áp dụng công bằng, bình đẳng cho mọi đối tượng trong xã hội, không phân biệt địa vị, thành phần. Câu chuyện Bao Thanh thiên, là một bài học về sự nghiêm minh và công bằng của luật pháp, cho dù nó còn trong giai đoạn chế độ phong kiến. So với câu chuyện lịch sử đó, để nhìn lại chế độ đang hiện hữu ở Việt nam hiện nay do đảng CSVN lãnh đạo thì sẽ thấy nó còn thua kém quá xa một hình thái chế độ đã bị đào thải về mặt nghiêm minh và sự công bằng của pháp luật.
Trong các văn bản, nghị quyết của đảng CSVN và chính quyền của họ luôn luôn nói đến chuyện xây dựng Nhà nước, thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là trọng tâm quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta. Nhưng thực tế lại cho thấy là một chuyện hoàn toàn trái ngược, mà hình như nó là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của họ, do họ, vì họ.
Còn nhân dân chúng ta, có lẽ họ coi chỉ là loại các con bị lừa, hay như Giáo sư Ngô Bảo Châu nói thẳng là những con Cừu.
Ngày 14/5/2011
—————————–
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
22.5.2011
nguoi dân phản ảnh còn bi đe dọa
trung
Chào Kami
Đạo Văn