You are here

Tự do internet toàn cầu năm 2010

Việt Hà, phóng viên RFA
2011-04-18
Tổ chức Freedom House có trụ sở tại New York, Mỹ vừa đưa ra bản báo cáo về tự do internet trên toàn cầu năm 2010 hôm 18 tháng 4.

AFP photo
Một người truy cập internet trên điện thoại di động ở Malaysia hôm 15/8/2010

Bản báo cáo lần này tìm hiểu về tự do internet tại 37 nước trên khắp các châu lục. Đây là nghiên cứu mở rộng tiếp theo một nghiên cứu thử nghiệm trước đây vào năm 2009 của tổ chức này cũng về tự do internet tại 15 nước. Việt Hà phỏng vấn bà Sarah Cook, chuyên gia nghiên cứu châu Á của Freedom House, đồng tác giả của nghiên cứu này.
Đang xuống dốc
Trước hết bà Sarah Cook giới thiệu nghiên cứu lần này:
Trong nghiên cứu mới lần này, chúng tôi tìm hiểu về tự do internet và một phần về tự do trên điện thoại di động tại 37 nước trên thế giới trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2010.
Chúng tôi nghiên cứu các thành tố bao gồm trong tự do internet trong đó có một yếu tố là những trở ngại trong việc truy cập internet của người dân. Trong yếu tố này chúng tôi không chỉ nhìn vào vấn đề về kinh tế hay hạ tầng cơ sở ảnh  hưởng đến việc truy cập internet mà cả về quyền sở hữu của các công ty cung cấp dịch vụ, sự tự do trong việc lựa chọn các ISP, và mức độ kiểm soát của nhà nước với hạ tầng cơ sở trong lĩnh vực này.
Ngoài ra chúng tôi cũng nhìn vào nội dung, các yếu tố liên quan đến kiểm duyệt không chỉ nhằm vào các blog mà các nội dung trên net khác. Chúng tôi cũng xem xét sự vi phạm quyền sử dụng internet của người dân, ở đây chúng tôi xem xét yếu tố về quy định luật pháp, chế tài, việc bỏ tù những blogger và những người sử dụng net khác do các hoạt động của họ trên internet, rồi việc giám sát internet và các vụ tấn công mạng.
Việt Hà: Xin bà cho biết về những kết quả đáng chú ý trong nghiên cứu lần này là gì?
Sarah Cook: Kết quả chung cho thấy là tự do internet đang xuống dốc, và đang phải chịu nhiều sức ép tại nhiều nước trên thế giới. Thường thì mọi người cứ nghĩa là tự do internet chỉ xảy ra ở các nước như Trung Quốc, Miến Điện hay Iran, nhưng trên thực tế chúng tôi thấy là tự do internet bị hạn chế ở nhiều nước khác nữa bao gồm cả nước có dân chủ, bao gồm cả một số nước ở phương tây.
Trong số 15 nước đã được nghiên cứu lần trước và trong cả lần này thì có 9 nước có tình trạng tự do internet đang đi xuống ở mức độ nhẹ, và ở nhiều nước khác thì tự do interenet đang đi xuống một cách đáng kể. Và ngay cả ở một số nước được nghiên cứu trong lần đầu, chỉ nhìn vào các phân tích và nhận xét của mọi người thì một nửa trong số đó cho thấy chiều hướng bất lợi.
Đây là kết quả đáng chú ý trong nghiên cứu lần này và vì thế theo tôi chúng ta không nên coi nhẹ vấn đề tự do internet, ngay kể cả ở một số nước nơi mà internet dường như tự do hơn các phương tiện truyền thông chủ yếu khác, thì chúng ta cũng không thể chủ quan cho rằng tự do internet sẽ luôn được duy trì ở mức độ tốt như ban đầu. Bởi vì với nghiên cứu này chúng ta đang nhìn thấy sự cách biệt về tự do internet với tự do báo chi truyền thống khác đang dần thu nhỏ lại.

Tại 12 nước trong số 37 nước nghiên cứu lần này, chính phủ đã tạm thời hoặc vĩnh viễn ngăn chặn việc sử dụng các công cụ mạng xã hội này.
Bà Sarah Cook

Xét về mặt địa lý những vùng mà chúng tôi thấy có nhiều đàn áp trên internet, thì có thể thấy đây như là một phản ứng đối với sự bùng nổ của internet, càng ngày càng có nhiều người sử dụng internet, số lượng người truy cập internet trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, và tại các nước đang phát triển thì con số này là gấp 3.
Như vậy nếu nhìn vào các con số cụ thể, chúng ta có thể thấy là có sự dịch chuyển số nguời vào internet ngày một nhiều tại các nước châu Á, hoặc trung đông và một số nước Nam Mỹ. Đồng thời với sự gia tăng người truy cập internet, ngày một nhiều người truy cập các mạng xã hội như facebook, youtube, hay twitter.
Và khi càng có nhiều người sử dụng internet và tham gia các mạng xã hội thì chính phủ các nước càng gia tăng hạn chế người dùng vào internet hay tham gia các mạng xã hội. Tại 12 nước trong số 37 nước nghiên cứu lần này, chính phủ đã tạm thời hoặc vĩnh viễn ngăn chặn việc sử dụng các công cụ mạng xã hội này.
Việt Hà: Theo nghiên cứu lần này thì những biện pháp hạn chế tự do internet phổ biến mà chính phủ các nước hiện đang áp dụng?
Sarah Cook: Chính phủ các nước sử dụng nhiều cách thức đa dạng để hạn chế tự do internet. Họ có thể bắt đầu bằng việc ngăn chặn các website, đó là các trang web cá nhân hoặc của các tổ chức về quyền con người, hoặc chặn toàn bộ một ứng dụng như facebook hay twitter.
Chính phủ các nước có thể can thiệp vào các nội dung trên internet, tức là thuê người viết và công bố các thông tin để hướng dẫn sai cho người sử dụng internet, đưa ra các luận điệu tuyên truyền cho chính phủ trên mạng. Cách khác nữa là chính phủ bắt bớ những người viết blog, rồi tấn công mạng là một cách thức khá phổ biến hiện nay đối với một số trang mạng như ở Việt Nam.
VN theo chân TQ?
Việt Hà: Vậy đánh giá về tự do internet tại Việt Nam trong nghiên cứu lần này ra sao?

Ngoại trưởng Hillary Clinton nói về tự do internet và dân chủ tại Đại học George Washington hôm 15/2/2011. Photo courtesy of state.gov

Sarah Cook: Tình hình ở Việt Nam đã trở nên xấu đi trong vòng 2 năm qua, mặc dù chưa được xếp vào cùng hạng với Trung Quốc, Miến Điện. Việt Nam có điểm số 73 trong thang điểm 100, có nghĩa là Việt Nam nằm trong số các nước không có tự do internet. Chúng tôi thấy những họat động điển hình từ chính phủ là ngăn chặn website, đặc biệt là các trang web tiếng Việt nói về nhân quyền, chính trị hoặc các website chỉ trích đảng cộng sản.
Một số website tiếng Anh cũng bị chặn dù không nhiều như các trang tiếng Việt. Một số trang bị chặn như trang về nhân quyền, hoặc trang tin. Điểm nổi bật nữa trong vòng 2 năm qua ở Việt Nam là việc truy tố bắt giam của các blogger và những người hoạt động trên internet liên quan đến các họat động của họ trên internet. Tình hình này thêm căng thẳng vào cuối năm 2010 trước đại hội Đảng.
Cho nên nhìn chung, Việt Nam bị liệt vào danh sách các nước có nhiều áp lực trên internet. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể truy cập internet sử dụng công cụ tìm kiếm trên google, khác hẳn với Trung Quốc.
Việt Hà: Có những lo ngại là Việt Nam sẽ theo gương Trung Quốc mà xiết chăt hơn nữa tự do internet, bà nhận xét thế nào về lo ngại này?
Sarah Cook: Rất có thể là Việt nam sẽ theo gương Trung Quốc và khắc nghiệt hơn với tự do internet, cho nên vấn đề là cộng đồng quốc tế phải quan tâm và tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ không theo bước Trung Quốc. Bởi vì bằng nhiều cách khác nhau, cộng đồng quốc tế có nhiều tác động đối với chính phủ Việt Nam để họ không thực hiện các chính sách đàn áp như Trung Quốc đang làm.
Nói điều này, tôi cũng cần phải là mặc dù Việt Nam áp dụng một số biện pháp của Trung Quốc nhưng họ không áp dụng đến mức như Trung Quốc cho nên có thể có hy vọng, vì người dân Việt Nam vẫn có nhiều tự do truy cập internet hơn người dân Trung Quốc. Cho nên chúng ta có thể có hy vọng, nhưng cũng không thể loại bỏ khả năng về những sức ép hơn nữa từ chính phủ khi càng ngày càng có nhiều người sử dụng internet.
Chúng ta phải xem là người dùng internet trong nước kết hợp cùng với các nhà hoạt động chính trị xã hội bên ngoài làm thế nào để tạo sức ép lại lên chính phủ Việt nam, khiến họ không thể tiếp tục đàn áp những cư dân mạng.

Rất có thể là Việt nam sẽ theo gương Trung Quốc và khắc nghiệt hơn với tự do internet, cho nên vấn đề là cộng đồng quốc tế phải quan tâm và tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ không theo bước Trung Quốc.
Bà Sarah Cook

Việt Hà: Những người thực hiện nghiên cứu này hy vọng nghiên cứu có thể giúp gì cho người dân tại các nước mà tự do internet đang bị hạn chế?
Sarah Cook: Điều quan trọng là đưa ra cho mọi người thấy đâu là vấn đề, cho họ thấy tình hình thực tế là gì, đối với những nước cụ thể ví dụ như Việt Nam, đó là việc cho người dân thường biết về tình hình hiện tại là gì, và họ có thể biết là tự do internet đang bị hạn chế theo những cách nào, và họ có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trước hiện trạng những người viết blog đang bị bắt giữ.
Cho nên mục đích chính của chúng tôi là chỉ ra đâu là vấn đề, những mối nguy nằm ở đâu, đâu là những nước có nguy cơ cao, các thách thức là gì để người dân trong và ngoài nước có thể phát triển các biện pháp để giúp đưa ra các chính sách để đưa mọi thứ đi theo đúng hướng.
Việt Hà:
Cảm ơn bà đã dành cho đài Á châu Tự do buổi phỏng vấn này.
 
Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/threats-to-internet-freedom-vh-04...

Bài bình luận

I think this board is the proper place to ask you about the activation proccess. My link is not working properly, do you know why it is happening? <a href="http://rfavietnam.com/?5e4dce2e9bb032d3976b95ec699">http://rfavietnam.com/?5e4dce2e9bb032d3976b95ec699</a>,