Kami
Hôm rồi có gặp anh bạn học cũ đang công tác tại Thanh tra Bộ Y tế, vì có biết rằng tôi có viết blog anh ta khuyên các ông viết blog cũng nên nhớ câu của người Tầu dạy những người buôn bán. Đó là “Để buôn bán thành công thì quan trọng nhất là người bán đừng lấy ý thích của cá nhân mình để áp đặt cho người mua” và anh ta giải thích rõ hơn, đó là không phải những gì mình thích là tất cả mọi người cùng thích, bởi theo anh ta thì nhiều khi mình thích nhưng khách hàng lại không chuộng, như vậy hàng sẽ không bán được.
Rồi anh ấy có khuyên tôi, viết blog cũng vậy, muốn viết để vì sự tiến bộ của dân trí và xã hội thì các ông nên viết về những vấn đề thiết thực liên quan tới cuộc sống dân chúng hàng ngày thì họ mới đọc và thấm. Chứ cứ viết mãi về chính trị để chửi rủa và tố cáo chế độ mà xa rời thực tế kiểu báo lề trái như hiện tại sẽ không có hiệu quả và khả năng thuyết phục như mong mốn. Rồi anh bạn kể cho tôi nghe chuyện bất cập trong việc quản lý giá bán thuốc chữa bệnh của Bộ Y tế, vời lời phàn nàn đầy bức xúc “Chúng nó đang giết người không dao ông ạ. Ông viết được, viết giúp cho dân họ biết, nguy hiểm quá!”. Nghe xong chuyện anh ta kể tôi cũng giật mình, đúng là chuyện nhỏ mà không hề nhỏ đặc biệt với các đối tượng là người lao động nghèo, có thu nhập thấp. Đó là vấn đề quản lý giá thuốc chữa bệnh, đây là một vấn đề bất cập lớn mà cần có sự chấn chỉnh kịp thời từ phía chính quyền nhà nước đang mang danh “Của dân, do dân và vì dân”.
Giá thuốc dù giảm hay tăng bao nhiêu, người bệnh vẫn phải mua.
Ai cũng biết ngoài việc kiếm tiền để đảm bảo cái ăn, cái mặc trong cuộc sống bình thường của một con người, thì có một số nhu cầu cần thiết không thể thiếu được đó là y tế và giáo dục. Đặc biệt là vấn đề y tế , bởi quy luật của con người là sinh – lão – bệnh – tử, thử hỏi có mấy ai cả cuộc đời không hề có một lần đặt chân vào bệnh viện hay không? Dù biết rằng nền kinh tế của Việt nam còn chậm phát triển do cơ chế thiếu minh bạch, yếu kém trong quản lý, từ đó dẫn tới các vấn đề an sinh xã hội nhà nước chưa có khả năng ngân sách để đáp ứng khám chữa bệnh miễn phí 100% cho tất cả dân chúng như các nước khác trong khu vực, đặc biệt là vấn đề khám chữa bệnh cho người có thu nhập thấp. Mặt khác cần phải hiểu rằng tâm lý của gia đình người bệnh ai cũng như nhau, đó là có bệnh thì phải vái tứ phương, với phương châm “xa mấy cũng đi – đắt mấy cũng chi”, miễn sao người thân của họ tai qua nạn khỏi. Dựa vào yếu điểm của tâm lý này của người bệnh, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc chữa bệnh đã móc nối với các người có trách nhiệm trong quản lý giá bán thuốc chữa bệnh để trục lợi bất chính rồi chia chác một cách có hệ thống và tổ chức.
Được biết, căn cứ Luật Dược và các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý giá thuốc của nhà nước thì các doanh nghiệp phân phối thuốc được quyền tự định giá, cạnh tranh về giá và cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát và sử dụng các biện pháp nhằm đảm bảo sự bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh. Tất cả các thuốc trước khi lưu hành đều phải thực hiện việc kê khai giá thuốc, trong đó có giá bán buôn dự kiến của thuốc và theo quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá kê khai và không được bán cao hơn giá bán buôn đã kê khai. Nghĩa là Nhà nước đã quy định cụ thể buộc các Doanh nghiệp phân phối thuốc phải kê khai khung giá bán và yêu cầu rõ sau khi được duyệt giá bán nếu cần điều chỉnh giá mà vẫn trong hạn mức giá đã đăng ký thì không phải xin phép. Nhưng ngay từ khâu duyệt khung giá do doanh nghiệp phân phối thuốc đề nghị, thì các cơ quan quản lý – cụ thể là Cục Quản lý dược – Bộ Y tế chỉ căn cứ vào bản kê khai của Doanh nghiệp mà không hề có một sự kiểm tra hay đối chiếu nào.
Thừa cơ hội đó các Doanh nghiệp đã tuỳ tiện khai khống và tự ý điều chỉnh giá thuốc cao chót vót do biết rằng người dân mắc bệnh thì giá cao bao nhiêu cũng đành phải mua. Bằng chứng là mới đây, qua kiểm tra của thanh tra y tế tại một số trung tâm buôn bán dược phẩm ở Hà Nội và TPHCM đã phát hiện nhiều doanh nghiệp, cửa hàng tăng giá bán nhiều loại thuốc đặc trị từ 30% – 90%, có những Doanh nghiệp, sau khi bị buộc phải điều chỉnh lại giá giảm tới 65% vẫn cao hơn giá hiện đang bán. Ví dụ, theo báo Tuổi Trẻ cho biết “Cùng một hoạt chất Ginkgo Biloba viên uống 40mg, khảo sát tại TP.HCM thấy có nơi kê đơn biệt dược 500 đ/viên, có nơi kê loại biệt dược 3.500đ/viên. Hay cùng hoạt chất Cefaclor, có nơi mua thuốc 1.100đ/gói, có nơi lại mua loại 8.000đ/gói“. Hay theo báo CAND cũng cho biết “… ở ngõ Văn Hương (Tôn Đức Thắng, Hà Nội), cùng loại Ammocilline nội 500mg, nhưng một cửa hàng bán giá 6.000đ/vỉ, còn cửa hàng cách đó vài chục mét lại bán 9.000đ/vỉ, một lọ Kakama giá 27.000đ ở cửa hàng thuốc tại ngõ Văn Hương, trong khi ở Văn Miếu lại là 33.000đ; một lọ canxi nhập từ Mỹ, 2 cửa hàng cùng trên phố Quốc Tử Giám bán chênh nhau tới 15.000đ v.v..“
Như vậy thấy rõ sự khai khống vô tội vạ của các Doanh nghiệp phân phối thuốc chữa bệnh đã mang lại cho họ số lợi nhuận khổng lồ một cách phi lý và còn có một nghịch lý trong khuyến mãi thuốc hiện nay là bệnh nhân, khách hàng quan trọng nhất của sản phẩm, lại không được hưởng khuyến mãi mà khâu trung gian phân phối sản phẩm là các nhà thuốc, thầy thuốc được hưởng. Điều lạ lùng là trước thực trạng đó, những những người có trách nhiệm của Bộ Y tế vẫn cho là: Thuốc chữa bệnh không phải là mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá, vì thế nên Bộ Y tế chỉ quan tâm là đảm bảo không thiếu thuốc trên thị trường, thuốc bảo đảm chất lượng và còn giá thì họ không quan tâm (!?). Trên thực tế thì thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu, cần tuân thủ pháp lệnh giá, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa về kiểm soát chi phí sản xuất, không phải doanh nghiệp hoàn toàn có quyền định giá như Bộ Y tế nói.
Xin đừng quên thị trường thuốc chữa bệnh của Việt Nam là một thị trường rất lớn, khoảng 32.000 tỉ đồng/năm, trong đó 9.000 tỉ do bảo hiểm chi trả và có sự tham gia kinh doanh của nhiều Doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau và chuyện hiện nay các doanh nghiệp dùng “phong bì” tỷ lệ phần trăm (%) để bôi trơn cho các cán bộ thuộc các cơ quan quản lý giá thuốc khi duyệt giá là tình trạng rất phổ biến và công khai. Khoản lãi khổng lồ từ kinh doanh thuốc chữa bệnh của các Doanh nghiệp đương nhiên chảy vào túi của họ sau khi đã phải chi chác cho các cấp theo luật bất thành văn. Nhưng đừng quên rằng tất cả những khoản lợi nhuận bất chính đó, có được là do sự cố tình, có tổ chức và thành hệ thống từ các cơ quan quản lý của Nhà nước và các Doanh nghiệp phân phối thuốc chữa bệnh một cách vô nhân đạo để đồng lòng hòng móc túi người bệnh và gia đình họ.
Giá thuốc chữa bệnh luôn là đề tài nóng bỏng trong dư luận hiện nay mà báo chí đã nhắc đến quá nhiều. Và cũng đã có rất nhiều nhiều chỉ thị, quy định của các cấp, các ngành kể cả của Quốc hội. Nhưng hình như trong lúc người dân luôn luôn kỳ vọng rằng cơ quan quản lý sẽ đưa ra những biện pháp quản lý triệt để, để giá thuốc không còn “loạn” như hiện nay bao nhiêu, thì trong thực tế họ chỉ nhận thấy sự im lặng đáng sợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước bấy nhiêu.
Có lẽ vì không ít những ai đó đang bị há miệng mắc quai. Qủa là không ngoa khi dư luận đang cho rằng “Quản lý giá thuốc chữa bệnh ở Việt nam – Họ (Nhà nước) đang giết người nghèo không dao”.
Ngày 18/4/2011
—————–
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
Không có gì tách ra khỏi chính trị được.
ở vn , hồn ai nấy giữ
Đây chính là định hường XHCN